cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 95/2000/QĐ-BTC ngày 09/06/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về Quy chế quản lý, thu nộp và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 95/2000/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 09-06-2000
  • Ngày có hiệu lực: 14-09-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-08-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1790 ngày (4 năm 11 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 08-08-2004
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-08-2004, Quyết định số 95/2000/QĐ-BTC ngày 09/06/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về Quy chế quản lý, thu nộp và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 57/2004/QĐ-BTC ngày 28/06/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành đến ngày 31/12/2003 hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95/2000/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 95/2000/QĐ-BTC NGÀY 9 THÁNG 6 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, THU NỘP VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ SẮP XẾP VÀ CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 cuả Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 177/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước;
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công văn số 32/VPCP-ĐMDN ngày 19 tháng 5 năm 2000 của Văn phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, thu nộp và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày Quyết định số 177/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành và thay thế Quyết định số 01/1998/QĐ-BTC ngày 02/01/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền bán cổ phần và lợi tức cổ phần của Nhà nước.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thi hành Quyết định này.

Điều 3: Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ SẮP XẾP VÀ CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 95/2000/QĐ-TC ngày 9 tháng 6 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1:

 THÀNH LẬP VÀ NGUỒN HÌNH THÀNH QUỸ

Điều 1: Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước nhằm giải quyết chế độ cho người lao động, tạo điều kiện và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi phương thức quản lý, cụ thể là các doanh nghiệp thực hiện chia tách, sáp nhập, cổ phần hoá, giao, khoán, bán, cho thuê theo quy định tại Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 và Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ, Quyết định số 177/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2: Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là Quỹ sắp xếp doanh nghiệp) được thành lập ở 3 cấp Trung ương, địa phương và Tổng Công ty 91; cụ thể là:

1. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương:

Nguồn vốn của Quỹ này được hình thành từ: các nguồn thu khi thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành quản lý; các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Chính phủ và các Bộ, ngành để thực hiện sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; Ngân sách Trung ương cấp theo kế hoạch hàng năm (nếu có).

2. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp địa phương:

Nguồn vốn của Quỹ này được hình thành từ các khoản thu khi thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý; các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho địa phương để thực hiện sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và ngân sách địa phương cấp theo kế hoạch hàng năm (nếu có).

3. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở Tổng công ty 91:

Nguồn vốn của Quỹ này được hình thành từ các khoản thu khi thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước là thành viên của Tổng công ty 91; các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Tổng công ty để thực hiện sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Điều 3: Các nguồn thu cụ thể từ doanh nghiệp vào Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tại 3 cấp nói trên bao gồm:

1. Tiền thực thu từ bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hoá (bao gồm cả tiền thu cổ phần bán trả chậm cho người lao động).

2. Tiền thu được từ các hoạt động bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước (sau đó bán lại cho người nhận thuê) sau khi trừ chi phí phục vụ cho việc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; thanh toán các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thanh toán các khoản nợ có đảm bảo và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật.

3. Tiền thu từ việc chuyển nhượng cổ phần của người lao động ở các doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện hình thức giao cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp (thu 30% giá trị cổ phần tại thời điểm được giao doanh nghiệp).

4. Tiền thu từ việc thu hồi các khoản công nợ khó đòi đã được xử lý, bán các tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản thanh lý đã loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu sau khi trừ chi phí phục vụ cho các hoạt động nhượng bán, thanh lý tài sản, thu hồi công nợ.

5. Tiền thu về bán các tài sản của các doanh nghiệp nhà nước bị giải thể, sau khi trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động giải thể doanh nghiệp, thanh toán các khoản nợ như quy định tại Thông tư số 25/TC/TCDN ngày 15/5/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục, nguyên tắc xử lý tài chính khi giải thể doanh nghiệp nhà nước.

6. Cổ tức và các khoản thu nhập được chia từ phần vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH được hình thành trên cơ sở thực hiện chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước hoặc do các doanh nghiệp này góp bằng vốn Nhà nước.

Điều 4: Đối với khoản tiền thu về bán phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá hiện đang gửi ở tài khoản "tiền gửi thu về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước" thì tuỳ theo cấp quản lý doanh nghiệp, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc chuyển tiền về tài khoản của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tương ứng.

Đối với các Tổng công ty 90 (có Hội đồng quản trị) thuộc Bộ quản lý ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có doanh nghiệp thành viên thực hiện chuyển đổi sở hữu thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, cơ quan quản lý quỹ có thể xem xét giải quyết cho để lại Tổng công ty tiền thu từ bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thành viên thực hiện chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo phương án sử dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5: Các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty 91 chỉ đạo các ban, ngành chức năng:

1. Phối hợp với cơ quan Tài chính doanh nghiệp cùng cấp kiểm tra các khoản chi phí cho việc chuyển đổi sở hữu ở các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý và xác định số tiền doanh nghiệp phải nộp vào Quỹ.

2. Đôn đốc các doanh nghiệp trực thuộc có thực hiện chuyển đổi sở hữu, Ban thanh lý tài sản và Hội đồng giải thể doanh nghiệp (thuộc Bộ, địa phương, Tổng công ty quản lý) nộp ngay vào Quỹ số tiền thu được từ việc bán, giao, cổ phần hoá doanh nghiệp, thanh lý, nhượng bán tài sản của các doanh nghiệp bị giải thể hoặc tài sản và thu hồi các khoản công nợ không tính vào giá trị doanh nghiệp trước khi thực hiện chuyển đổi sở hữu (sau khi trừ đi các khoản chi phí theo chế độ).

3. Người đại diện phần vốn của Nhà nước góp tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc phân phối và trích chuyển kịp thời các khoản thu nhập được chia (tương ứng với phần vốn Nhà nước góp ở doanh nghiệp này) vào tài khoản của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp.

Chương 2:

SỬ DỤNG QUỸ

I. GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH VÀ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN SẮP XẾP CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU

Điều 6: Trước khi thực hiện sắp xếp hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) và Ban đổi mới tại doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với công đoàn doanh nghiệp:

1. Lập danh sách và phân loại số lao động hiện có của doanh nghiệp thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu theo các đối tượng:

a. Lao động thuộc diện đào tạo, đào tạo lại để bố trí việc làm mới.

b. Lao động bị mất việc.

c. Lao động tự nguyện thôi việc.

d. Lao động hết hạn hợp đồng.

2. Lập phương án giải quyết chính sách cho số lao động này theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Phương án giải quyết chính sách cho người lao động của các doanh nghiệp phải xác định rõ:

a. Tổng số chi phí để giải quyết chính sách cho người lao động.

b. Khả năng tự thanh toán của doanh nghiệp từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm.

c. Số còn thiếu đề nghị Quỹ hỗ trợ.

3. Danh sách và phương án giải quyết chính sách cho người lao động thuộc diện được đào tạo lại để bố trí công việc mới, lao động hết hạn hợp đồng hoặc tự nguyện thôi việc, lao động không bố trí được việc làm, phải được công bố công khai tại doanh nghiệp và gửi cùng đề án sắp xếp hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp cho cấp có thẩm quyền để xét duyệt và cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp để theo dõi, phối hợp.

Điều 7: Mức hỗ trợ từ Quỹ cho việc đào tạo và đào tạo lại để giải quyết việc làm mới cho người lao động để tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp sau khi thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu trong phương án nói tại Điều 6 được xác định như sau:

1. Đối với số lao động thuộc diện được đào tạo, đào tạo lại tại các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện chia tách, sáp nhập: Mức hỗ trợ của quỹ bằng 50% định mức kinh phí do Nhà nước quy định cho 1 năm đào tạo và đào tạo lại; phần chi phí đào tạo còn thiếu doanh nghiệp hạch toán và phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh.

2. Đối với số lao động thuộc diện được đào tạo, đào tạo lại các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê: hỗ trợ theo chi phí thực tế phát sinh nhưng không vượt quá định mức kinh phí do Nhà nước quy định cho 1 năm đào tạo và đào tạo lại; phần chi phí đào tạo còn thiếu doanh nghiệp hạch toán và phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh.

3. Định mức chi phí đào tạo và đào tạo lại được điều chỉnh thích hợp trong từng thời kỳ, trước mắt áp dụng theo định mức chi đào tạo đã được Bộ Tài chính quy định và áp dụng từ năm 1998 (Phụ biểu đính kèm).

Điều 8. Mức hỗ trợ từ Quỹ để thanh toán các khoản trợ cấp cho người lao động bị mất việc, thôi việc (hết hạn hợp đồng hoặc tự nguyện chấm dứt hợp đồng) ở các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu trong phương án nói tại Điều 6 được xác định như sau:

Mức hỗ trợ từ Quỹ sắp xếp doanh nghiệp


=

Chi phí trợ cấp cho người lao động thôi việc, mất việc


-

Số dư quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp

- Chi phí trợ cấp thôi việc, mất việc theo chế độ được quy định tại Bộ luật Lao động, Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994, Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 9: Căn cứ vào phương án và mức hỗ trợ từ Quỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp tiến hành:

- Lập hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý Quỹ chuyển tiền hỗ trợ.

- Tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ Quỹ.

- Tổ chức chi trả cho các đối tượng.

- Thanh quyết toán với Quỹ sắp xếp doanh nghiệp.

Điều 10: Hồ sơ đề nghị Quỹ hỗ trợ bao gồm:

- Phương án hỗ trợ để giải quyết chính sách cho người lao động ở doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (kèm theo danh sách người lao động được hưởng trợ cấp và mức trợ cấp được hưởng).

- Bản sao báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu.

- Hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo (trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở tự đào tạo).

Điều 11. Quyết toán kinh phí:

Đối với các khoản trợ cấp mất việc, thôi việc: chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, doanh nghiệp hoặc tổ chức được tiếp nhận và sử dụng nguồn hỗ trợ từ Quỹ phải báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ với cơ quan quản lý Quỹ.

Đối với khoản hỗ trợ về đào tạo và đào tạo lại: chậm nhất là 30 ngày sau khi kết thúc chương trình đào tạo, đào tạo lại, doanh nghiệp phải báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ với cơ quan quản lý Quỹ.

3. Trường hợp chưa sử dụng hết kinh phí, doanh nghiệp phải báo cáo rõ nguyên nhân và hướng xử lý với cơ quan quản lý Quỹ và cơ quan phê duyệt phương án hỗ trợ để xin ý kiến.

4. Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ cuả doanh nghiệp cơ quan quản lý Quỹ phải thực hiện công tác kiểm tra báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ với doanh nghiệp hoặc tổ chức được tiếp nhận.

II. HỖ TRỢ VÀ ĐẦU TƯ VỐN CHO DOANH NGHIỆP:

Điều 12: Bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước theo các phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

1. Bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước cần ưu tiên củng cố.

2. Bổ sung vốn cho các doanh nghiệp có số vốn nhà nước không đủ để thực hiện chính sách ưu đãi về giá bán cổ phần cho người lao động theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt như quy định tại Điều 14 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ.

3. Bổ sung vốn cho các doanh nghiệp có số vốn nhà nước không đủ để đảm bảo tỷ trọng vốn nhà nước chi phối.

Đối với các doanh nghiệp loại này mức hỗ trợ của Quỹ được xác định trên cơ sở: Tỷ trọng vốn Nhà nước cần thiết phải duy trì trong cơ cấu vốn điều lệ của doanh nghiệp theo phương án chuyển đổi sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và số vốn nhà nước thực tế có ở doanh nghiệp.

4. Bổ sung vốn cho các doanh nghiệp có tỷ trọng vốn Nhà nước trên vốn kinh doanh thấp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xử lý các khoản nợ quá hạn và cơ cấu lại nợ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trước khi chuyển đổi.

Đối với doanh nghiệp loại này mức hỗ trợ của Quỹ được xác định trên cơ sở: Phương án cơ cấu lại nợ trước khi thực hiện chuyển đổi sở hữu của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số nợ vay quá hạn và khả năng thanh toán thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm có quyết định thực hiện chuyển đổi sở hữu.

Điều 13. Đầu tư vốn cho những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá.

1. Hình thức hỗ trợ: Mua lại cổ phiếu do các doanh nghiệp nói trên phát hành để thực hiện dự án đầu tư.

2. Mức và phạm vi hỗ trợ từ Quỹ:

Đối với những doanh nghiệp nhà nước cần thiết phải giữ cổ phần chi phối: Quỹ sắp xếp doanh nghiệp thực hiện sự hỗ trợ vốn (mua lại cổ phiếu) cho doanh nghiệp theo phương án hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến độ thực hiện dự án và tỷ trọng cổ phần Nhà nước cần thiết phải duy trì trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp.

Điều 14: Hỗ trợ thanh toán nợ những doanh nghiệp nhà nước thực hiện giao, bán, cho thuê:

1. Đối với các doanh nghiệp thực hiện giao cho tập thể người lao động: Quỹ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ thanh toán nợ bảo hiểm xã hội cho những doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tại thời điểm có quyết định giao doanh nghiệp do hoạt động sản xuất kinh doanh trước đó bị lỗ.

2. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thực hiện bán, cho thuê (sau đó bán lại cho người nhận thuê): Quỹ sắp xếp doanh nghiệp chỉ hỗ trợ thanh toán các khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ vay Ngân hàng, nợ phải trả khác trong trường hợp không người mua nào chịu kế thừa nợ và các khoản thu từ các hoạt động cho thuê, bán doanh nghiệp, thu hồi công nợ phải thu, số dư vốn bằng tiền tại thời điểm bán không đủ thanh toán. Việc chi thanh toán hỗ trợ nói trên chỉ được thực hiện trên cơ sở quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 15: Các doanh nghiệp thuộc đối tượng được Quỹ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ, bổ sung vốn ở các Điều 12, Điều 13, Điều 14 nói trên, khi có nhu cầu phải lập phương án đề nghị Quỹ hỗ trợ kèm theo các tài liệu có liên quan (kế hoạch thực hiện cổ phần hoá, giao bán, cho thuê doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn hoặc xác nhận; Quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phương án phát hành cổ phiếu, phương án cơ cấu lại nợ trước khi thực hiện chuyển đổi sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo tài chính doanh nghiệp...) gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt phương án hỗ trợ; đồng thời gửi cơ quan quản lý Quỹ để có ý kiến và phối hợp thực hiện.

Khi phương án hỗ trợ được duyệt, doanh nghiệp gửi cơ quan quản lý Quỹ để thực hiện việc hỗ trợ.

Điều 16: Các doanh nghiệp được tiếp nhận các khoản hỗ trợ, bổ sung vốn Quỹ có trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Quỹ và cơ quan tài chính doanh nghiệp. Nếu phát hiện hành vi sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ sai mục đích và vi phạm chế độ, cơ quan quản lý Quỹ và cơ quan tài chính doanh nghiệp phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Hội đồng quản trị các Tổng công ty 91 để có quyết định thu hồi và xử lý vi phạm theo pháp luật hiện hành.

Chương 3:

 QUẢN LÝ QUỸ

I. PHÂN CẤP QUẢN LÝ QUỸ

Điều 17: Việc quản lý trực tiếp các quỹ được phân cấp và thực hiện theo Điều 4 của Quyết định số 177/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể là:

1. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý và được dùng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý trong quá trình sắp xếp và chuyển đổi sở hữu; giải quyết chế độ cho người lao động ở các doanh nghiệp này, Bộ Tài chính thực hiện việc cấp phát trên cơ sở các phương án sử dụng tiền thu từ hoạt động chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước đã được các Bộ quản lý ngành phê duyệt và khả năng cân đối nguồn Quỹ.

2. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Quyết định phê duyệt phương án và các khoản chi hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý trong quá trình sắp xếp và chuyển đổi sở hữu; giải quyết chế độ cho người lao động ở các doanh nghiệp này.

3. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở các Tổng công ty 91 do Hội đồng Quản trị các Tổng công ty quản lý, quyết định phê duyệt phương án và các khoản chi hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty trong quá trình sắp xếp và chuyển đổi sở hữu; giải quyết chế độ cho người lao động ở các doanh nghiệp này.

Điều 18: Cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 thực hiện công tác quản lý Quỹ.

1. Cục Tài chính doanh nghiệp là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của hệ thống Quỹ sắp xếp doanh nghiệp; thẩm định các phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành; tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở các doanh nghiệp trung ương; kiểm tra báo cáo quyết toán hàng năm của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp và trực tiếp quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương.

2. Sở Tài chính - Vật giá là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương; kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở các doanh nghiệp địa phương và thực hiện chức năng quản lý trực tiếp Quỹ sắp xếp doanh nghiệp địa phương.

3. Ban Tài chính hoặc phòng tài chính - kế toán Tổng công ty 91 là đơn vị giúp Hội đồng Quản trị thẩm định phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành viên, phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp ở các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty quản lý và thực hiện chức năng quản lý trực tiếp Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty 91.

Điều 19: Tài khoản của Quỹ

1. Quỹ sắp xếp doanh nghiệp được gửi tập trung tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, sử dụng và đổi tên tài khoản "tiền gửi thu về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước" trước đây thành tài khoản "Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp"; cụ thể:

a) Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương: được gửi vào tài khoản 945.06 do Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc người được uỷ quyền làm chủ tài khoản.

b) Quỹ sắp xếp doanh nghiệp địa phương: được gửi vào tài khoản 945.07 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố hoặc người được uỷ quyền làm chủ tài khoản.

c) Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty 91: được gửi vào tài khoản 945.08 do Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hoặc người được uỷ quyền làm chủ tài khoản.

2. Việc mở tài khoản, hạch toán và sử dụng tài khoản "Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp" theo hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước Trung ương.

II. KẾ HOẠCH HOÁ VÀ ĐIỀU HOÀ QUỸ:

Điều 20: Kế hoạch thu chi và điều hoà Quỹ sắp xếp doanh nghiệp.

1. Hàng năm, cùng với việc lập kế hoạch ngân sách, căn cứ vào kế hoạch sắp xếp và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty 91 chỉ đạo Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp phối hợp với cơ quan được uỷ quyền trực tiếp quản lý Quỹ lập kế hoạch thu và dự kiến các khoản chi từ Quỹ sắp xếp doanh nghiệp, báo cáo Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 phê duyệt và gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).

2. Căn cứ vào tình hình quản lý và sử dụng Quỹ trong năm báo cáo, kế hoạch sắp xếp và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp của các Bộ, các địa phương, các Tổng công ty và kế hoạch thu chi của các Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính kế hoạch sử dụng và điều hoà nguồn Quỹ trong phạm vi toàn quốc.

Điều 21: Điều hoà Quỹ:

1. Căn cứ vào quyết định điều động của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, cơ quan quản lý Quỹ được điều động phải làm thủ tục để chuyển tiền từ Quỹ về tài khoản của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương. Quá 15 ngày, nếu cơ quan quản lý Quỹ được điều động không thực hiện chuyển tiền thì Kho bạc Nhà nước nơi Quỹ mở tài khoản phải tự động thực hiện việc điều chuyển nguồn Quỹ theo Quyết định điều động của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương và thông báo cho cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp được điều động biết.

2. Căn cứ vào phương án hỗ trợ đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch của cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp được hỗ trựo, Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương thực hiện việc chuyển tiền hỗ trợ cho Quỹ sắp xếp doanh nghiệp địa phương và Tổng công ty 91 phù hợp với tiến độ thực hiện kế hoạch và trong mức được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương thực hiện kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp được hỗ trợ.

III. THANH TOÁN TRỢ CẤP VÀ HỖ TRỢ:

Điều 22: Quỹ sắp xếp doanh nghiệp chỉ thực hiện thanh toán các khoản trợ cấp và hỗ trợ cho người lao động và các doanh nghiệp thuộc đối tượng được thụ hưởng khi có đầy đủ hồ sơ, phương án hỗ trợ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 23: Trước khi thực hiện cấp phát, thanh toán, cơ quan trực tiếp quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp phải kiểm tra lại điều kiện, việc tính toán mức trợ cấp và hỗ trợ cho các đối tượng.

Trường hợp phát hiện có sai sót hoặc có điểm chưa rõ, cơ quan trực tiếp quản lý Quỹ phải báo cáo ngay với cơ quan phê duyệt mức và phương án hỗ trợ để kịp thời xem xét, điều chỉnh. Trường hợp cơ quan phê duyệt không có sự giải thích hợp lý, bổ túc hồ sơ, hoặc không điều chỉnh mức trợ cấp, cơ quan trực tiếp quản lý Quỹ phải thực hiện lệnh chi theo mức xác định lại và báo cáo Bộ trưởng để giải quyết.

Điều 24: Việc cấp phát thanh toán các khoản trợ cấp và hỗ trợ từ Quỹ cho người lao động và doanh nghiệp thực hiện sắp xếp và chuyển đổi sở hữu được thực hiện theo trình tự ưu tiên sau:

1. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

2. Hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động bị mất việc, thôi việc.

3. Hỗ trợ thanh toán các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

4. Hỗ trợ để thực hiện chính sách ưu đãi giá cho người lao động ở những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá có số vốn Nhà nước không đủ để thực hiện.

5. Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước cần ưu tiên củng cố để thực hiện chuyển đổi sở hữu.

6. Đầu tư vốn cho các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 25: Căn cứ vào Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và Uỷ nhiệm chi của cơ quan trực tiếp quản lý Quỹ, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển tiền trợ cấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng thụ hưởng.

Kho bạc Nhà nước không được sử dụng nguồn quỹ vào mục đích khác hoặc thanh toán các khoản chi trái với quy định của quy chế này.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO - KẾ TOÁN:

Điều 26: Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp có trách nhiệm mở sổ sách kế toán, hạch toán đầy đủ mọi khoản thu chi và lưu giữ chứng từ theo đúng chế độ Nhà nước quy định.

Năm tài chính của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết thúc vào 31 tháng 12. Năm tài chính đầu tiên được tính từ ngày quỹ bắt đầu hoạt động đến ngày kết thúc năm.

Điều 27: Định kỳ hàng tháng, quý, cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Quỹ sắp xếp doanh nghiệp địa phương; Hội đồng Quản trị Tổng công ty đối với Quỹ sắp xếp doanh nghiệp Tổng công ty 91) có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong các trường hợp cần thiết, Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp còn có trách nhiệm kịp thời báo cáo và giải trình những vấn đề có liên quan đến tình hình quản lý và sử dụng Quỹ theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 28: Kết thúc năm tài chính, trong phạm vi 45 ngày cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp phải chỉ đạo, đôn đốc việc lập và gửi báo cáo quyết toán Quỹ cho Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) để phối hợp kiểm tra, xem xét và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt và tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Báo cáo quyết toán quỹ phải phản ánh đầy đủ, trung thực tình hình Quỹ ở thời điểm lập báo cáo; tình hình thu chi và những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý Quỹ như: Các khoản chưa thu được hoặc chưa chi; các khoản chi vượt hoặc chưa có nguồn thanh toán... kèm theo xác nhận số dư Quỹ của Kho bạc Nhà nước nơi Quỹ mở tài khoản.

V. KIỂM TRA - QUYẾT TOÁN QUỸ

Điều 29: Quỹ sắp xếp doanh nghiệp chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ của các địa phương, các Tổng công ty 91. Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính lập kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra công tác quản lý sử dụng và sử dụng Quỹ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 30: Quyết toán Quỹ;

1. Hàng năm, cơ quan quản lý Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp có trách nhiệm quyết toán các khoản thu chi với Bộ Tài chính.

2. Trong phạm vi 90 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán Quỹ, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai thực hiện công tác kiểm tra báo cáo quyết toán Quỹ sắp xếp doanh nghiệp các cấp.

3. Kết quả kiểm tra quyết toán Quỹ được thông báo cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt.

Chương 4

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 31. Những hành vi vi phạm các điều khoản quy định trong Quy chế này, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.