Quyết định số 226/1998/QĐ-TCKTTV ngày 02/04/1998 Về Quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn do Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn ban hành
- Số hiệu văn bản: 226/1998/QĐ-TCKTTV
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tổng cục Khí tượng thuỷ văn
- Ngày ban hành: 02-04-1998
- Ngày có hiệu lực: 17-04-1998
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 9718 ngày (26 năm 7 tháng 18 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN Số: 226/1998/QĐ-TCKTTV | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN.
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
Căn cứ Nghị định số 62-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn ngày 10/12/1994 và Nghị định số 24-CP ngày 19/3/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Mạng lưới và trang thiết bị kỹ thuật khí tượng thuỷ văn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 226/1998/QĐ-TCKTTV ngày 2/4/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn ).
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1. Thanh tra chuyên ngành về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn ngày 10/12/1994 và Điều 32 của Nghị định số 24-CP ngày 19/3/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn .
Thanh tra chuyên ngành về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn (dưới đây gọi là Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn) chỉ thực hiện chức năng thanh tra về :
- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn;
- Việc thực hiện quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật khí tượng thuỷ văn;
- Chất lượng tư liệu khí tượng thuỷ văn do các tổ chức, cá nhân có công trình khí tượng thuỷ văn cung cấp.
Điều 2. Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn không tổ chức bộ máy riêng, hoạt động thống nhất trong cả nước theo hai cấp :
- Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Tổng cục, trực thuộc Cục mạng lưới và trang thiết bị khí tượng thuỷ văn (dưới đây gọi tắt là Cục mạng lưới).
- Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực, trực thuộc các Đài khí tượng thuỷ văn khu vực.
Điều 3. Cục Mạng lưới được Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn uỷ quyền quản lý hoạt động của Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn, trực tiếp thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nói tại Điều 1 Quy chế này trong phạm vi cả nước.
Các Đài khí tượng Thuỷ văn khu vực quản lý hoạt động của Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Đài, dưới sự chỉ đạo của Cục mạng lưới, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nói tại Điều 1 Quy chế này trong phạm vi khu vực.
Điều 4. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chánh thanh tra Tổng cục, Thanh tra chuyên ngành Khí tượng Thuỷ văn cấp Tổng cục được tham gia Đoàn thanh tra của Tổng cục với tư cách thành viên do Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn quyết định.
Điều 5. Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ một cách kịp thời, trung thực, khách quan và đúng pháp luật.
Điều 6. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình khí tượng thuỷ văn có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Quy chế này và tạo điều kiện để các hoạt động Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả.
Chương 2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN.
Điều 7. Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn có nhiệm vụ:
1. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, các tiêu chuẩn kỹ thuật cấp nhà nước và cấp ngành, các quy trình, quy phạm kỹ thuật về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, cụ thể là:
- Việc thực hiện các quy định về hành lang an toàn kỹ thuật công trình khí tượng thuỷ văn; chế độ đăng ký hoạt động của công trình khí tượng thuỷ văn; việc di chuyển, xây dựng cải tạo công trình khí tượng thủy văn, các chế độ kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng và an toàn kỹ thuật các phương tiện và công trình đo đạc khí tượng thuỷ văn.
- Việc thực hiện các quy định của Quy chế giao nộp, lưu trữ, bảo quản, khai thác và bảo vệ tư liệu khí tượng thuỷ văn.
- Việc thực hiện các quy định trong các quy trình, quy phạm kỹ thuật chuyên ngành về quan trắc, đo đạc và phát báo số liệu khí tượng thuỷ văn.
2. Phối hợp với các đơn vị trong ngành và khi cần thiết được phép của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn làm việc với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn.
3. Tham gia tuyên truyền phổ biến các quy định về việc bảo vệ các công trình khí tượng thuỷ văn trong nhân dân và các tổ chức có liên quan.
Điều 8. Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn có các quyền hạn:
1. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tư liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra;
2. Tiến hành các biện pháp và nội dung thanh tra chuyên ngành tại hiện trường;
3. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm;
4. Quyết định đình chỉ khẩn cấp các hoạt động có nguy cơ gây hại đến công trình khí tượng thuỷ văn hoặc cản trở công tác quan trắc, đo đạc khí tượng thuỷ văn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Đoàn thanh tra và Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn tại các Trạm khí tượng thuỷ văn được quy định tại: Quy phạm thanh tra kỹ thuật Trạm khí tượng bề mặt; Quy phạm thanh tra kỹ thuật Trạm thuỷ văn; Quy phạm thanh tra kỹ thuật Trạm Khí tượng Cao không;Quy phạm thanh tra kỹ thuật Trạm Khí tượng Hải văn và các văn bản quy phạm luật khác có liên quan.
Chương 3:
HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA CHUYÊN NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN.
Điều 10. Hoạt động của Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn được tiến hành bằng cách tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc do Thanh tra viên tiến hành theo từng lĩnh vực chuyên môn cần thanh tra, kiểm tra (dưới đây gọi chung là Đoàn thanh tra).
Điều 11. Đoàn thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Tổng cục do Cục trưởng Cục mạng lưới quyết định thành lập (trừ trường hợp nói tại Điều 12 Quy chế này).
Đoàn thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Đài do Giám đốc Đài khí tượng Thuỷ văn khu vực quyết định thành lập.
Thành phần Đoàn thanh tra gồm:
- Trưởng đoàn thanh tra;
- Các Thanh tra viên;
- Trong trường hợp cần thiết, có thể có các chuyên gia kỹ thuật về các lĩnh vực chuyên sâu để giúp Đoàn tiến hành thanh tra kỹ thuật tại hiện trường.
Điều 12. Việc thanh tra, kiểm tra các công trình khí tượng thuỷ văn không trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn do Tổng cục Trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục mạng lưới và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Điều 13. Hoạt động của Đoàn thanh tra chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi trong quyết định thành lập Đoàn.
Điều 14. Trưởng Đoàn thanh tra có nhiệm vụ:
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong quyết định thành lập Đoàn thanh tra theo trình tự, thủ tục, nội dung và phương pháp thanh tra quy định tại các Quy phạm thanh tra kỹ thuật Trạm khí tượng thuỷ văn, Trạm khí tượng Cao không, Trạm Khí tượng Hải văn;
- Báo cáo kết quả thanh tra tại cơ sở, đề xuất các giải pháp thực hiện các kiến nghị đã ghi trong biên bản của Đoàn thanh tra .
Điều 15. Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn là công chức, thuộc biên chế chính thức của đơn vị quản lý hoạt động thanh tra, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 của Quy chế này, được bổ nhiệm làm Thanh tra viên và được giao nhiệm vụ thanh tra theo quyết định thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn.
Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn gồm 2 cấp:
- Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Tổng cục;
- Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Đài;
Điều 16. Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn do Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng Cục Mạng lưới và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Trưởng Đoàn thanh tra (trong trường hợp cần thiết có Phó Đoàn) cấp nào thì do thủ trưởng cơ quan cấp đó bổ nhiệm, trong số các Thanh tra viên được quyết định tham gia Đoàn thanh tra.
Điều 17. Tiểu chuẩn Thanh tra viên:
1. Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Đài:
a) Có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan;
b) Có trình độ đại học khí tượng hoặc thuỷ văn, đã công tác trong lĩnh vực điều tra cơ bản khí tượng thuỷ văn ít nhất 3 năm và hiện đang làm công tác trong lĩnh vực này, nắm vững quy trình, quy phạm kỹ thuật có liên quan, có kinh nghiệm trong việc khai thác, bảo dưỡng các công trình và thiết bị đo đạc khí tượng thuỷ văn;
c) Có đủ sức khoẻ để đảm đương yêu cầu công tác thanh tra lưới trạm;
d) Đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra.
2. Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn cấp Tổng cục:
a) Đạt tiêu chuẩn a, c và d của Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thủy văn cấp Đài;
b) Có trình độ đại học khí tượng hoặc thuỷ văn trở lên, đã công tác trong lĩnh vực điều tra cơ bản ít nhất 5 năm và hiện đang làm công tác này, có trình độ nghiệp vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu, tay nghề giỏi, có kinh nghiệm trong chỉ đạo mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn.
c) Hiểu biết và vận dụng được các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực điều tra cơ bản khí tượng thủy văn.
Điều 18. Thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn được hưởng phụ cấp trách nhiệm, được Tổng Cục Trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cấp Thẻ thanh tra viên theo mẫu quy định tại Điều 9 của Quy chế thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 191-HĐBT ngày 18/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng và các trang thiết bị khác phục vụ công tác thanh tra.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Cục trưởng ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách cụ thể đối với thanh tra viên chuyên ngành khí tượng thuỷ văn .
Chương 4:
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO.
Điều 19. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với đơn vị quản lý Đoàn thanh tra về kết luận và biện pháp xử lý của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên tại cơ sở của mình và phải chịu trách nhiệm về những khiếu nại, tố cáo đó.
Điều 20. Đơn vị nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, đúng quy định của Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 21. Trong trường hợp không nhất trí với giải quyết của cơ quan quản lý Đoàn thành tra về khiếu nại, tố cáo, các tổ chức, cá nhân có quyền gửi các khiếu nại, tố cáo tới Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Điều 22. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn được xem xét khen thưởng theo chế độ hiện hành của nhà nước.
Điều 23. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn của Thanh tra chuyên ngành khí tượng thuỷ văn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thanh tra dẫn đến xử lý sai, gây thiệt hại cho công trình khí tượng thuỷ văn, làm gián đoạn các quan trắc khí tượng thuỷ văn hoặc ảnh hưởng xấu đến chất lượng tài liệu khí tượng thuỷ văn thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 31, Điều 32 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn và các quy định khác của pháp luật.
Điều 24. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký quyết định ban hành. Mọi tổ chức, cá nhân có công trình khí tượng thuỷ văn có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Cục trưởng Cục mạng lưới và trang thiết bị khí tượng thuỷ văn có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra thực hiện Quy chế này.