cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 24/CT-UB ngày 28/08/1997 Về tổ chức quản lý công tác vận tải hành khách và du lịch (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 24/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 28-08-1997
  • Ngày có hiệu lực: 28-08-1997
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-06-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3575 ngày (9 năm 9 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 12-06-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 12-06-2007, Chỉ thị số 24/CT-UB ngày 28/08/1997 Về tổ chức quản lý công tác vận tải hành khách và du lịch (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 12/06/2007 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, giao thông do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/7/1989 đến ngày 30/6/2006 đã hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UB

Đồng Hới, ngày 28 tháng 08 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TÁC VẬN TẢI HÀNH KHÁCH VÀ DU LỊCH

Thời gian qua các ngành, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện Nghị định 36/CP, 39/CP, 40/CP về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Nhìn chung tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong khi đó, việc tổ chức công tác vận tải hành khách vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông do xe khách đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tình hình vi phạm các quy định về trật tự ATGT về vận tải hành khách như tranh giành luồng tuyến, xe không đón trả khách đúng quy định, xe phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách, thậm chí có chủ phương tiện xe khách không có bằng lái, không có giấy lưu hành hoặc giấy phép vận tải hành khách nhưng vẫn hoạt động… đây chính là những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 36/CP đến nay, trong toàn tỉnh ta đã xảy ra 516 vụ tai nạn, làm chết 144 người, bị thương 514 người, thiệt hại 2 tỷ 330 triệu đồng.

Để nhanh chóng lập lại trật tự trong việc tổ chức quản lý các phương tiện vận chuyển hành khách trong toàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và các ngành tổ chức, đơn vị thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ và đô thị, xác định đây là một công tác lâu dài, thường xuyên trong đó trọng tâm chú ý đến công tác tổ chức quản lý vận tải hành khách và du lịch. Phải tìm nhiều biện pháp vừa cơ bản, vừa thiết thực để kết quả thu được thật ổn định và vững chắc. Đồng thời trong quá trình thực hiện cần phải rút kinh nghiệm, bổ cứu kịp thời, lựa chọn những phương án tối ưu để đưa công tác tổ chức quản lý bến xe đi vào nề nếp, phân luồng tuyến cho các chủ phương tiện có tư cách pháp nhân. Có quy chế khi xe chở khách xuất bến đảm bảo an toàn cho phương tiện và con người.

2. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các ngành liên quan xác định những địa bàn xung yếu, tổ chức quản lý vận tải hành khách còn yếu để tập trung chỉ đạo nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực đạt hiệu quả cao.

3. Phải thường xuyên bố trí lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông làm nhiệm vụ trên các tuyến đường và các địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời 2 ngành: Giao thông và Công an phải có biện pháp kiểm kê lại toàn bộ số phương tiện từ việc đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép lưu hành, bằng lái…với yêu cầu là mọi phương tiện vận tải hành khách và du lịch hoạt động trên đường giao thông công cộng phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra.

4. UBND các huyện và thị xã Đồng Hới tạo điều kiện thuận lợi để xây mới bến xe trung tâm ở các huyện, thị xã, các bến xe ở các thị trấn, thị tứ, các khu dân cư trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phải tổ chức kiểm tra buộc các phương tiện vận tải ô tô đậu đúng nơi quy định, các xe khách phải xuất bến, lấy khách và trả khách phải đúng quy định của Nghị định 36/CP của Chính phủ.

5. Nghiêm cấm việc tổ chức thu lệ phí bến xe ở ngoài bến. Các phương tiện vận tải hành khách và du lịch không chấp hành đúng quy định thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật quy định. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức công tác quản lý bến xe, tổ chức công tác chạy xe, lập lại trật tự trong công tác vận tải hành khách và du lịch.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng ở các địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân nội dung các văn bản của UBND tỉnh, của Chính phủ và của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quy định về trật tự ATGT vận tải và du lịch.

7.Giao cho Giám đốc Sở GTVT kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lên Chủ tịch UBND tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- TV Tỉnh uỷ;
- TT UBND Tỉnh;
- Các ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã;
- Lưu VP.

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Khẩn