cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 35/CT-UB-KT ngày 04/11/1996 Về tăng cường quản lý thu nộp ngân sách và chống thất thu thuế trong những tháng cuối năm 1996 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 35/CT-UB-KT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 04-11-1996
  • Ngày có hiệu lực: 14-11-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 760 ngày (2 năm 1 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 35/CT-UB-KT ngày 04/11/1996 Về tăng cường quản lý thu nộp ngân sách và chống thất thu thuế trong những tháng cuối năm 1996 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6728/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính-ngân hàng-giá-thuế đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 35/CT-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 11 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU NỘP NGÂN SÁCH VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 1996.

Kết quả thực hiện kế hoạch thu ngân sách 9 tháng đầu năm 1996 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mặc dù Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo các quận huyện, các ngành chức năng đã có nhiều nổ lực trong tổ chức thực hiện nhưng nhìn chung còn thấp so kế hoạch. Tình trạng trốn thuế, lậu thuế, nợ đọng và chiếm dụng thuế còn phổ biến.

Từ nay đến cuối năm, thời gian không nhiều nhưng nhiệm vụ thu ngân sách còn rất lớn, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các ngành khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý thu nộp ngân sách và chống thất thu thuế như sau :

1/ Giám đốc các sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh quy định của Luật-Pháp lệnh thuế : Kê khai và nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh, không để tồn đọng thuế qua năm sau.

2/ Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo các ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân phường-xã phối hợp cơ quan thuế quản lý chặt chẽ các đối tượng sản xuất kinh doanh trên địa bàn, khai thác nguồn khu mới, chống thất thu về hộ, về doanh thu chịu thuế, phát hiện và xủ lý các cơ sở kinh doanh không đăng ký, trốn lậu thuế. Phát động khẩu hiệu “lấy địa bàn phường-xã là đơn vị chống ẩn lậu thuế, chống thất thu thuế”.

Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã tổ chức các biện pháp cụ thể, kiên quyết về chống thất thu thuế, chông kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế trên địa bàn. Đưa nội dung chống thất thu thuế vào sinh hoạt thường xuyên của tổ dân phố, khu phố vận động nhân dân tích cực tham gia. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường-xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện về việc chỉ đạo trên địa bàn quản lý của mình.

Cục Thuế thành phố chỉ đạo các Chi Cục Thuế quận-huyện chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện trên địa bàn quận-huyện, phường-xã.

3/ Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn Chỉ thị số 29/CT-UB-KT ngày 4/9/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc xử lý nợ thuế đọng của khu vực ngoài quốc doanh. Áp dụng các biện pháp chế tài quy định tại Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ và Thông tư số 45 TC/TCT ngày 01/8/1996 của Bộ Tài chánh về xử lý vi phạm hành chánh trong lĩnh vực thuế đối với những doanh nghiệp có khả năng nhưng cố tình dây dưa, chậm nộp thuế. (Bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh).

4/ Cơ quan thuế các cấp phải tổ chức kiểm tra, tính và thu thuế theo đúng kết quả kinh doanh, doanh thu thực tế của các cơ sở kinh doanh. Lưu ý tập trung kiểm tra các đối tượng, ngành kinh doanh trọng điểm để phát hiện-xử lý các trường hợp hạch toán kinh doanh không trung thực, ẩn lậu doanh thu. Thủ trưởng cơ quan thuế, viên chức thuế trực tiếp quản lý chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp ẩn lậu thuế nghiêm trọng trong địa bàn, phạm vi trách nhiệm.

5/ Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm chấp hành nghiêm qui chế quản lý tài chánh và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước, không được để tư nhân trong nước hoậc người nước ngoài lợi dụng, mượn danh nghĩa doanh nghiệp để kinh doanh trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Không được dùng tiền thuế phải nộp ngân sách Nhà nước để đầu tư mua sắm khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm tại đơn vị.

6/ Cơ quan tài chánh, cơ quan thuế các cấp phối hợp kiểm tra tình hình thu-nộp ngân sách các khoản phí-lệ phí. Các cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí phải sử dụng biên lai do Bộ Tài chánh phát hành, nộp ngân sách theo đúng quy định của Chính phủ. Nghiêm cấm việc tùy tiện đặt ra các khoản thu hoặc giữ lại để tọa chi, gán thu bù chi khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Trên đây là một số công việc cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu thuế. Cục Thuế thành phố khẩn trương phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện để triển khai thực hiện Chỉ thị này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Chí