cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 719/1999/QĐ-ĐC ngày 30/12/1999 Về Ký hiệu bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:200 và 1:5000 do Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 719/1999/QĐ-ĐC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Địa chính
  • Ngày ban hành: 30-12-1999
  • Ngày có hiệu lực: 28-02-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-02-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5100 ngày (13 năm 11 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-02-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-02-2014, Quyết định số 719/1999/QĐ-ĐC ngày 30/12/1999 Về Ký hiệu bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:200 và 1:5000 do Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 55/2013/TT-BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về thành lập bản đồ địa chính (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 719/1999/QĐ-ĐC

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KÝ HIỆU BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TỈ LỆ 1:500, 1:1000, 1:2000 VÀ 1:5000

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH

Căn cứ Luật đất đai ngày 24 tháng 7 năm 1993;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai ngày 11 tháng 12 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 34/CP ngày 23 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Địa chính;

Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đo đạc Bản đồ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành "Ký hiệu bản đồ địa chính tỉ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000 và 1:5000" áp dụng thống nhất trong cả nước.

Điều 2. Ký hiệu này có hiệu lực áp dụng sau 60 ngày kể từ ngày ký quyết định ban hành. Các loại ký hiệu bản đồ địa chính tỉ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000 và 1:5000 đã ban hành trước đây đều không còn giá trị.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




GS.TS. Đặng Hùng Võ

 

MỤC LỤC

I           Điểm khống chế đo đạc

II           Ranh giới thửa đất

III          Đối tượng kinh tế, văn hóa, xã hội

IV         Đường giao thông và các đối tượng liên quan

V          Thủy hệ và các đối tượng liên quan

VI         Dáng đất và chất đất

VII        Loại đất

VIII        Địa giới, ranh giới

IX          Ghi chú

X          Giải thích ký hiệu

XI          Mẫu trình bày khung bản đồ

I. ĐIỂM KHỐNG CHẾ ĐO ĐẠC

II. RANH GIỚI THỬA ĐẤT

Các ký hiệu nhà, bể chứa 9,10,11,12,13,14,15 chỉ áp dụng cho bản đồ địa chính khu vực đô thị, khu vực ngoài đô thị thể hiện theo yêu cầu.

III. ĐỐI TƯỢNG KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI

Những ký hiệu có đánh dấu sao (*): a. Trong thửa, b: Nằm gọn trên ranh giới thửa, c: Trong thửa vẽ bằng ký hiệu qui ước

IV. ĐƯỜNG GIAO THÔNG VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG LIÊN QUAN

V. THỦY HỆ VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG LIÊN QUAN

VI. DÁNG ĐẤT VÀ CHẤT ĐẤT

VII. LOẠI ĐẤT

VIII. ĐỊA GIỚI, RANH GIỚI

IX. GHI CHÚ

 

GHI CHÚ TẮT TRÊN BẢN ĐỒ

Các ghi chú tắt trên bản đồ chỉ dùng trong trường hợp diện tích trên bản đồ không cho phép ghi đầy đủ hoặc nếu ghi đầy đủ thì chữ ghi chú ảnh hưởng đến nội dung và khả năng đọc của bản đồ. Những ghi chú không có qui định viết tắt nêu trong bảng dưới đây thì không được viết tắt (trừ các ghi chú viết tắt khác như tên chất chứa, loại địa vật ... đã được qui định trong ký hiệu):

NỘI DUNG GHI CHÚ

VIẾT TẮT

NỘI DUNG GHI CHÚ

VIẾT TẮT

Sông                               *

Sg.

Công viên

CV

Suối                                *

S.

Nhà vệ sinh

VS

Kênh                               *

K.

Nhà văn hóa

NVH

Ngòi                                *

Ng.

Công an

CA

Hang                               *

Hg.

Lầu công viên

Lẩu

Động                               *

Đg.

Chuồng thú

Thú

Núi                                  *

N.

Trạm biến thế

B.thế

Thành phố                       *

TP.

Câu lạc bộ

CLB

Thị trấn                            *

TT.

Nhà trẻ

N.trẻ

Thị xã                              *

TX.

Lớp mẫu giáo

M.giáo

Quận                               *

Q.

Khách sạn

K.sạn

Huyện                             *

H.

Khu tập thể

KTT

Ủy ban

UB

Xưởng

Xg.

Bệnh viện                        *

Bv.

Nhà máy

N.máy

Trường hợp                     *

Trg.

Xí nghiệp

XN

Nông trường                    *

Nt.

Khu chăn nuôi

C.nuôi

Công trường                    *

Ct.

Nhà thờ

N.thờ

Công ty                           *

C.ty

Rạp hát, chiếu phim

Rạp

Trạm cấp cứu

Cấp cứu

Khu quân sự

Q.sự

Trạm cứu hỏa

Cứu hỏa

Trạm xá

Tr.xá

Hợp tác xã

HTX

Bốt gác

Gác

* Các chữ viết tắt có đánh dấu sao (*) chỉ dùng trong trường hợp chữ viết tắt là danh từ chung của đối tượng có tên riêng kèm theo. Trường hợp không có tên riêng phải viết đầy đủ cả chữ, không viết tắt.

X. GIẢI THÍCH KÝ HIỆU

QUI ĐỊNH CHUNG

1. Ký hiệu được thống nhất sử dụng chung cho tất cả các loại bản đồ địa chính trong và ngoài khu vực đô thị, những trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng cho một loại bản đồ sẽ có qui định trong ký hiệu và giải thích ký hiệu.

2. Mỗi ký hiệu có một số thứ tự gọi là số ký hiệu. Số thứ tự của phần giải thích tương ứng với số thứ tự của ký hiệu. Một giải thích có thể bao gồm nội dung dùng chung cho một số ký hiệu có số thứ tự tương ứng, ký hiệu nào không cần giải thích sẽ không có trong giải thích.

3. Ký hiệu chia làm 3 loại:

- Ký hiệu vẽ theo tỉ lệ: vẽ đúng theo kích thước của địa vật tính theo tỉ lệ bản đồ.

- Ký hiệu vẽ nửa theo tỉ lệ: ký hiệu có một chiều tỷ lệ với kích thước thực của địa vật, một chiều vẽ không theo tỷ lệ bản đồ.

- Ký hiệu không theo tỉ lệ (ký hiệu qui ước): ký hiệu vẽ qui ước, không theo đúng tỉ lệ kích thước của địa vật, loại ký hiệu này dùng trong trường hợp địa vật không vẽ được theo tỉ lệ bản đồ và một số trường hợp địa vật vẽ được theo tỉ lệ nhưng cần sử dụng thêm các ký hiệu qui ước đặt vào vị trí qui định để tăng thêm khả năng đọc, khả năng định hướng của bản đồ.

4. Kích thước ký hiệu, lực nét vẽ có hướng dẫn bên cạnh từng ký hiệu tính bằng milimét. Những nét ký hiệu không có ghi chú lực nét bên cạnh đều dùng nét vẽ có lực nét 0,15 - 0,20 để vẽ. Những phần ký hiệu nào không chỉ dẫn kích thước thì vẽ theo hình dạng ký hiệu mẫu trong tập ký hiệu này.

Các kiểu chữ trình bày trên bản đồ địa chính được chọn dựa trên bộ phông chữ tiếng Việt ABC dùng cho máy vi tính. Kiểu, cỡ chữ ghi chú trên bản đồ phải tuân theo mẫu chữ qui định trong tập ký hiệu. Trường hợp không có kiểu chữ giống như mẫu qui định và khi viết chữ bằng tay có thể dùng kiểu chữ gần giống như mẫu, cỡ chữ không được thay đổi quá 0,2 mm so với cỡ chữ qui định. Nói chung các chữ, số ghi chú bản đồ đều bố trí song song với khung Nam của bản đồ trừ các ghi chú phải bố trí theo hướng địa vật hình tuyến như sông ngòi, đường sá; hồ, đầm trải dài, và các tình huống đặc biệt khác như ghi chú thửa hẹp phải kéo dài theo thửa. v.v... Khi bố trí ghi chú theo hướng địa vật phải chú ý để đầu các chữ và số ghi chú quay lên phía trên, không lộn ngược đầu xuống phía khung nam bản đồ.

5. Tâm của các ký hiệu thể hiện trên bản đồ địa chính được bố trí tương ứng với vị trí tâm của các địa vật ngoài thực địa. Tâm của các ký hiệu được qui ước như sau:

- Ký hiệu có dạng hình học: hình tròn, hình vuông, tam giác, chữ nhật ... tâm của ký hiệu là tâm địa vật.

- Ký hiệu hình tuyến: đường thẳng, đường cong ... trục tâm ký hiệu là trục tâm địa vật.

- Ký hiệu tượng trưng có đường đáy: đình, chùa, tháp... tâm ký hiệu là điểm giữa của đường đáy.

6. Các điểm khống chế đo đạc, giao điểm lưới tọa độ, góc khung bản đồ là những nội dung quan trọng phải được triển lên bản vẽ và về với độ chính xác cao theo qui định của qui phạm không được xê dịch, sửa chữa vị trí và phải được ưu tiên thể hiện khi thành lập và biên tập bản đồ địa chính.

7. Các yếu tố nội dung của bản đồ địa chính tỉ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000 và 1:5000 cơ bản có thể vẽ được theo tỉ lệ và đúng vị trí. Riêng đối với tỉ lệ 1:2000 và 1:5000 có một số đối tượng nội dung phải thể hiện bằng ký hiệu vẽ nửa theo tỉ lệ và không theo tỉ lệ. Trên bản đồ loại tỉ lệ này có một số trường hợp đối tượng nội dung quá gần nhau (cách nhau dưới 0,2 mm trên bản đồ) dẫn đến tình trạng nếu vẽ đúng vị trí thì ký hiệu sẽ bị đè lên nhau. Trường hợp này cho phép xê dịch đối tượng vẽ bằng ký hiệu nửa theo tỉ lệ và không theo tỉ lệ ít quan trọng hơn trong khoảng từ 0,1 đến 0,3 mm để thể hiện rõ từng địa vật. Lưu ý trong mọi trường hợp ranh giới thửa đất phải vẽ chính xác không được xê dịch.

8. Nội dung bản đồ địa chính cơ sở (hay bản gốc đo vẽ) thể hiện bằng 3 màu: đen, ve đậm, nâu như qui định trong ký hiệu. Các màu dùng để vẽ bản đồ địa chính cơ sở (hay bản gốc đo vẽ) phải rõ ràng và đủ độ đậm cần thiết để có thể phiên bản, chụp ảnh để lập bản đồ địa chính trong các phương pháp đo vẽ lập bản đồ địa chính bằng công nghệ truyền thống.

Bản đồ địa chính lập theo đơn vị cấp xã bằng các phương pháp chụp ảnh, phiên, phơi; can vẽ hoặc photocopy và biên tập lại từ bản đồ địa chính cơ sở (nên hạn chế việc lập bản đồ địa chính bằng can vẽ hoặc photocopy từ bản đồ địa chính cơ sở vì các phương pháp này có độ biến dạng và sai số cao). Nội dung bản đồ địa chính thể hiện bằng một màu đen để thuận lợi cho nhân bản thành nhiều bản. Nhân bản bản đồ địa chính thành nhiều bản thực hiện bằng các phương pháp phiên, phơi hoặc photocopy. Trong trường hợp bản đồ địa chính cơ sở (hay bản gốc đo vẽ) được thành lập trên máy tính thì khi biên tập thành bản đồ địa chính các yếu tố nội dung của bản đồ địa chính có thể giữ nguyên màu sắc như bản đồ địa chính cơ sở mà không cần chuyển đổi thành 1 màu đen. Nếu nhân bản bản đồ địa chính thành nhiều bản thực hiện bằng in ra từ máy in thì bản đồ địa chính cũng có thể giữ nguyên màu sắc các yếu tố nội dung như bản đồ địa chính cơ sở mà không cần chuyển thành 1 màu như đối với các phương pháp thủ công.

9. Bản đồ địa chính cơ sở (hay bản đồ gốc đo vẽ) được đo vẽ kín mảnh nhưng khi biên tập thành bản đồ địa chính theo đơn vị cấp xã thì chỉ cần thể hiện nội dung trong phạm vi ranh giới của cấp lập bản đồ địa chính, phần ngoài địa giới hành chính để trắng có ghi chú tên các đơn vị hành chính bên cạnh. Theo qui định của qui phạm, bản đồ địa chính thể hiện trọn vẹn các thửa nằm dọc các cạnh khung của bản đồ địa chính cơ sở (mở rộng khung bản đồ địa chính từ 5 đến 10 cm so với bản đồ địa chính cơ sở để thể hiện trọn vẹn các thửa có phần lớn diện tích nằm trong mảnh, bỏ những phần nhỏ của các thửa mà phần lớn diện tích nằm trên mảnh bên cạnh, chuyển sang thể hiện trên mảnh bên cạnh). Khi mở rộng khung của bản đồ địa chính như vậy các dấu mốc khung của bản đồ địa chính cơ sở vẫn phải giữ nguyên (xem mẫu trình bày khung bản đồ địa chính), phiên hiệu mảnh của bản đồ địa chính không thay đổi so với phiên hiệu của mảnh bản đồ địa chính cơ sở, riêng tên bản đồ địa chính có thể khác tên của bản đồ địa chính cơ sở. Như vậy có thể coi các mảnh bản đồ địa chính có độ gối phủ giữa các mảnh từ 5 đến 10 cm nhưng nội dung không lặp lại và khung bản đồ địa chính khi đó chỉ mang tính qui ước, khung chính xác của bản đồ là khung mảnh bản đồ địa chính cơ sở.

10. Trên bản đồ địa chính phải thể hiện đầy đủ các thửa đất kèm theo ghi chú loại đất, số thửa và diện tích của từng thửa gọi chung là ghi chú thửa. Ghi chú thửa này phải hoàn toàn thống nhất với các số liệu tương ứng trong các hồ sơ địa chính khác. Đối với bản đồ địa chính khu vực đô thị, ngoài ghi chú thửa như qui định trên còn phải ghi chú loại nhà và số tầng nhà trong thửa. Mỗi thửa đất của bản đồ địa chính khu vực đô thị phải kèm theo một hồ sơ kỹ thuật thửa đất mà đồ hình, diện tích và các thông tin khác về thửa đất phải thống nhất với bản đồ địa chính.

GIẢI THÍCH NỘI DUNG KÝ HIỆU

I. ĐIỂM KHỐNG CHẾ ĐO ĐẠC

Các điểm khống chế đo đạc phải được triển điểm và thể hiện đầy đủ trên bản đồ theo ký hiệu qui định. Tâm của các ký hiệu phải tương ứng với tọa độ thực của nó và phù hợp với vị trí của chúng trên thực địa.

1. Điểm thiên văn: Là các điểm tọa độ Nhà nước có đo thiên văn hoặc xác định tọa độ bằng thiên văn.

2. Điểm tọa độ Nhà nước, điểm địa chính cơ sở: Là những điểm khống chế hạng I, II, III, IV được đo và xác định tọa độ bằng các phương pháp đường chuyền, tam giác hoặc GPS.

3. Điểm tọa độ cơ sở (địa chính 1; 2, đường chuyền giải tích cấp 1;2): Là các điểm tọa độ được xây dựng nhằm chêm dày lưới khống chế đo đạc trên cơ sở các điểm tọa độ Nhà nước phục vụ cho đo vẽ chi tiết.

4. Điểm độ cao Nhà nước: Là những điểm gốc độ cao nằm trong mạng lưới độ cao Quốc gia xác định bằng các phương pháp thủy chuẩn hình học hạng I, II, III, IV.

5,6. Điểm độ cao kỹ thuật; điểm khống chế đo vẽ, điểm trạm đo, điểm kinh vĩ 1,2 có chôn mốc cố định: Là những điểm khống chế cơ sở để thực hiện đo vẽ chi tiết nội dung bản đồ. Những điểm này chỉ biểu thị trong trường hợp có chôn mốc cố định bằng bê tông ngoài thực địa, không biểu thị các điểm chỉ là cọc dấu, đóng đinh hoặc đánh dấu sơn.

7. Giao điểm lưới tọa độ: Là các giao điểm của lưới tọa độ phẳng trên bản đồ, thể hiện bằng các dấu chữ thập có kích thước theo qui định của ký hiệu cách nhau từng 10 cm một giúp cho dễ dàng xác định tọa độ bất kỳ điểm nào trên bản đồ. Trường hợp giao điểm lưới tọa độ nào đè lên yếu tố nội dung quan trọng dẫn tới khó đọc và có thể nhầm lẫn nội dung thì bỏ không thể hiện giao điểm đó, khi cần thiết có thể khôi phục lại bằng kẻ nối lưới tọa độ từ các giao điểm khác.

II. RANH GIỚI THỬA ĐẤT

8. Ranh giới thửa, lô đất và ghi chú: Ranh giới của tất cả các thửa, lô đất được vẽ khép kín bằng nét liền vẽ liên tục, lực nét 0,15-0,20 mm. Ghi chú số thửa, diện tích thửa đất dưới dạng phân số. Kiểu, cỡ chữ và số tuân theo qui định trong phần "ghi chú bản đồ" (KH. 53) Đánh số thửa tuân theo qui phạm thành lập bản đồ địa chính tỉ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000, 1:10000 và 1:25000 do Tổng cục Địa chính ban hành năm 1999. Diện tích thửa đất xác định trong quá trình đo vẽ chi tiết và ghi chú lên bản đồ chính xác tới 0,1 m2. Ghi chú số thửa và diện tích bố trí cân đối vào phạm vi giữa thửa nhưng cố gắng tránh đè lên các yếu tố nội dung khác và đồ hình nhà trong thửa (nếu có) trường hợp không bố trí được ghi chú vào vị trí giữa thửa có thể tìm các vị trí trống thích hợp khác trong thửa để bố trí ghi chú. Những thửa đất quá nhỏ không thể bố trí được ghi chú cả số thửa lẫn diện tích vào trong mà diện tích bên ngoài thửa còn chỗ để ghi thì ghi chú ra bên ngoài và đánh mũi tên chỉ vào thửa. Nếu diện tích quá nhỏ và diện tích xung quanh cũng không đủ để ghi chú cả số thửa và diện tích thì chỉ ghi chú số thửa. Trước hết tìm cách ghi chú số thửa vào bên trong thửa, nếu không ghi chú vào trong thửa được mới ghi chú ra bên ngoài thửa và đánh mũi tên chỉ vào thửa. Sau đó bên ngoài khung nam bản đồ phải lập bảng thống kê diện tích các thửa đất nhỏ chưa ghi được diện tích và loại đất (đối với bản đồ địa chính khu vực đô thị là diện tích, loại đất, loại nhà và số tầng) gọi là bảng “Ghi chú các thửa đất nhỏ” như trình bày trên mẫu khung bản đồ lần lượt theo thứ tự số thửa từ nhỏ đến lớn của các thửa nhỏ đã đánh số trên bản đồ. Trong mọi trường hợp không được bỏ sót thửa không đánh số trên bản đồ. Trong mọi trường hợp không được bỏ sót thửa không đánh số trên bản đồ trừ những phần thửa tiếp biên đã được đánh số thửa trên mảnh bên cạnh.

Đối với khu vực đô thị khi ranh giới thửa trùng gọn với mép móng tường nhà và chỉ có nhà thì ghi chú số thửa, diện tích phải viết kèm và ghi chú loại nhà theo ký hiệu 9b, không cần ghi chú loại đất, cách bố trí ghi chú cũng theo nguyên tắc trên: nếu đồ hình nhà quá nhỏ và không ghi chú ra bên caknh được thì tìm cách ghi chú số thửa. Ghi chú diện tích thửa và loại nhà + loại đất (nếu có) đưa vào bảng "Ghi chú các thửa đất nhỏ" ngoài khung bản đồ.

Trong các trường hợp thửa đất là ruộng và ranh giới thửa đất là mép đường giao thông các loại hoặc đường bờ ruộng thì thể hiện ranh giới thửa theo qui định tại phần ký hiệu và giải thích ký hiệu đường giao thông và đường bờ ruộng (KH 29, 30 và các ký hiệu đường giao thông khác).

Nói chung khi thành lập bản đồ địa chính bằng các phương pháp đo đạc truyền thống kích thước các cạnh thửa không ghi được trực tiếp lên bản đồ trừ khi có thể ghi chú được cho tất cả các cạnh thửa hoặc khi có yêu cầu đặc biệt nêu trong luận chứng KTKT. Tuy nhiên đối với các phương án thành lập bản đồ địa chính bằng công nghệ số, kích thước các cạnh thửa cần được lưu trong một lớp riêng và có thể hiển thị hoặc in ra để sử dụng. Đối với bản đồ địa chính khu vực đô thị khi kích thước các cạnh thửa không thể ghi trực tiếp được lên bản đồ thì mỗi thửa đều phải kèm theo một "hồ sơ kỹ thuật thửa đất" và kích thước các cạnh thửa có thể tra cứu tại hồ sơ này.

9.10. Nhà, nhà chung tường: Ký hiệu nhà vẽ bằng các nét gạch đứt theo vị trí mép móng ngoài của tường nhà. Trường hợp tường nhà trùng với ranh giới thửa thì ranh giới thửa được thay thế ký hiệu tường nhà. Ghi chú loại nhà, số tầng chỉ dùng ghi cho các nhà thuộc khu vực đất đô thị. Nhà ngoài khu vực đô thị khi cần thể hiện có thể thể hiện theo yêu cầu cụ thể (có thể vẽ đồ hình nhà mà không ghi chú nhà hoặc có thể thể hiện như nhà thuộc khu vực đô thị ...).

Khi biểu thị nhà ở khu vực đô thị cần chú ý đặc điểm kiến trúc, số tầng, cách phân bố và ranh giới chính xác của chúng. Nhà trong khu vực đô thị có các mối liên quan với nhau như sau:

-  Nhà có tường riêng biệt.

Nhà chung tường.

- Nhà nhờ tường nhà bên cạnh.

Khi biểu thị nhà có tường riêng biệt, nét vẽ đồ hình nhà vẽ chính xác theo đường viền mép ngoài của móng tường nhà; nhà có hiên vẽ theo mép ngoài của móng hiên nhà; đoạn tường chung vẽ vào giữa tim móng tường (chú ý những nhà xây giáp nhau nhưng có móng riêng biệt không gọi là chung tường). Đoạn nhờ tường, nét vẽ nhà vẽ theo mép ngoài của móng nhà bên cạnh cho nhờ tường. Trường hợp trên cùng một cạnh tường có đoạn chung tường, đoạn nhờ tường, đoạn tường riêng ... thì dùng ký hiệu giới hạn đoạn chung tường, nhờ tường để tách riêng từng đoạn, ký hiệu chung tường, nhờ tường đặt vào giữa tường đoạn tương ứng. Cách giải quyết này thống nhất áp dụng cho các trường hợp chung tường, nhờ tường khác. Ở ký hiệu 9-13 các ký hiệu b, g, t qui ước dùng để biểu thị loại nhà: b- là nhà bê tông, g- là nhà xây bằng gạch, đá; t- là nhà tranh, tre, nứa, gỗ. Vật liệu để phân biệt loại nhà bê tông, gạch, đá là vật liệu dùng để làm tường, không phân biệt bằng vật liệu dùng để lợp mái. Số tầng nhà thể hiện bằng các chữ số ghi kèm theo loại nhà đối với nhà từ 2 tầng trở lên (nhà một tầng không cần ghi chú số 1).

Ghi chú nhà (đối với khu vực đô thị) bố trí theo nguyên tắc như ghi chú các thửa đất. Khi nhà nằm bên trong ranh giới thửa đất thì ghi chú nhà phải viết tách riêng khỏi ghi chú thửa đất như mẫu ký hiệu qui định. Khi nhà nằm gọn trên ranh giới thửa thì ghi chú nhà phải viết kèm với ghi chú thửa đất, khi đó ghi chú loại nhà và số tầng viết thay vào vị trí loại đất (bỏ không ghi chú loại đất - bỏ chữ T).

Khi nhà quá nhỏ cho phép rút ngắn bớt độ dài các nét gạch đứt để thể hiện rõ đồ hình nhà. Trong mọi trường hợp khi vẽ nhà phải chú ý vẽ rõ ràng các góc nhà.

11. Nhà không tường: Là loại nhà chỉ có mái che và các cột đỡ, ví dụ sân ga, lầu công viên, quán giải khát ... Loại đối tượng này thể hiện dùng theo qui định của ký hiệu và phân biệt các trường hợp nhà nằm gọn trên ranh giới thửa, một phần trên ranh giới thửa và nằm trong thửa. Các nguyên tắc vẽ đồ hình và ghi chú giống như qui định vẽ nhà thông thường. Nhà có một hoặc hai mặt tường cũng xếp chung vào nhóm này.

Đối với khu vực ngoài đô thị khi có yêu cầu thể hiện nhà, nhà không tường chỉ biểu thị trong trường hợp nhà có kích thước lớn và là nhà công cộng hoặc nhà sử dụng chính (không phải công trình phụ) được xây dựng chắc chắn, ổn định

12. Nhà làm trên cột, trên mặt nước: Vẽ như qui định vẽ nhà thông thường đúng theo vị trí thực của nhà, các yếu tố có liên quan như cầu, đường dẫn vào nhà vẽ theo thực tế bằng ký hiệu tương ứng.

Nhà làm trên cột, trên mặt nước cũng cần phân biệt các loại nhà nằm trong thửa và nằm gọn trên ranh giới thửa. Khi nhà nằm trong thửa, đồ hình nhà biểu thị hoàn toàn bằng nét đứt, khi nhà nằm trùng ranh giới thửa nếu xây thẳng từ mặt nước lên, không vẽ tách riêng được mép nước thì vẽ bằng nét liền ranh giới thửa - mép nhà thay thế mép nước (KH 12c). Khi nhà nằm trên cột chìa ra ngoài mặt nước hoặc có một phần nổi trên mặt nước thì phần chìa ra ngoài hoặc nổi trên mặt nước vẽ phân biệt bằng nét đứt, đường bờ và đường mép nước vẫn vẽ liên tục cắt qua nhà theo đúng thực tế.

Nhà làm trên cột ở trên mặt đất (nhà sàn) vẽ như nhà bình thường, nét viền đồ hình nhà xác định theo mép ngoài tường nhà đóng thẳng xuống mặt đất.

Nhà trên cột hoặc trên mặt nước chỉ thể hiện khi là nhà công cộng hoặc nhà ở chính.

13. Hành lang trên mặt đất: Chỉ biểu thị những hành lang ngoài nhà có mái che, có độ rộng đủ vẽ được theo tỉ lệ bản đồ nối nhà nọ với nhà kia, không biểu thị những hành lang, ban công trên không.

14. Công trình công cộng có kích thước nhỏ: Trạm công an, bốt gác, nhà vệ sinh ... vẽ theo qui định như vẽ nhà thông thường và dùng ghi chú tắt để thể hiện. Trường hợp đối tượng có đủ chỗ để ghi chú thì phải ghi chú đầy đủ không viết tắt. Những địa vậy này chỉ thể hiện khi được xây dựng kiên cố, ổn định. Đối với khu vực đô thị nếu địa vật nằm gọn trên ranh giới thửa thì ngoài việc ghi chú tên vẫn phải ghi chú số thửa và diện tích, loại nhà như qui định thông thường. Nhà công cộng ngoài khu vực đô thị khi có yêu cầu thể hiện (ví dụ: điếm canh đê, nhà văn hóa xã, nhà trẻ ...) không ghi chú loại nhà nhưng phải ghi chú kèm theo tên chung và riêng như qui định tại ký hiệu 25.

15. Bể chứa: Chỉ thể hiện các bể chứa nổi hoặc nửa nổi, nửa chìm vẽ được theo tỉ lệ bản đồ và có kích thước lớn, không biểu thị bể ngầm. Nét vẽ đồ hình vẽ theo mép ngoài của móng bể, các đoạn nhờ tường, chung tường biểu thị như qui định vẽ nhà chung tường, nhờ tường. Ghi chú tên chất chứa trong bể.

Đối với khu vực đô thị nếu bể là một thửa riêng biệt phải ghi chú bể theo qui định về thửa, khi đó chất chứa trong bể ghi thay vào vị trí loại đất. Khu vực ngoài đô thị chỉ thể hiện các bể chứa kích thước lớn khi có yêu cầu.

III. ĐỐI TƯỢNG KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI

Một số nguyên tắc biểu thị chung:

Nhóm ký hiệu qui ước thể hiện các đối tượng kinh tế, văn hóa, xã hội trên bản đồ địa chính trong phần này (từ KH 16 đến KH 24) dùng để biểu thị cùng với thửa đất có chứa đối tượng tương ứng nhằm mục đích chủ yếu là làm tăng khả năng đọc và khả năng định hướng của bản đồ vì loại đối tượng này thường là yếu tố định hướng rất tốt trên thực địa. Tuy nhiên nếu thửa đất quá nhỏ và loại ký hiệu này gây khó đọc và rối nội dung bản đồ thì không cần biểu thị chúng.

Những đối tượng nội dung này thường rơi vào ba trường hợp biểu thị như phân loại trong bảng ký hiệu, cụ thể như sau:

a. Nằm trong thửa: Đối tượng biểu thị nằm hoàn toàn trong thửa, diện tích đồ hình mặt bằng của đối tượng lớn hơn diện tích của ký hiệu qui ước trên bản đồ và đồ hình của bản thân đối tượng có thể thể hiện rõ ràng theo tỉ lệ bản đồ mà không ảnh hưởng tới nội dung khác của thửa đất, khi đó vẽ đầy đủ cả đồ hình mặt bằng và ký hiệu qui ước.

b. Nằm gọn trên ranh giới thửa: Bản thân đối tượng là một thửa riêng biệt. Nếu diện tích thửa đủ lớn và việc vẽ thêm ký hiệu qui ước không làm ảnh hưởng tới nội dung ghi chú thửa thì vẽ đầy đủ cả ranh giới thửa và ký hiệu qui ước như mẫu ký hiệu, trường hợp này ký hiệu qui ước đặt vào giữa thửa. Nếu diện tích mặt bằng của đối tượng (diện tích thửa) nhỏ và việc vẽ thêm ký hiệu qui ước ảnh hưởng tới ghi chú thửa thì bỏ không vẽ ký hiệu qui ước và vẽ như qui định vẽ thửa bình thường.

c. Nằm trong thửa vẽ bằng ký hiệu qui ước: Đối tượng nằm hoàn toàn trong thửa đất nhưng diện tích đồ hình mặt bằng của bản thân đối tượng nhỏ hơn diện tích ký hiệu qui ước trên bản đồ, khi đó chỉ vẽ ranh giới thửa và ký hiệu qui ước mà không vẽ đồ hình mặt bằng của đối tượng. Ký hiệu qui ước đặt chính xác tại vị trí của đối tượng trong thửa.

Trên bản đồ địa chính khu vực đô thị nhóm đối tượng này biểu thị theo các nguyên tắc nêu trên. Đối với bản đồ địa chính ngoài khu vực đô thị chỉ thể hiện đồ hình mặt bằng của đối tượng khi có yêu cầu thể hiện nhà trên bản đồ và đồ hình mặt bằng của đối tượng lớn hơn ký hiệu qui ước nhiều lần. Mọi trường hợp khác đối với bản đồ địa chính ngoài khu vực đô thị chỉ vẽ ký hiệu qui ước mà không cần vẽ đồ hình mặt bằng.

Ghi chú tên chung và riêng (nếu có) của đối tượng trên bản đồ khi diện tích bản đồ cho phép.

16,17 Kiến trúc dạng tháp cổ; đình, chùa, đền, miếu: Thể hiện các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa và ý nghĩa định hướng cao.

18. Tượng đài, bia kỷ niệm: Biểu thị có chọn lọc các tượng đài bia kỷ niệm, ưu tiên các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và ý nghĩa định hướng.

19. Lăng tẩm, nhà mồ: Chỉ biểu thị những đối tượng có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và ý nghĩa định hướng cao.

20. Chòi cao, tháp cao: Ký hiệu này dùng chung để thể hiện các chòi cao, tháp cao có ý nghĩa định hướng như tháp nước, tháp truyền hình, tháp canh ... Các chòi, tháp tạm bằng tre gỗ đều không biểu thị.

21. Ống khói nhà máy: Chỉ biểu thị những ống khói cao, lớn nổi bật trong khu vực, có ý nghĩa định hướng rõ rệt.

22. Trạm biến thế: Ký hiệu này dùng để biểu thị các trạm biến thế lớn và trạm biến thế khu vực, không thể hiện các máy biến thế trên cột.

23. Đài phun nước: Chỉ thể hiện các đài phun nước lớn, đứng độc lập và có ý nghĩa định hướng. Không thể hiện các đài phun nước nhỏ trong khuôn viên khách sạn, nhà nghỉ.

24. Nghĩa trang, nghĩa địa: Biểu thị theo đúng hiện trạng ranh giới không phân biệt có tường bao, hàng rào hay không có, phần bên trong vẽ theo qui định của ký hiệu, ghi chú số thửa, diện tích và loại đất theo qui định.

25. Các đối tượng kinh tế - văn hóa - xã hội khác: Toàn bộ các đối tượng kinh tế - văn hóa -  xã hội khác như sân vận động, nhà thờ, trường học, bệnh viện, trạm xá, trụ sở UBND, chợ, cửa hàng lớn, rạp hát, chiếu bóng, trạm trại, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, trạm xá, nhà trẻ .v.v... thể hiện bằng ghi chú trong phạm vi đồ hình thửa đất và nhà cửa thuộc đối tượng đó (đối với khu vực ngoài đô thị chỉ vẽ nhà khi có yêu cầu). Những đối tượng nhỏ nhưng có ý nghĩa định hướng cao mà không ghi chú nào bên trong thì ghi chú ra ngoài và đánh mũi tên chỉ vào đối tượng.

IV. ĐƯỜNG GIAO THÔNG VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG LIÊN QUAN

26. Đường sắt: Ranh giới thửa của đường sắt là chỉ giới an toàn giao thông đường sắt do ngành đường sắt ghi định. Vẽ chính xác ranh giới này theo qui định hoặc theo hiện trạng sử dụng như qui định vẽ thửa. Ký hiệu qui ước của đường sắt trong trường hợp đặt được vào trong thửa thì vẽ bằng nét đứt đặt vào trục tâm của vị trí đường ray. Giới hạn sử dụng của đường sắt trong ga, sân ga vẽ vẽ theo thực tế sử dụng của ngành đường sắt, nhà cửa và các công trình xây dựng đường sắt vẽ theo qui định vẽ nhà, cầu. Trường hợp ranh giới sử dụng của đường sắt không vẽ được theo tỉ lệ bản đồ (những đoạn hẹp ở tỉ lệ 1:5000) thì sử dụng ký hiệu vẽ nửa theo tỉ lệ để vẽ (ký hiệu qui ước vẽ nét liền liên tục) để thể hiện. Những đoạn có độ rộng gần như nhau cần xác định độ rộng trung bình và ghi chú theo qui định tại ký hiệu 26.d. Khi độ rộng trung bình thay đổi từ 0,3 m trở lên thì phải xác định lại độ rộng trung bình và thay đổi ghi chú.

27,28. Đường ô tô; đường phố và vỉa hè: Giới hạn sử dụng của đường vẽ theo tỉ lệ theo qui định vẽ thửa. Lòng đường khi có thể vẽ được theo tỉ lệ (mặt đường hoặc phần có trải mặt) vẽ bằng ký hiệu nét đứt. Khi độ rộng giới hạn sử dụng của đường nhỏ hơn 1,5 mm trên bản đồ thì không cần vẽ phần lòng đường (bỏ phần ký hiệu nét đứt bên trong thửa). Tất cả các đường có độ rộng thể hiện trên bản đồ từ 0,5 mm trở lên đều vẽ bằng 2 nét (vẽ theo tỉ lệ). Điểm thay đổi chất liệu rải mặt thể hiện bằng ký hiệu tương ứng (KH 27c). Nếu đường nằm trong thửa lớn và thuộc phạm vi khuôn viên của thửa đó, ví dụ đường nội bộ trong khuôn viên khu triển lãm, khu công viên ... vẽ bằng nét đứt và chỉ vẽ phần mặt đường. Đường ô tô và đường phố trong mọi trường hợp đều phải ghi chú, đường ô tô phải ghi số đường, chất liệu trải mặt, đường phố phải ghi tên phố. Nếu đường không có trải mặt, đường phố không có tên thì phải ghi chú chữ "đường" vào phạm vi đối tượng để dễ phân biệt nội dung theo nguyên tắc: khi lòng ký hiệu đường ô tô, đường phố đủ độ rộng để bố trí chữ ghi chú thì ghi chú vào bên trong, khi không đủ độ rộng để ghi thì bố trí chữ ghi chú ra ngoài, bên cạnh ký hiệu sao cho dễ đọc và không nhầm lẫn. Khi ghi chú cần tùy theo độ rộng, chiều dài của đường mà dùng cỡ chữ và phân bố chữ cho thích hợp theo phạm vi của đối tượng, những đường ô tô và đường phố dài trên bản đồ phải dùng ghi chú lặp lại, mỗi ghi chú trên bản đồ cách nhau từ 10 đến 15 cm sao cho dễ phân biệt và không nhầm lẫn.

29. Đường đi khác: Là tất cả các loại đường giao thông khác không thuộc nhóm đường ô tô, đường phố bao gồm cả ngõ phố, đường làng, đường giao thông nội đồng, đường đất nhỏ và đường mòn khi là tuyến giao thông chính trong khu vực. Trên bản đồ các đường có độ rộng từ 0,5 mm trở lên đều thể hiện bằng hai nét (vẽ theo tỉ lệ) và vẽ theo qui định vẽ thửa. Các đường có độ rộng nhỏ hơn vẽ bằng ký hiệu nửa theo tỉ lệ kèm theo ghi chú độ rộng trung bình theo nguyên tắc những đoạn có độ rộng gần nhau (chênh lệch độ rộng trong khoảng dưới 0,3 m được xác định và ghi chú độ rộng trung bình, khi độ rộng thay đổi từ 0,3 m trở lên phải xác định lại độ rộng trung bình và thay đổi ghi chú. Thể hiện độ rộng trung bình bằng ký hiệu 29c. Để tránh nhầm lẫn với các yếu tố khác khi bản đồ địa chính thể hiện bằng 1 màu, bên cạnh ký hiệu đường ở những vị trí có thể xảy ra nhầm lẫn cần bố trí ghi chú chữ "đường".

30. Đường bờ ruộng: Khi các bờ ruộng không phải là đường giao thông nội đồng và chỉ phục vụ cho việc ngăn thửa hoặc đi lại chăm sóc đồng ruộng của một số chủ ruộng gần nhau thì vẽ theo qui định sau:

- Nếu đường bờ rộng có thể vẽ được theo tỉ lệ bản đồ thì viền đường bờ theo qui định vẽ ranh giới thửa, phần diện tích bờ ghi chú thửa theo hiện trạng sử dụng.

- Nếu bờ hẹp không vẽ được theo tỉ lệ bản đồ thì đường bờ vẽ bằng 1 nét ranh giới thửa, vị trí nét vẽ ranh giới thửa đặt vào trục tâm của đường bờ. Các bờ ruộng có độ rộng từ 0,3 m trở lên phải xác định độ rộng trung bình và ghi chú theo nguyên tắc như xác định độ rộng trung bình của đường nêu trên (xem giải thích ký hiệu 29) và vẽ theo quy định ký hiệu. Các bờ ruộng có độ rộng từ 0,3 mét trở xuống nếu là đường giao thông nội đồng thì phải ghi chú độ rộng trung bình, nếu không phải là đường giao thông nội đồng thì không cần ghi chú (theo qui định của qui phạm trường hợp này diện tích bờ tính chung vào diện tích thửa chia đều cho các chủ kề nhau);

31. Cầu các loại: Ký hiệu này dùng chung để thể hiện các loại cầu. Khi cầu có thể vẽ được theo tỉ lệ bản đồ dùng ký hiệu 31a. Khi cầu chỉ vẽ được nửa theo tỷ lệ (chiều dài cầu vẽ theo tỉ lệ, chiều rộng không theo tỉ lệ. Lưu ý độ rộng cầu trên bản đồ từ 0,5 mm trở lên phải vẽ theo tỉ lệ bản đồ) thì dùng ký hiệu 31b. Khi vẽ hoàn toàn không theo tỉ lệ (cả chiều rộng và chiều dài đều không theo tỉ lệ) thì dùng ký hiệu 31c. Trên bản đồ địa chính khu vực ngoài đô thị chỉ vẽ cầu trên các đường đi chung, không vẽ cầu qua kênh vào nhà riêng.

32. Bến cảng, cầu tàu, bến phà, đò: Là những công trình xây ven bờ sông, biển cho các phương tiện giao thông đường sông, biển cập bến. Nếu bến cảng, cầu tàu, bến phà, đò xây theo kiểu đê, kè, đập thì nét đường bờ, mép nước được thay thế viền bến và được coi là ranh giới thửa. Nếu chúng được xây dựng theo kiểu cầu dẫn thì đường viền bến cảng, cầu tàu vẽ bằng nét đứt, đường bờ và mép nước vẽ liên tục cắt qua khu vực bến, cầu tàu theo đúng thực tế, khi đó ranh giới thửa là đường bờ. Các đập chắn sóng cũng vẽ theo nguyên tắc tương tự. Những đối tượng này biểu thị kèm theo ghi chú tên chung và riêng (nếu có).

V. THỦY HỆ VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG LIÊN QUAN

33,34. Đường mép nước, đường bờ và dòng chảy ổn định: kênh mương, rãnh thoát nước: Mực nước các sông ngòi, hồ ao thường không ổn định trong năm. Ký hiệu đường mép nước tại thời điểm đo vẽ hoặc chụp ảnh hàng không, thường đường này không trùng với ranh giới thửa, tuy nhiên trong nhiều trường hợp vẫn cần để xác định tương đối diện tích đất bãi, vì vậy trên bản đồ địa chính vẫn cần thiết sử dụng ký hiệu này. Khi đường bờ có độ dốc lớn và lòng sông sâu, hẹp thì mặt chiếu thẳng của đường bờ ổn định và đường mép nước thường rất gần nhau, trường hợp này đường mép nước và đường bờ coi như trùng nhau và ta chỉ sử dụng 1 ký hiệu (đường bờ). Ký hiệu này cũng áp dụng để thể hiện các dòng chảy hẹp ổn định như suối, ngòi nhỏ, kênh, mương khi vẽ nửa theo tỉ lệ bản đồ. Đương nhiên khi vẽ sông, suối một nét phải vuốt lực nét theo biến đổi độ rộng của dòng chảy theo qui định chung. Trong tập ký hiệu này qui định lực nét đầu nguồn là 0,15 - 0,20 mm; lực nét đoạn cuối bắt vào hồ hoặc sông vẽ 2 nét là 0,5 mm.

Đường bờ là đường giới hạn của mức nước cao nhất trung bình nhiều năm của sông, biển, hồ, đầm, ao. Trong thực tế đường bờ ổn định thường là giới hạn của lòng sông, hồ, đầm, ao, bãi biển với khu vực mà con người cư trú và canh tác ổn định. Trên bản đồ địa chính trong nhiều trường hợp đường bờ được coi là ranh giới thửa (đường bờ và dòng chảy ổn định có thể không là ranh giới thửa khi nằm trong thửa), trong trường hợp này ký hiệu đường bờ thay thế ranh giới thửa. Tất cả các dòng chảy đều phải vẽ mũi tên chỉ hướng nước chảy, vẽ nhắc lại khoảng 10 -15 cm một lần sao cho dễ hiểu và không nhầm lẫn. Sông suối, dòng chảy ổn định vẽ 1 nét phải đo và ghi chú độ rộng trung bình đến 0,1 m. Độ rộng trung bình ghi cho những khoảng có độ rộng gần như nhau, khi độ rộng trung bình chênh nhau từ 0,3 m trở lên phải thay đổi ghi chú.

Kênh, mương, rãnh thoát nước dù có nước hay không có nước tại thời điểm đo vẽ vẫn dùng nét vẽ liên tục để thể hiện (giống như trường hợp đường mép nước và đường bờ trùng nhau). Nếu độ rộng kênh, mương, rãnh thoát nước trên bản đồ đạt từ 0,5 mm trở lên thì phải biểu thị bằng 2 nét, dưới 0,5 mm thì vẽ bằng 1 nét và ghi chú độ rộng trung bình như đối với sông suối tự nhiên vẽ 1 nét. Đối với hệ thống sông đào, kênh, mương đã tồn tại từ lâu và do tác động dài ngày của môi trường đã tự nhiên hóa (ví dụ sông đào Nam Định, kênh Bắc Hưng Hải ... thì áp dụng các nguyên tắc thể hiện như đối với hệ thống sông ngòi tự nhiên (nghĩa là có thể có đường mép nước không ổn định và đường bờ tùy theo trạng thái thực tế).

Trên bản đồ địa chính cơ sở không tô màu nền biển, hồ đầm, lòng sông, kênh nên phải ghi chú các danh từ chung (biển, hồ, đầm, ao, sông, suối ...) kèm theo tên riêng (nếu có - Ví dụ: sông Hồng, đầm Vân Trì, Hồ Tây ... ) bằng màu qui định cho yếu tố thủy hệ (màu ve đậm) vào vị trí mặt nước của đối tượng và khi cần thiết thì ghi chú lặp lại. Các đối tượng dòng chảy kể cả kênh, mương, rãnh thoát nước vẽ một nét hoặc 2 nét nhưng không bố trí ghi chú vào bên trong dòng chảy được cũng phải ghi chú ra bên cạnh cả tên chung và riêng (nếu có) theo nguyên tắc trên.

35. Cống đập trên sông, hồ, kênh, mương: Tất cả các cống, đập không phân biệt loại vật liệu xây dựng biểu thị chung bằng ký hiệu này. Chỉ biểu thị các cống đập quan trọng có ý nghĩa định hướng trên bản đồ, không biểu thị các cống ngầm nhỏ thoát nước ngầm dưới nền đường. Khi tỉ lệ bản đồ cho phép vẽ cống, đập theo tỉ lệ thì nét vẽ ngoài vẽ tương đối theo mép mỏng ngoài của cống, đập. Các trường hợp không vẽ được theo tỉ lệ thì vẽ bằng ký hiệu qui ước tương ứng.

36. Đê: Trường hợp đê có thể vẽ được theo tỉ lệ bản đồ thì giới hạn chân đê thể hiện bằng ký hiệu ranh giới thửa. Phần mặt đê khi là đường giao thông vẽ được theo tỉ lệ thì vẽ như vẽ phần mặt đường trong ký hiệu đường ô tô, chất liệu trải mặt cũng ghi chú như quy định ghi chú đường ô tô. Phần giữa mặt đường và mái đê ghi chú chữ "đê" để phân biệt đường với đê. Khi giới hạn chân đê vẽ được theo tỉ lệ bản đồ nhưng phần mặt đê không vẽ được theo tỉ lệ thì dùng ký hiệu đê vẽ nửa theo tỉ lệ bằng nét đứt đặt vào bên trong, nếu đê là đường giao thông thì ghi chú loại đường tương ứng ra bên cạnh.

Trường hợp đê không vẽ được theo tỉ lệ thì thể hiện bằng ký hiệu vẽ nửa theo tỉ lệ (KH 36c) và ghi chú độ rộng trung bình giống như qui định ghi chú độ rộng trung bình của đường.

VI. DÁNG ĐẤT VÀ CHẤT ĐẤT

37, 38. Đường bình độ; điểm độ cao: Dáng đất được biểu thị theo qui định của qui phạm bằng các loại đường bình độ và điểm độ cao (vùng đồng bằng dùng điểm độ cao, vùng đồi núi bình độ kết hợp với điểm độ cao). Các trường hợp dáng đất được đo vẽ hoặc chuyển vẽ chính xác thì dùng các ký hiệu đường bình độ chính xác để thể hiện. Trường hợp đo vẽ không chính xác hay chuyển vẽ dáng đất từ bản đồ địa hình hoặc các tài liệu khác lên bản đồ địa chính mà độ chính xác không cao thì dùng ký hiệu đường bình độ vẽ nháp để thể hiện.

39. Sường đất dốc: Ký hiệu này dùng chung để thể hiện các sường đất dốc không thể hiện được bằng đường bình độ khi có thể vẽ được từ 5 đốt ký hiệu trở lên, không phân biệt là sườn dốc tự nhiên hay nhân tạo.

40,41. Bãi cát; đầm lầy: Ký hiệu này trên bản đồ địa chính có mục đích làm tăng khả năng định hướng cho bản đồ, dùng để thể hiện các bãi cát tự nhiên và các bãi lầy, đầm lầy không phân biệt lấy ngọt hay lầy mặn khi chúng có diện tích từ 1 cm2 trở lên trên bản đồ.

42. Khu vực núi đá, bãi đá: Ký hiệu này dùng để thể hiện khu vực núi đá hoặc bãi đá tương ứng. Ghi chú "núi đá" (viết đầy đủ cả chữ) qui định trong ký hiệu này khác với ghi chú loại đất (N/đá) ở kiểu chữ màu sắc và ý nghĩa, chữ ghi chú N/đá trong loại đất (KH 43) chỉ dùng ghi chú cho loại đất chưa sử dụng trong ghi chú thửa còn ghi chú "núi đá" qui định tại ký hiệu này dùng chung cả cho khu vực đất đã sử dụng và đất chưa sử dụng. Các trường hợp khoanh bao khu vực núi đá chưa sử dụng (N/đá) nếu đã ghi chú số thửa, diện tích loại đất rõ ràng thì không cần dùng ghi chú "núi đá" qui định tại ký hiệu này, mọi trường hợp khác đều phải ghi chú.

VII. LOẠI ĐẤT

43. Ghi chú tên loại đất trong thửa: Ghi chú các loại đất trong thửa thống nhất theo qui định ghi chú tắt các loại đất trong sổ mục kê ban hành tại Quyết định số 499 QĐ/ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính.

VIII. ĐỊA GIỚI, RANH GIỚI

44,45,46,47. Biên giới quốc gia và địa giới hành chính các cấp: Biên giới quốc gia phải thể hiện theo tài liệu chính thức của Nhà nước đã được Ban Biên giới của Chính phủ thẩm định. Địa giới hành chính các cấp phải thể hiện theo đúng thực tế quản lý của địa phương và phù hợp với tài liệu chính thức của Nhà nước về địa giới hành chính các cấp (hồ sơ địa giới hành chính các cấp thực hiện theo chỉ thị 364/CT).

Biên giới quốc gia và địa giới hành chính các cấp (sau đây gọi chung là địa giới) vẽ theo đúng kích thước qui định cho từng cấp. Các mốc địa giới khi đo vẽ phải theo đúng qui định và vẽ đúng vị trí. Khi biểu thị địa giới trên bản đồ in trên giấy phải theo đúng những qui định sau đây:

- Nếu địa giới chạy dọc theo các địa vật hình tuyến mà chiều rộng của địa vật không đủ rộng để vẽ ký hiệu vào giữa thì địa giới vẽ so le hai bên, mỗi bên từ 3 đến 5 đốt ký hiệu tùy theo chiều dài của đoạn địa giới, những chỗ ngoặt, ngã ba phải thể hiện chính xác rõ ràng.

- Khi địa giới chạy dọc theo một phía của địa vật hình tuyến thì phải vẽ địa giới đúng về phía của nó cách ký hiệu địa vật được chọn làm địa giới không quá 0,3 mm và vẽ liên tục không ngắt đoạn.

- Nếu địa giới chạy dọc theo sông thì các đoạn sông có cù lao phải vẽ địa giới chạy liên tục để thể hiện rõ cù lao thuộc bên nào.

- Các trường hợp còn tranh chấp phải dùng ký hiệu địa giới chưa xác định tương ứng để thể hiện và phải ghi rõ trong biên bản xác nhận đo vẽ địa giới hành chính theo qui định của qui phạm.

Đối với các trường hợp bản đồ địa chính thành lập bằng công nghệ tin học nếu trục tâm của các địa vật hình tuyến được chọn làm địa giới thì ký hiệu địa giới trên máy tính được thể hiện đè lên các ký hiệu địa vật hình tuyến đó (sao chép, copy đoạn địa vật hình tuyến đó sang lớp địa giới) nhưng khi in bản đồ ra giấy phải biên tập lại theo quy định thể hiện địa giới cho bản đồ giấy nêu trên.

48. Đường chỉ giới qui hoạch và mốc: Biểu thị trong trường hợp đã có qui hoạch và chỉ giới qui hoạch đã cắm mốc ngoài thực địa, khi đo vẽ phải vẽ chính xác các mốc giới qui hoạch. Đường chỉ giới qui hoạch vẽ căn cứ theo vị trí các mốc và tham khảo tài liệu chính thức của cơ quan lập qui hoạch khi cần thiết. Bên trong phần đất qui hoạch phải ghi chú nội dung qui hoạch và tùy theo yêu cầu mà đo hoặc không đo vẽ địa chính chi tiết.

IX. GHI CHÚ

49 - 66. Các loại ghi chú: Tất cả các ghi chú trên bản đồ địa chính tỉ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000 và 1:5000 đều lấy mẫu chữ của tập ký hiệu này làm tiêu chuẩn. Kiểu cỡ chữ được ghi bên cạnh mẫu chữ. Những mẫu chữ có ghi nhiều cỡ chữ là có thể lựa chọn tùy theo cấp độ lớn của đối tượng mà lựa chọn các cỡ đã ấn định cho phù hợp. Những mẫu không ghi cỡ chữ là tùy chọn cỡ cho phù hợp với đối tượng và diện tích cho phép bố trí chữ trên bản đồ (kiểu chữ phải theo mẫu không được thay đổi).

Khi ghi chú chữ cần chú ý bố trí chữ vào đúng vị trí thích hợp sao cho dễ đọc, dễ hiểu và không nhầm lẫn đối tượng. Những chỗ không thể ghi chú đầy đủ có thể dùng ghi chú tắt theo qui định ở phần "ghi chú tắt trên bản đồ". Những ghi chú giải thích đối tượng cần cố gắng bố trí song song với khung Nam bản đồ để dễ đọc.

Các trường hợp dùng chữ hoa thì viết hoa cả danh từ chung và danh từ riêng ví dụ: SÔNG HỒNG, hoặc SG.HỒNG. Trường hợp dùng chữ thường thì danh từ chung viết chữ thường khi viết đầy đủ cả chữ. Khi viết tắt theo qui định tại phần "Ghi chú tắt trên bản đồ" thì chữ cái đầu của danh từ chung viết tắt viết chữ in hoa, tên riêng trong mọi trường hợp đều viết in hoa các chữ cái đầu. Ví dụ: nông trường Tam Đảo; Nt.Tam Đảo.

X. MẪU KHUNG BẢN ĐỒ

Khung bản đồ địa chính cơ sở (bản gốc đo vẽ) và bản đồ địa chính tỉ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000 và 1:5000 thống nhất trình bày theo mẫu kèm theo ký hiệu này. Kiểu cỡ chữ trình bày trong ngoài khung được qui định tại phần "Ghi chú". Chia mảnh và đánh số, đặt phiên hiệu bản đồ các loại tỉ lệ theo qui định của qui phạm thành lập bản đồ địa chính tỉ lệ tương ứng.

Phần bảng chắp mảnh ngoài khung bản đồ địa chính trong trường hợp đơn vị cấp xã được chia thành quá nhiều mảnh, nếu thể hiện toàn bộ các mảnh thì bảng chắp quá lớn. Khi đó có thể thay bảng chắp toàn bộ các mảnh bằng bảng chắp 9 mảnh theo nguyên tắc giống như bảng chắp ngoài khung bản đồ địa chính cơ sở (thể hiện 1 mảnh chính và 8 mảnh xung quanh). Cách vẽ và đánh số mảnh theo mẫu khung qui định cho bản đồ địa chính.

Các trường hợp trích đo cũng trình bày khung bản đồ theo mẫu khung bản đồ địa chính cơ sở và bản đồ địa chính. Bên cạnh tên mảnh bản đồ thêm ghi chú "mảnh trích đo" đặt trong dấu ngoặc đơn. Trên các bản đồ tỉ lệ chính thức của khu đo phải kẻ khung mảnh trích đo, lực nét và màu sắc theo qui định vẽ khung trong của mảnh bản đồ, bên trong phạm vi phần khung của mảnh trích đo phải ghi chú tên mảnh trích đo, tỉ lệ trích đo và phiên hiệu mảnh (phiên hiệu mảnh theo qui định của qui phạm) để dễ tìm và sử dụng.

Khi chỉnh lý biến động cho bản đồ địa chính cần bố trí một bảng ghi chú, thống kê các thửa có biến động gọi chung là "Bảng các thửa biến động". Bảng này có thể bố trí vào các vị trí trống thích hợp bên ngoài hoặc bên trong khung bản đồ địa chính. Trong bảng này bố trí các cột như sau (xem mẫu khung bản đồ địa chính và ví dụ về bảng các thửa biến động).

Số thứ tự thửa thêm: đánh theo thứ tự từ 1 đến hết các thửa mới xuất hiện do biến động có trên mảnh bản đồ.

Số hiệu thửa thêm: đánh theo số hiệu các thửa mới xuất hiện do biến động có trên mảnh bản đồ theo thứ tự từ nhỏ đến lớn.

Số hiệu thửa lân cận: ghi chú số hiệu của các thửa kề cạnh các thửa biến động (ưu tiên số hiệu các thửa cũ) để dễ tìm vị trí thửa biến động trên bản đồ.

Số hiệu các thửa biến động (thửa thêm) được quy định đánh số bằng lấy số mới tiếp theo số thửa cuối cùng trên bản đồ, bỏ số thửa cũ. Vì vậy trong "bảng các thửa biến động" đưa thêm cột số hiệu các thửa bỏ và số thứ tự các thửa bỏ để tiện theo dõi và tổng hợp.

MẪU TRÌNH BÀY KHUNG BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH CƠ SỞ (BẢN ĐỒ GỐC ĐO VẼ)

 

MẪU TRÌNH BÀY KHUNG BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH