Quyết định số 769-TC/QĐ/TCCB ngày 23/10/1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về Quy chế về tổ chức bồi dưỡng kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 769-TC/QĐ/TCCB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 23-10-1997
- Ngày có hiệu lực: 07-11-1997
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-05-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2391 ngày (6 năm 6 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-05-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 769-TC/QĐ/TCCB | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG KẾ TOÁN TRƯỞNG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC"
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 02-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28-10-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Pháp lệnh kế toán và thống kê ban hành theo Lệnh số 6 LCT-HĐNN 8 ngày 20-5-1988 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước;
Căn cứ Điều lệ kế toán trưởng xí nghiệp quốc doanh ban hành theo Nghị định số 26-HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành "Quy chế về tổ chức bồi dưỡng kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước" áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 159 TC/CĐKT ngày 15-9-1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 3: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và các tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Vũ Mộng Giao (Đã ký) |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG KẾ TOÁN TRƯỞNG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 769 TC/QĐ/TCCB ngày 23-10-1997 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Điều 1: Công tác bồi dưỡng Kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi tắt là bồi dưỡng Kế toán trưởng) nhằm mục đích:
1. Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao chuyên sâu, những kiến thức mới trong và ngoài nước về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán...
2. Nâng cao khả năng tổ chức hệ thống thông tin phục vụ cho các quyết định kinh tế; trình độ quản lý kinh tế, tài chính; trình độ tổ chức việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Kế toán trưởng trong doanh nghiệp nhằm đưa công tác quản lý doanh nghiệp vào nề nếp và theo pháp luật.
3. Tiêu chuẩn hoá về trình độ, kiến thức quản lý tài chính, kế toán cho đội ngũ Kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước.
Điều 2: Đối tượng bồi dưỡng bao gồm:
1. Kế toán trưởng, Phó kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước.
2. Kế toán tổng hợp doanh nghiệp Nhà nước.
Những đối tượng trên phải tốt nghiệp Đại học, Trung học Kinh tế chuyên ngành Tài chính - Kế toán. Nếu tốt nghiệp Đại học thì thời gian công tác thực tế về kế toán tối thiểu phải 3 năm, nếu tốt nghiệp Trung học Kinh tế thì thời gian công tác thực tế về kế toán tối thiểu phải 5 năm trong đó có ít nhất 1 năm làm Kế toán tổng hợp hoặc làm Phó kế toán trưởng; không có vi phạm khuyết điểm về việc chấp hành chính sách chế độ quản lý kinh tế, tài chính trong quá trình công tác.
Điều 3: Việc bồi dưỡng Kế toán trưởng có thể tổ chức theo hình thức tập trung hoặc không tập trung, nhưng phải đảm bảo đủ thời gian, nội dung, chương trình theo quy định.
Điều 4: Các cơ quan, đơn vị sau đây được quyền tổ chức lớp học bồi dưỡng Kế toán trưởng:
1. Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính sau đây:
+ Các Trường Đại học, Trung học Tài chính kế toán trực thuộc Bộ Tài chính.
+ Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ tài chính thuộc Bộ Tài chính.
2. Các trường Đại học Kinh tế có đào tạo chuyên ngành Kế toán.
3. Hội kế toán Việt Nam.
Điều 5: Trước khi mở lớp bồi dưỡng Kế toán trưởng, các cơ quan, đơn vị tổ chức lớp phải đăng ký mở lớp tại Bộ Tài chính (qua Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo). Hồ sơ đăng ký mở lớp bồi dưỡng Kế toán trưởng gồm:
+ Quyết định mở lớp (kèm danh sách học viên)
+ Quyết định Ban chỉ đạo lớp.
+ Kế hoạch mở lớp (đối tượng dự bồi dưỡng, Thời gian, địa điểm và hình thức bồi dưỡng).
+ Nội dung chương trình, lịch trình bồi dưỡng.
+ Giảng viên và tài liệu học tập.
Chỉ những lớp bồi dưỡng Kế toán trưởng do các cơ quan, đơn vị nói trong Điều 4 mở và có đăng ký tại Bộ Tài chính theo quy định trên mới được Bộ Tài chính cấp số hiệu đăng ký chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng.
Điều 6: Khi mở lớp bồi dưỡng Kế toán trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức lớp cần tiến hành các công việc sau:
+ Xây dựng nội quy quản lý lớp.
+ Tổ chức thi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Điều 7: Cuối mỗi chuyên đề (hoặc cụm chuyên đề) phải tổ chức kiểm tra (hoặc thi). Việc thi kiểm tra có thể được tổ chức dưới hình thức viết hoặc vấn đáp nhưng phải đảm bảo đủ cả hai phần lý thuyết và thực hành, đề thi kiểm tra phải nằm trong nội dung học và phải đánh giá được trình độ của từng học viên.
Kết thúc lớp bồi dưỡng, các đơn vị tổ chức lớp gửi báo cáo về tình hình, kết quả học tập của học viên cho Bộ Tài chính (qua Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo). Kết quả học tập của học viên được đánh giá theo các loại: Giỏi, Khá, Trung bình theo tiêu thức phân loại học lực của Bộ Giáo dục - Đào tạo và được ghi vào chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng.
Điều 8: Những học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng phải đảm bảo đủ 2 điều kiện sau:
+ Đảm bảo thời gian học tập trên lớp (tối thiểu 80% thời gian quy định cho 1 chuyên đề).
+ Tất cả các bài thi kiểm tra phải đạt 5 điểm trở lên (thang điểm 10 bậc). Học viên có quyền dự thi kiểm tra lại những bài chưa đạt nhưng tối đa không quá 1/4 tổng số bài thi kiểm tra và cũng chỉ được dự thi kiểm tra lại 1 lần.
Điều 9: Chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng (Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng Kế toán trưởng) do Bộ Tài chính phát hành và quản lý thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng do cơ quan, đơn vị ra quyết định mở lớp cấp, số chứng chỉ được đăng ký thống nhất tại Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chỉ cấp số chứng chỉ cho những học viên đúng đối tượng.
Chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng là một trong những căn cứ quan trọng để xét bổ nhiệm Kế toán trưởng.
Điều 10: Chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng chỉ có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp. Đối với các lớp bồi dưỡng trước đây chỉ công nhận những chứng chỉ đã đăng ký qua cơ quan Tài chính, những chứng chỉ đó cũng chỉ có giá trị trong vòng 3 năm kể từ ngày ban hành Quy chế này.
Điều 11: Nội dung chương trình bồi dưỡng Kế toán trưởng được quy định như sau:
Thời gian toàn khoá: 8 tuần (không kể thi kiểm tra)
(8 tuần x 6 ngày/tuần x 8 tiết/ngày = 384 tiết)
A. Phần kiến thức chung: Gồm 7 chuyên đề - 184 tiết
+ Chuyên đề 1: Kinh tế vi mô: 24 tiết
+ Chuyên đề 2: Marketing: 24 tiết
+ Chuyên đề 3: Kinh tế đối ngoại: 24 tiết
+ Chuyên đề 4: Pháp luật về kinh tế: 32 tiết
+ Chuyên đề 5: Quản lý tài chính trong doanh nghiệp NN: 32 tiết
+ Chuyên đề 6: Thanh toán và tín dụng trong DNNN: 24 tiết
+ Chuyên đề 7: Quản lý tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 24 tiết.
B. Phần kiến thức nghiệp vụ: Gồm 6 chuyên đề - 200 tiết.
+ Chuyên đề 8: Tổ chức công tác kế toán trong DNNN và vai trò của kế toán trưởng: 32 tiết
+ Chuyên đề 9: Kế toán tài chính: 32 tiết
+ Chuyên đề 10: Kế toán quản trị và thẩm định dự án đầu tư: 32 tiết
+ Chuyên đề 11: Báo cáo tài chính doanh nghiệp: 32 tiết
+ Chuyên đề 12: Phân tích hoạt động tài chính trong doanh nghiệp: 40 tiết
+ Chuyên đề 13: Kiểm toán và kiểm toán nội bộ: 32 tiết
Điều 12: Giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo chủ trì phối hợp với Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán tổ chức việc quản lý và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện Quy chế này.