cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 155/1998/QĐ-TCHQ ngày 27/05/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Về quy chế xác định giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 155/1998/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 27-05-1998
  • Ngày có hiệu lực: 01-06-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-08-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 452 ngày (1 năm 2 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-08-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-08-1999, Quyết định số 155/1998/QĐ-TCHQ ngày 27/05/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Về quy chế xác định giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 283/1999/QĐ-TCHQ ngày 12/08/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Về Quy chế xác định giá tính thuế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155/1998/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/2/1990;
Căn cứ Điều 7 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Quốc hội công bố ngày 4/1/1992;
Căn cứ Điều 7 Nghị định số 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định 590A/1998/QĐ/BTC ngày 29 tháng 4 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xác định giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 1998.

Điều 3.- Quyết định này thay thế Quyết định 285/TCHQ-QĐ ngày 20 tháng 11 năm 1997 của Tổng cục Hải quan và những quy định trước đây của Tổng cục Hải quan trái với Quyết định này.

Điều 4.- Các Ông Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế XNK, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan tổng cục, cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 155/1998/TCHQ-QĐ ngày 27 tháng 5 năm 1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

A. ÁP GIÁ TÍNH THUẾ:

Về nguyên tắc việc áp giá tính thuế phải được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ các quy định về quản lý giá tính thuế, tránh gây ách tắc trong việc giải phóng hàng.

Cụ thể áp giá tính thuế đối với từng trường hợp như sau:

I. ĐỐI VỚI HÀNG NHẬP KHẨU:

1. Tại Nơi Làm Thủ tục hải quan, cán bộ tính thuế phải kiểm tra hồ sơ chứng từ đầy đủ của lô hàng, đặc biệt kiểm tra tính hợp lệ của hợp đồng, hoá đơn và các chứng từ thanh toán theo quy định. Có đầy đủ các bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu đã được quy định (các bảng giá của Bộ Tài chính ban hành, bảng giá do Tổng cục Hải quan thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính ban hành) và phải công khai hoá các bảng giá đó tại nơi làm thủ tục (Bảng giá ban hành kèm theo Quyết định 590A/1998/QĐ-BTC ngày 29 tháng 4 năm 1998 thay thế toàn bộ bảng giá ban hành kèm theo Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11/11/1997 của Bộ Tài chính và Quyết định 590A/1998/QĐ-BTC ngày 29 tháng 4 năm 1998 sửa một số điểm tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11/11/1997).

2. Căn cứ vào kết quả kiểm hoá hàng nhập khẩu thực tế và các tài liệu có liên quan, cán bộ tính thuế kiểm tra lại theo các nội dung: Tên hàng chi tiết, ký mã hiệu, chất lượng, xuất xứ, quy cách, số lượng, trọng lượng, đơn giá ghi trên hợp đồng... sau đó căn cứ vào các bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành tại thời điểm nhập khẩu để xác định giá tính thuế, cụ thể là:

a. Đối với những mặt hàng nhập khẩu thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế ban hành kèm theo Quyết định 590A/1998/QĐ/BTC ngày 29 tháng 04 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì:

- Nếu có giá ghi trên hợp đồng phù hợp với các chứng từ hợp lệ có liên quan đến việc mua bán hàng và bằng hoặc cao hơn giá mua tối thiểu quy định tại các bảng giá hiện hành thì giá tính thuế hàng nhập khẩu là giá ghi trên hợp đồng mua bán ngoại thương (giá CiF).

- Nếu có giá ghi trên hợp đồng ngoại thương thấp hơn so với bảng giá tối thiểu quy định hoặc nhập khẩu theo phương thức khác không phải là mua bán thì giá tính thuế nhập khẩu áp dụng theo mức giá tối thiểu quy định tại bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành.

b. Đối với những mặt hàng nhập khẩu không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế:

- Nếu có đủ điều kiện xác định giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương như quy định tại điểm I mục C Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo phương thức khác, không phải là mua bán, không thanh toán qua ngân hàng thì áp theo bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành.

c. Trường hợp các mặt hàng phải áp giá tính thuế theo bảng giá tối tiểu (mặt hàng Nhà nước quản lý giá hoặc mặt hàng không đủ điều kiện áp giá theo hợp đồng) nhưng chưa có giá tại bảng giá tối thiểu của Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Hải quan ban hành thì cán bộ tính thuế tại nơi làm thủ tục hải quan tiến hành tính thuế theo giá tự kê khai của đối tượng nhập khẩu (cá nhân, tổ chức) (giá CiF) đối với mặt hàng mới phát sinh, đồng thời lập báo cáo giá theo 2 mẫu như sau (gửi kèm quy chế này):

+ Mẫu 2A: áp dụng đối với các mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế.

+ Mẫu 2B: áp dụng đối với các mặt hàng không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế.

(Huỷ bỏ mẫu 2A, 2B, 2C, 2D đã quy định tại phần 1 Công văn 4384/KTTT ngày 11/12/1997).

Báo cáo 2 mẫu (2A, 2B) lên phòng giá hoặc phòng KTTT của Cục Hải quan địa phương, sau đó Cục Hải quan địa phương phải tập hợp và lập báo cáo giá theo 2 mẫu trên để gửi lên Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có đề xuất mức giá tính thuế (như quy định tại điểm II mục B của văn bản này) để Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thống nhất ban hành bảng giá bổ sung.

d. Đối với đối tượng nhập khẩu (cá nhân, tổ chức) được quyền tự kê khai giá tính thuế nhập khẩu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bảo đảm tính trung thực, chính xác của giá kê khai; trường hợp nếu phát hiện có hành vi man khai sẽ bị truy thu đủ thuế nhập khẩu và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 đến 5 lần số thuế gian lận (không yêu cầu đối tượng nhập khẩu phải có văn bản cam kết giá).

g. Trường hợp các mặt hàng nhập khẩu có hợp đồng mua bán ngoại thương hợp pháp, hợp lệ đủ điều kiện tính giá ghi trên hợp đồng như quy định tại Điều 2 Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính nhưng giá mua bán ghi trên hợp đồng ngoại thương giá (CiF) là quá thấp, quá bất hợp lý, thì Cục Hải quan địa phương thực hiện như sau:

- Đối với hàng nhập khẩu có đủ điều kiện áp dụng theo hợp đồng thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu trực tiếp đưa vào sản xuất có giá trị trên hợp đồng ngoại thương nhỏ hơn hoặc bằng 60% giá tối thiểu quy định tại bảng giá thì giá tính thuế là giá quy định tại bảng giá. Cục Hải quan địa phương sau khi tính thuế xong thì định kỳ 10 ngày một lần phải báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tất cả các trường hợp này.

- Đối với hàng nhập khẩu không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, có giá ghi trên hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 50% giá tối thiểu quy định tại bảng giá được coi là quá thấp, thì vẫn được áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng và Cục Hải quan địa phương lập báo cáo theo mẫu I báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

3. Khi áp giá tính thuế phải ghi rõ là "giá tính thuế theo hợp đồng" hay áp theo bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành và phải ghi rõ là áp giá theo bảng giá nào (ghi trên mục giá của Tờ khai hải quan).

- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố mở sổ riêng theo dõi và đánh số liên tục cho các báo cáo giá theo mẫu 1 và mẫu 2 (A, B).

- Cột giá hợp đồng ở các báo cáo phải ghi rõ giá nhập khẩu theo điều kiện giao hàng cơ sở nào (POB, CiF, DAF,...) và phải ghi rõ đơn vị tiền tệ (USD,...) ở cột giá hợp đồng và giá đề xuất.

- Khi lập báo cáo, cột số đăng ký tờ khai phải ghi rõ loại hình xuất nhập khẩu như: xuất khẩu, nhập khẩu kinh doanh, đầu tư, nhập phi mậu dịch, tiểu ngạch... Trường hợp nhập khẩu kinh doanh các mặt hàng không quản lý giá tính thuế mà hồ sơ không đủ điều kiện để xác định giá tính thuế theo hợp đồng thì ghi rõ vào cột ghi chú là "Không đủ điều kiện để áp giá tính thuế theo hợp đồng".

- Báo cáo giá phải được đánh máy hoặc viết rõ ràng, rành mạch, dễ đọc để tránh nhầm lẫn khi xây dựng giá tính thuế.

4. Những trường hợp áp giá theo hợp đồng thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải thống kê ghi rõ tên hàng chi tiết, tên công ty nhập hàng, số tờ khai, giá FOB hay giá CiF, số hợp đồng, đánh giá các trường hợp áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương.

- Chế độ báo cáo đối với với các trường hợp áp giá theo hợp đồng thực hiện như sau:

+ Đối với các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp đưa vào sản xuất, lắp ráp (đảm bảo đủ các điều kiện tại mục II Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính) thì định kỳ 10 ngày 1 lần báo cáo về Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan (theo mẫu 1) để xem xét và chỉ đạo việc xác định giá tính thuế. (Lập báo cáo riêng các trường hợp nhập khẩu này).

+ Đối với các mặt hàng không thuộc diện Nhà nước quản lý giá tính thuế: Cục Hải quan địa phương tiến hành báo cáo theo mẫu 1 và định kỳ một tháng một lần gửi báo cáo Tổng cục Hải quan. Để giảm bớt số lượng báo cáo giá đối với những mặt hàng có số lượng ít, nhập đơn lẻ,... do vậy đối với trường hợp này chỉ báo cáo đối với một mặt hàng nhập khẩu có đủ 2 điều kiện là:

* Giá ghi trên hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 50% (năm mươi phần trăm) giá tối thiểu quy định tại bảng giá.

* Có thuế suất thuế nhập khẩu trên 5% (năm phần trăm) trong biểu thuế nhập khẩu hiện hành.

5. Giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu đã qua sử dụng được phép nhập khẩu bằng 70% (bảy mươi phần trăm) giá hàng mới cùng chủng loại. Những mặt hàng trên thực tế không có giá hàng mới cùng chủng loại thì căn cứ theo loại hàng mới tương đương để tính.

II. ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP CÁC MẶT HÀNG THUỘC DANH MỤC NHÓM MẶT HÀNG NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ GIÁ TÍNH THUẾ DO CÁC ĐỐI TƯỢNG  QUY ĐỊNH TẠI ĐIỂM A THÔNG TƯ 82/1997/TT/BTC  NGÀY 11 THÁNG 11 NĂM 1997 CỦA BỘ TÀI CHÍNH NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU VẬT TƯ TRỰC TIẾP ĐƯA VÀO SẢN XUẤT, LẮP RÁP.

1. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ nội dung các quy định áp dụng đối với các loại hình nhập khẩu này tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính và hồ sơ đăng ký làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, Cục Hải quan địa phương kiểm tra nếu đủ các điều kiện theo quy định tại điểm II mục C của Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính và có giá ghi trên hợp đồng ngoại thương lớn hơn 60% giá tối thiểu quy định tại bảng giá thì áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương (giá CIF) và có ý kiến phê duyệt vào tờ khai hải quan: đồng ý cho áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương (trường hợp nhập khẩu mặt hàng bộ linh kiện xe máy dạng CKD trực tiếp đưa vào sản xuất cũng được xem xét để áp dụng).

Khi thực hiện điểm này, Cục Hải quan địa phương cần lưu ý:

a. Việc xác nhận dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm:

Đối với đơn vị sản xuất trong nước phải có bản xác nhận của Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc: Đơn vị có dây chuyền công nghệ sản xuất, lắp ráp, có đủ năng lực để sản xuất sản phẩm theo quy định. Sử dụng nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất sản phẩm.

b. Phải có bản xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc đơn vị, doanh nghiệp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu, thực hiện đúng chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ.

3. Nếu lô hàng không đủ điều kiện áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng theo quy định tại điểm II của Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính thì Cục Hải quan địa phương căn cứ vào nguyên tắc quản lý giá tính thuế để áp giá tính thuế theo bảng giá tối thiểu hiện hành.

4. Các trường hợp cung cấp vật tư nguyên liệu nhập khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước có hạch toán kinh tế độc lập (kể cả đơn vị trong cùng một Tổng công ty hoặc Liên hợp...) với nhau không được coi là "trực tiếp đưa vào sản xuất".

5. Đối với phần nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế đã được tính theo giá ghi trên hợp đồng (giá CIF) thấp hơn giá tính thuế tối thiểu quy định, nếu không đưa vào sản xuất trực tiếp mà bán chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp hoặc đơn vị, tổ chức khác thì sau 2 ngày chuyển nhượng, mua bán, đơn vị, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng và cơ quan thuế địa phương quản lý doanh nghiệp được biết. Cục Hải quan địa phương trên cơ sở khai báo của đơn vị nhập khẩu và xác nhận của cục thuế địa phương tiến hành tính lại thuế phần nguyên liệu chuyển nhượng theo quy định về giá tính thuế tại thời điểm chuyển nhượng và ra thông báo thuế bổ sung.

6. Để quản lý các tờ khai hải quan đăng ký nhập khẩu theo loại hình này, phòng KTTT của các Cục Hải quan địa phương phải lập sổ theo dõi có đầy đủ các tiêu thức sau:

+ Tên đơn vị nhập khẩu

+ Số hợp đồng nhập khẩu

+ Số đăng ký tờ khai hải quan

+ Ngày mở tờ khai hải quan

+ Số lượng hàng nhập khẩu

+ Số lượng hàng đã đưa vào sản xuất

+ Số lượng hàng còn lại (chưa đem vào sản xuất)

+ Số lượng hàng chuyển nhượng (không trực tiếp đưa vào sản xuất)

và cứ 3 tháng một lần, Cục Hải quan địa phương yêu cầu đơn vị nhập khẩu làm việc trực tiếp với Cục Hải quan địa phương để tính toán cụ thể lượng hàng hoá nhập khẩu theo hình thức này nhưng chưa đưa vào sản xuất hoặc không trực tiếp đưa vào sản xuất.

III. ĐỐI VỚI HÀNG LÀ VẬT TƯ, NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU ĐỂ GIA CÔNG CHO NƯỚC NGOÀI:

- Thực hiện theo Công văn số 663/TCHQ-KTTT ngày 28/2/1997 của Tổng cục Hải quan: không phải tính thuế trong tờ khai hải quan, chỉ kiểm tra hàng và nhanh chóng giải phóng hàng.

- Trường hợp nguyên vật liệu gia công còn dư thừa hoặc nhập khẩu nguyên, vật liệu để gia công cho nước ngoài, nhưng không xuất khẩu sản phẩm nếu được phép tiêu thụ nội địa thì phải tính thuế theo quy định việc xác định giá tính thuế theo văn bản hướng dẫn này. Thời điểm để xác định giá tính thuế là thời điểm được phép tiêu thụ nội địa.

IV. ĐỐI VỚI HÀNG XUẤT KHẨU:

- Nếu có hợp đồng mua bán ngoại thương hợp pháp hợp lệ như quy định tại điểm I mục C của Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính và có giá ghi trên hợp đồng phù hợp với các chứng từ hợp lệ có liên quan thì được áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng ngoại thương (giá FOB không bao gồm phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I)).

- Trường hợp hợp đồng mua bán ngoại thương không hợp pháp, hợp lệ (theo quy định của Bộ Thương mại) hoặc xuất khẩu phi mậu dịch, tiểu ngạch thì giá tính thuế xác định theo giá tự kê khai của đối tượng nộp thuế, phù hợp với các chứng từ mua bán hàng (nếu có).

B. XÂY DỰNG GIÁ:

I. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI XÂY DỰNG GIÁ TÍNH THUẾ:

- Các mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế nhưng là loại hàng mới phát sinh chưa được quy định giá tính thuế tại bảng giá ban hành kèm theo Quyết định 590 A/1998/QĐ/BTC ngày 29 tháng 4 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

- Mặt hàng không thuộc diện Nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá tính thuế theo giá ghi trên hợp đồng như quy định tại điểm C phần I Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hoặc hàng hoá nhập khẩu theo phương thức khác không phải là mua bán nhưng chưa được quy định giá tại bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu do Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Tài chính ban hành.

II. QUY TRÌNH XÂY DỰNG GIÁ

1. Cán bộ tính thuế tại nơi làm thủ tục hải quan khi tiến hành tính thuế theo giá tự kê khai của đối tượng nhập khẩu (cá nhân, tổ chức) (giá CIF) đối với lô hàng có mặt hàng mới phát sinh (là các mặt hàng chưa được quy định giá tối thiểu tại các bảng giá tính thuế nhập khẩu tối thiểu hiện hành). Cục Hải quan địa phương không được ra quyết định xây dựng giá tính thuế.

- Riêng đối với trường hợp nhập khẩu phi mậu dịch là hàng quà tặng, quà biếu nhưng trong bảng giá tối thiểu của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chưa quy định và người nhận hàng không biết giá để kê khai thì uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Hải quan địa phương giao cho trưởng hải quan cửa khẩu trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng giá để xác định giá tính thuế.

- Sau khi tính thuế theo giá tự kê khai và trường hợp Trưởng hải quan cửa khẩu xác định giá tính thuế phải lập báo cáo giá theo mẫu 2A và mẫu 2B và báo cáo về phòng KTTT hoặc phòng Giá của Cục Hải quan địa phương ngay trong ngày tính thuế.

2. Phòng KTTT hoặc phòng giá phải tập hợp và lập báo cáo giá (theo mẫu 2A, 2B) có đề xuất giá tính thuế báo cáo Lãnh đạo Cục Hải quan địa phương. Trong vòng 2 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai của lô hàng nhập khẩu có mặt hàng mới phát sinh phải gửi báo cáo giá (2A, 2B) theo đường công văn:

+ Mẫu 2A về Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

+ Mẫu 2B chỉ gửi về Tổng cục Hải quan.

- Trong bảng báo cáo giá mẫu 2A, 2B yêu cầu phải ghi rõ vào các cột, mục, mục ghi chú, phải ghi rõ đề xuất giá dựa vào yếu tố điều tra nào, hàng có lưu mẫu hay không. Cục Hải quan địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về mức giá đề xuất và cơ sở đề xuất đưa ra.

3. Về việc xây dựng giá tính thuế:

- Đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá tính thuế nhập khẩu nhưng là loại hàng mới phát sinh chưa được quy định giá tính thuế tại Bảng giá mua tối thiểu tại cửa khẩu của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính sẽ xem xét và ra quyết định giá bổ sung.

- Đối với các mặt hàng không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, chưa được quy định giá tại bảng giá tính thuế nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành, không đủ điều kiện áp giá tính thuế theo hợp đồng mua bán ngoại thương thì Tổng cục Hảiquan trên cơ sở xem xét báo cáo giá - mẫu 2F của Cục Hải quan địa phương, sẽ ra quyết định giá bổ sung sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính.

4. Trường hợp Cục Hải quan địa phương phát hiện thấy giá quy định trong các bảng giá tối thiểu có những điểm bất hợp lý quá cao hoặc quá thấp so với giá CiF trung bình cửa khẩu thì kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để xem xét điều chỉnh kịp thời.

C. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI:

- Khi đối tượng nhập khẩu (cá nhân, tổ chức) nhập khẩu có đơn khiếu nại về việc áp giá, xây dựng giá cao, bất hợp lý so với giá CiF trung bình thực tế tại cửa khẩu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục Hải quan xem xét đơn trình bày:

+ Nếu giá bất hợp lý do cán bộ tính thuế áp sai giá trong bảng giá tối thiểu thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra lại và có công văn trả lời cho đơn vị và đồng thời điều chỉnh áp đúng bảng giá.

+ Nếu khiếu nại giá tính thuế cao bất hợp lý nhưng giá này đã có trong các bảng giá tối thiểu, thì Cục hải quan tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ khiếu nại về Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để xem xét trả lời. - Khi Tổng cục Hải quan có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi đơn vị nhập khẩu và đồng gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục, thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu nội dung công văn tiến hành giải quyết nhanh chóng thuận tiện theo đúng tinh thần công văn chỉ đạo. Trường hợp trả lời của Tổng cục Hải quan chưa rõ thì phải báo cáo ngay về Tổng cục Hải quan. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được công văn trả lời giải quyết khiếu nại của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải giải quyết xong việc khiếu nại của chủ hàng. - Trong trường hợp đối tượng (cá nhân, tổ chức) nhập khẩu vẫn chưa thoả mãn với cách giải quyết của Tổng cục Hải quan thì có thể khiếu nại đến Bộ Tài chính, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính là ý kiến cuối cùng.

D. XỬ LÝ VI PHẠM:

Đối với đối tượng nhập khẩu (cá nhân, tổ chức) nếu bị phát hiện có sự vi phạm các quy định tại Quyết định 918-TC/QĐ/TCT ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Quyết định 590A/1998/QĐ-BTC ngày 29 tháng 4 năm 1998 và Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện áp dụng giá tính thuế nhập khẩu thì ngoài việc truy thu đủ thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành và theo các quy định tại Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, Thông tư số 45 TC/TCT ngày 1/8/1996 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 22/CP nêu trên.

Trường hợp tái vi phạm (từ lần thứ hai trở lên) thì Cục Hải quan địa phương không cho phép đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện theo chế độ quy định tại Thông tư 82/1997/TT/BTC ngày 11 tháng 11 năm 1997 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan để nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp.