cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 56/2000/QĐ-BTC ngày 19/04/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về Quy chế quản lý tài chính Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 56/2000/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 19-04-2000
  • Ngày có hiệu lực: 04-05-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-03-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2866 ngày (7 năm 10 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-03-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-03-2008, Quyết định số 56/2000/QĐ-BTC ngày 19/04/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về Quy chế quản lý tài chính Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC ngày 12/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về quy chế quản lý tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/2000/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 56 /2000/QĐ-BTC NGÀY 19 THÁNG 4 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện;
Để tăng cường công tác quản lý tài chính và khuyến khích việc đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân đối với các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tài chính và Chánh Văn phòng Bộ Tài chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý tài chính Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chủ tịch Hội đồng quản lý, Giám đốc các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

 

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56 /2000/QĐ-BTC ngày19 tháng 4 năm 2000)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện (sau đây gọi tắt là Quỹ) thành lập và hoạt động theo qui định tại Nghị định 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, theo nguyên tắc tự tạo vốn, trên cơ sở vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hoá, thể thao, khoa học, xã hội.

Quỹ tự trang trải chi phí cho hoạt động xã hội, từ thiện và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, không có nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Quỹ có tư cách pháp nhân, được phép mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.

Quỹ phải công khai tình hình huy động, quản lý và sử dụng quỹ theo quy định tại Quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với ngân sách nhà nước các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các doanh nghiệp nhà nước và các quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân và Thông tư số 29/1999/TT-BTC ngày 19 tháng 3 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn thu từ sự đóng góp của nhân dân.

Chương 2:

NGUỒN THU, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ.

Điều 3. Quỹ có các nguồn thu sau:

- Tiền và tài sản do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp tự nguyện và tài trợ cho Quỹ phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Tiền và tài sản của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ quyền cho Quỹ tài trợ có mục đích theo địa chỉ cụ thể, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ.

- Thu lãi từ tài khoản tiền gửi, các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

Điều 4. Sử dụng Quỹ

Quỹ được sử dụng cho các mục đích sau:

a - Tài trợ trực tiếp, không thu hồi cho các hoạt động phù hợp với Điều lệ hoạt động của Quỹ, cụ thể:

+ Tài trợ cho các chương trình, các đề án nhằm mục đích nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hoá, thể thao, khoa học, xã hội.

+ Tài trợ cho các tổ chức, cá nhân về những hoạt động phù hợp với mục đích, tôn chỉ của Quỹ;

+ Tài trợ theo sự uỷ quyền của tổ chức, cá nhân và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ. Quỹ có trách nhiệm thực hiện đúng theo sự uỷ quyền của các tổ chức và cá nhân tài trợ và theo quy định của pháp luật.

b- Chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ.

Việc sử dụng Quỹ do Giám đốc Quỹ quyết định, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ hoạt động đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua. Không được sử dụng quỹ vào các hoạt động khác không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ.

Điều 5. Nội dung chi cho hoạt động quản lý Quỹ bao gồm:

- Chi lương (phụ cấp, trợ cấp nếu có) cho bộ máy quản lý Quỹ.

- Chi thuê văn phòng làm trụ sở làm việc.

- Chi mua sắm, sửa chữa tài sản cố định phục vụ hoạt động của Quỹ.

- Chi vật tư văn phòng

- Chi thanh toán dịch vụ công cộng (tiền điện, nước, nhiên liệu, vệ sinh, môi trường).

- Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Hội đồng quản lý Quỹ phải ban hành quy chế cụ thể về quản lý, sử dụng quỹ, xây dựng các định mức chi phí cho các hoạt động của Quỹ. Tổng số chi cho hoạt động quản lý Quỹ không được vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ trong năm. Trường hợp trong năm số thu của Quỹ giảm quá thấp, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định mức chi tối thiểu cho hoạt động quản lý Quỹ, nhưng phải đảm bảo trong ba năm liền kề tổng số chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ.

Điều 6. Trách nhiệm của Quỹ trong công tác kế toán và quản lý tài chính:

- Quỹ phải tổ chức công tác kế toán - thống kê theo đúng các quy định của Pháp lệnh kế toán, thống kê; Chấp hành các chế độ, quy định về hoá đơn, chứng từ kế toán.

- Mở sổ theo dõi và thống kê đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ và được tài trợ, phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh.

- Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài chính và quyết toán thu, chi hàng năm cho cơ quan tài chính của cấp có thẩm quyền cho phép thành lập Quỹ.

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra về việc thu, quản lý và sử dụng quỹ của cơ quan tài chính có trách nhiệm quản lý Quỹ. Cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Ban kiểm soát Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ tình hình tài chính của Quỹ.

- Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm quản lý các hoạt động của Quỹ, chuẩn y các kế hoạch tài chính và thẩm tra báo cáo quyết toán của Quỹ.

- Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ có trách nhiệm công bố công khai các nội dung sau:

+ Danh sách và mức đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp, tài trợ cho Quỹ.

+ Báo cáo tài chính hàng quý và quyết toán năm của Quỹ theo từng nội dung thu-chi

Điều 7. Phụ trách kế toán của Quỹ.

Người được giao trách nhiệm Phụ trách kế toán của Quỹ có nhiệm vụ giúp Giám đốc Quỹ tổ chức, chỉ đạo thực hiện toàn bộ công tác kế toán, thống kê của Quỹ.

Tuyệt đối không được bổ nhiệm những người đã có tiền án, tiền sự, bị kỷ luật vì tham ô, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và vi phạm các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính làm Phụ trách kế toán của Quỹ.

Người được giao nhiệm vụ Phụ trách kế toán của Quỹ phải có đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

+ Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực.

+ Đối với Quỹ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép thành lập, Phụ trách kế toán phải có trình độ đại học kinh tế, tài chính, có chuyên môn kế toán và đã kinh qua công tác kế toán ít nhất là 2 năm.

+ Đối với Quỹ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ra quyết định thành lập, Phụ trách kế toán phải được đào tạo chuyên môn về kinh tế, tài chính và đã kinh qua công tác kế toán ít nhất là 1 năm.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, chuyển công tác đối với người được giao nhiệm vụ Phụ trách kế toán Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Quỹ hoặc trường hợp Phụ trách kế toán của Quỹ chuyển công việc khác thì phải hoàn thành việc quyết toán trước khi nhận việc khác và vẫn phải chịu trách nhiệm về các số liệu, báo cáo kế toán trong giai đoạn mình phụ trách cho đến khi bàn giao xong công việc cho người khác.

Chương 3:

XỬ LÝ TÀI SẢN KHI QUỸ BỊ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG HOẶC SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ

Điều 8: Trường hợp Quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ phải được tiến hành kiểm kê chính xác, kịp thời trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách. Tuyệt đối không được phân chia tài sản của Quỹ.

Tiền và tài sản của Quỹ mới được sáp nhập, hợp nhất phải bằng với tổng số tiền và tài sản của các Quỹ trước khi sáp nhập, hợp nhất.

Tổng số tiền và tài sản của các Quỹ mới được chia, tách phải bằng với toàn bộ số tiền và tài sản của Quỹ trước khi được chia, tách.

Điều 9: Trường hợp Quỹ bị giải thể, tuyệt đối không được phân chia tài sản của Quỹ. Toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ trước hết phải được sử dụng vào việc thanh toán các khoản nợ của Nhà nước (nếu có). Sau khi thanh toán các khoản nợ và chi phí giải thể, số tiền còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước của cấp cho phép thành lập Quỹ.

Điều 10: Trường hợp Quỹ bị đình chỉ hoạt động thì tài sản của Quỹ được xử lý như đối với trường hợp Quỹ bị giải thể đã quy định tại Điều 9 của Quy chế này.