cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 11/CT-UB-NC ngày 23/04/1996 Về việc thực hiện quản lý dân nhập cư thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 11/CT-UB-NC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 23-04-1996
  • Ngày có hiệu lực: 23-04-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 965 ngày (2 năm 7 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 11/CT-UB-NC ngày 23/04/1996 Về việc thực hiện quản lý dân nhập cư thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 11/CT-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 4 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUẢN LÝ DÂN NHẬP CƯ THÀNH PHỐ

Trong nhiều năm qua, thành phố thường xuyên có nhiều người dân từ các nơi khác đến thành phố làm việc, sinh sống với nhịp độ tăng nhanh. Tuy nhiên, qua điều tra về dân số - lao động thực hiện quản lý bằng hệ thống máy tính, đến nay thành phố chỉ mới nắm được 339.188 người gốc các tỉnh đang cư trú không có hộ khẩu. Đây là số người có đăng ký, được phép tạm trú thường xuyên từ 06 tháng trở lên nhưng bên cạnh đó, số người thường xuyên cư trú dưới 06 tháng, số người cư trú chưa đăng ký, số người mới đi, mới đến trong năm 1996 chưa quản lý được chặt chẽ, chính xác. Một bộ phận dân nhập cư từ các nơi khác đến thành phố đã tăng cường nguồn nhân lực cho yêu cầu xây dựng thành phố nhưng mặt khác, đa số nhân lực không được đào tạo, cơ cấu nhân lực từ nhiều nguồn, đã tạo ra sức ép căng thẳng so với khả năng chịu đựng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện có, tạo ra sự phức tạp trong công tác quản lý trật tự, an ninh xã hội và kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển thành phố, khó khăn trong việc giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân thành phố.

Để quản lý được chính xác số người từ các địa phương khác nhập cư tự do vào thành phố, bao gồm về hiện trạng cư trú và làm việc, tình trạng di chuyển và biến động đi đến. Thực hiện biện pháp quản lý dân số - lao động di chuyển dân nhập cư theo đúng luật pháp, có biện pháp hạn chế tăng cơ học, đảm bảo cân bằng cung - cầu sức lao động trên địa bàn phù hợp yêu cầu phát triển thành phố.

Căn cứ Chỉ thị 660/TTg ngày 17-10-1995 của Chính phủ về việc “giải quyết tình trạng di cư tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác” ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1/ Thành lập Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư trực thuộc Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin về nhân sự - lao động và dân số thành phố, giúp Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết vấn đề dân nhập cư, phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố được Chính phủ phê duyệt.

2/ Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin về nhân sự - lao động và Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư thành phố có nhiệm vụ :

a) Tổ chức điều tra đầy đủ các thông tin về số lượng và chất lượng người nhập cư thành phố ; Khai thác, tổng hợp, phân tích các số liệu đã nhập vào máy tính của đề án quản lý dân số - lao động ; Điều tra bổ sung các đối tượng dân nhập cư (chưa quản lý được hoặc mới đến năm 1996) kết hợp phúc tra danh sách hiện có. Lực lượng điều tra viên bao gồm Công an khu vực kết hợp nhân viên thống kê, nhân viên lao động - thương binh xã hội phường, xã thực hiện.

Thời gian tiến hành điều tra từ 01/6/1996 đến 30/7/1996.

Cục Thống kê thành phố, Trung tâm xử lý thông tin thống kê có nhiệm vụ trực tiếp triển khai phương án tổ chức điều tra, xây dựng các hệ thống chương trình tổng hợp, khai thác số liệu, cập nhật biến động dân nhập cư phường xã đến thành phố phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp của thành phố.

b) Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản pháp quy để tổ chức quản lý dân nhập cư, các biện pháp ngăn chặn di dân tự do đến thành phố phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành và phải hoàn thành trước 15 tháng 5 năm 1996 để báo cáo Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố để triển khai thực hiện.

3/ Về kinh phí điều tra dân nhập cư, giao cho Sở Tài chánh có trách nhiệm xem xét dự toán trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

4/ Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thành lập các Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư của quận, huyện mình, phối hợp với Tiểu ban chỉ đạo quản lý dân nhập cư của thành phố và các ngành chức năng tổ chức chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã thực hiện đầy đủ các quy định về điều tra và quản lý dân nhập cư trên từng địa bàn phường, xã.

5/ Ủy ban nhân dân Phường, Xã là cấp trực tiếp quản lý dân nhập cư, phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật để mọi người dân nhập cư phải chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân thành phố ; phải thường xuyên nắm chắc số lượng dân số - lao động biến động di chuyển đi - đến cư trú trên địa bàn. Nghiêm cấm mọi hình thức tự do cư trú, tự do di chuyển lao động không đúng quy định của luật pháp Nhà nước.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, ngành hữu quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã tổ chức thực hiện tốt chỉ đạo này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang