Quyết định số 20/1998/QĐ-UB ngày 30/06/1998 Ban hành bản quy định thực hiện Nghị định 22/1998/NĐ-CP về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà nội để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích cộng cộng của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 20/1998/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 30-06-1998
- Ngày có hiệu lực: 15-07-1998
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 15-09-2000
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 11-02-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-03-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2425 ngày (6 năm 7 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 05-03-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 20/1998/QĐ-UB | Hà nội, ngày 30 tháng 6 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 22/1998/NĐ-CP NGÀY 24/4/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀN BÙ THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH, LỢI ÍCH QUỐC GIA, LỢI ÍCH CỘNG CỘNG
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Luật đất đai năm 1993;
Căn cứ Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích cộng cộng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá tại tờ trình số 2938/TT-TCVG ngày 22 tháng 6 năm 1998.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định thực hiện Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hà nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định 3528/QĐ-UB ngày 13/9/1997 của UBND Thành phố Hà nội.
Điều 3: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các Quận, huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan và chủ đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố Hà nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH
THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 22/1998/NĐ-CP NGÀY 24/4/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀN BÙ THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐỂ SỬ DỤNG VÀOMỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH, LỢI ÍCH QUỐC GIA, LỢI ÍCH CỘNG CỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/1998/QĐ-UB ngày 30 tháng 6 năm 1998 của UBND Thành phố Hà nội )
Chương 1:
NHỮNG QUY DỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi quy định:
- Việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà nội để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng cộng phải tuân theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.
- Bản quy định này cụ thể hoá một số nội dung về chính sách đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hà nội theo uỷ quyền của Chính phủ tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP; đồng thời quy định rõ một số nội dung cho phù hợp với đặc điểm cụ thể về quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng trên địa bàn Hà nội.
Điều 2: Định nghĩa một số dạng mục đích sử dụng đất;
1. Đất đô thị :
+ Theo điều 55 của Luật đất đai năm 1993 : đất đô thị là đất nội thành, nội thị xã, thị trấn được sử dụng để xây dựng nhà ở, trụ sở của các cơ quan, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích cộng cộng, quốc phòng, an ninh và các mục đích khác.
+ Phân loại đất đô thị theo điều 2 Nghị định 88/CP ngày 17/8/1994:
Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, đất đô thị được phân thành các loại sau đây:
- Đất sử dụng vào mục đích cộng cộng.
- Đất sử dụng cho quốc phòng, an ninh.
- Đất ở
- Đất chuyên dùng,
- Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
- Đất chưa sử dụng.
+ Đất ở tại đô thị : là đất dùng để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ nhu cầu ở phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp:
+ Đất nông nghiệp là đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản hoặc nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp.
+ Đất lâm nghiệp là đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào sản xuất lâm nghiệp gồm đất có rừng tự nhiên, đất đang có rừng trồng và đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp như trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ để phục hồi tự nhiên, nuôi dưỡng làm giàu rừng, nghiên cứu thí nghiệm về lâm nghiệp.
3. Đất ở thuộc nông thôn:
Đất ở của mỗi hộ gia đình nông thôn bao gồm đất để làm nhà ở và các công trình phục vụ cho đời sống gia đình.
Điều 3: Đất thu hồi sử dụng vào việc di dân tái định cư để giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng cộng cũng áp dụng chính sách đền bù thiệt hại như đối với đất thu hồi để xây dựng các công trình đó.
Chương 2:
ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ ĐẤT
Điều 4: Đền bù thiệt hại đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp (Thực hiện điều 9 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
Khi thu hồi đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp thì người bị thu hồi đất được đền bù bằng đất theo diện tích và hạng đất của đất bị thu hồi. Nếu không có đất đền bù thì người bị thu hồi đất được đền bù bằng tiền theo giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Điều 5: Đền bù thiệt hại về đất ở tại đô thị : (Thực hiện khoản 6 điều 10 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
Đối với đất đô thị : hộ gia đình, cá nhân có khuôn viên đất trong đó có đất đang ở, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đang sử dụng ổn định không tranh chấp (được chính quyền địa phương xác nhận) mà không có giấy tờ xác định diện tích đất dùng để ở; khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng được đền bù như sau:
a. Trường hợp diện tích đất đang sử dụng nhỏ hơn hoặc bằng 120m2 đối với nội thành, 180m2 đối với nội thị xã, thị trấn: Diện tích đất thực tế bị thu hồi được đền bù bằng tiền theo giá đất ở tại đô thị.
b. Trường hợp diện tích đất đang sử dụnglớn hơn 120m2 đối với nội thành, 180m2 đối với nội thị xã, thị trấn: Diện tích đất tối đa được đền bù theo giá đất ở tại đô thị là 120m2 đối với nội thành, 180m2 đối với nội thị xã thị trấn. Phần diện tích còn lại được đền bù theo giá đất nông nghiệp, lâm nghiệp nhân hệ số điều chỉnh K theo quy định của UBND Thành phố.
Điều 6: Bố trí nơi ở cho các hộ gia đình tại khu tái định cư: (thực hiện khoản 3, khoản 4 điều 10 và điều 11, điều 30 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
Việc giải quyết chỗ ở cho người sử dụng nhà, đất ở bị thu hồi thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Người sử dụng nhà, đất ở tại khu vực nội thành, nội thị xã, thị trấn khi bị thu hồi thì chủ yếu được đền bù bằng nhà ở hoặc bằng tiền. Việc giải quyết nhà ở quy định như sau:
a. Nhà ở bị thu hồi giải phóng mặt bằng thuộc sở hữu Nhà nước (Nhà đang thuê Nhà nước hoặc tổ chức tự quản): Người bị thu hồi được tiếp tục thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo giá quy định tại Quyết định 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ hoặc được mua nhà ở mới có diện tích không thấp hơn diện tích bị thu hồi. Cụ thể như sau:
+ Trường hợp được mua nhà 1 tầng hoặc nhà nhiều tầng (không phải nhà chung cư) bố trí cho 1 hộ sử dụng:
- Nếu diện tích nhà bán tương đương diện tích thu hồi: Giá bán nhà tính theo mức giá chuẩn tối thiểu xây dựng nhà mới do UBND Thành phố quy định. Giá đất bằng 40% theo quy định.
- Nếu diện tích nhà bán lớn hơn diện tích thu hồi: Phần chênh lệch diện tích bán theo giá nhà đảm bảo kinh doanh (giá Quyết định xây dựng nhà), giá đất bằng 100% theo quy định.
+ Trường hợp được mua nhà chung cư cao tầng. Giá bán nhà cũng theo quy định như trường hợp trên nhưng được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất.
b. Nhà tư nhân bị thu hồi giải phóng mặt bằng: Được mua nhà ở mới có diện tích không thấp hơn diện tích nhà, đất ở bị thu hồi (nhưng không vượt quá mức diện tích tối đa đã quy định tại khoản 2 điều này). Cụ thể như sau:
+ Trường hợp được mua nhà 1 tầng hoặc nhà nhiều tầng (không phải nhà chung cư) bố trí cho 1 hộ sử dụng:
- Nếu diện tích nhà bán tương đương diện tích nhà, đất ở bị thu hồi: Giá bán nhà tính theo khung giá đã đền bù cho diện tích nhà bị thu hồi, giá đất bằng 100% theo quy định.
- Nếu diện tích nhà bán lớn hơn diện tích nhà, đất ở bị thu hồi: Phần chênh lệch diện tích bán theo giá nhà đảm bảo kinh doanh (Giá quyết toán xây dựng nhà), giá đất bằng 100% theo quy định.
+ Trường hợp được mua nhà chung cư cao tầng: Giá bán nhà cũng theo quy định như trường hợp trên nhưng được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất.
+ Đối với cả 2 trường hợp trên nếu diện tích nhà được mua tại nơi mới nhỏ hơn diện tích nhà, đất ở bị thu hồi thì phần chênh lệch này ngoài phần được đền bù, còn được hỗ trợ 10% giá đất tại nơi bị thu hồi do Thành phố quy định.
2. Khi chưa có quỹ nhà thì người có đất bị thu hồi được xét giao đất.
Chủ sử dụng đất ở có một trong các điều kiện theo quy định tại điều 6 Nghị định 22/1998/NĐ-CP có hộ khẩu tại Hà nội, khi Nhà nước thu hồi đất, nếu được xét giao đất ở thì theo tiêu chuẩn như sau:
a. Nếu diện tích bị thu hồi toàn bộ bằng hoặc nhỏ hơn các mức diện tích quy định dưới đây thì được giao bằng 100% diện tích bị thu hồi:
- 60m2 đối với khu vực nội thành.
- 80m2 đối với khu vực nội thị xã, thị trấn, các phường (trước đây là xã) mới được thành lập từ sau năm 1993.
- 120m2 đối với khu vực nông thôn đồng bằng.
- 160m2 đối với khu vực nông thôn trung du.
- 200m2 đối với khu vực nông thôn miền núi.
Việc phân loại xã nông thôn đồng bằng, trung du, miền núi áp dụng theo Quyết định 3519/QĐ-UB ngày 12/9/1997 của UBND Thành phố Hà nội.
b. Nếu diện tích bị thu hồi toàn bộ lớn hơn các mức quy định tại mục a. trên đây thì được giao đủ theo mục a. và giao bổ sung bằng 50% phần diện tích chênh lệch, nhưng tổng diện tích đất được giao không lớn hơn 1,5 lần đối với đất ở đô thị và không lớn hơn 2 lần đối với đất ở nông thôn so với mức quy định tại mục a. trên.
c. Trường hợp Nhà nước thu hồi toàn bộ đất ở của người đang sử dụng mà diện tích bị thu hồi nhỏ hơn 40m2 (đối với đất ở tại đô thị ) 100m2 (đối với đất ở tại nông thôn) thì người có đất bị thu hồi được đền bù bằng tiền, có thể được xét mua nhà hoặc xét giao đất bổ sung cho đủ mức giao đất tối thiểu theo quy định tại khoản 2 điều 30 Nghị định 22/1998/NĐ-CP (40m2 đối với đất ở tại đô thị; 100m2 đối với đất ở thuộc nông thôn), nhưng phần diện tích giao bổ sung phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất do UBND Thành phố quy định nhân hệ số điều chỉnh như sau:
+ K= 1,5 đối với trường hợp được giao đất ở tái định cư tại đô thị.
+ K = 1,0 đối với trường hợp được giao đất ở tái định cư tại vùng nông thôn.
Điều 7: Xử lý một số trường hợp cụ thể về đất ở (thực hiện khoản 1,3 điều 12 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
1. Trường hợp Nhà nước thu hồi một phần đất ở của người đang sử dụng:
- Nếu phần diện tích còn lại ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng lớn hơn hoặc bằng 20m2 thì chủ sử dụng đất được đền bù bằng tiền đối với diện tích bị thu hồi, phần diện tích còn lại phải xây dựng công trình theo quy hoạch - Kiến trúc được cơ quan có thẩm quyền Nhà nước cho phép.
- Nếu phần diện tích còn lại dưới 20m2 hoặc từ 20m2 trở lên nhưng hình thế thửa đất không xây dựng được theo quy hoạch - kiến trúc thì khuyến khích họ chuyển nhượng cho các hộ lân cận hoặc Nhà nước thu hồi toàn bộ để sử dụng vào mục đích khác và chủ sử dụng đất được đền bù thống nhất theo chính sách chung.
2. Trường hợp bị thu hồi đất của người lấn chiếm đất trái phép: Nếu đối tượng bị thu hồi toàn bộ đất và không còn nơi ở nào khác, có hộ khẩu tại Hà nội thì có thể được xem xét mua nhà theo giá đảm bảo kinh doanh.
Chương 3:
ĐỀN BÙ THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN
Điều 8: Đền bù thiệt hại về nhà, công trình kiến trúc (thực hiện điều 17 Nghị định 22/1998/NĐ-CP);
Chủ sở hữu tài sản theo quy định tại khoản 2 điều 16 Nghị định 22/1998/NĐ-CP khi Nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù theo mức quy định tại điều 17 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP.
Căn cứ để tính tiền đền bù nhà là cấp nhà và đơn giá xây dựng theo Quyết định của UBND Thành phố.
Đơn giá đền bù nhà dưới cấp 4, nhà tạm, công trình phụ theo quy định của liên Sở Tài chính - Vật giá - xây dựng.
1. Đền bù thiệt hại về nhà và vật kiến trúc:
- Biệt thự và nhà cấp I, II, III đền bù theo giá trị còn lại và ngoài phần được đền bù theo giá trị còn lại chủ sở hữu tài sản còn được trợ cấp thêm 50% giá trị khấu hao được xác định tại phương án đền bù nhưng tổng mức đền bù không thấp hơn 60% so với giá xây dựng mới. Nhà cấp IV, nhà tạm dưới cấp IV, các công trình phụ đền bù theo đơn giá xây dựng mới.
- Vật kiến trúc các công trình xây dựng khác được đền bù theo đơn giá dự toán do các cơ quan chuyên ngành quy định.
2. Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế có tài sản là nhà cửa vật kiến trúc phải phá dỡ giải phóng mặt bằng mà tài sản đó được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì không được đền bù thiệt hại về tài sản (vẫn lên phương án đền bù) và được ghi giảm vốn theo giá trị còn lại trên sổ sách (Trường hợp tài sản đã được giao vốn). Nếu có nhu cầu xây dựng lại, phải lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp tài sản nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng là tường rào, nhà bảo vệ thì được đền bù để các cơ quan, tổ chức trên xây dựng lại.
Nếu các cơ quan tổ chức dùng một phần nguồn vốn huy động để xây dựng nhà cửa vật kiến trúc thì phần đền bù thiệt hại tài sản trả cho cơ quan, tổ chức đó theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số tiền thuộc nguồn vốn huy động.
3. Mức đền bù cho chủ sử dụng nhà đất phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi Thành phố tính theo diện tích sàn xây dựng bị thu hồi:
- Nhà cấp III trở lên : 35.000 đ/m2
- Nhà cấp IV : 25.000 đ/m2
- Nhà tạm thời dưới cấp IV dùng làm nhà ở: 15.000 đ/m2
Nhưng tổng mức đền bù di chuyển cho một chủ sử dụng nhà đất tối đa không vượt quá 3.000.000 đ và tối tiểu không thấp hơn 1.000.000đ.
Trường hợp chủ sử dụng nhà đất bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở nếu không nhận nhà hoặc đất ở khu tái định cư trong phạm vi Hà nội mà di chuyển chỗ ở về tỉnh khác thì được hưởng mức đền bù di chuyển là 5.000.000đ/chủ sử dụng nhà đất.
Điều 9: Đền bù thiệt hại về mồ mả (Thực hiện điều 20 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
1. Trường hợp Thành phố có quỹ đất để bố trí di chuyển mồ mả thì chủ mộ được đền bù phần chi phí đào bới, di chuyển, xây dựng lại và các chi phí hợp lý khác có liên quan trực tiếp như sau:
+ Mộ đất : 600.000đ/mộ
+ Mộ xây: 900.000đ/mộ.
+ Mộ không có chủ: 400.000đ/mộ (Chủ đầu tư có trách nhiệm di chuyển đến nơi quy định).
2. Trường hợp Thành phố không có quỹ đất hoặc gia đình tự lo đất di chuyển mộ thì ngoài phần đền bù chi phí quy định tại khoản 1 nói trên, chủ mộ còn được hỗ trợ chi phí đất đai là : 1.000.000đ/mộ.
3. Vật kiến trúc nghĩa trang được đền bù căn cứ vào hiện trạng, theo đơn giá dự toán do cơ quan chuyên ngành phê duyệt.
Điều 10: Đền bù thiệt hại về hoa màu, vật nuôi (thực hiện điều 23 Nghị định 22/1998/NĐ-CP).
Đơn giá nông sản, thuỷ sản thực tế ở thị trường địa phương tại thời điểm duyệt phương án đền bù thiệt hại hoa màu, vật nuôi trên đất có mặt nước do Sở Tài chính - Vật giá công bố.
Những trường hợp lợi dụng việc đền bù giải phóng mặt bằng để trồng cây, giâm cây với các loại cây trồng khác và số lượng vuợt quá định mức kinh tế kỹ thuật thì chỉ được đền bù theo loại cây trồng ổn định trước đây với định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Điều 11: Mọi trường hợp đầu tư xây dựng, chôn cất, trồng mới trên đất sau khi có công bố quy hoạch hoặc thông báo giải phóng mặt bằng đều không được đền bù.
Những trường hợp phát sinh hợp pháp được xem xét giải quyết.
Chương 4:
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Điều 12: Hỗ trợ đào tạo chuyển nghề cho những lao động nông nghiệp phải chuyển làm nghề khác do bị thu hồi đất (Thực hiện mục a khoản 4 điều 25 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để giao cho chủ dự án, chủ dự án có trách nhiệm lập dự toán bằng tiền chi hỗ trợ theo diện tích thu hồi để khắc phục khó khăn và đào tạo chuyển nghề dựa trên căn cứ sau:
- Đất được Nhà nước giao sử dụng lâu dài: 20 năm.
- Lợi nhuận thu từ sản xuất trên 1ha đất bằng 30% doanh thu.
- Sản lượng (doanh thu) quy thóc là 10 tấn thóc/ha.
- Giá thóc tính theo giá thị trường tại thời điểm duyệt phương án đền bù.
Như vậy khi thu hồi đất nông, lâm nghiệp chủ đầu tư hỗ trợ như sau:
10 tấn 30
x x 20 năm = 60 tấn thóc.
năm 100
số tiền hỗ trợ này được chuyển toàn bộ cho người đang sử dụng đất bị thu hồi.
Điều 13: Hỗ trợ thiệt hại về đất với người bị thu hồi đất ở không có một trong các điều kiện quy định tại điều 6 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP (thực hiện điều 7 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
1. Người bị thu hồi đất ở tại thời điểm sử dụng đất vi phạm quy hoạch hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã công bố thì xử lý như sau: Nếu người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, chuyển đổi cho tặng của người sử dụng đất trước mà người sử dụng đất trước có đủ điều kiện được đền bù theo quy định tại điều 6 Nghị định 22/1998/NĐ-CP thì người đang sử dụng đất được hỗ trợ 80% giá đất quy định của loại đất đang sử dụng và được giải quyết chỗ ở theo điều 6 của quyđịnh này.
2. Người bị thu hồi đất nếu được UBND phường xã, thị trấn xác nhận đất đó đã được sử dụng ổn định từ ngày 8/1/1998 đến trước ngày 15/10/1993 và không phải đất lấn chiến thì được hỗ trợ 50% giá đất quy định của loại đất đang sử dụng. Nếu đất đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến ngày có Quyết định thu hồi đất thì được hỗ trợ 30% giá đất quy định của loại đất đang sử dụng và được giải quyết chỗ ở theo điều 6 của quy định này.
Điều 14: Các chính sách hỗ trợ khác (Thực hiện mục a; b khoản 2 điều 18 và khoản 1; 2 điều 26 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
1. Chủ sở hữu tài sản là người có nhà, công trình xây dựng trên đất thuộc đối tượng không được đền bù thiệt hại về đất theo quy định tại điều 7 của Nghị định 22/1998/NĐ-CP nếu khi xây dựng vi phạm quy hoạch, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được công bố, thì không được đền bù về tài sản. Nếu tự giác chấp hành di chuyển theo kế hoạch thì được xem xét hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 điều 8 và khoản 3 điều 14 của quy định này.
2. Hộ gia đình có người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước (có xác nhận của Phòng lao động thương bình và xã hội ) phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi đất được hỗ trợ như sau:
+ Người hoạt động Cách mạng trước 1945, Anh hùng LLVT, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh và người được hưởng chính sách như thương bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên, thân nhân của liệt sỹ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng được hỗ trợ: 5.000.000đồng/chủ sử dụng đất.
+ Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80% được hỗ trợ: 4.000.000 đồng/ chủ sử dụng đất.
+ Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 41% đến 60% được hỗ trợ : 3.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
+ Gia đình của liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 21% đến 40% được hỗ trợ: 2.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.
+ Hộ gia đình có người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội khác của Nhà nước được hỗ trợ : 1.000.000 đồng/ chủ sử dụng đất.
3. Người bị thu hồi đất thực hiện phá dỡ công trình, di chuyển toàn bộ chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ của Hội đồng giải phóng mặt bằng quy định được thưởng tiền như sau:
+ 3.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển và bàn giao mặt bằng đúng ngày quy định.
+ 4.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển và bàn giao mặt bằng trước ngày quy định trong phạm vi 15 ngày.
+ 5.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển và bàn giao mặt bằng trước ngày quy định từ 16 ngày trở lên.
4. Người bị thu hồi đất thực hiện phá dỡ, di chuyển một phần công trình bàn giao mặt bằng đúng tiến độ của Hội đồng giải phóng mặt bằng quy định được thưởng tiền như sau:
+ 1.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển và bàn giao mặt bằng đúng ngày quy định.
+ 2.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển, bàn giao mặt bằng trước ngày quy định trong phạm vi 15 ngày.
+ 3.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển và bàn giao mặt bằng trước ngày quy định từ 16 ngày trở lên.
Chương 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15: Thẩm quyền phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng (Thực hiện khoản 5, điều 32 Nghị định 22/1998/NĐ-CP):
- Căn cứ vào Nghị định 22/1998/NĐ-CP theo hướng dẫn tại quy định này Chủ tịch UBND quận, huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt đối với các dự án có tổng mức chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đến 500 triệu đồng (đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách ); đến 1 tỷ đồng (đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách ).
- Dự án có tổng mức chi phí đền bù giải phóng mặt bằng trên 500 triệu đồng (Đối với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách ); trên 1 tỷ đồng (đối với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách); Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng quận, huyện lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng báo cáo Hội đồng thẩm định Thành phố trình UBND Thành phố phê duyệt.
Điều 16: Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện được thành lập để chỉ đạo chủ dự án và người đang sử dụng đất đã bị thu hồi thực hiện việc giao và nhận đất theo Quyết định của Chính phủ và Thành phố đúng Pháp luật quy định cho mọi dự án.
Đại diện những người được đền bù thiệt hại (Từ 1 đến 2 người) do UBND và Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn giới thiệu là thành viên trong Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện.
Hội đồng giải phóng mặt bằng, quận, huyện có trách nhiệm tổ chức điều tra giải phóng mặt bằng ngay sau khi có dự án đầu tư được phê duyệt; lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng trên cơ sở có đủ các hồ sơ quy định như sau:
1. Đối với đất ở:
a. Bản đạc hiện trạng sử dụng đất thể hiện mốc giới giải phóng mặt bằng có xác nhận của Sở Địa chính và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng.
b. Bản kê khai tình hình sử dụng đất và tài sản trên đất của tổ chức, cá nhân có đất và tài sản trong chỉ giới giải phóng mặt bằng. Những giấy tờ liên quan đến tình hình sử dụng nhà đất (nếu có) của tổ chức và cá nhân có đất và tài sản trong chỉ giới giải phóng mặt bằng (Bản gốc hoặc bản sao công chứng).
c. Biên bản điều tra hiện trạng sử dụng đất và tài sản trên đất trong chỉ giới giải phóng mặt bằng. Biên bản điều tra hiện trạng nhất thiết phải có bản vẽ sơ họa vị trí với đầy đủ kích thước do vẽ hình dạng thửa đất và nhà trong chỉ giới giải phóng mặt bằng. Số liệu không được tẩy xoá.
d. Bản xác minh của Chính quyền phường, xã về thời gian sử dụng đất, nguồn gốc đất, tính chất hợp pháp của tài sản trên đất của người có đất và tài sản trên đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng.
đ. Phiếu xác minh nhân khẩu của trưởng công an phường, xã.
e. Tờ trình và trích ngang phương án đền bù giải phóng mặt bằng từng hộ của Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện.
2. Đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp:
a. Biên bản điều tra diện tích đất, hiện trạng tài sản trên đất trong chỉ giới giải phóng mặt bằng của từng chủ sử dụng đất (cây cối, hoa màu, vật nuôi trên đất có mặt nước).
b. Xác định hạng đất nông nghiệp, lâm nghiệp của Chi cục thuế Quận, huyện.
c. Tờ trình và trích ngang phương án đền bù giải phóng mặt bằng từng hộ sử dụng đất của Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện.
Sau khi toàn bộ phương án đền bù giải phóng mặt bằng được phê duyệt, Hội đồng giải phóng mặt bằng có trách nhiệm công bố công khai cho các đối tượng biết để thực hiện; đồng thời chỉ đạo, giám sát chủ đầu tư đền bù cho từng chủ sở hữu tài sản và chủ sử dụng đất.
Điều 17: Hội đồng thẩm định Thành phố được Thành lập để thẩm định phương án do Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện trình; xác minh tính đúng đắn theo quy định của Luật pháp để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian thẩm định phương án đền bù giải phóng mặt bằng của Hội đồng thẩm định tối đa là 20 ngày kể từ khi nhận được phương án và đủ hồ sơ theo quy định do Hội đồng giải phóng mặt bằng quận,huyện gửi đến.
Thành phần Hội đồng thẩm định Thành phố:
- Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá: Chủ tịch Hội đồng
- Giám đốc Sở Địa chính : Phó Chủ tịch Hội đồng
- Đại diện Sở xây dựng : Uỷ viên
- Đại diện Cục đầu tư phát triển: Uỷ viên
- Đại diện Cục thuế : Uỷ viên.
Tuỳ đặc điểm tính chất của công trình, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Quyết định một số thành viên khác cho phù hợp.
Điều 18: Chi phí phục vụ công tác tổ chức giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư:
Các ban quản lý dự án căn cứ vào định mức chi phí quy định tại điều 1 Quyết định 1146/QĐ-UB ngày 19/3/1998 của UBND Thành phố Hà nội để lập dự toán chi cho từng dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện trích chuyển theo tỷ lệ sau:
1. 70% dành cho Ban quản lý dự án để chi cho các nội dung:
+ Phối kết hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện trong công tác điều tra, khảo sát phúc tra đất và tài sản trên đất, nhân khẩu, hộ khẩu; thu thập các tài liệu liên quan đến diện tích đất trong chỉ giới giải phóng mặt bằng, lập phương án đền bù, hỗ trợ trình Hội đồng thẩm định Thành phố, Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
+ Chi lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội và các khoản chi khác cho CBCNV có danh sách chính thức trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.
+ Chi mua sắm văn phòng phẩm, in ấn hồ sơ tài liệu của từng phương án giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.
+ Chi phí để làm các thủ tục hồ sơ: Trả tiền đền bù hỗ trợ, xin giao đất, xin phép xây dựng cho các hộ tái định cư, nộp tiền sử dụng đất, tiền bán nhà và các khoản phải nộp khác theo quy định.
+ Chi phí để lập trích lục bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho các hộ sau khi đã nhận đất tái định cư...
2. 20% trích chuyển cho phòng tài chính quận, huyện để chi cho hoạt động của Hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện trong việc tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước có liên quan đến giải phóng mặt bằng trên phương tiện thông tin đại chúng; tiếp dân, giải quyết khiếu nại... tổ chức kiểm tra, rà soát từng phương án đền bù để trình Hội đồng thẩm định Thành phố, UBND Thành phố phê duyệt.
3. 10% trích chuyển về tài khoản của Sở Tài chính - Vật giá để chi cho hoạt động của Hội đồng thẩm định Thành phố (Chi cho công tác điều tra, phúc tra, khảo sát thực tế; chi cho công tác điều hành, họp thẩm định phương án; chi in ấn văn bản hướng dẫn chế độ chính sách, hồ sơ thẩm định; chi tập huấn công tác đền bù giải phóng mặt bằng...)
Các khoản chi trên phải được quyết toán theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.
Điều 19: Người bị thu hồi đất nếu thấy Quyết định đềnbù thiệt hại không đúng với quy định thì có quyền khiếu nại và được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại và tố cáo của công dân. Người khiếu nại phải gửi đơn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định đền bù thiệt hại; quá thời hạn này đơn khiếu nại không còn giá trị xem xét xử lý. Khiếu nại, tố cáo về đền bù do Chủ tịch UBND quận, huyện giải quyết lần đầu. Nếu đương sự còn tiếp tục khiếu nại thì Chánh thanh tra Thành phố xem xét trình UBND Thành phố Quyết định. Quyết định của UBND Thành phố là Quyết định cuối cùng.
Trong khi chờ giải quyết khiếu nại vẫn phải chấp hành di chuyển giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng kế hoạch.
Điều 20: Căn cứ vào Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ, theo hướng dẫn tại quy định này, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các Sở Ban ngành chức năng của Thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại điều 33 Nghị định 22/1998/NĐ-CP có trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra, thực hiện Nghị định 22/1998/NĐ-CP và quy định này của UBND Thành phố.
Các phương án đền bù giải phóng mặt bằng UBND Thành phố đã phê duyệt trước ngày ban hành bản quy định này vẫn có hiệu lực thực hiện.