cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1226/1998/QĐ-UB-KT ngày 10/03/1998 Về quản lý giống bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1226/1998/QĐ-UB-KT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 10-03-1998
  • Ngày có hiệu lực: 10-03-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4137 ngày (11 năm 4 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-07-2009, Quyết định số 1226/1998/QĐ-UB-KT ngày 10/03/1998 Về quản lý giống bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 07/07/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ văn bản”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1226/1998/QĐ-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 3 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ GIỐNG BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Nghị định số 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thi hành số 09/NN-KNKL/TT ngày 17/9/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quản lý giống vật nuôi ;
- Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 .- Nay ban hành kèm theo quyết định này “quy định quản lý giống bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 2 .- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận-Huyện và các tổ chức, cá nhân có các hoạt động trong các lĩnh vực liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ GIỐNG BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1226/QĐ-UB-KT ngày 10/3/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Thi hành Nghị định số 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thi hành số 09/NN-KNKL/TT ngày 17/9/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quản lý giống vật nuôi ;

Để bảo vệ và nâng cao phẩm chất giống, nâng cao sản lượng, chất lượng sữa, ngăn ngừa sự thoái hóa giống, sự lây lan dịch bệnh, giúp người chăn nuôi đạt hiệu quả về kinh tế, đảm bảo sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố theo đúng định hướng, việc quản lý Nhà nước trong công tác giống bò sữa phải thực hiện theo các quy định như sau :

A.- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý Nhà nước về giống bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Đối tượng thực hiện Nghị định số 14/CP của Chính phủ về quản lý giống vật nuôi phải chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực : bảo tồn giống, nghiên cứu chọn tạo giống ; khảo nghiệm công nhận giống mới ; sản xuất-kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật, xuất-nhập khẩu giống và quản lý chất lượng giống bò sữa.

B.- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ :

I.- ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT-KINH DOANH :

1/ Cơ sở sản xuất giống phải là cơ sở chọn lọc nhân thuần chủng hoặc tạo con lai có định hướng phù hợp với chương trình, mục tiêu về giống của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không để gây ra ảnh hưởng xấu do nhân giống đồng huyết, nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất giống.

2/ Cơ sở sản xuất-kinh doanh giống bò sữa chỉ được phép sản xuất hoặc kinh doanh các giống nằm trong danh mục do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hàng năm (căn cứ theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

3/ Điều kiện để xét cấp giấy phép :

3.1- Tổ chức, cá nhân sản xuất giống phải có đủ điều kiện về diện tích mặt bằng và chuồng trại phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nuôi con giống, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh chăn nuôi, thú y, môi trường và phải có người chuyên trách kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành trở lên.

3.2- Tổ chức, cá nhân nuôi bò giống để sản xuất phôi, tế bào trứng và cấy phôi phải có thiết bị đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có chuyên viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi hoặc sinh học trở lên.

3.3- Tổ chức, cá nhân sản xuất-kinh doanh con giống hoặc các loại tinh (đông viên, ống rạ, ampoule) và phôi bò, phải thực hiện các quy định sau :

+ Con giống phải có chứng chỉ ghi rõ tên hoặc ký hiệu cá thể huyết thống, năng suất, chất lượng, tình trạng sức khỏe và xử lý thú y.

+ Đực giống khai thác tinh dịch phải giới thiệu công khai lý lịch ; các loại tinh phải ghi rõ tên đực giống hoặc ký hiệu, các chỉ số, chất lượng tinh, ngày sản xuất và thực hiện đúng quy định về bao gói, bảo quản, vận chuyển.

+ Phôi phải có giấy chứng nhận lý lịch và được bao gói, bảo quản vận chuyển đúng quy định.

+ Phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định hiện hành.

3.4- Các tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ dẫn tinh phải qua khóa học và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tay nghề để cấp giấy phép hành nghề.

4/ Các cơ sở sản xuất, hoạt động dịch vụ về giống phải thực hiện việc theo dõi các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật và ghi chép đầy đủ, chính xác, đúng quy định theo biểu mẫu về quản lý giống theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II.- QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIỐNG :

1/ Quản lý bò đực giống và tinh bò :

1.1- Các bò đực giống trong thời gian khai thác tinh phải được tiêm phòng đầy đủ theo qui trình và theo dõi các chỉ tiêu về phẩm chất tinh dịch, kết quả thụ thai, kết quả sinh sản, tình trạng sức khỏe, năng suất đời sau theo quy định. Nếu đực giống không đạt các chỉ tiêu quy định phải loại thải kịp thời.

Các bò đực giống phối trực tiếp cũng phải kiểm tra và đăng ký chất lượng giống với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép đưa vào sử dụng, khai thác sau khi đã đăng ký và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép sử dụng. Các tổ chức, cá nhân phải ghi số liệu trên phiếu theo dõi cá thể bò đực giống và giấy phép sử dụng.

1.2- Đực giống hậu bị đưa vào kiểm tra năng suất phải là những đực giống sản xuất từ những cá thể giống đã đăng ký đạt tiêu chuẩn chọn giống và có lý lịch rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chọn giống. Cơ sở sản xuất giống và cơ sở nhân giống phải ưu tiên sử dụng đực giống đã qua kiểm tra được công nhận là tốt nhất nhằm phát huy tối đa tiềm năng di truyền của giống.

1.3- Các loại tinh (đông viên, ống rạ, ampoule) và phôi bò do các tổ chức, cá nhân từ nguồn trong nước hoặc từ nước ngoài vào đều phải đăng ký và chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi có sự chấp thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.4- Sau khi gieo tinh trực tiếp hoặc gián tiếp cho bò cái của người nuôi, tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ phải cấp giấy xác nhận ghi rõ lai lịch nguồn tinh. Hàng tháng các tổ chức, cá nhân hành nghề gieo tinh phải báo cáo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo mẫu hướng dẫn.

1.5- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm công bố các dòng tinh được phép sử dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Quản lý bò cái sinh sản :

2.1- Mỗi bò sữa cái sinh sản được đăng ký giống phải có sổ tay chính thức và có phiếu cá thể bò sữa.

2.2- Bò sữa giống được xét cấp phẩm giống mỗi năm một lần, dựa trên các tư liệu trong phiếu cá thể và kết quả bình tuyển, giám định ngoại hình. Những bò sữa cao sản sẽ được giữ làm đàn bò hạt nhân và ưu tiên tuyển chọn dự thi và đăng ký giống quốc gia. Làm cơ sở cho việc ưu đãi vay vốn tín dụng và trợ giá giống vật nuôi theo quyết định số 125/CT ngày 18/4/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

2.3- Định kỳ kiểm tra các bệnh truyền nhiễm, nội, ngoại khoa theo hướng dẫn của Chi cục Thú y thành phố. Tiến hành theo dõi và ghi chép các biện pháp chữa trị vào sổ theo dõi cá thể.

3/ Quản lý việc hành nghề dẫn tinh :

3.1- Các tổ chức, cá nhân hoạt động gieo tinh chỉ được phép hành nghề khi có giấy phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp sau khi đã qua khóa huấn luyện và kiểm tra tay nghề. Khi hành nghề phải đeo bảng tên, có dán hình.

Dụng cụ hành nghề phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh thú y.

3.2- Các dẫn tinh viên khi gieo tinh phải theo đúng các dòng tinh đã được đăng ký, cấp giấy phép và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

3.3- Các dẫn tinh viên có nghĩa vụ tham gia công tác quản lý giống bò sữa trên địa bàn thành phố. Phải ghi chép hồ sơ phối giống đúng hướng dẫn, cấp giấy xác nhận cho chủ gia súc sau khi dẫn tinh xong theo quy định. Định kỳ báo cáo kết quả phối giống cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố 1 tháng/lần (theo mẫu quy định).

III. QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1/ Về thẩm quyền quản lý :

1.1- Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quản lý về giống bò sữa trên địa bàn thành phố.

1.2- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chịu trách nhiệm tuyển chọn, phát hiện và gởi hồ sơ các con giống cao sản về Cục Khuyến nông-Kiểm lâm để ghi sổ giống theo thể lệ đăng ký giống quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.

1.3- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các biện pháp có hiệu quả trong việc quản lý giống bò sữa theo đúng định hướng phát triển ngành. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi và trợ giá giống gốc nhằm duy trì phát triển đàn bò sữa của thành phố.

1.4- Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hướng dẫn thực hiện và xét cấp các giấy phép theo quy định này.

2/ Chế độ kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong công tác quản lý giống bò sữa:

2.1- Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện Nghị định 14/CP về quản lý giống vật nuôi. Nội dung kiểm tra, thanh tra bao gồm việc xem xét, đánh giá chất lượng đàn giống, thực hiện các quy định, qui trình và các định mức kinh tế-kỹ thuật, thực hiện các chủ trương, chính sách của ngành và địa phương về công tác quản lý giống bò sữa.

2.2- Kết quả kiểm tra phải có biên bản và gởi biên bản kiểm tra đến cơ sở được kiểm tra, cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở đó và các cơ quan có liên quan.

2.3- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy định này sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Nghị định 14/CP và Quy định này tùy mức độ vi phạm và mức độ gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân sẽ bị xử phạt hành chính, phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.

C.- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH :

Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố có trách nhiệm báo cáo kịp thời và kiến nghị Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ