Quyết định số 37/1999/QĐ-BGDĐT ngày 30/09/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về Quy chế tuyển chọn, tổ chức đào tạo và xét tuyển vào đại học, cao đẳng đôi với học sinh dự bị đại học (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 37/1999/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Ngày ban hành: 30-09-1999
- Ngày có hiệu lực: 15-10-1999
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-04-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2017 ngày (5 năm 6 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 23-04-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/1999/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 37/1999-QĐ-BGD&ĐT NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ "TUYỂN CHỌN, TỔ CHỨC ĐÀO TẠO VÀ XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG ĐỐI VỚI HỌC SINH DỰ BỊ ĐẠI HỌC"
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 2/12/1998
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đại học;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế "Tuyển chọn, tổ chức đào tạo và xét tuyển vào đại học, cao đẳng đối với học sinh dự bị đại học".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 410/ĐH ngày 6/4/1982 của Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN về việc ban hành "Quy chế về học tập, kiểm tra, thi và xét học sinh dự bị đại học vào học đại học".
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học và Vụ trưởng các Vụ liên quan, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, Hiệu trưởng các trường dự bị đại học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Minh Hiển (Đã ký) |
QUY CHẾ
TUYỂN CHỌN, TỔ CHỨC ĐÀO TẠO VÀ XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG ĐỐI VỚI HỌC SINH DỰ BỊ ĐẠI HỌC
(Ban hành theo Quyết định số 37/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 30 tháng 9 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Chương 1
ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN VÀ QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN
Điều 1. Đối tượng và điều kiện tuyển chọn
1. Đối tượng và điều kiện tuyển chọn dự bị đại học (DBĐH) của các trường đại học.
Thí sinh thuộc nhóm ưu tiên 1 quy định tại khoản 1 Điều 7 của Quy chế Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy, ban hành theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/2/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), trung học bổ túc (THBT), trung học chuyên nghiệp (THCN) hoặc trung học nghề (THN) và đã dự thi vào các trường đại học nhưng không đạt điểm vào đại học, nếu đạt điểm vào học DBĐH năm đó do các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh DBĐH quy định sẽ được tuyển chọn vào học DBĐH .
2. Đối tượng và điều kiện tuyển chọn dự bị đại học dân tộc (DBĐHDT) của các trường DBĐH hoặc các trường DBĐHDT.
Thí sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc ít người Việt Nam, có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày xét tuyển vào học DBĐH dân tộc) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ở các xã, thị trấn, huyện vùng cao (KV1-VC), vùng sâu (KV1-VS), miền núi (KV1-MN), hải đảo, đã dự thi vào các trường đại học (không thuộc khối trường năng khiếu, khối trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) nhưng không trúng tuyển vào đại học, không đạt điểm vào học DBĐH do các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh DBĐH quy định, không có môn thi tuyển sinh đại học nào bị điểm không (0), nhưng đạt điểm do trường DBĐH hoặc trường DBĐHDT quy định và thông báo công khai sẽ được đưa vào diện xét tuyển học DBĐHDT.
Nếu số người đạt điểm quy định lớn hơn chỉ tiêu được giao thì lấy từ người có điểm cao trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu.
Điều 2. Đăng ký học DBĐH và hồ sơ đăng ký học DBĐH
1. Thí sinh thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Quy chế này sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào hệ dự bị, trong thời hạn quy định của trường cần nộp hồ sơ trúng tuyển cho trường đại học mà minh đã dự thi.
2. Thí sinh thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Quy chế này cần nộp đơn đăng ký xét tuyển DBĐHDT (theo mẫu quy định) cho trường DBĐH hoặc trường DBĐHDT thuộc vùng tuyển sinh quy định, chậm nhất là ngày 5/9 của năm dự thi đại học. (Các thí sinh thuộc các tỉnh từ Quảng Bình trở ra nộp đơn cho trường DBĐHDTTW Việt Trì; thí sinh của các tỉnh Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc, Khánh Hoà nộp đơn cho trường DBĐHDT Nha Trang; thí sinh từ Lâm Đồng trở vào nộp đơn cho trường DBĐH Thành phố Hồ Chí Minh).
3. Khi nhận được giấy triệu tập trúng tuyển của trường đại học, trường DBĐH hoặc trường DBĐHDT thí sinh thuộc diện nói ở Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 của Quy chế này cần nộp cho trường hồ sơ trúng tuyển bao gồm:
a) Học bạ THPT (hoặc THBT, THCN, THN).
b) Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (THPT, THBT, THCN hoặc THN) do Hiệu trưởng nhà trường cấp đối với những người đăng ký học ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời chậm nhất là đầu học kỳ II phải xuất trình bằng tốt nghiệp chính để trường đối chiếu kiểm tra.
c) Giấy khai sinh.
d) Các giấy tờ xác nhận đối tượng và khu vực ưu tiên như giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh hoặc thẻ chứng nhận được được hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc của bố mẹ, hộ khẩu thường trú của học sinh.
(Các giấy tờ nói ở mục a, b, c, d các trường đều thu bản photôcopy sau khi đã kiểm tra, đối chiếu với bản chính).
đ) Giấy báo điểm thi tuyển sinh đại học do các trường đại học cấp.
Điều 3. Thủ tục và quy trình tuyển chọn vào DBĐH.
1. Đối với các trường đại học.
a) Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh DBĐH cho các trường đại học.
b) Hội đồng tuyển sinh các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh DBĐH, căn cứ đối tượng và điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Quy chế này và căn cứ kết quả thi tuyển sinh vào trường, dự kiến điểm xét tuyển vào DBĐH để tuyển đủ chỉ tiêu. Cùng với dự kiến điểm xét tuyển vào đại học, Hội đồng tuyển sinh trường báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điểm xét tuyển DBĐH và sau khi có sự nhất trí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công bố công khai điểm xét tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng và tiến hành tiếp nhận hồ sơ trúng tuyển DBĐH của thí sinh đủ điều kiện quy định.
c) Các trường đại học có khoa DBĐH tổ chức đào tạo DBĐH cho học sinh đủ điều kiện trúng tuyển DBĐH ngay tại trường.
Các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh DBĐH nhưng không có khoa DBĐH, sau khi xét tuyển xong, chuyển hồ sơ của học sinh đủ điều kiện trúng tuyển DBĐH đến các trường DBĐH được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo DBĐH.
2. Đối với các trường DBĐH và DBĐHDT.
a) Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và công bố công khai các chỉ tiêu sau đây cho các trường DBĐH và DBĐHDT:
- Chỉ tiêu tiếp nhận đào tạo DBĐH đối với thí sinh diện cử tuyển do các tỉnh tuyển chọn.
- Chỉ tiêu tiếp nhận đào tạo DBĐH đối với thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển DBĐH do các trường đại học có chỉ tiêu tuyển DBĐH nhưng không đào tạo DHĐH tại trường.
- Chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo DBĐHDT đối với thí sinh đạt điểm xét tuyển vào học DBĐHDT do trường DBĐH hoặc trường DBĐHDT quy định.
b) Hằng năm, các trường DBĐH và DBĐHDT công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh DBĐHDT, điểm tối thiểu cần thiết để đưa vào diện xét tuyển và tiến hành thu đơn đăng ký xét tuyển DBĐHDT của thí sinh thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Quy chế này.
- Căn cứ đơn đăng ký xét tuyển DBĐHDT, kết quả thi tuyển sinh đại học của thí sinh, trường dự kiến điểm xét tuyển cho khối Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội theo các vùng ưu tiên rồi báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm nhất là ngày 05/10 của năm tuyển sinh. Sau khi có sự nhất trí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường triệu tập thí sinh vào học cùng với các thí sinh khác nói ở mục a - khoản 2 của Điều này.
Chương 2
TỔ CHỨC HỌC TẬP, KIỂM TRA VÀ THI
Điều 4. Tổ chức học tập.
1. Các trường DBĐH và DBĐHDT, các khoa DBĐH của các trường đại học tổ chức dạy và học, kiểm tra và thi theo đúng mục tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo và chương trình các môn học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho hệ DBĐH theo Quyết định số 2464/GD-ĐT ngày 01/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Mỗi khoá DBĐH chia thành hai khối tự nhiên và xã hội và được tổ chức học trong một năm, khai giảng muộn nhất là vào 30/10. Mỗi năm có hai học kỳ, mỗi học kỳ có 14 tuần thực học (chưa kể thời gian kiểm tra, thi). Số tiết học trong mỗi tuần là 30 tiết. Các khoá DBĐH không có chế độ lưu ban trừ trường hợp nghỉ học trên 30 ngày đến không quá 45 ngày do ốm đau, tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.
Thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định chung như đối với học sinh các trường đại học.
Điều 5. Kiểm tra và thi.
1. Mỗi môn học, trong một học kỳ phải có 2 lần kiểm tra viết. Thời gian làm bài kiểm tra cho mỗi môn là 60 phút.
Cuối mỗi học kỳ, học sinh khối Khoa học Tự nhiên phải thi các môn: Toán, Lý, Hoá hoặc Toán, Sinh, Hoá (tuỳ theo nguyện vọng của học sinh); học sinh khối Khoa học Xã hội phải thi các môn: Văn, Sử, Địa. Thời gian làm bài thi cho mỗi môn là 120 phút. Thời gian ôn tập để thi cuối học kỳ I là 1 tuần, cuối học kỳ II là 2 tuần.
Chấm bài kiểm tra và bài thi theo thang điểm 10. Điểm bài kiểm tra tính theo hệ số 1, bài thi tính theo hệ số 2.
2. Việc ra đề kiểm tra và tổ chức chấm bài kiểm tra do Tổ trưởng bộ môn chịu trách nhiệm.
Việc ra đề thi, coi thi, chấm thi thực hiện theo các quy định tương ứng của Quy chế tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy, ban hành theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/2/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Tất cả học sinh đều được quyền dự thi cuối học kỳ II, trừ những học sinh thuộc một trong các diện dưới đây:
- Bị thi hành kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên.
- Trong cả năm học, tổng số ngày nghỉ học có lý do và không có lý do vượt quá 45 ngày.
- Điểm trung bình cộng của 4 lần kiểm tra (đối với tất cả các môn học) và lần thi cuối học kỳ 1 (đối với những môn học có thi học kỳ) của một môn học đạt dưới 4. Những học sinh không tham dự đủ số lần kiểm tra và lần thi cuối học kỳ 1, nhà trường xem xét từng trường hợp cụ thể để cho phép kiểm tra và thi bổ sung; nếu học sinh vẫn không tham dự đủ số lần kiểm tra và thi cuối học kỳ I thì điểm kiểm tra hoặc điểm thi của những lần vắng mặt đối với môn học được tính là điểm 0.
- Thi cuối học kỳ II chỉ tổ chức 1 lần.
Điều 6. Điểm tổng kết cuối năm.
Cuối năm học, mỗi môn học có một điểm tổng kết. Điểm tổng kết đối với các môn học không có thi học kỳ là điểm trung bình cộng của 4 lần kiểm tra; đối với các môn có thi học kỳ là điểm trung bình cộng của 4 lần kiểm tra, lần thi cuối học kỳ I và lần thi cuối học kỳ II.
Chương 3
XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG
Điều 7. Điều kiện được tuyển vào đại học, cao đẳng sau khi kết thúc năm DBĐH.
1. Những học sinh DBĐH đạt đủ các điều kiện dưới đây sẽ được tuyển vào đại học:
- Xếp loại hạnh kiểm cả năm đạt khá trở lên.
- Điểm tổng kết cuối năm của tất cả các môn học đạt từ 5,0 trở lên.
2. Những học sinh không đủ điều kiện tuyển vào đại học nhưng có xếp loại hạnh kiểm cả năm đạt khá trở lên và điểm tổng kết cuối năm của các môn học không có môn nào dưới 4,0, nếu có đơn đề đạt nguyện vọng, được tuyển vào cao đẳng.
3. Những học sinh không đủ điều kiện tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ được nhà trường xem xét chuyển vào trường THCN (nếu học sinh có nguyện vọng) hoặc trả về địa phương.
Điều 8. Phân phối học sinh về các trường đại học, cao đẳng và bố trí ngành học cho học sinh.
Căn cứ các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy chế này, căn cứ khối kiến thức đã học ở dự bị đại học, căn cứ vào ngành và trường mà học sinh đã dự thi đại học và căn cứ nguyện vọng của học sinh, các trường ĐH, DBĐH và DBĐHDT phân phối học sinh vào học các ngành của các trường đại học, cao đẳng.
Đối với những trường (hoặc những ngành học) mà số học sinh đăng ký theo học lớn hơn chỉ tiêu thì căn cứ kết quả học tập ở DBĐH để chọn từ người có kết quả học tập cao trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu, những người còn lại chuyển sang các trường khác (hoặc ngành học khác) cùng khối (hoặc cùng nhóm ngành).
Điều 9. Tiếp nhận học sinh đã học DBĐH vào các trường đại học, cao đẳng.
1. Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và công bố công khai chỉ tiêu tiếp nhận và đào tạo học sinh đã học xong DBĐH cho các trường đại học, cao đẳng.
2. Các trường DBĐH, DBĐHDT gửi hồ sơ kèm theo kết quả học tập của học sinh đủ điều kiện tuyển vào đại học, cao đẳng cho Hội đồng tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng có chỉ tiêu tiếp nhận học sinh đã học xong DBĐH. Các khoa DBĐH của các trường đại học gửi hồ sơ kèm theo kết quả học tập của học sinh đủ điều kiện tuyển vào đại học, cao đẳng cho Hội đồng tuyển sinh của trường mình.
3. Hội đồng tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng tiến hành kiểm tra hồ sơ học sinh đã học xong DBĐH, nếu thấy đúng đối tượng và đủ điều kiện quy định tại Điều 1, Điều 7 của Quy chế này thì triệu tập học sinh vào học.
Chương 4
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm.
Việc khen thưởng và xử lý vi phạm đối với cán bộ làm công tác tuyển sinh, nhà giáo và học sinh DBĐH thực hiện theo các quy định tại:
- Quy chế Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hệ chính quy, ban hành theo Quyết định số 05/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 23/2/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Quy chế Công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, ban hành theo Quyết định số 1584/GD-ĐT ngày 27/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Quy chế Công tác học sinh, sinh viên nội trú trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, ban hành theo Quyết định số 2137/ GD-ĐT ngày 28/6/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PHỤ LỤC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày ........ tháng ......... năm ...........
ĐƠN ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN DỰ BỊ ĐẠI HỌC DÂN TỘC
Kính gửi: (Ghi rõ tên trường DBĐH hoặc trường DBĐHDT):
...................................................................
1- Họ và tên học sinh: .................................................................................
2- Ngày, tháng, năm sinh: ...........................................................................
3- Dân tộc: .................................................................................................
4- Hộ khẩu thường trú (số nhà, đường phố, xã, phường, huyện, quận, tỉnh, thành phố): ........................................................................................................
5- Hộ khẩu thường trú tại khu vực (KV) nào thì khoanh tròn vào ký hiệu của khu vực đó
(KV3, KV2, KV2-NT, KV1, KV1-VS, KV1-MN, KV1-VC)
6- Thuộc đối tượng ưu tiên nào thì khoanh tròn vào ký hiệu của đối tượng đó: 01, 02, 03, 04, 5a, 5b)
7- Tốt nghiệp hệ nào thì khoanh tròn vào hệ đó
(THPT, THBT, THCN, THN)
8- Ngày, tháng, năm dự thi tốt nghiệp: .......................................................
9- Đã dự thi tuyển sinh vào trường đại học nào? .........................................
Ngày tháng năm dự thi vào đại học: ........................................................
Kết quả dự thi đại học:
Môn ..........: ....... điểm; Môn: ............: ...... điểm; Môn ............: ....... điểm
Điểm thưởng: ............ Tổng điểm:.................
10. Căn cứ điểm thi do trường quy định và kết quả dự thi đại học của mình, tôi đăng ký xin học DBĐHDT. Nếu được chấp nhận tôi đăng ký học DBĐH theo: khối Tự nhiên hay khối Xã hội:..................................
Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật. Nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm xử lý theo Quy chế Tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi cần báo tin cho ai, theo địa chỉ nào?:
......................................................................................................................
Học sinh ghi rõ họ tên và ký