cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 156/1999/QĐ-UB ngày 30/01/1999 Bản quy định tạm thời “về tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội" do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 156/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Ngày ban hành: 30-01-1999
  • Ngày có hiệu lực: 30-01-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-01-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 356 ngày ( 11 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-01-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-01-2000, Quyết định số 156/1999/QĐ-UB ngày 30/01/1999 Bản quy định tạm thời “về tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội" do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 89/2000/QĐ-UB ngày 21/01/2000 Về Quy định nếp sống văn hoá do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/1999/QĐ-UB

Hà Nam, ngày 30 tháng 01 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI , VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI”.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

- Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TU ngày 12/9/1998 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện nếp sống văn hoá, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội;

- Xét đề nghị của Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời “ về tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội ở tỉnh Hà Nam”.

Điều 2: Quyết định này thay thế quyết định 463/QĐ-UB ngày 02/6/1994 của UBND tỉnh Nam Hà và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các cá nhân sống trên địa bàn tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND
- Đ/c CT và các đ/c PCT UBND tỉnh
- Các ban của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh
- Các đoàn thể
- Như điều 3
- LĐVP.
- Các tổ chuyên viên
- Lưu VP1, Vp7

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Cương

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI Ở TỈNH HÀ NAM
Ban hành kèm theo quyết định số 156/QĐ-UB ngày 30 tháng 01 năm 1999 của UBND tỉnh Hà Nam.

Thực hiện chỉ thị số 02/CT-TU ngày 12/9/1998 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện nếp sống văn hoá, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 1 số quy định cụ thể như sau:

 

QUY CHẾ

LỄ HỘI

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống, có sức thu hút đông người tham gia và trở thành nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.

Để tổ chức, quản lý và chỉ đạo các lễ hội cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Nam, đưa sinh hoạt lễ hội vào nếp sống văn hoá; UBND tỉnh Hà Nam ban hành quy chế lễ hội.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Việc tổ chức lễ hội nhằm:

- Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương về lịch sử, văn hoá trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội.

- Tưởng nhớ công đức của danh nhân lịch sử, văn hoá, những người có công tích với dân, với nước.

- Tham quan, thưởng ngoạn, nghiên cứu các giá trị văn hoá thông qua các di tích lịch sử, di tích văn hoá, danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc nghệ thuật nhằm giữ gìn, phát huy văn hoá dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của các địa phương trong tỉnh.

Điều 2: Nghiêm cấm việc lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động có nội dung phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, trái với quy định của pháp luật.

Chương II

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ LỄ HỘI

Điều 3: - Các lễ hội: Long Đọi ( Đọi Sơn- Duy Tiên), Trần Thương (Nhân Đạo- Lý Nhân), Liễu Đôi ( Liêm Túc - Thanh Liêm), Ngũ Động Sơn (Thi Sơn- Kim Bảng), Lảnh Giang( Mộc Nam- Duy Tiên) và các lễ hội mở lần đầu do Sở Văn hoá thông tin cấp giấy phép.

- Các lễ hội ngoài quy định trên do UBND huyện, thị xã cấp giấy phép.

- Đơn xin mở hội gửi tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trước 30 ngày.

Điều 4: Lễ hội về những sự kiện cách mạng, kháng chiến, những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh, của ngành, của huyện, của địa phương, cấp nào mở lễ hội thì cấp đó có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và không phải lấy giấy phép mở hội.

Điều 5: Trong lễ hội, cờ Tổ quốc phải treo nơi cao nhất và trang trọng nhất. Ngoài cờ Tổ quốc có thể treo cờ hội truyền thống, cờ tôn giáo tín ngưỡng trong phạm vi lễ hội.

Điều 6: Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng theo truyền thống. Được tổ chức tế lễ và rước kiệu nhưng không được kéo dài thời gian ảnh hưởng tới sản xuất.

Điều 7: Thời gian tổ chức các lễ hội do UBND các huyện, thị cấp giấy phép không quá 2 ngày. Các lễ hội do Sở văn hoá thông tin cấp giấy phép không quá 3 ngày. Trong quá trình tổ chức lễ hội nếu phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đơn vị cấp giấy phép thông báo ngừng hoạt động lễ hội.

Điều 8: Không được bán vé vào tất cả các lễ hội. Trong lễ hội được đặt các hòm công đức, ghi phiếu công đức. Những khu vực tổ chức trò chơi, biểu diễn văn nghệ thì được bán vé. Lễ hội tổ chức trong các di tích thắng cảnh được bán vé tham quan. Giá vé do ngành tài chính quy định.

Điều 9: Khi tổ chức lễ hội phải thành lập Ban tổ chức. Ban tổ chức do UBND quyết định theo phân cấp của tỉnh tuỳ theo tính chất lễ hội hàng năm. Ban tổ chức xây dựng kế hoạch hoạt động lễ hội và điều hành toàn bộ lễ hội theo kế hoạch và phải bảo đảm trật tự an toàn, an ninh, tổ chức dịch vụ, y tế, ăn uống nghỉ ngơi vệ sinh chu đáo, lịch sự... Kết thúc lễ hội sau 15 ngày phải báo cáo tổng kết lễ hội gửi về cơ quan cấp phép mở lễ hội.

Điều 10: Việc kinh doanh các văn hoá phẩm trong lễ hội phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc chụp ảnh, ghi hình mang tính kinh doanh phải có giấy phép và thực hiện quy định về dịch vụ văn hoá của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11: Việc tổ chức quản lý các loại hình lễ hội có nội dung văn hoá trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy chế này.

Cơ quan văn hoá thông tin các cấp có trách nhiệm nghiên cứu lễ hội ở tỉnh, ở từng địa phương để hướng dẫn việc tổ chức phù hợp với từng lễ hội và có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Điều 12: Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm quy chế này tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 13: Bản quy chế lễ hội này thay thế bản Quy chế ban hành kèm theo quyết định 463/QĐ-UB ngày 02/6/1994 của UBND tỉnh Nam Hà, quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

QUY ƯỚC

TANG LỄ THEO NẾP SỐNG VĂN HOÁ

Tang lễ là việc gia đình, tập thể, xã hội tổ chức tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Việc tổ chức tang lễ phải trang nghiêm, biểu hiện tình cảm thương tiếc, chân thành, thuỷ chung, vì vậy cần thực hiện những quy ước sau:

I/ Nguyên tác chung:

Gia đình có người chết trong bất cứ trường hợp nào, đều phải khai báo kịp thời với chính quyền cơ sở. Không để người chết ở nhà quá 48 giờ. Trường hợp người chết vì bệnh dịch, gia đình phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ đạo của cơ quan y tế. Những người chết đột xuất không rõ nguyên nhân hoặc có dấu hiệu tội phạm phải được cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật trước khi khâm liệm. Người chết ở nơi khác (ngoài đường, sông …) nếu đã đưa về gia đình được quàn tại nhà hoặc ở nơi thích hợp, phải đảm bảo không cản trở giao thông và trật tự, vệ sinh công cộng.

II/ Tổ chức tang lễ:

1. Tổ chức trang trọng tiết kiệm, xoá bỏ mọi nghi lẽ lạc hậu, mê tín dị đoan.

2. Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương cần giúp đỡ tang chủ tổ chức đám tang chu đáo theo nếp sống văn hoá.

3. Thành lập ban tang lễ;:

- Khi có người qua đời đại diện chính quyền, cơ quan, hội người cao tuổi, đoàn thể thôn, xóm, khu phố… cùng gia đình lập ban tổ chức tang lễ.

- Ban tổ chức tang lễ có trách nhiệm kết hợp chặt chẽ và giúp đỡ tang chủ tổ chức chu đáo việc tang trên tinh thần, trang trọng, gọn gàng, tiết kiệm, tương trợ đoàn kết cộng đồng.

- Nếu người qua đời không có gia đình hoặc không có người thân đứng ra lo liệu thì chính quyền đại phương phối hợp với các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội chịu trách nhiệm tổ chức đám tang chu đáo.

4. Khâm liệm và nhập quan:

- Gia đình có người chết phải vệ sinh tẩy uế sạch sẽ đồ dùng, giường nằm của người chết, không để lâu mới khâm liệm làm ô nhiễm môi trường.

- Khi khâm liệm xoá bỏ hủ tục: lễ phạt mộc, tống tiễn, hú hồn, yểm bùa, không đưa người chết vào nhà thờ, đình đền, chùa để làm lễ.

5. Lễ viếng:

- Đảm bảo trang trọng, thiết thực, Không phúng viếng linh đình, phô trương lãng phí. Không phúng viếng bằng thức ăn chín, viếng vòng hoa chỉ nên dành cho các đầu mối cơ quan, tập thể.

- Các vị chức sắc tôn giáo được phép đến làm lễ tại gia tình tang chủ. thời gian làm lễ không quá 45 phút. Nghiêm cấm các hình thức mê tín dị đoan.

6. Nhạc tang:

- Kèn chống loa đaì phục vụ lế tang từ 5 giờ đến 23 giờ cùng ngày, sử dụng âm thanh vừa đủ.

- Trong một đám tang chỉ nên dùng một loại nhạc tang theo phong tục truyền thống.

7. Đưa tang:

- Đến giờ đưa tang ban tang lễ đọc điếu văn mọi ngưòi giữ thái độ trang nghiêm, yên lặng, tỏ thái độ thương tiếc đối với người quá cố.

- Khi đưa tang không gây cản trở giao thông công cộng, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.

8. Hạ huyệt đắp mồ:

- Huyệt đào sâu ít nhất 1,5 m

- Khi hạ quan tài xuống huyệt, mọi người đưa tang để một phút mạc niệm, sau đó lấp huyệt, đắp mồ, dựng bia, đặt vòng hoa thắp hương. Đại diện tang chủ có lời cảm tạ những người đưa tiễn.

III/ Một số quy định khác:

1. Các địa phương quy định khu vực nghĩa trang xã khu dân cư và nguồn nước ăn, tránh ô nhiễm môi trường. Có người trông coi nghĩa trang và hướng dẫn việc đặt mồ mả theo thứ tự, tránh lãng phí ruộng đất. Kuyến khích thực hiện việc " đào sâu, chôn chặt, không cải táng" " hoá thân hoàn vũ " nếu địa phương nào còn duy trì nếp cải táng thì việc cải táng chỉ được thực hiện sau 3 năm trở lên để đảm bảo vệ sinh.

2. Gia đình có ngươì quá cố có trách nhiệm thực hiện việc chôn, cất theo khu vực quy định của địa phương.

3.Không tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang. Các lễ nghi 3 ngày, tuần đầu, 49 ngày, 100 ngày, ngày giỗ hàng năm nên tổ chức gọn nhẹ tiết kiệm.

4. Để tang có những hình thức: Chít khăn trắng , đeo băng đen ở cánh tay, đính miếng vải đen trước ngực trái… Để tang không cản việc lấy vợ, lấy chồng, làm nghĩa vụ công dân và tham gia các hoạt động xã hội khác.

 

QUY ƯỚC

VIỆC CƯỚI THEO NẾP SỐNG VĂN HOÁ

Cưới là việc hệ trọng trong cuộc đời mỗi người. Xây dựng tập quán tốt đẹp, lành mạnh trong việc cưới là biểu hiện sự văn minh, văn hoá trong xã hội tiến bộ. Việc cưới phải thực hiện theo các quy ước sau:

I/ Nguyên tắc chung:

1. Thực hiện việc cưới theo đúng luật hôn nhân gia đình: hôn nhân tự nguyện và tiến bộ; một vợ một chồng; nam nữ bình đẳng; cấm tảo hôn; cấm cưỡng ép hôn nhân; cấm thách cưới; cấm đầu cơ trục lợi trong việc cưới. Kiên quyết đấu tranh bài trừ mê tín dị đoan trong hôn nhân.

2. Việc cưới phải được tổ chức lành mạnh, văn minh tiết kiệm và phù hợp với truyền thống văn hoá địa phương, thể hiện vẻ đẹp văn hoá của cộng đồng.

II/ Các thể thức cơ bản trong việc cưới:

Để trở thành vợ chồng, đôi nam nữ phải kết hôn tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai người. Đây là điều kiện bắt buộc.

1. Đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn.

- UBND xã, phường thị trấn hướng dẫn và tổ chức đăng ký kết hôn đúng thủ tục Nhà nước đã quy định.

- Lễ trao giấy chứng nhận kết hôn: là nghi thức bắt buộc vì đây là lễ thành hôn chính thức về mặt pháp lý, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, trang trọng.

- Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chủ trì và trực tiếp trao giấy chứng nhận kết hôn tại một trong các địa điểm: Trụ sở UBND, phòng họp, hội trường, nhà văn hoá… Trang trí nơi tổ chức phải có Quốc huy. Không tổ chức ăn uống trong buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn.

2. Các thủ tục việc cưới:

a. Chạm gõ: Chạm gõ là nghi thức tạo mối quan hệ và trách nhiệm giữa hao gia đình cho hạnh phúc đôi nam nữ. Không tổ chức rườm rà, lãng phí.

b. Lễ hỏi: là nghi thức mang tính phong tục, xác định trách nhiệm của hai gia đình trong việc tổ chức cưới cho đôi nam nữ và thống nhất thời gian tiến hành lễ cưới. không phô trương lãng phí và thách cưới tốn kém.

c. Lễ cưới:

- Được tổ chức sau lễ trao giấy chứng nhận kết hôn của chính quyền địa phương.

- Địa điểm tổ chức lễ cưới được trang trí hài hoà, đẹp, lịch sự.

- Không sử dụng những văn hoá phẩm đồi truỵ, kích động sử dụng loa, đài với công xuất vừa đủ và chỉ đạo hoạt động trong thời gian từ 5 giờ đến 23 giờ trong ngày.

- Trang phục cô dâu , chú rể đẹp, lịch sự, phù hợp điều kiện kinh tế của từng gia đình và truyền thống văn hóa của địa phương.

- Việc đưa đón dâu đảm bảo an toàn, tiết kiệm thuận lợi, không làm ảnh hưởng đến giao thông và trật tự công cộng.

- Chủ hôn là người có uy tín, có kinh nghiệm điều hành để lễ cươí vui tươi và chu đáo, thời gian tổ chức lễ cưới không quá 45 phút.

- Chỉ nên tổ chức ăn uống, mừng lễ cưới trong phạm vi gia đình, họ hàng bạn bè thân thiết, Đối với bạn bè quan hệ công tác thì nên sử dụng hình thức báo hỷ sau khi tổ chức lễ cưới hoặc sau khi tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn mà không tổ chức lễ cưới./.