Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN1 ngày 03/10/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 432/2000/QĐ-NHNN1
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 03-10-2000
- Ngày có hiệu lực: 18-10-2000
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 29-08-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-10-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3663 ngày (10 năm 0 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-10-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 432/2000/QĐ-NHNN1 | Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 432/2000/QĐ-NHNN1 NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 2000 VỀ NGHIỆP VỤ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN BẰNG VÀNG, BẰNG VNĐ BẢO ĐẢM GIÁ TRỊ THEO GIÁ VÀNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 và Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ vê nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Cho phép các tổ chức tín dụng có giấy phép hoạt động ngoại hối được huy động vốn có kỳ hạn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của dân cư theo các quy định tại Quyết định này nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn bằng vàng, bằng tiền để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống.
Điều 2.
Vàng huy động là vàng miếng hoặc vàng trang sức quy đổi ra vàng miếng theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép sản xuất vàng miếng.
Điều 3.
1. Tổ chức tín dụng tự chịu trách nhiệm về hiệu quả và tính an toàn trong việc huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
2. Tổ chức tín dụng quyết định lựa chọn loại vàng miếng huy động và làm cơ sở để quy đổi các loại vàng trang sức khi huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
3. Khi huy động và cho vay vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng, tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận giá vàng quy đổi trên cơ sở giá mua, giá bán của loại vàng miếng được chọn lựa trên thị trường tại thời điểm quy đổi.
Điều 4.
1. Tổ chức tín dụng quy định mức lãi suất huy động vốn bằng vàng, lãi suất huy động VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng, lãi suất cho vay vàng, lãi suất cho vay VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh doanh của mình để đảm bảo bù đắp chi phí, bù đắp rủi ro và có lãi.
2. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm công bố công khai và niêm yết tại nơi huy động vốn và cho vay vốn các mức lãi suất huy động, mức lãi suất cho vay, giá mua và giá bán vàng cho khách hàng biết.
Điều 5.
1. Tổ chức tín dụng huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn; trường hợp huy động vốn VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng được thực hiện dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn hoặc phát hành chứng chỉ huy động VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng. Kỳ hạn huy động tối thiểu của các hình thức này là 30 ngày.
2. Chứng chỉ huy động vàng, chứng chỉ huy động VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng là cam kết của tổ chức tín dụng đối với người gửi vàng, người gửi tiền trong đó quy định rõ các điều kiện về khối lượng vàng, chất lượng vàng, số tiền VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng quy đổi, thời hạn, lãi suất, ngày đến hạn, cách thức trả gốc, trả lãi; các điều kiện về chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, thừa kế, cầm cố vay vốn và các điều kiện khác.
Điều 6.
1. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện dự trữ bắt buộc bằng VNĐ đối với nguồn vốn huy động bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng theo như quy định hiện hành về dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng VNĐ tính trên toàn bộ nguồn vốn huy động bằng vàng quy đổi ra VNĐ và nguồn vốn huy động bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
2. Nguồn vốn huy động bằng vàng làm cơ sở để tính dự trữ bắt buộc được quy đổi ra VNĐ theo giá mua vàng của tổ chức tín dụng đối với loại vàng miếng được lựa chọn vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ xác định dự trữ bắt buộc.
Điều 7.
1. Tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn huy động bằng vàng để cho vay bằng vàng đối với khách hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống hoặc chuyển đổi thành nguồn vốn bằng tiền để cho vay bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng và để đáp ứng các nhu cầu kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Trường hợp tổ chức tín dụng chuyển đổi nguồn vốn huy động bằng vàng thành nguồn vốn bằng tiền thì nguồn vốn chuyển đổi thành tiền không được vượt quá 30% nguồn vốn huy động bằng vàng.
Điều 8.
Việc cho vay vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng được thực hiện theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 284/2000/QĐ-NHNN1 ngày 25/8/2000 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Điều 9.
Tổ chức tín dụng có trách nhiệm:
1. Ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể thực hiện quy định tại Quyết định này và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh doanh và điều lệ của tổ chức tín dụng.
2. Gửi thông báo đến chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố (nơi tổ chức tín dụng đóng trụ sở chính) kèm theo văn bản hướng dẫn nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng. Thời hạn gửi thông báo chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
3. Thực hiện các kiến nghị của Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố liên quan đến nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của tổ chức tín dụng.
4. Báo cáo bằng văn bản tình hình huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng cho Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phối (nơi tổ chức tín dụng đóng trụ sở chính) theo định kỳ hàng tháng, quý, năm. Thời hạn báo cáo như sau:
- Đối với báo cáo tháng: Chậm nhất vào ngày 10 tháng tiếp theo.
- Đối với báo cáo quý: Chậm nhất vào ngày 10 tháng đầu quý tiếp theo.
- Đối với báo cáo năm: Chậm nhất vào ngày 15 tháng 1 năm sau.
Điều 10.
Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm:
1. Tiếp nhận và xem xét các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ huy động sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; Trường hợp phát hiện các nội dung không phù hợp với quy định tại Quyết định này, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố có văn bản kiến nghị tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trước khi thi hành.
2. Thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn theo đúng các quy định tại Quyết định này và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đảm bảo an toàn vốn của người gửi, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh và hiệu quả, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Hàng tháng, quý, năm, báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ, Thanh tra ngân hàng, Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) tình hình huy động và sử dụng nguồn vốn huy động bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Thời hạn báo cáo như sau:
- Đối với báo cáo tháng: Chậm nhất vào ngày 15 tháng tiếp theo.
- Đối với báo cáo quý: Chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu quý tiếp theo.
- Đối với báo cáo năm: Chậm nhất vào ngày 20 tháng 1 năm sau.
Điều 11.
Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:
1. Vụ Kế toán - Tài chính: Hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
2. Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện dự phòng rủi ro khi huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
3. Vụ Chính sách tiền tệ: Nghiên cứu tình hình huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng để kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung những quy định về nghiệp vụ huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng.
4. Thanh tra ngân hàng: Giám sát, thanh tra về hoạt động huy động và sử dụng vốn bằng vàng, bằng VNĐ bảo đảm giá trị theo giá vàng của các tổ chức tín dụng; xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm các quy định tại Quyết định này.
Điều 12.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 42/QĐ-NH1 ngày 21 tháng 2 năm 1992 về việc huy động vốn và cho vay đảm bảo giá trị theo vàng, các văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định số 42/QĐ-NH1 ngày 21 tháng 2 năm 1992, Quyết định số 57/QĐ-NH1 ngày 31 tháng 3 năm 1992 về lãi suất huy động vốn và cho vay đảm bảo giá trị theo giá vàng, Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 191/1999/QĐ-NHNN1 ngày 31 tháng 5 năm 1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.
Điều 13.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng có giấy phép hoạt động ngoại hối chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Dương Thu Hương (Đã ký) |