Chỉ thị số 12/CT-NH4 ngày 30/09/1996 Về tăng cường nguồn vốn để cho vay trung hạn trong quý IV/1996 theo chủ trương của Chính phủ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 12/CT-NH4
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 30-09-1996
- Ngày có hiệu lực: 30-09-1996
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8158 ngày (22 năm 4 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 31-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-NH4 | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG NGUỒN VỐN ĐỂ CHO VAY TRUNG HẠN TRONG QUÝ IV/1996 THEO CHỦ TRƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho ngành Ngân hàng trong quý IV/1996 tăng thêm nguồn vốn cho vay trung hạn theo dự án, nhằm đổi mới thiết bị, đầu tư chiều sâu, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, và cho phép các ngân hàng sử dụng đến 20% nguồn vốn huy động thời hạn ngắn để đáp ứng vốn cho mục tiêu này.
Để triển khai chủ trương trên đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị một số nội dung cụ thể cho các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển thực hiện như sau:
1- Các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển (dưới đây gọi là Ngân hàng) cần mở rộng hơn nữa việc huy động vốn để tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ngoài nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động kinh doanh thường xuyên theo nhiệm vụ quý IV/1996, từng Ngân hàng phải triển khai ngay việc sử dụng thêm một phần nguồn vốn ngắn hạn để tăng cho vay trung hạn theo chủ trương của Nhà nước. Mức vốn cho vay tăng thêm của từng Ngân hàng trong quý IV/1996 được xác định trên cơ sở lấy 20% tổng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn trừ đi số đã cho vay trung hạn đến cuối tháng 9/1996. Số vốn này các Ngân hàng tiến hành cho vay theo các loại dự án sau:
- Các dự án do Chính phủ chỉ định (Bộ Kế hoạch và đầu tư được Chính phủ uỷ nhiệm sẽ thông báo danh mục dự án qua Ngân hàng Nhà nước, với tổng số vốn từ 2.600 đến 3.000 tỷ đồng);
- Các dự án do các Ngân hàng tự lựa chọn và xem xét cho vay, vào khoảng 2.600 tỷ đồng.
2- Trách nhiệm của các Ngân hàng là tăng cường công tác huy động vốn để tăng thêm nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện triển khai kế hoạch cho vay trung hạn, đặc biệt là các dự án do Chính phủ chỉ định.
3- Một số điểm vận dụng về nguyên tắc và điều kiện cho vay:
Các Ngân hàng cho vay theo thể lệ tín dụng trung hạn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ cho vay đối với các dự án được xác định có hiệu quả kinh tế, đảm bảo các điều kiện vay vốn, có khả năng trả nợ và lãi vay Ngân hàng đúng hạn. Dưới đây là một số điểm được phép vận dụng khi triển khai cho vay.
a) Về thời hạn cho vay: Tuỳ từng dự án xin vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp mà Tổng Giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng xem xét quyết định thời hạn cho vay, nhưng thời hạn tối đa cho vay một dự án không quá 5 năm. Các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định của Ngân hàng khi vay vốn, đặc biệt là các điều kiện vay trả.
b) Về mức cho vay từng dự án: Đối với các dự án do Chính phủ chỉ định, các Ngân hàng được phép cho vay theo mức vốn đầu tư được xác định cho dự án đó. Riêng các dự án do Ngân hàng trực tiếp lựa chọn nếu số vốn cần vay của một dự án vượt quá 10% vốn tự có và quỹ dự trữ phải có báo cáo cụ thể với Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước (Vụ các định chế tài chính) xem xét chấp thuận.
c) Xử lý trường hợp có nợ khó đòi: Các Ngân hàng không cho vay các doanh nghiệp có nợ quá hạn khó đòi từ 6 tháng trở lên. Các trường hợp có nợ quá hạn bình thường và dự án vay mới được xác định là có hiệu quả kinh tế thì vẫn xem xét giải quyết cho vay.
d) Mức dư nợ tăng thêm về tín dụng trung hạn này không tính trong hạn mức tín dụng quý IV/1996.
4- Đối tượng cho vay:
- Các Ngân hàng cho vay vào các dự án nhằm đổi mới thiết bị, mở rộng sản xuất và đối với mọi thành phần kinh tế (các trường hợp khác đã có nguồn vốn dài hạn do Ngân hàng đầu tư và phát triển, Tổng cục đầu tư và phát triển giải quyết).
- Các dự án giải quyết cho vay phải là những dự án tốt, phát huy được hiệu quả kinh tế, hoàn trả được nợ gốc và lãi chắc chắn.
5- Lãi suất cho vay:
Các Ngân hàng căn cứ nguồn vốn huy động và lãi suất huy động vốn để định lãi suất cho vay trung hạn cho phù hợp với khả năng tài chính của mình, nhưng lãi suất cho vay tối đa không vượt quá trần lãi suất cho vay trung hạn hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Các dự án thuộc danh mục do Chính phủ chỉ định được Bộ Tài chính cấp bù phần chênh lệch lãi suất cho vay (giữa lãi suất cho vay trung hạn và lãi suất cho vay đầu tư 1,1%/tháng) theo cơ chế do Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.
6- Vấn đề hỗ trợ khả năng thanh toán:
Trong trường hợp các Ngân hàng có khó khăn đột xuất về nguồn vốn trong thanh toán do sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn thì các Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho vay để giải quyết khó khăn tạm thời trong thanh toán. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết tái cấp vốn theo hình thức chỉ định (không phải thế chấp chứng từ). Lãi suất tái cấp vốn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định cụ thể.
7- Trên cơ sở hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu các Ngân hàng triển khai gấp đến các chi nhánh Ngân hàng cơ sở để thực hiện ngay trong những ngày đầu quý IV/1996. Đặc biệt chú trọng việc triển khai đến cấp chủ quản và đơn vị kinh tế cơ sở; chủ động hướng dẫn về nghiệp vụ và phối hợp xây dựng, xét duyệt dự án để tạo điều kiện triển khai cho vay.
8- Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc TW cần phối hợp với các Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển để triển khai việc cho vay trên từng địa bàn đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Tổng Giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển.
Trên đây là một số nội dung quy định cụ thể về việc triển khai sử dụng thêm một phần nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn theo chủ trương của Chính phủ trong quý IV/1996. Yêu cầu các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và pháp triển, các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc. Vào ngày 15 hàng tháng, các Ngân hàng có báo cáo tiến độ và kết quả triển khai về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) theo mẫu 01/BCN đính kèm.(Kèm theo mẫu 01/BCN và chỉ tiêu cho vay hướng dẫn đối với các dự án do các Ngân hàng tự lựa chọn và xem xét)
| Chu Văn Nguyễn (Đã ký)
|