cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 59/1999/QĐ-UB ngày 05/04/1999 Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh Bình Phước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 59/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Ngày ban hành: 05-04-1999
  • Ngày có hiệu lực: 05-04-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-07-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5208 ngày (14 năm 3 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-07-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-07-2013, Quyết định số 59/1999/QĐ-UB ngày 05/04/1999 Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh Bình Phước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 08/07/2013 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành đã hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/1999/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 05 tháng 04 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆPTHEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 245/1998/QĐ-TTG NGÀY 21/12/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Luật Đất đai ngày 14/07/1993;

- Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;

Để quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của UBND các cấp và các Sở, ban, ngành thuộc Tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh Bình Phước.

ĐIỀU 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, xã (thị trấn); Thủ trưởng các Sở, ban, ngành lực lượng vũ trang; các tổ chức; các doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài Tỉnh có tham gia quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh…chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 245/1998/QĐ-TTG NGÀY 21/12/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/1998/QĐ-UB ngày 05-04-1999 của UBND Tỉnh)

Để triển khai thực hiện Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp, nhằm góp phần ngăn chặn những hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp, tạo điều kiện để mọi tổ chức, hộ gia đình cá nhân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

UBND Tỉnh quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh Bình Phước như sau:

Chương I

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

ĐIỀU 1: Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp Tỉnh về việc bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của Ủy ban Nhân dân cấp huyện:

Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp của Tỉnh, lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện, trình HĐND cấp huyện thông qua trước khi trình UBND cấp Tỉnh xét duyệt.

Hướng dẫn lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của UBND cấp xã, thị trấn trực thuộc huyện.

Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, biến động đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện, định kì báo cáo UBND Tỉnh, chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các chủ rừng tham gia kiểm kê rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp – PTNT.

Tổ chức giao rừng và đất lâm nghiệp, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của huyện.

Tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng; huy động lực lượng trên địa bàn phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm ngăn chặn mọi hành vi hủy hoại rừng, cùng với chủ rừng phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định, hợp đồng giao đất, giao khoán rừng cho các tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện.

Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên phạm vi huyện.

Tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đang sinh sống và sản xuất trên địa bàn huyện. Xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: quản lý bảo vệ rừng; quản lý; sử dụng đất lâm nghiệp theo pháp luật hiện hành.

Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng rừng, đất lâm nghiệp theo thẩm quyền luật định.

ĐIỀU 2: Trách nhiệm của các cơ quan giúp việc cho UBND cấp huyện:

Phòng Nông nghiệp- PTNT là cơ quan giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng.

Phòng Địa chính là cơ quan giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp.

Hạt kiểm lâm là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời giúp UBND huyện thực hiện quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng.

ĐIỀU 3: Chủ tịch UBND cấp xã (thị trấn) chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn xã (thị trấn).

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của Ủy ban Nhân dân cấp xã (Thị trấn trực thuộc huyện gọi chung là xã):

Quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã, cụ thể quản lý về các mặt:

- Danh sách chủ rừng;

- Diện tích, ranh giới các khu rừng, phối hợp cùng chủ rừng thực hiện kiểm kê tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Bộ NN-PTNT.

- Các bản khế ước giao rừng, các hợp đồng giao nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng giữa các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong xã.

Chỉ đạo các thôn ấp… xây dựng và thực hiện quy ước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch của huyện, lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng phương án giao rừng và đất lâm nghiệp trình HĐND xã (Thị trấn) thông qua trước khi trình UBND cấp huyện xét duyệt; tổ chức thực hiện giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo sự chỉ đạo của UBND Tỉnh, huyện, xác nhận ranh giới rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng trên thực địa( tham gia đóng mốc ranh giới lâm phần).

Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, biến động đất lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn xã (căn cứ vào kết quả kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp theo định kì để đối chiếu báo cáo cho các năm kế tiếp), để báo cáo UBND huyện và các cơ quan cấp huyện có liên quan theo định kỳ và yêu cầu đột xuất.

Phối hợp với cán bộ kiểm lâm, các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng đóng quân trên địa bàn, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn xã thực hiện tuần tra bảo vệ rừng, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, huy động các lực lượng giúp chủ rừng chữa cháy rừng trên địa bàn xã.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực: quản lý bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng đất nông- lâm nghiệp theo thẩm quyền.

Hoà giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Chương II

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP CỦA CÁC SỞ NGÀNH THUỘC TỈNH

ĐIỀU 4: Sở Nông nghiệp- PTNT là cơ quan tham mưu, nghiệp vụ giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý về rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng như sau:

Tổ chức điều tra, phân loại rừng, thống kê diện tích và đối tượng của từng loại rừng, lập bản đồ hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh đến cấp xã theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và Tổng Cục Địa chính. Tổ chức, hướng dẫn và thực hiện kiểm kê rừng theo định kỳ đúng quy định của Bộ Nông nghiệp – PTNT.

Xây dựng quy hoạch và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh, trình UBND Tỉnh báo cáo Hội đồng Nhân dân Tỉnh trước khi trình Chính phủ xét duyệt.

Hướng dẫn UBND cấp huyện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Phối hợp các ngành liên quan thẩm định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các huyện, tham mưu trình UBND Tỉnh phê duyệt.

Thành lập hội đồng xét duyệt phương án sản xuất, thiết kế khai thác, thiết kế trồng rừng cho các chủ rừng, sau đó tổng hợp trình UBND Tỉnh ra quyết định phê duyệt; Cấp giấy phép khai thác khi được Bộ NN-PTNT thẩm định hồ sơ và UBND Tỉnh ra quyết định mở rừng khai thác.

Chủ trì phối hợp các ngành và UBND huyện có liên quan, đề xuất UBND Tỉnh có tờ trình đề nghị xác lập, hoặc ra quyết định xác lập các khu rừng jphòng hộ, các khu rừng đặc dụng (Khu Bảo tồn thiên nhiên; khu rừng di tích Di tích Văn hoá, lịch sử, cảnh quan, du lịch ở địa phương) sau đó có sự thẩm định và văn bản ủy quyền của Bộ NN-PTNT hoặc các Bộ , ngành có liên quan khác.

Tham mưu ủy ban nhân dân cấp Tỉnh tổ chức quản lý các khu rừng: phòng hộ, đặc dụng và sản xuất trên địa bàn Tỉnh theo thẩm quyền.

Tham mưu UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện, xã, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước về quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. Thực hiện công tác thanh kiểm tra chuyên ngành theo thẩm quyền được giao.

Chi cục Phát triển Lâm nghiệp là cơ quan nghiệp vụ chuyên ngành giúp Sở Nông nghiệp- PTNT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng.

ĐIỀU 5: Sở Địa chính là cơ quan giúp UBND cấp Tỉnh thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp.

Sở Địa chính có trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất lâm nghiệp như sau:

Xây dựng trình UBND Tỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp; tham mưu giúp UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách, chế độ quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp – PTNT; Chi cục kiểm lâm và UBND các huyện thẩm định trình UBND Tỉnh thực hiện giao đất; thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; Trình UBND Tỉnh cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

Quản lý và chỉ đạo thực hiện việc cắm mốc địa giới đất lâm nghiệp; đo đạc lập bản đồ đất lâm nghiệp, cập nhật lưu trữ tư liệu về đất lâm nghiệp và đo đạc, bản đồ theo phân cấp.

Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; thực hiện sử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp… theo quy định của pháp luật.

Giải quyết theo thẩm quyền các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.

Chỉ đạo Phòng Địa chính huyện tham mưu UBND huyện thực hiện giao đất và thu hồi đất lâm nghiệp, cấp giấp chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện.

ĐIỀU 6: Chi cục Kiểm lâm là cơ quan kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Tỉnh, đồng thời có trách nhiệm giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của Chi cục Kiểm lâm như sau:

Kiểm tra thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng, đất trồng rừng và xử lý các vi phạm chế độ, thể lệ đó theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng; vận động nhân dân tham gia và bảo vệ rừng, phát triển rừng.

Tham mưu giúp UBND Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo… thực hiện pháp luật của Nhà nước về quản lý bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng.

Lập phương án, kế hoạch bảo vệ rừng: phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng ở địa phương, giúp UBND các cấp tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng, huy động cáclực lượng như Quân đội, Công an trên địa bàn để phối hợp tuần tra truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Tỉnh; thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

Phối hợp UBND huyện và các ngành liên quan giúp UBND Tỉnh giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng rừng, đất lâm nghiệp theo quy địng của pháp luật.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp – PTNT, Sở Địa chính tham mưu cho UBND Tỉnh về lĩnh vực giao đất lâm nghiệp và giao rừng, thu hồi đất lâm nghiệp và rừng theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 7: Trách nhiệm của kiểm lâm sở tại đối với việc thực hiện quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của UBND cấp huyện và UBND cấp xã:

Hạt kiểm lâm ở cấp huyện là cơ quan trực thuộc Chi cục kiểm lâm, có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ở địa bàn huyện, đồng thời tham mưu giúp UBND huyện thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, tham gia giao rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Trạm kiểm lâm ở các xã có rừng (hiện nay là các Tổ kiểm lâm địa bàn), là bộ phận trực thuộc các Hạt kiểm lâm huyện, có trách nhiệm thực thi pháp luật bảo vệ rừng tại địa bàn được phân công, có trách nhiệm tham mưu giúp UBND các xã trong địa bàn phụ trách, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước quản lý bảo vệ rừng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM HỖ TRỢ THỰC HIỆN CỦA MỘT SỐ SỞ, BAN, NGÀNH

Các Sở, ban, ngành khác có liên quan, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho UBND các cấp và các Sở, ngành có chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp thực hiện trách nhiệm được giao, cụ thể:

ĐIỀU 8: Ban tổ chức Chính quyền Tỉnh căn cứ vào quy định của Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ và đặc điểm tình hình rừng và đất lâm nghiệp của từng địa phương để phân bổ số lượng cán bộ Lâm nghiệp ở cấp huyện và cấp xã cho phù hợp, cụ thể:

Tăng cường Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện từ 1-2 cán bộ lâm nghiệp tuỳ theo huyện nhiều rừng hay ít rừng.

Thành lập Ban Lâm nghiệp ở các xã có nhiều rừng; bố trí cán bộ phụ trách lâm nghiệp tại các xã (Thị trấn ) có ít rừng.

ĐIỀU 9: Trên cơ sở dự toán và kế hoạch của các cấp, các ngành có liên quan đã được UBND Tỉnh phê duyệt, Sở Tài Chính- Vật giá căn cứ vào ngân sách Tỉnh để cân đối và cấp kinh phí cho các đơn vị thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ và UBND Tỉnh.

ĐIỀU 10: Căn cứ quy định về việc thực hiện nhiệm vụ: quản lý - bảo vệ rừng ; phòng chống tội phạm vi phạm Luật BV-PT rừng; truy quét lâm tặc… của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trên cơ sở chỉ đạo của UBND các cấp và đề nghị của các ngành có liên quan, lực lượng Công an, Quân đội và Biên phòng có trách nhiệm tổ chức lực lượng hỗ trợ kịp thời cho UBND các cấp và ngành chức năng thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, truy quét lâm tặc, ngăn chận phá rừng làm rẫy và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

ĐIỀU 11: Chủ tịch UBND các huyện, xã (Thị trấn), Thủ trưởng các Sở, ban, ngành chịu trách nhiệm tổ chức quán triệt đến từng các bộ, chiến sĩ và nhân viên trong toàn đơn vị và triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định này.

UBND cấp nào; Sở, ngành có liên quan và các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nào… không thực hiện đúng quy định này, để xảy ra thiệt hại về rừng và đất lâm nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý, sử dụng, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đề nghị UB Mặt trận Tổ Quốc Việt NamTỉnh, các Đoàn thể, các cơ quan truyền thông đại chúng: báo, đài và các đội Thông tin tuyên truyền từ Tỉnh đến cơ sở, đưa tin, bài và phổ biến rộng rãi cho quần chúnh nhân dân quy định này.

ĐIỀU 12: Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định.