cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1199/1999/QĐ-UB ngày 28/05/1999 Về quản lý, bảo vệ, khu di tích lịch sử Đền Hùngban hành bởi tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1199/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 28-05-1999
  • Ngày có hiệu lực: 28-05-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-03-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2856 ngày (7 năm 10 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 23-03-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 23-03-2007, Quyết định số 1199/1999/QĐ-UB ngày 28/05/1999 Về quản lý, bảo vệ, khu di tích lịch sử Đền Hùngban hành bởi tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 547/2007/QĐ-UBND ngày 13/03/2007 Về quản lý hoạt động tại di tích lịch sử Đền Hùngban hành bởi tỉnh Phú Thọ”. Xem thêm Lược đồ.

UBND TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1199/1999/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994.

Căn cứ Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh ngày 31-3-1984.

Căn cứ Nghị định 26/1999/ NĐ-CP ngày 19-4-1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo.

Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

Căn cứ Quyết định số 41/TTg ngày 21/01/1977 của Thủ tướng Chính phủ về rừng cấm quốc gia.

Căn cứ Quyết định số 63/TTg ngày 8/2/1994 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt dự án tổng thể khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Xét đề nghị của Sở Văn hoá- Thông tin và Thể thao.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số vấn đề về quản lý, bảo vệ, khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 345/QĐ-UB ngày 2/4/1994, Quyết định số 1132/QĐ-UB ngày 18/8/1994 của UBND tỉnh Vĩnh Phú.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể; chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban Ngành, Đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thi, Trưởng ban quản lý khu di tích Đền Hùng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

UBND TỈNH PHÚ THỌ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lâm

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1199/1999/QĐ-UB ngày 28/05/1999 của UBND tỉnh).

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự các Vua Hùng có công dựng nước, đã được Nhà nước xếp hạng là một trong những di tích lịch sử - văn hoá quan trọng bậc nhất của cả nước. Các ngành, các cấp, mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ khu di tích lịch sử Đền Hùng theo quy định của Nhà nước. Việc tôn tạo, tu sử và xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng phải tuân theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 63/TTg ngày 8/02/1994 và các dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2: Khu di tích lịch sử Đền Hùng có tổng diện tích tự nhiên là 1.625 ha trong đó:

- Khu 1: Bao gồm các di tích lịch sử, các công trình văn hoá, kết cấu hạ tầng và rừng nguyên sinh với diện tích 32 ha.

- Khu 2: Vùng bảo vệ cảnh quan khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội với diện tích 253 ha.

- Khu 1 và khu 2 có tổng diện tích 285 ha là khu rừng cấm quốc gia theo Quyết định số 41/TTg ngày 21/01/1977 của Thủ tướng Chính phủ.

- Khu 3: Vùng đệm bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái với diện tích 1.340 ha.

- Ban quản lý khu di tích Đền Hùng là chủ thể quản lý các di tích lịch sử, rừng cấm Đền Hùng, các công trình văn hoá, kết cấu hạ tầng, quản lý các hoạt động văn hoá, quản lý quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quản lý đất đai trong phạm vi 285 ha (khu 1 và khu 2). Ủy ban nhân dân huyện Phong Châu, Ủy ban nhân dân 6 xã vùng ven khu di tích Đền Hùng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước bằng luật pháp và những nội dung trong bản qui định này theo địa giới hành chính của địa phương mình.

Điều 3: Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến di tích, các công trình văn hoá, cảnh quan môi trường, địa hình, rừng cấm Đền Hùng. Nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo hoạt động trái với quy định Nhà nước, hoạt động mê tín dị đoan (sóc thẻ, rút thẻ, lên đồng, bói tướng số, bán lộc. v.v.) hoặc lợi dụng mê tín ngưỡng làm phương hại đến thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá dân tộc.

Chương II:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ.

Điều 4: Hàng năm Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức lễ hội Đền Hùng từ ngày 8-3 đến 10-3 âm lịch. Lễ tưởng niệm các Vua Hùng được tiến hành vào ngày 10-3 âm lịch, chủ lễ là Chủ tịch UBND tỉnh. Năm năm một lần, bắt đầu từ năm 2000 UBND tỉnh thống nhất với Bộ Văn hoá - Thông tin trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo tổ chức lễ tưởng niệm các Vua Hùng.

- Huyện Phong Châu và xã Hy cương có thể tổ chức lễ dâng hương trong dịp này nhưng không có danh nghĩa chủ lễ.

- Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo yêu cầu giáo dục truyền thống: hướng về cội nguồn, văn minh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế lễ hội do Bộ Văn hoá Thông tin ban hành.

- Khuyến khích các hoạt động văn hoá truyền thống, các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm và các tổ chức, cá nhân sản xuất, bán hàng lưu niệm của địa phương phục vụ nhu cầu đồng bào đi hội.

- Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao có trách nhiệm ban hành Nội quy thăm viếng, bảo vệ khu di tích Đền Hùng.

Điều 5: Các xã, phường, thị trấn có nhu cầu rước kiệu, tế tại các đền trong những ngày thường và ngày hội phải đăng ký với Ban quản lý khu di tích Đền Hùng sau khi được Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao cho phép. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội muốn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở khu vực Đền Hùng phải đăng ký trước 3 ngày với Ban quản lý khu di tích Đền Hùng.

Điều 6: Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật vv... liên quan đến khu di tích phải được Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao cho phép mới được tiến hành. Kết quả nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu phải gửi một bản cho Ban quản lý khu di tích Đền Hùng làm tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hùng Vương.

Điều 7: Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý ông từ, nhà sư và ra Quyết định tuyển chọn ông từ trong khu di tích Đền Hùng. Ban quản lý khu di tích Đền Hùng trực tiếp quản lý, chỉ đạo các hoạt động của ông từ và trả thù lao cho ông từ.

- Các ông từ được chọn tại xã Hy Cương, Chu Hoá và có thể được lựa chọn ở các xã vùng ven khu di tích Đền Hùng. Mức chi thù lao cho ông từ do Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao thống nhất với Sở Tài chính - Vật giá quyết định.

Nhà sư trông coi chùa Thiên Quang trong khu di tích Đền Hùng do Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh cử, UBND tỉnh cho phép và phải chịu sự quản lý chung của Ban quản lý khu di tích Đền Hùng.

- Các ông từ, nhà sư có trách nhiệm hướng dẫn đồng bào đến thăm viếng khu di tích giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh các đền, chùa, trông coi tiền cung tiến, tiền đặt lễ của đồng bào dưới sự chỉ đạo của Ban Quản lý khu di tích Đền Hùng.

Điều 8: Ban quản lý khu di tích Đền Hùng bố trí các bàn ghi phiếu công đức ở vị trí thuận tiện và tổ chức tiếp nhận chu đáo những hiện vật, tiền của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài cung tiến cho Đền Hùng. Hàng năm vào thời gian thích hợp Ban quản lý khu di tích Đền Hùng có trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị, tổ chức, cá nhân có hảo tâm công đức tu bổ Đền Hùng.

Hình thức ghi nhận công đức:

Cung tiến giá trị dưới 500.000 đồng ghi phiếu công đức; từ 500.000 đồng đến dưới 20 triệu đồng ghi phiếu công đức và ghi vào Sổ Vàng; từ 20 triệu đồng trở lên được khắc tên vào bia đá; từ 100 triệu đồng trở lên được khắc tên vào bia đá riêng gắn với công trình đã cung tiến; những hiện vật có giá trị được khắc tên và được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương.

Điều 9: Kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban quản lý di tích Đền Hùng giao cho Sở tài chính - Vật giá thống nhất với Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao trên nguyên tắc xác định là đơn vị sự nghiệp có thu, bào đảm cho đơn vị hoạt động bình thường. Các khoản thu và mức thu về dịch vụ ở khu di tích do Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao thống nhất với Sở Tài chính - Vật giá trình UBND tỉnh quyết định. Ban quản lý khu di tích Đền Hùng có trách nhiệm niêm yết mức giá thu các dịch vụ do UBND tỉnh qui định.

Điều 10: Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao chỉ đạo Ban quản lý khu di tích Đền Hùng tổ chức việc thu tiền két, tiền đặt lễ của khách trong ngày thường, ngày hội ở các đền, chùa trong khu di tích.

- Đối với khoản thu tiền két tại các đền, chùa: Ban quản lý khu di tích Đền Hùng tổ chức thu và sử dụng 100% số tiền thu được vào tu bổ di tích.

- Đối với tiền đặt lễ tại các đền: Ban quản lý khu di tích Đền Hùng tổ chức thu, quản lý và được sử dụng như sau: Trích 25% hỗ trợ cho ngân sách xã Hy Cương, Chu Hoá dùng vào việc xây dựng các công trình văn hoá, phúc lợi ở địa phương; 75% còn lại dùng vào việc tu sửa di tích, hoạt động sự nghiệp và trả thù lao cho ông từ ( thù lao cho ông từ được thực hiện như nói ở điều 7).

- Đối với tiền đặt lễ tại chùa Thiên Quang: Ban quản lý khu di tích Đền Hùng tổ chức thu, quản lý và được sử dụng như sau: Trích 25% chi cho hoạt động sự nghiệp; 75% còn lại để tu bổ chùa và trả thù lao cho nhà chùa.

Điều 11: Các tổ chức, tập thể và cá nhân làm dịch vụ kinh doanh trong khu vực 1 và khu vực 2 (285 ha), chỉ được làm dịch vụ kinh doanh ở những điểm theo quy hoạch và theo hướng dẫn của Ban quản lý khu di tích Đền Hùng. Mọi trường hợp bán hàng rong, tranh giành khách, vi phạm quy hoạch làm mất trật tự nơi công cộng thì Ban quản lý khu di tích Đền Hùng phải lập biên bản vi phạm và chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật hiện hành.

Người trong tỉnh hành nghề kinh doanh quay phim, chụp ảnh trong khu di tích phải đăng ký và công khai giá dịch vụ quay phim, chụp ảnh, kinh doanh do Sở Văn hoá - Thông tin và Thể thao cấp. Những trường hợp người tỉnh khách đến hành nghề ngoài giấy tờ hợp lệ do địa phương quản lý cấp phải có giấy phép của Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao Phú Thọ, phải tuân thủ Nội quy và hướng dẫn của Ban quản lý khu di tích Đền Hùng. Mọi trường hợp vi phạm tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý từ cảnh cáo, phạt tiền, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, đến trục xuất khỏi khu di tích hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 12: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và chỉ đạo việc trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng thuộc khu vực 1 và 2 (285 ha). Đội trồng rừng thuộc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng chịu trách nhiệm chính trong việc trồng rừng tại khu 1 và 2, có hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát của đội trồng rừng thuộc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng.

- UBND huyện Phong Châu là chủ đầu tư dự án trồng rừng bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái khu vực 3 (vùng đệm, diện tích 1.340 ha).

Điều 13: Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Phong Châu phối hợp với Ban quản lý khu di tích Đền Hùng, UBND xã Hy Cương và các xã vùng ven khu di tích giữ gìn trật tự an ninh trong khu vực (riêng ngày hội có kế hoạch bảo vệ riêng).

Chi Cục kiểm lâm tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Phong Châu, phối hợp với Ban quản lý khu di tích Đền Hùng làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các vụ vi phạm lâm luật trong khu vực.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14: Thủ trưởng các Sở, Ban Ngành, UBND các cấp, Ban quản lý khu di tích Đền Hùng, mọi công dân trên địa bàn tỉnh và mọi người đến thăm viếng khu di tích lịch sử Đền Hùng có trách nhiệm thực hiện bản quy định này.

Các cơ quan thông tin đại chúng, UBND huyện Phong Châu có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định này trong nhân dân, trước hết là nhân dân 6 xã vùng ven khu di tích để mọi người cùng thực hiện, nhằm giữ gìn, bảo vệ tốt khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể nhân dân vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện những nội dung nêu trong bản quy định này và giám sát các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện.

Điều 15: Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy định này và phối hợp với các ngành liên quan đôn đốc, theo dõi kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.