cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 37/CT-UB-NCVX ngày 12/11/1997 Về tăng cường thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 37/CT-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 12-11-1997
  • Ngày có hiệu lực: 12-11-1997
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4255 ngày (11 năm 8 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-07-2009, Chỉ thị số 37/CT-UB-NCVX ngày 12/11/1997 Về tăng cường thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 07/07/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ văn bản”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 37/CT-UB-NCVX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống cho người lao động khi gặp rủi ro, bệnh tật hoặc lúc về nghỉ hưu. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội sẽ góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.Cùng với hệ thống bảo hiểm xã hội cả nước, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/1995 và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Đó là:

- Nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ, nhất là khu vực ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Công tác tuyên truyền của ngành Bảo hiểm xã hội thành phố chưa nhiều và cũng chưa sâu rộng.

- Công tác kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm chế độ bảo hiểm xã hội chưa được coi trọng.

- Chế độ ghi chép sổ sách kế toán ở một số địa phương phường-xã còn lỏng lẻo, cá biệt còn xảy ra hiện tượng tiêu cực.

Để việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đúng theo luật định, căn cứ chỉ thị số 15/CT-TW ngày 26/5/1997 của Bộ Chính trị, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo:

1. Đối với ngành Bảo hiểm xã hội thành phố:

a. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, các cơ quan Báo, Đài Phát thanh- Truyền hình thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm mục đích làm cho tất cả các cơ quan, đơn vị trong khu vực hành chánh sự nghiệp, các doanh nghiệp quốc doanh, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người lao động quán triệt, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước.

b. Tăng cường, phát huy hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước của ngành bảo hiểm xã hội trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đảm bảo đúng chính sách chế độ theo quy định, không gây phiền hà cho người lao động.Muốn vậy, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố cần thực hiện một số công việc sau đây:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch đào tạo lại đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu quả công tác.

- Xây dựng qui chế làm việc khoa học, hợp lý. Nghiên cứu đơn giản hóa các loại hồ sơ, thủ tục khi thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Ứng dụng tin học vào quản lý, lưu trữ và xử lý thông tin phù hợp với đặc điểm của ngành. Phấn đấu hoàn tất việc cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời gian sớm nhất.- Lập danh sách các đơn vị sử dụng lao động không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc trích nộp bảo hiểm xã hội. Có biện pháp thích hợp để thu đủ và đúng quy định. Các trường hợp cố tình vi phạm, báo các cơ quan có chức năng xử phạt theo luật định.

- Tổ chức chi trả các chế độ ốm đau, thai sản theo chứng từ hợp lệ. Phối hợp các phường-xã trả lương hưu và các khoản trợ cấp thường xuyên kịp thời. Kết hợp chi trả với kiểm tra, ngăn ngừa các sơ hở, lỏng lẻo trong việc tổ chức chi trả ở cấp phường xã.

- Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính, kế toán. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra trong nội bộ ngành để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời các sai phạm trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố:

- Thông báo kịp thời cho cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố về tình hình thống kê số liệu cơ sở, danh sách địa chỉ và qui mô các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thông qua việc đăng ký giấy phép thành lập doanh nghiệp (hoặc giải thể nếu có).Khi cấp giấy phép, có lưu ý các doanh nghiệp chấp hành quy định về bảo hiểm xã hội.

3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Bộ Luật lao động, thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, đặc biệt trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở kiểm tra có biện pháp xử phạt các đơn vị vi phạm theo Nghị định số 38/CP của Chính phủ.

- Tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc ký hợp đồng lao động và thực hiện chế độ tiền lương đối với các doanh nghiệp đặc biệt là các xí nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài, ngăn chặn việc ký hợp đồng lao động ngắn hạn sai quy định, ghi mức lương hợp đồng sai thực tế để né tránh nộp bảo hiểm xã hội.

4. Sở Tài chánh và Cục Thuế thành phố:Thông qua xét duyệt quyết toán và kiểm tra sổ sách kế toán của các doanh nghiệp, ngăn chặn các hình thức khai giảm quỹ lương khi tính phí bảo hiểm xã hội phải nộp.

5. Sở Y tế:Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh cấp phiếu chứng nhận nghỉ ốm để người lao động thanh toán trợ cấp ốm đau, thai sản đúng quy định của Bộ Tài chính, đảm bảo thủ tục nhanh gọn, thuận tiện cho người lao động.

6. Sở Văn hóa thông tin:Chỉ đạo các báo, đài thông tin tuyên truyền rộng rãi các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội để giúp người lao động hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Kịp thời biểu dương các đơn vị làm tốt cũng như phê phán các hành vi vi phạm chính sách và điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành.

7. Ủy ban nhân dân các quận huyện:- Tăng cường chỉ đạo các phòng có liên quan (lao động thương binh xã hội, kinh tế, tài chánh, thuế…) phối hợp với bảo hiểm xã hội các quận huyện để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội đối với các cơ quan, đơn vị đặc biệt là các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn.

- Kiên quyết xử phạt các doanh nghiệp không trích nộp bảo hiểm xã hội hoặc trích nộp không đầy đủ theo Nghị định số 38/CP của Chính phủ.

- Chỉ đạo và nhắc nhở Ủy ban nhân dân các phường-xã chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội kịp thời; thanh quyết toán đúng hạn; mở sổ sách theo dõi và quản lý chặt chẽ kinh phí; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gây thất thoát công quỹ.

- Định kỳ mỗi quý nghe cơ quan bảo hiểm xã hội quận (huyện) báo cáo kết quả tình hình thực hiện để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, tồn tại.Giao cho Bảo hiểm xã hội thành phố chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các ban ngành tổ chức thực hiện tốt chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ủy ban trên địa bàn thành phố. Hàng quý Bảo hiểm xã hội thành phố có sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và tổng hợp báo cáo về Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo