cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 126/1998/QĐ-UB ngày 19/10/1998 Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ấp, khu phố, thôn, sóc thuộc tỉnh Bình Phước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 126/1998/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Ngày ban hành: 19-10-1998
  • Ngày có hiệu lực: 19-10-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-07-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5376 ngày (14 năm 8 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-07-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-07-2013, Quyết định số 126/1998/QĐ-UB ngày 19/10/1998 Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ấp, khu phố, thôn, sóc thuộc tỉnh Bình Phước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 08/07/2013 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành đã hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/1998/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 19 tháng 10 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG ẤP, KHU PHỐ, THÔN, SÓC THUỘC TỈNH BÌNH PHƯỚC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994:

- Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 15/5/1998 của Chính phủ v/v ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.

- Theo đề nghị của Trưởng ban Tổ chức chính quyền Tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ấp, khu phố, thôn, sóc thuộc Tỉnh Bình Phước.

ĐIỀU 2: Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền Tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, Sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Bùi Huy Thống

 

QUY ĐỊNH

VỊ TRÍ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG ẤP, KHU PHỐ, THÔN, SÓC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 126/1998/QĐ-UB ngày 19 tháng 10 năm 1998 của UBND Tỉnh Bình Phước)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 1: Ấp, khu phố, thôn, sóc gọi chung là ấp (ấp không phải là cấp chính quyền), là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, được UBND Huyện quyết định thành lập.

Trưởng ấp và Phó ấp là người đại diện cho cộng đồng dân cư và UBND xã thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với pháp luật của Nhà nước.

ĐIỀU 2: Trưởng ấp quản lý và thực hiện điều hòa các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, vận động nhân dân phát triển sản xuất , giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, đồng thời góp phần nâng cao mức sống của dân trong ấp... và chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND xã.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG ẤP

ĐIỀU 3: Nhiệm vụ của Trưởng ấp

1. Tuyên truyền và hướng dẫn cho nhân dân thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND, kế hoạch phát triển kinh tế văn hóa xã hội của xã. Thu thập ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phản ánh kịp thời về UBND xã xem xét giải quyết.

2. Phối hợp với cán bộ địa chính xã giúp UBND xã quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên trong khu vực theo quy định của Nhà nước.

3. Phối hợp với Công an, Tư pháp giúp UBND xã quản lý chặt chẽ công tác hộ khẩu, hộ tịch, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng trộm, cướp, cờ bạc, buôn lậu các tệ nạn tiêu cực trong xã hội, các hành vi xâm phạm lợi ích và quyền tự do dân chủ của công dân theo thẩm quyền pháp luật quy định. Bảo đảm an ninh – chính trị, trật tự an toàn trong khu vực, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào vì an ninh tổ quốc.

4. Giúp UBND xã tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ quân sự, phòng chống lụt bão và lao động công ích ở địa phương.

5. Vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi trong ấp theo nghị quyết HĐND xã trên nguyên tắc tự nguyện. Việc quản lý các khoản đóng góp của nhân dân phải công khai, có kiểm tra, giám sát và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, chế độ theo quy định của Nhà nước.

6. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giúp UBND xã quản lý công tác VHXH, y tế - giáo dục, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá mới, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức cưới, hỏi, tang lễ…

7. Phối hợp với Tư pháp, Mặt trận và các đoàn thể ở ấp giúp UBND xã làm tốt công tác hoà giải, giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình của công dân theo thẩm quyền trên địa bàn ấp. Đồng thời phối hợp cùng thanh tra xã xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo các nhân dân trong ấp.

8. Giúp UBND xã vận động bà con trong ấp giúp đỡ người nghèo, gia đình thương binh - liệt sĩ, trẻ mồ côi, người tàn tật, người già yếu không nơi nương tựa.

9. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân hướng dẫn nhân dân xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước về công việc thuộc nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định Nhà nước nhằm xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.

10. Định kỳ 6 tháng báo cáo công tác và tự phê bình, kiểm điểm trước hội nghị ấp, khu phố, thôn, sóc.

ĐIỀU 4: Quyền hạn của Trưởng ấp

1. Được triệu tập hội nghị nhân dân (chủ hộ hoặc cử tri) trong ấp, bàn bạc thực hiện kế hoạch sản xuất của xã, của ấp hoặc phổ biến truyền đạt học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo sự chỉ đạo của UBND xã.

2. Được quyền biểu dương trong hội nghị nhân dân, những gia đình chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đề nghị UBND xã khen thưởng kịp thời những người có thành tích. Nhắc nhở phê bình những hộ, những người có hành vi vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy ước, hương ước của địa phương hoặc đưa ra cuộc họp nhân dân để kiểm điểm, giáo dục.

3. Được lập biên bản hành chính, đề nghị xử phạt hành chính đối với những trường hợp gây rối làm mất trật tự an ninh. Chứng kiến và cùng Công an xã lập biên bản các vụ, việc vi phạm pháp luật trong khu vực.

4. Được dự các cuộc họp do UBND xã triệu tập, tham gia ý kiến với UBND xã trong việc xét cấp quyền sử dụng đất, xét duyệt hộ khẩu KT3 trong địa bàn ấp.

5. Được UBND xã và đội thuế khu vực ủy quyền thu một số thuế trên địa bàn theo thẩm quyền và được hưởng thù lao theo quy định.

6. Được UBND xã đề nghị đi học bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, được hưởng phụ cấp theo quy định của Tỉnh.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC

ĐIỀU 5: Mỗi ấp được bố trí một Trưởng ấp và một Phó ấp, Trưởng ấp chịu trách nhiệm chung về mọi mặt công tác. Phó ấp là người giúp việc cho Trưởng ấp và được phân công theo dõi một số lĩnh vực công tác.

ĐIỀU 6: Trưởng ấp do nhân dân trong ấp bầu ra theo sự giới thiệu của UBND xã, Phó ấp cũng được nhân dân trong ấp bầu ra theo sự giới thiệu của Trưởng ấp và được Chủ tịch UBND xã phê chuẩn. Nhiệm kỳ của Trưởng ấp và Phó ấp là hai năm rưỡi.

ĐIỀU 7: Trưởng ấp và Phó ấp được hưởng các khoản phụ cấp theo quy định của UBND Tỉnh.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

ĐIỀU 8: Trưởng ấp và Phó ấp có thành tích trong công tác được UBND xã đề nghị xét khen thưởng.

ĐIỀU 9: Khi Trưởng ấp hoặc Phó ấp có hành vi vi phạm thì bị đưa ra kiểm điểm trước nhân dân để xem xét, biểu quyết bằng các hình thức kỷ luật, bãi nhiệm và UBND xã ra quyết định xử lý.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

ĐIỀU 10: Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, việc bổ sung sửa đổi Bản quy định này do UBND Tỉnh quyết định.