cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 202/1999/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 12-10-1999
  • Ngày có hiệu lực: 27-10-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-12-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3711 ngày (10 năm 2 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-12-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-12-2009, Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 202/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 202/1999/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (công văn số 145/KHĐT ngày 16 tháng 01 năm 1997, số 680/KHĐT ngày 14 tháng 3 năm 1998 và số 3007/GTVT-KHĐT ngày 03 tháng 9 năm 1999) và ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư (công văn số 4848/HĐTĐ ngày 14 tháng 7 năm 1998 và số 77/TĐNN ngày 24 tháng 7 năm 1999),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 với nội dung chủ yếu sau:

1- Mục tiêu quy hoạch:

- Mục tiêu chung: Làm cơ sở để xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước; hình thành những trung tâm kết nối cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tại các khu vực và đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật về cảng biển, để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển của đất nước đối với khu vực và thế giới, tạo ra những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng giữa trong nước với nước ngoài.

- Các mục tiêu cụ thể:

+ Hệ thống cảng biển Việt Nam được quy hoạch phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở tiến bộ khoa học công nghệ hàng hải về quy mô, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ, hệ thống quản lý, để có thể từng bước đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và quốc tế.

+ Hệ thống cảng biển Việt Nam bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển theo yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, dự kiến đạt khoảng 106 triệu tấn/năm vào năm 2003 và khoảng 200 triệu tấn/năm vào năm 2010.

+ Hệ thống cảng biển Việt Nam được qui hoạch phân bố trên phạm vi cả nước tại những vị trí có điều kiện và nhu cầu xây dựng cảng biển, nhằm khai thác ưu thế thiên nhiên, tận dụng khả năng vận tải biển, phục vụ tốt các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí khai thác cảng.

2- Những định hướng quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam:

- Cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các cảng hiện có, phát huy các điều kiện tự nhiên và cơ sở sẵn có nhằm đầu tư hợp lý, khai thác có hiệu quả hệ thống cảng.

- Tập trung xây dựng một số cảng tổng hợp giữ vai trò chủ đạo ở các vùng kinh tế trọng điểm cho các tầu có trọng tải lớn (trên 30.000 DWT). Chú trọng tới các cảng hoặc khu bến chuyên dùng cho hàng container, hàng rời, hàng lỏng và cảng trung chuyển quốc tế.

- Xây dựng có trọng điểm một số cảng ở các địa phương trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư, chức năng và quy mô thích hợp với mức độ phát triển kinh tế của địa phương và khả năng huy động vốn.

- Cùng với việc phát triển các cảng cần chú ý phát triển đồng bộ các dịch vụ hàng hải và các cơ sở hạ tầng liên quan nhằm nâng cao năng lực phục vụ và hiệu quả đầu tư của cảng.

- Trong việc đầu tư phát triển cũng như khai thác các cảng biển cần kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu phát triển kinh tế và quốc phòng.

3- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010:

Hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 có 8 nhóm:

- Nhóm 1: Nhóm cảng biển phía Bắc, bao gồm các cảng biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

- Nhóm 2: Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ, bao gồm các cảng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

- Nhóm 3: Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ, bao gồm các cảng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

- Nhóm 4: Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, gồm các cảng biển từ Bình Định đến Bình Thuận.

- Nhóm 5: Nhóm cảng biển thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Nhóm 6: Nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

- Nhóm 7: Nhóm cảng biển các đảo Tây Nam.

- Nhóm 8: Nhóm cảng biển Côn Đảo.

Trong mỗi nhóm cảng biển nói trên bố trí các cảng tổng hợp và các cảng chuyên dùng (cảng liền bờ, cảng nổi, vùng neo đậu tàu tại các khu vực hàng hải và các cảng cạn), chức năng nhiệm vụ của từng nhóm cảng như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 680/KHĐT ngày 14 tháng 3 năm 1998.

Danh mục các cảng biển trong qui hoạch được nêu tại phụ lục kèm theo quyết định này.

4. Các cảng tiềm năng:

Quy hoạch xác định danh mục các cảng tiềm năng là các cảng dự kiến phát triển chủ yếu sau năm 2010, cần phải dành quỹ đất thích hợp để xây dựng.

Đối với các cảng tiềm năng, tùy theo nhu cầu và khả năng thực hiện đầu tư Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Điều 2. Quản lý quy hoạch hệ thống cảng biển

1- Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thông qua Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ quản lý quy hoạch hệ thống cảng biển đã được phê duyệt.

2- Giao Bộ Giao thông vận tải quyết định các điều chỉnh cụ thể đối với các cảng không trái với chức năng, quy mô của các nhóm cảng trong quy hoạch được duyệt.

- Trong trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch được duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

3- Giao Bộ Giao thông vận tải lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết các nhóm cảng 1,3,5,6.

- Giao Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết các nhóm cảng còn lại.

4- Giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cảng và cơ sở hạ tầng cảng biển, trình Chính phủ phê duyệt theo hướng Nhà nước thống nhất quản lý cơ sở hạ tầng cảng biển, các doanh nghiệp thuê khai thác và trả phí bảo đảm nguồn thu của người bỏ vốn đầu tư cảng và nguồn thu thuộc đặc quyền của Nhà nước để tái đầu tư phát triển hệ thống cảng và cơ sở hạ tầng cảng biển theo quy hoạch được duyệt.

5- Giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Địa chính quản lý chặt chẽ quỹ đất theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xây dựng cảng biển theo đúng quy hoạch.

6- Giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng mạng lưới giao thông tới cảng: đường bộ, đường sắt, đường sông, luồng tàu biển, nhằm khai thác đồng bộ cảng biển và nâng cao khả năng thông qua của cảng biển.

Điều 3. Triển khai thực hiện quy hoạch

1- Giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 đã phê duyệt, chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cho từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2- Từ nay đến năm 2003, tập trung đầu tư chủ yếu vào 10 cảng trọng điểm sau:

- Cảng tổng hợp Cái Lân.

- Cảng tổng hợp Hải Phòng.

- Cảng tổng hợp Cửa Lò.

- Cảng tổng hợp Đà Nẵng (Tiên Sa - Sông Hàn).

- Cảng chuyên dùng Khu công nghiệp Dung Quất.

- Cảng tổng hợp Quy Nhơn.

- Cảng tổng hợp Nha Trang.

- Cảng tổng hợp Thị Vải.

- Cảng tổng hợp Sài Gòn.

- Cảng tổng hợp Cần Thơ.

3- Nguồn vốn đầu tư: Huy động các nguồn vốn trong nước và ngoài nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn đầu tư theo các hình thức liên doanh, hợp đồng BOT và các nguồn vốn khác.

Các cảng trọng điểm được ưu tiên vốn Nhà nước để đầu tư, đảm bảo tính chủ đạo của Nhà nước trong điều hành hoạt động khai thác hệ thống cảng.

Cho phép các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trong nước tự bỏ vốn hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư các cảng khác phù hợp với quy hoạch.

4- Trình tự đầu tư xây dựng cảng được thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 13/CP ngày 25 tháng 2 năm 1994 của Chính phủ và Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)