Quyết định số 2590-GDĐT ngày 14/08/1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2590-GDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Ngày ban hành: 14-08-1997
- Ngày có hiệu lực: 29-08-1997
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4050 ngày (11 năm 1 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-09-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 2590-GDĐT | Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về quyền hạn và trách nhiệm quản lý các Bộ và cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ Nghị định số 29-CP ngày 30-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Vụ trưởng Vụ công tác chính trị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. – Nay ban hành bản Quy định về tổ chức và hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Điều 2. - Bản quy định này áp dụng cho tất cả các trường phổ thông dân tộc nội trú sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay cho bản Quy định được ban hành theo Quyết định số 661-QĐ ngày 29-6-1985 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Điều 3. - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
(ban hành theo Quyết định số 2590-GDĐT ngày 14-8-1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Trường phổ thông dân tộc nội trú là trường phổ thông tạo nguồn cán bộ dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trường có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bản Quy định này với mục đích thống nhất lại một số vấn đề cơ bản nhằm hoàn thiện mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú góp phần nâng cao hiệu quả và mục tiêu đào tạo của trường.
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
A. MỤC ĐÍCH MỞ TRƯỜNG VÀ MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Điều 1. - Mục đích mở trường phổ thông dân tộc nội trú là tạo nguồn cho các trường đại học và chuyên nghiệp để đào tạo cán bộ cho các dân tộc trước hết là giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn khoa học kỹ thuật. Đồng thời việc mở trường phổ thông dân tộc nội trú còn nhằm đào tạo lực lượng lao động có trình độ văn hóa, kỹ thuật, có sức khỏe và phẩm chất tốt để tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương miền núi, vùng dân tộc.
Điều 2. - Mục tiêu đào tạo của trường phổ thông dân tộc nội trú là chuẩn bị cho học sinh sau khi học sinh sau khi học hết cấp ra trường có thể thích ứng nhanh chóng với sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, cụ thể là :
- Học sinh phải được trang bị kiến thức để có hiểu biết về Tổ quốc, về cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, về nghĩa vụ và quyền lợi công dân, về tinh thần làm chủ và nếp sống văn minh, về nền văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số, về những cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước đang tiến hành ở miền núi, vùng dân tộc…
- Học sinh phải được chuẩn bị để đạt được chuẩn kiến thức các môn học ở các lớp như học sinh các trường phổ thông trong cả nước.
- Học sinh phải được rèn luyện thông qua các hoạt động trong và ngoài trường để sau khi ra trường có thể tham gia tổ chức và điều khiển các hoạt động cải tạo và xây dựng xã hội trong cộng đồng các dân tộc ở địa phương.
B. VỊ TRÍ, TÍNH CHẤT, NHIỆM VỤ CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Điều 3. - Trường phổ thông dân tộc nội trú nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập của cả nước. Trường ở vị trí mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc. Trường được coi là một loại trường tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc, một trung tâm văn hóa, khoa học, kỹ thuật ở địa phương.
Điều 4. - Trường phổ thông dân tộc nội trú là trường phổ thông dành cho thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số, bản thân và gia đình thường trú ở vùng cao, vùng sâu, xa xôi, hẻo lánh… Học sinh được Nhà nước đảm bảo các điều kiện cần thiết để ăn học, được nhà trường tổ chức nuôi dạy và sống nội trú ở trường trong quá trình học tập. Tính chất của trường là phổ thông, dân tộc, đặc điểm nổi bật của trường là nội trú.
Điều 5. – Ngoài những nhiệm vụ đã được ghi trong Điều lệ trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú còn có nhiệm vụ :
1. Thực hiện tuyển sinh đúng đối tượng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm.
2. Thực hiện giáo dục toàn diện, chuẩn bị tốt cho học sinh học lên bậc học trên, theo học trong các trường chuyên nghiệp đào tạo nghề hoặc tổ chức đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu của địa phương như giáo dục, y tế, lâm nghiệp… để về phục vụ địa phương.
3. Tổ chức nuôi dưỡng học sinh theo đúng các chế độ chính sách của Nhà nước, chăm lo tổ chức tốt đời sống nội trú cho học sinh.
4. Giáo dục hướng nghiệp, phối hợp với các cấp, các ngành trong việc định hướng đào tạo, hướng dẫn học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Giáo dục học sinh tinh thần sẵn sàng phục vụ quê hương sau khi được đào tạo tiếp tục ở trường đào tạo nghề. Có kể hoạch theo dõi số học sinh ra trường để đánh giá hiệu quả đào tạo.
5. Xây dựng mối quan hệ tốt với các cấp, các ngành, các cộng đồng dân tộc, nơi có học sinh theo học ở trường, để tạo ra môi trường giáo dục tốt.
C. HỆ THỐNG, MẠNG LƯỚI, QUY MÔ, ĐIỀU KIỆN MỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Điều 6. – Căn cứ yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc của địa phương và đất nước, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành từ cụm xã đến các khu vực của Trung ương.
1. Ở những vùng phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chưa phổ cập giáo dục tiểu học thì trường phổ thông dân tộc nội trú được mở dưới hình thức bán trú ở các cụm xã cho học sinh lớp 4, lớp 5.
2. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện chỉ mở ở bậc phổ thông trung học cơ sở. Nếu huyện không có trường bán trú ở các cụm xã thì trường phổ thông dân tộc nội trú huyện được mở thêm lớp 4, lớp 5 trong một vài năm trước mắt.
3. Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh chỉ mở bậc phổ thông trung học.
4. Trường phổ thông dân tộc nội trú ở các khu vực của Trung ương chỉ mở dự bị đại học và một số lớp thuộc hệ năng khiếu đặc biệt theo yêu cầu của các Bộ và Chính phủ.
Điều 7. – Căn cứ vào yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc, khả năng ngân sách của Nhà nước, sự đóng góp của địa phương và cộng đồng, cơ sở vật chất của trường để xác định quy mô của từng trường.
- Trường ở các cụm xã có từ 50 đến 100 học sinh.
- Trường huyện từ 150 đến 250 học sinh.
- Trường tỉnh từ 300 đến 400 học sinh.
- Trường ở các khu vực Trung ương từ 500 đến 600 học sinh.
Điều 8. - Những huyện vùng cao, địa hình phân tán đi lại khó khăn, trình độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp, số học sinh tiểu học xin vào học trường phổ thông dân tộc nội trú huyện vượt quá số lượng ghi ở Điều 7 thì mở thêm các trường phổ thông dân tộc nội trú dưới dạng bán trú ở các cụm xã. Trường phố thông dân tộc nội trú huyện chọn tuyển học sinh theo chỉ tiêu được giao.
Những huyện miền núi có một số xã, bản vùng cao có nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ nhưng không đủ số lượng học sinh để mở trường phổ thông dân tộc nội trú huyện như Điều 7 quy định thì học sinh được gửi đi học ở trường phổ thông dân tộc nội trú huyện khác trong tỉnh theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, hoặc xây dựng khu ky túc xá ghép vào một trường phổ thông trung học của huyện.
Điều 9. - Điều kiện để mở trường phổ thông dân tộc nội trú là :
1. Có nguồn tuyển sinh ổn định, đảm bảo cho trường phát triển vững chắc, theo quy mô đào tạo.
2. Có đủ cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ công nhân viên đảm bảo thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học của nhà trường.
3. Có cơ sở vật chất cần thiết để tiến hành các hoạt động giáo dục, giảng dạy, đảm bảo việc tổ chức đời sống cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Có địa điểm để xây dựng trường ở nơi trung tâm văn hóa của địa phương.
Điều 10. - Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể phân cấp cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý trường phổ thông dân tộc nội trú huyện.
Các trường phổ thông dân tộc nội trú các khu vực ở Trung ương do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý có sự phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi trường đóng.
Điều 11. - Việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng phải được sự thỏa thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản. Việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể trường phổ thông dân tộc nội trú huyện do Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định theo đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo sau khi có sự thỏa thuận của Sở Giáo Dục và Đào Tạo bằng văn bản.
Việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể các trường phổ thông dân tộc nội trú các khu vực ở Trung ương do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định, sau khi Chính phủ đồng ý.
Chương 2:
NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Điều 12. - Mọi hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú phải nhằm mục đích giáo dục cho học sinh tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần chịu khó học tập, nếp sống văn minh khoa học để sau khi ra trường có thể tham gia quản lý, lãnh đạo các hoạt động cải tạo và xây dựng quê hương.
Điều 13. - Nội dung giảng dạy, giáo dục chủ yếu là nội dung chương trình sách giáo khoa của các trường phổ thông, có điều chỉnh và bổ sung thêm những kiến thức về địa phương và về các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Hoạt động dạy và học của trường phổ thông dân tộc nội trú phải hướng vào việc cải tiến nội dung, phương pháp cho phù hợp với đặc điểm và tính chất của trường. Trường phổ thông dân tộc nội trú được phép sử dụng một phần thời gian ngoài giờ lên lớp để củng cố, bổ sung, mở rộng kiến thức, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh kém.
Điều 14. – Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cho học sinh phải hướng vào những ngành nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương như sư phạm, y tế, nông – lâm nghiệp, giao thông, quản lý xã hội…
Điều 15. - Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoài trường, ngoài lớp như lao động sản xuất, văn nghệ, thể dục thể thao, các sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm, tham quan du lịch, tổ chức các ngày lễ hội, tết dân tộc góp phần phát triển toàn diện nhân cách học sinh.
Điều 16. - Tổ chức công tác đời sống trong trường nhất là việc nuôi dưỡng học sinh phải đúng nguyên tắc, đúng chế độ, công khai và dân chủ.
Điều 17. - Trường phổ thông dân tộc nội trú phải tổ chức tốt cuộc sống nội trú cho học sinh. Giáo dục học sinh ý thức tự giác bảo vệ giữ gìn cơ sở vật chất của nhà trường và sử dụng tiết kiệm hợp lý các tài sản công cộng, giữ gìn vệ sinh nhà ăn, nhà ở, phòng học, giếng nước, khu vệ sinh,đường đi, chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường.
Điều 18. - Gắn nhà trường với các hoạt động xã hội của địa phương để tạo thêm động lực giáo dục góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Chương 3:
HỌC SINH – GIÁO VIÊN – CÔNG NHÂN VIÊN
Điều 19. – Thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng cao, vùng sâu xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo, có đủ các tiêu chuẩn về hạnh kiểm, học lực, sức khỏe, tuổi… được tuyển chọn vào học trường phổ thông dân tộc trú theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh hàng năm. Đối tượng đó bao gồm
a) Ưu tiên tuyển chọn thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú của bản thân và gia đình ở những vùng phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn, có nhu cầu tạo nguồn cán bộ vào học trường phổ thông dân tộc nội trú.
b) Thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú của bản thân và gia đình ở vùng thấp, thị trấn, thị xã mà vẫn có nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho dân tộc thì cũng được tuyển chọn vào học trường phổ thông dân tộc nội trú, nhưng phải qua thi tuyển.
c) Học sinh người dân tộc Kinh : ưu tiên cho những gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng đã định cư ở vùng phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn ít nhất từ 5 năm, có đủ tiêu chuẩn theo quy định thì cũng được tuyển chọn vào học trường phổ thông dân tộc nội trú. Tỷ lệ tuyển số học sinh này không quá 5% số học sinh trong trường. Trong từng trường hợp cụ thể phải có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với trường tỉnh) và Ủy ban nhân dân huyện (đối với trường huyện).
Tiêu chuẩn học sinh vào học các trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn.
Điều 20. - Sở Giáo dục và Đào tạo lập chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh và khu vực tuyển sinh. Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt và quyết định chỉ tiêu cho các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh và khu vực tuyển sinh cho các trường phổ thông dân tộc nội trú của Trung ương.
Tùy tình hình cụ thể từng địa phương mà các cơ quan quản lý nhà trường quyết định việc thi tuyển hoặc cử tuyển để chọn học sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Trường phổ thông dân tộc nội trú có trách nhiệm tổ chức tuyển sinh đảm bảo đúng đối tượng và chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Điều 21. - Những học sinh được tuyển về trường được hướng dẫn ôn tập, kiểm tra phân loại trình độ, biên chế vào các lớp phù hợp. Đối với những học sinh yếu kém, trường phải có kế hoạch giúp đỡ để đảm bảo chất lượng. Sau khi tốt nghiệp bậc học, học sinh được định hướng đào tạo tiếp tục và có nhiệm vụ chấp hành sự phân công đi học các ngành nghề chuyên môn theo yêu cầu đào tạo của địa phương. Những học sinh không được lên lớp, không tốt nghiệp được xét cho lưu ban không quá một lần trong một bậc học, nếu sau đó vẫn không đạt yêu cầu thì chuyển đi học tại các trường đào tạo nghề hoặc được bồi dưỡng một ngành nghề ngắn hạn để trở về địa phương phục vụ.
Điều 22. - Những học sinh chuyển trường trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú nếu ở trong tỉnh thì do Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định, nếu chuyển đi tỉnh khác thì phải có sự thỏa thuận giữa hai Sở Giáo dục và Đào tạo Học sinh được hưởng sinh hoạt phí kể từ ngày vào học.
Điều 23. – Ngoài những nhiệm vụ ghi trong điều lệ trường phổ thông, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú có nhiệm vụ chấp hành những quy định của nhà trường về những hoạt động trong trường, đồng thời phải chấp hành sự phân công công tác hoặc đi học các ngành nghề chuyên môn theo yêu cầu đào tạo của địa phương. Những học sinh vi phạm hành vi đạo đức, trây lười trong học tập có ảnh hưởng xấu đến học sinh khác, qua giáo dục nếu không sửa chữa sẽ bị xử lý và kỷ luật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 24. - Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước đảm bảo các điều kiện tốt để học tập và sinh hoạt trong quá trình học tập ở trường theo các văn bản hiện hành của Nhà nước và địa phương.
Điều 25. – Ngoài những quy định chung cho giáo viên các trường phổ thông, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú còn phải tích cực tìm hiểu tình hình thực tế ở các vùng dân tộc nơi mình đang công tác, tôn trọng và bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc, thương yêu học sinh các dân tộc, có điều kiện và có khả năng tham gia quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ lên lớp như : hướng dẫn và tổ chức học sinh tự học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh kém, tổ chức học sinh lao động sản xuất, vui chơi giải trí…
Ngoài các quyền lợi được ưu tiên đối với giáo viên miền núi ở vùng cao, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú còn được hưởng các chế độ chính sách dành cho giáo viên các trường phổ thông nội trú theo các quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những giáo viên được Hiệu trưởng phân công tổ chức, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp được quy đổi thời gian tham gia các hoạt động này thành tiết chuẩn để tính định mức lao động và thời gian lao động thực tế.
Điều 26. – Trong trường phổ thông dân tộc nội trú có một số cán bộ, công nhân viên làm công tác phục vụ đời sống, số cán bộ, công nhân viên nay được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và một số vấn đề về nội dung và phương pháp giáo dục học sinh để thực sự trở thành một lực lượng giáo dục trong trường. Những cán bộ công nhân viên được Hiệu trưởng giao nhiệm vụ thường xuyên làm công tác quản lý, giáo dục học sinh được hưởng phụ cấp nội trú như giáo viên.
Điều 27. – Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh có thể có những quy định bổ sung ngoài chế độ chung của Nhà nước về chế độ cấp phát cho học sinh và ưu tiên một số quyền lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Chương 4:
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
Điều 28. – Ngoài những điều quy định chung cho Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường phổ thông, Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú còn phải nắm được chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, phải hiểu biết về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, phải có nhiệt tình, năng lực và điều kiện làm công tác quản lý ở trường có học sinh nội trú. Ngoài quyền lợi như giáo viên, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm về chế độ công tác theo các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 29. – Ngoài các tổ chức đã quy định như trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú còn có thêm các tổ chức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho học sinh, giáo viên, công nhân viên như : Ban quản lý học sinh, Phòng Giáo vụ, các Phòng chuyên môn, Ban Lao động, Ban Văn thể… Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ quy mô của từng trường và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ấn định chỉ tiêu, biên chế cán bộ cho các tổ chức trên. Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú được quyền tuyển chọn giáo viên, cán bộ, công nhân viên theo chỉ tiêu biên chế hằng năm, ưu tiên tuyển chọn những giáo viên và nhân viên giỏi là người dân tộc thiểu số ở địa phương về công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Điều 30. – Các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương và các trường phổ thông dân tộc nội trú thực hiện kế hoạch đào tạo.
Điều 31. - Viện Khoa học Giáo dục chịu trách nhiệm nghiên cứu nội dung và phương pháp giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú cho phù hợp với đặc điểm và tính chất của trường.
Điều 32. - Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. - Bản Quy định này áp dụng cho tất cả các trường phổ thông dân tộc nội trú, những quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông dân tộc nội trú có trách nhiệm thực hiện bản Quy định này.