Quyết định số 128/1997/VGCP-CNTD.DV ngày 28/10/1997 Về cước, phí hàng hải đối với tàu biển vận chuyển hàng hoá giữa các cảng biển Việt Nam do Trưởng Ban Vật giá Chính Phủ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 128/1997/VGCP-CNTD.DV
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ban Vật giá Chính phủ
- Ngày ban hành: 28-10-1997
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2001
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1096 ngày (3 năm 0 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2001
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 128/1997/VGCP-CNTD.DV | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CƯỚC, PHÍ HÀNG HẢI ĐỐI VỚI TÀU BIỂN VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ GIỮA CÁC CẢNG BIỂN VIỆT NAM
TRƯỞNG BAN BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 01/CP ngày 05/01/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Vật giá Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 13/CP ngày 25/02/1994 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam;
Căn cứ Thông tư liên bộ số 02/TTLB ngày 12/4/1993 của Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cước phí cảng biển;
Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam;
Sau khi trao đổi với các ngành có liên quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Biểu cước, phí hàng hải đối với tàu biển của các thành phần kinh tế trong nước, của các doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vận chuyển hàng hoá giữa các cảng biển Việt Nam để tiêu thụ nội địa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1998 và thay thế Quyết định số 60/VGCP-CNTDDV ngày 7/11/1994 của Ban Vật giá Chính phủ. Các quy định về cước, phí hàng hải trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
| Nguyễn Ngọc Tuấn (Đã ký) |
BIỂU CƯỚC, PHÍ HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 128/VGCP-CNTDDV ngày 28/10/1997 của Ban Vật giá Chính phủ)
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Đối tượng áp dụng
Biểu cước, phí hàng hải tại Quyết định số 128/VGCP-CNTDDV được quy định đối với tàu biển của các thành phần kinh tế trong nước, của các doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong khu vực hàng hải của các cảng biển của nước CHXNCNVN vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa các cảng biển Việt Nam để tiêu thụ nội địa (không bao gồm hàng hoá của các Khu chế xuất để xuất khẩu tại chỗ).
2. Thời gian làm việc
2.1. Thời gian làm việc bình thường trong ngày từ 7 giờ đến 17 giờ.
2.2. Trừ phí trọng tải, phí bảo đảm an toàn hàng hải. Các loại phí và giá khác nếu làm việc trong thời gian:
- Từ 5 giờ đến 7 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ: tăng 20% mức giá thời gian làm việc bình thường.
- Từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau: tăng 40% mức giá thời gian làm việc bình thường.
- Ngày lễ, Tết và Chủ nhật (kể cả các ngày nghỉ bù của ngày Lễ, Tết và kể cả ngoài thời gian làm việc bình thường của những ngày trên): tăng 50% mức giá thời gian làm việc bình thường.
2.3. Ngày lễ, Tết bao gồm:
- Dương lịch: ngày 01 tháng 1; Ngày 30 tháng 4; ngày 01 tháng 5; ngày 02 tháng 9.
- Âm lịch: Ngày cuối năm; Ngày 01, 02 và 03 Tết âm lịch.
Nếu ngày lễ, Tết trùng vào ngày Chủ nhất thì nghỉ vào ngày kế tiếp.
3. Đơn vị tính và cách quy tròn
3.1. Đơn vị tính trọng tải:
3.1.1. Đối với tàu chở hàng (trừ tàu chở dầu): là trọng tải đăng ký dung tích toàn phần GRT (GROSS REGISTERED TONNAGE - GRT) lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận của Đăng kiểm.
3.1.2. Đối với tàu chở dầu: trọng tải tính cước, phí bằng 85% trọng tải đăng ký dung tích toàn phần GRT (GROSS REGISTERED TONNAGE - GRT) lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận của Đăng kiểm.
Tàu biển không ghi trọng tải GRT tính đổi như sau:
- Tàu chở hàng: 1,5 tấn trọng tải đăng ký tính 1 GRT.
- Tàu kéo, tàu đẩy: 1 CV tính 0,5 GRT
- Sà lan: 1 tấn trọng tải đăng ký tính 1 GRT.
Trường hợp tàu biển là đoàn sà lan tàu kéo (hoặc tàu đẩy) trọng tải tính cước là tổng số GRT của cả đoàn sà lan và tàu kéo (hoặc tàu đẩy).
3.2. Đơn vị thời gian:
- Ngày tính 24 giờ: phần lẻ của ngày từ 12 giờ trở xuống tính 1/2 ngày, trên 12 giờ tính 1 ngày.
- Giờ tính 60 phút: phần lẻ dưới 30 phút trở xuống tính 1/2 giờ, trên 30 phút tính 1 giờ.
3.3. Khoảng cách tính cước, phí là hải lý. Phần lẻ chưa đủ một hải lý tính là 1 hải lý.
II. CƯỚC, PHÍ HÀNG HẢI:
1. Phí trọng tải
1.1. Tàu biển hoạt động trong khu vực hàng hải hoặc vùng nước tại các cảng biển của nước CHXHCNVN đều phải trả phí trọng tải.
1.2. Phí trọng tải tính cho từng lượt tàu biển vào, ra trong khu vực hàng hải hoặc vùng nước cảng mà các Cảng vụ quản lý theo đơn giá sau:
- Lượt vào: 200 đ/GRT
- Lượt ra: 200 đ/GRT
1.3. Giảm 30% đơn giá tại điểm II/1.2. cho tàu biển vào ra khu vực hàng hải hoặc vùng nước do Cảng vụ quản lý để sửa chữa, lấy nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt, thay đổi thuyền viên nhưng không xếp dỡ hàng hoá, không nhận, trả khách.
1.4. Giảm 50% đơn giá tại điểm II/1.2 cho tàu biển chỉ đỗ ở phao, vũng, vịnh suốt trong thời gian dỡ hàng.
1.5. Miễn phí trọng tải các trường hợp sau:
1.5.1. Tàu biển của các lực lượng vũ trang, công an, hải quan khi làm công vụ (trường hợp làm kinh tế và chở hàng thuê cho các ngành kinh tế thì vẫn phải trả phí trọng tải).
1.5.2. Tàu biển vào ra cảng để tránh bão, cấp cứu bệnh nhân nhưng không xếp dỡ hàng, không nhận trả khách.
2. Phí bảo đảm an toàn hàng hải
2.1. Tàu biển mỗi lần vào ra cảng hoặc đi qua luồng phải trả phí bảo đảm an toàn hàng hải theo đơn giá sau:
| Lượt vào | Lượt ra |
- Tàu biển có trọng tải từ 2.000 GRT trở xuống | 200 đ/GRT | 200 đ/GRT |
- Tàu biển có trọng tải trên 2.000 GRT | 400 đ/GRT | 400 đ/GRT |
2.2. Các chủ tàu biển có thể mua phí bảo đảm an toàn hàng hải quý, hàng năm theo mức khoán sau:
+ Một năm: 6480 đ/GRT
+ Một quý (ba tháng): 1620 đ/GRT
2.3. Miễn phí bảo đảm an toàn hàng hải cho các trường hợp sau:
2.3.1. Tàu biển có trọng tải dưới 50 GRT.
2.3.2. Tàu biển vào ra cảng vì mục đích tránh bão, cấp cứu bệnh nhân, lấy thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt nhưng không xếp dỡ hàng, không nhận trả khách.
2.4. Tàu sông: tàu kéo, tàu đẩy, tàu lai dắt, sà lan biển, sà lan LASH đã đóng phí giao thông thì không phải trả phí bảo đảm an toàn hàng hải.
3. Giá hoa tiêu
3.1. Tàu biển mỗi lần vào ra cảng, di chuyển trong cảng có sử dụng hoa tiêu phải trả tiền theo đơn giá sau:
3.1.1. Mức giá áp dụng chung cho các khu vực (trừ một số tuyến có quy định riêng):
- Vào cảng: 15 đ/GRT - hải lý.
- Ra cảng: 15 đ/GRT - hải lý.
- Di chuyển cầu: 50 đ/GRT.
Mức tiêu tối thiểu:
- Mỗi lần hoa tiêu tàu vào ra cảng: 150.000 đ
- Di chuyển trong cảng: 100.000 đ.
3.1.2. Mức giá hoa tiêu một số tuyến:
3.1.2.1. Tuyến dẫn tàu từ Định An qua luồng sông Hậu:
- Vào cảng: 20 đ/GRT - hải lý.
- Ra cảng: 20đ/GRT - hải lý.
- Di chuyển trong cảng: 50đ/GRT
Mức thu tối thiểu:
- Mỗi lần hoa tiêu tàu vào ra cảng: 1.000.000 đ
- Di chuyển trong cảng: 100.000 đ
3.1.2.2. Tuyến dẫn tàu khu vực giàn khoan dầu khí:
- Dẫn cập tàu: 100 đ/GRT
- Dẫn rời tàu: 100 đ/GRT
3.1.2.3. Tuyến dẫn tàu khu vực Kiên Giang:
- Khu vực Bình Trị, Hòn Chông: 23 đ/GRT - hải lý
- Khu vực Phú Quốc: 37 đ/GRT - hải lý.
3.2. Khi xin hoa tiêu chủ tàu phải báo cho hoa tiêu trước 8 giờ. Trong trường hợp thay đổi giờ hoặc huỷ bỏ việc xin hoa tiêu phải báo cho hoa tiêu biết trước 6 giờ. Quá thời hạn trên, chủ tàu phải trả tiền chờ đợi. Thời gian chờ đợi tính như sau:
3.2.1. Hoa tiêu chưa rời vị trí xuất phát tính là 1 giờ.
3.2.2. Hoa tiêu đã rời vị trí xuất phát, thời gian chờ đợi tính từ lúc xuất phát đến khi hoa tiêu trở về vị trí ban đầu.
3.2.3. Hoa tiêu chỉ chờ đợi tại địa điểm đón tàu biển không quá 5 giờ; Quá thời gian trên, việc xin hoa tiêu coi như đã huỷ bỏ và người xin hoa tiêu phải trả tiền hoa tiêu theo đường đã xin dẫn đường. 3.2.4. Hoa tiêu đã làm xong việc dẫn đường, nếu thuyền trưởng vẫn giữ hoa tiêu lại sẽ tính thêm tiền chờ đợi theo số giờ giữ lại. Tiền chờ đợi của hoa tiêu tính theo đơn giá:
- Hoa tiêu: 15.000 đ/người-giờ
- Hoa tiêu và phương tiện: 100.000 đ/giờ
3.3. Chủ tàu phải trả thêm tiền hoa tiêu trong các trường hợp sau:
3.3.1. Tàu biển thử máy, tàu biển xin hoa tiêu đột xuất (ngoài quy định tại điểm II/3.2): tăng 10% đơn giá tại điểm II/3.1.
3.3.2. Tàu biển không tự vận hành được vì lý do sự cố kỹ thuật: Tăng 50% đơn giá tại điểm II/3.1.
3.3.3. Tàu biển không tới thẳng cảng đến mà xin neo lại dọc đường, chủ tàu phải trả chi phí phương tiện phát sinh thêm trong việc đưa đón hoa tiêu.
3.4. Trường hợp tàu biển đã đến vị trí chờ hoa tiêu theo đúng giờ mà đại diện chủ tàu biển yêu cầu và đã được Cảng vụ và Hoa tiêu chấp nhận nhưng hoa tiêu chưa tới, gây chờ đợi cho tàu biển, thì hoa tiêu phải trả cho tàu biển tiền chờ đợi là 200.000 đ/giờ theo số giờ thực tế phải chờ đợi.
4. Phí thủ tục
Tàu biển vào ra cảng phải làm thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam và trả phí thủ tục theo đơn giá sau:
Đơn vị tính: đ/chuyến
Số TT | Loại phương tiện | Đơn giá |
1 | Tàu, thuyền gỗ nhỏ chở khách, sà lan tự hành có trọng tải từ 200 tấn trở xuống | 10.000 |
2 | Tàu biển có trọng tải dưới 200 GRT, Đoàn sà lan vận tải đường sông (bao gồm tàu lai, kéo, đẩy). | 30.000 |
3 | Tàu biển có trọng tải từ 200 GRT đến dưới 1000 GRT | 50.000 |
4 | Tàu biển có trọng tải từ 1000 GRT đến dưới 5000 GRT | 100.000 |
5 | Tàu biển có tọng tải từ 5.000 GRT trở lên | 200.000 |
| Chuyến bao gồm cả lượt vào và lượt ra |
|
Ngoài cước, phí hàng hải quy định tại Quyết định này, các loại cước, phí cảng biển khác do Giám đốc các Cảng công bố sau khi thực hiện chế độ đăng ký giá với Ban Vật giá Chính phủ và Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định tại Thông tư liên bộ số 02/TTLB ngày 12/4/1993 của Liên bộ Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Giao thông vận tải.