cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 59/1997/QĐ-NH9 ngày 19/03/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về việc điều động công chức, viên chức biệt phái đến công tác tại các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 59/1997/QĐ-NH9
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 19-03-1997
  • Ngày có hiệu lực: 04-04-1997
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-03-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1070 ngày (2 năm 11 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-03-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-03-2000, Quyết định số 59/1997/QĐ-NH9 ngày 19/03/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về việc điều động công chức, viên chức biệt phái đến công tác tại các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 61/2000/QĐ-NHNN9 ngày 23/02/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ban hành Quy chế cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59/1997/QĐ-NH9

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VIỆC ĐIỀU ĐỘNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC BIỆT PHÁI ĐẾN CÔNG TÁC TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ các Quyết định số 362/QĐ-NH9 ngày 31-12-1996 về uỷ quyền quản lý công chức, viên chức Ngân hàng và Quyết định 363/QĐ-NH9 ngày 31-12-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về công tác quản lý CCVC trong hệ thống NHNN;
Xét yêu cầu nhiệm vụ công tác;
Theo đề nghị của Vụ tưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về việc điều động công chức, viên chức biệt phái đến công tác tại các đơn vị trong hệ thống NHNN".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị liên quan ở NHNNTW, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và NCKH Ngân hàng, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc các NH quốc doanh và Tổng Công ty vàng bạc đá quý VN chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

V/v ĐIỀU ĐỘNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC BIỆT PHÁI ĐẾN CÔNG TÁC TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRONG HỆ THỐNG NHNN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-NH9 ngày 19-3-1997của Thống đốc Ngân hàng NN)

Căn cứ vào yêu cầu công tác, Ngân hàng Nhà nước Trung ương quy định việc điều động công chức, viên chức và tiếp nhận học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các Trường Đại học, Cao đẳng kinh tế và Ngân hàng để biệt phái đến công tác tại các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước như sau:

Điều 1. Điều động biệt phái công chức, viên chức nói trong quy định này là việc cử công chức, viên chức đến làm việc tại các đơn vị khác thuộc hệ thống NHNN trong một thời gian nhất định. Điều động biệt phái công chức, viên chức được thực hiện theo các hình thức:

1.1- Biệt phái bắt buộc: do yêu cầu công tác, thủ trưởng cấp trên hoặc người được uỷ quyền có quyền điều động công chức, viên chức đến làm việc ở đơn vị khác trong cùng hệ thống.

1.2- Biệt phái tự nguyện: do yêu cầu công tác và có sự tự nguyện của công chức, viên chức.

Nếu là học sinh, sinh viên tốt nghiệp các Trường Đại học, Cao đẳng kinh tế hoặc Ngân hàng đã trúng tuyển vòng sơ tuyển, nếu tự nguyện sẽ được tiếp nhận và cử đến công tác ở các đơn vị NHNN có nhu cầu.

Điều 2. Quy định về việc điều động biệt phái công chức, viên chức:

2.1- Đối với công chức, viên chức thuộc biên chế NHNN:

a. Thời gian biệt phái: Tối đa không quá 2 năm, áp dụng cho hình thức biệt phái bắt buộc hoặc hình thức biệt phái tự nguyện.

b. Quyền lợi:

- Được giữ nguyên hộ khẩu, nhà ở tại địa phương nơi cơ quan đóng trụ sở.

- Được hưởng chế độ trợ cấp chuyển vùng theo quy định của địa phương (hoặc trợ cấp của NHNN theo mức thống nhất của địa phương).

- Được bố trí nhà ở tại nơi công tác.

- Hết hạn biệt phái, được bố trí công tác cũ hoặc công tác thích hợp (nếu công chức, viên chức có nguyên vọng).

- Đối với công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được xem xét bố trí lại vào vị trí cũ hoặc vị trí thích hợp (nếu công chức, viên chức có nguyện vọng).

c. Trách nhiệm:

- Hoàn thành mọi nhiệm vụ do cơ quan cử biệt phái cũng như cơ quan tiếp nhận giao.

- Chấp hành đầy đủ nội quy, quy chế, kỷ luật lao động của cơ quan và của Nhà nước.

- Thực hiện đúng thời hạn biệt phái theo quyết định điều động.

2.2- Đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng kinh tế, Ngân hàng:

a. Thời gian biệt phái: Không dưới 5 năm, áp dụng cho hình thức biệt phái tự nguyện.

b. Quyền lợi:

- Được giữ nguyên hộ khẩu, nhà ở nơi đang cư trú.

- Không phải qua thi tuyển dụng vòng hai (phải qua vòng sơ tuyển).

- Được hưởng trợ cấp chuyển vùng theo quy định của địa phương nơi tiếp nhận (hoặc của NHNN theo mức thống nhất của địa phương).

- Hết thời hạn biệt phái, nếu có nguyện vọng được xem xét tiếp nhận và bố trí làm việc tại đơn vị NHNN nơi bản thân cư trú trước đây.

c. Trách nhiệm: Như quy định tại điểm c, khoản 2.1, điều 2 bản quy định này.

Điều 3. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc ổn định công tác lâu dài ở đơn vị mà công chức viên chức được biệt phái đến: nếu công chức, viên chức tình nguyện ở lại công tác, phục vụ lâu dài ở đơn vị được cử đến được ưu tiên giải quyết về chỗ ở, điều kiện học tập và các chế độ khác của Nhà nước và của ngành.