Quyết định số 1776/TTNN ngày 21/12/1996 Về quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra do Tổng thanh tra Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1776/TTNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tổng thanh tra Nhà nước
- Ngày ban hành: 21-12-1996
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1997
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-12-2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3630 ngày (9 năm 11 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-12-2006
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1776/TTNN | ngày 21 tháng 12 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN THANH TRA
TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Pháp lệnh thanh tra ngày 1 tháng 4 năm 1990;
- Căn cứ Nghị định 191/HĐBT ngày 18 tháng 6 năm 1991 về việc ban hành Quy chế thanh tra viên và sử dụng cộng tác viên thanh tra;
- Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 23 tháng 11 năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ;
- Xét đề nghị của Vụ trưởng vụ Tổng hợp - Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra".
Điều 2.
Vụ Tổng hợp - Pháp chế, trong phạm vi chức năng của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế này. Quá trình thực hiện những vấn đề cần thiết báo cáo để bổ sung.
Điều 3.
Quy chế này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 01 năm 1997.
| TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC |
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN THANH TRA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1776 ngày 21 tháng 12 năm 1996 của Tổng Thanh tra Nhà nước)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐOÀN THANH TRA
Điều 1.
Đoàn thanh tra được thành lập theo quyết định của Thủ trưởng tổ chức thanh tra Nhà nước hoặc Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiến hành cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, an ninh Quốc phòng và Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo.
Điều 2.
Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thực hiện cuộc thanh tra theo đúng nội dung và thời hạn ghi trong quyết định thanh tra.
Điều 3.
Thời gian hoạt động của Đoàn thanh tra bắt đầu từ khi quyết định thanh tra có hiệu lực và kết thúc khi cấp có thẩm quyền kết luận và xử lý bàn giao xong hồ sơ cuộc thanh tra cho cơ quan đã lập đoàn thanh tra.
Điều 4.
Thành viên Đoàn thanh tra là Thanh tra viên và cán bộ, công chức trong hoặc ngoài ngành thanh tra tham gia Đoàn thanh tra theo quyết định của thủ trưởng cơ quan quản ý hoặc tổ chức thanh tra có thẩm quyền. Số lượng thành viên Đoàn thanh tra được quy định trong quyết định thanh tra căn cứ vào yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra.
Điều 5.
Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra (sau đây gọi tắt là Trưởng đoàn) và các đoàn viên Đoàn thanh tra (sau đây gọi tắt là Đoàn viên). Trong trường hợp cần thiết, Đoàn thanh tra có thể có Phó Trưởng đoàn.
Điều 6.
Đoàn thanh tra hoạt động theo nguyên tắc chỉ tuân theo pháp luật, và nhiệm vụ, quyền hạn người ra quyết định thanh tra quy định đảm bảo chính xác, khách quan, dân chủ và kịp thời.
Điều 7.
Trong quá trình hoạt động, Đoàn thanh tra đảm bảo bí mật về tài liệu, thông tin và phương pháp thanh tra, điều tra liên quan đến cuộc thanh tra.
Không một thành viên nào của Đoàn thanh tra được tiết lộ những thông tin tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THÀNH VIÊN ĐOÀN THANH TRA
Điều 8.
1. Trưởng đoàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn và nội dung kết luận cuộc thanh tra. Trưởng đoàn và các đoàn viên trong đoàn phải thực hiện 5 điều kỷ luật được quy định tại quyết định số: 101/TTNN ngày 20 tháng 2 năm 1995 do Tổng Thanh tra Nhà nước ban hành.
2. Trưởng đoàn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch cụ thể quá trình thanh tra và phân công nhiệm vụ cho đoàn viên hoặc nhóm đoàn viên thực hiện theo yêu cầu, nội dung được ghi trong quyết định thanh tra và công việc cụ thể giao cho đoàn viên thực hiện.
b) Trực tiếp tổ chức, chỉ đạo nghiệp vụ, điều hành đoàn viên tiến hành thanh tra;
c) Quyết định biện pháp xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thanh tra;
d) Thường xuyên báo cáo tiến độ cuộc thanh tra với người ra quyết định thanh tra.
đ) Tổng hợp kết quả thanh tra, soạn thảo văn bản kết luận, công bố kết luận đó trước đối tượng thanh tra và báo cáo kết quả với người ra quyết định thanh tra.
e) Tổ chức việc rút kinh nghiệm hoặc của Đoàn, nhận xét đề nghị khen thưởng hoặc xử lý đối với đoàn viên vi phạm quy chế thanh tra, bàn giao hồ sơ cho cơ quan lập đoàn thanh tra quản lý, sử dụng khi cần thiết.
f) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Các phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn.
Điều 9.
1. Các đoàn viên có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Lập kế hoạch thực hiện nội dung nhiệm vụ được phân công báo cáo trưởng đoàn thông qua.
b) Chủ động sáng tạo để tiến hành có kết quả công việc được phân công.
c) Báo cáo kết quả phần việc được giao, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn về các chứng cứ và tài liệu thanh tra.
d) Tham gia việc xây dựng văn bản kết luận thanh tra; bàn giao hồ sơ cho Trưởng đoàn thanh tra hay người được uỷ quyền.
e) Thực hiện các công việc liên quan đến cuộc thanh tra khi trưởng đoàn phân công hoặc uỷ quyền.
2. Đoàn viên chịu trách nhiệm về những công việc được phân công và các quy định về Thanh tra viên và đoàn viên đoàn thanh tra.
Điều 10.
Cộng tác viên thanh tra do người ra quyết định thanh tra trưng tập theo đề nghị của Trưởng đoàn.
Cộng tác viên thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn.
Chương III
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH THANH TRA
I. Chuẩn bị thanh tra
Điều 11.
Trưởng Đoàn phải xây dựng dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt chậm nhất là 10 ngày trước khi công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.
2. Kế hoạch tiến hành thanh tra bao gồm:
a) Mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra;
b) Phương pháp tiến hành thanh tra;
c) Tiến độ thực hiện cuộc thanh tra.
Điều 12.
1. Trong thời hạn 2 ngày sau khi kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt, Trưởng đoàn phải họp Đoàn để phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn viên và tổ chức tập huấn nghiệp vụ nếu cần thiết.
2. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày được phân công, từng đoàn viên phải lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của mình và trình Trưởng đoàn phê duyệt.
II. Tiến hành thanh tra
Điều 13.
Khi bắt đầu cuộc thanh tra, Trưởng đoàn phải làm việc với thủ trưởng cơ quan, tổ chức được thanh tra và những cá nhân có liên quan đến nội dung cuộc thanh tra để công bố quyết định thanh tra, nội dung thanh tra; trách nhiệm của đối tượng thanh tra do pháp luật quy định; những điều quy định cụ thể của người ra quyết định thanh tra quy định chức trách, nhiệm vụ trách nhiệm của đoàn và thành viên đoàn thanh tra. Nội dung làm việc quy định tại điều này phải ghi thành biên bản.
Điều 14.
Trong quá trình tiến hành thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra chỉ làm việc với đối tượng thanh tra tại các công sở và trong giờ hành chính.
Nếu cần thiết phải làm việc ngoài giờ hành chính hoặc ngoài công sở thì phải có sự đồng ý của Trưởng đoàn.
Khi làm việc với đối tượng thanh tra để kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ phải có ít nhất 2 thành viên đoàn thanh tra.
Nội dung các buổi làm việc phải lập biên bản.
Điều 15.
Đoàn viên phải báo cáo Trưởng đoàn về tiến độ và kết quả việc thực hiện nhiệm vụ được phân công theo yêu cầu của Trưởng đoàn.
Nếu phát hiện những vấn đề cần phải được xử lý kịp thời thì Đoàn viên phải báo cáo ngay để Trưởng đoàn quyết định.
Những đoàn viên đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công có thể được Trưởng đoàn cho phép không tham gia tiếp cuộc thanh tra cho đến khi được Trưởng đoàn triệu tập.
Điều 16.
Trưởng đoàn phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra về những vấn đề vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những vấn đề không thuộc nội dung kế hoạch thanh tra. Nếu thấy cần thiết, Trưởng đoàn đề nghị người ra quyết định thanh tra sửa đổi, bổ sung quyết định, kế hoạch tiến hành thanh tra; đề nghị thay đổi những đoàn viên vì lý do sức khoẻ hoặc vì những lý do khác.
III. Kết thúc cuộc thanh tra
Điều 17.
Sau khi hoàn thành nội dung nhiệm vụ được phân công, đoàn viên hoặc nhóm đoàn viên phải tổng hợp kết quả, đưa ra những kết luận, đề xuất hướng xử lý bằng văn bản, lập hồ sơ theo phần công việc đó và bàn giao cho Trưởng đoàn hoặc người được Trưởng đoàn uỷ quyền.
Điều 18.
1. Trưởng đoàn có trách nhiệm dự thảo văn bản kết luận thanh tra theo các yêu cầu ghi trong quyết định thanh tra.
2. Trưởng đoàn phải triệu tập cuộc họp của tất cả các thành viên Đoàn thanh tra, kể cả các đoàn viên không tham gia toàn bộ quá trình thanh tra như quy định tại điều 15 quy chế này để thảo luận dự thảo kết luận thanh tra công khai, dân chủ và chính xác. Trường hợp có những ý kiến khác nhau trong đoàn thì Trưởng đoàn kết luận và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra. Việc thảo luận phải lập thành biên bản.
Điều 19.
Trước khi kết luận chính thức, Trưởng đoàn phải báo cáo dự thảo kết luận thanh tra với người ra quyết định thanh tra, kèm theo biên bản cuộc họp thảo luận dự thảo kết luận thanh tra.
Điều 20.
Trưởng đoàn chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra đối với đối tượng thanh tra.
Thành phần tham dự cuộc họp này do Trưởng đoàn quyết định. Việc công bố kết luận thanh tra phải được lập thành biên bản.
Nếu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra thì Trưởng đoàn phải họp đoàn để thảo luận việc tiếp thu hoặc không tiếp thu những ý kiến trình bày hoặc giải trình và báo cáo với người ra quyết định thanh tra.
- Hoàn chỉnh văn bản kết luận cuộc thanh tra. Văn bản kết luận do Trưởng đoàn ký và đóng dấu của cơ quan quản lý trưởng đoàn.
Điều 21.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra phải bàn giao hồ sơ cuộc thanh tra cho cơ quan đã lập đoàn thanh tra.
2. Hồ sơ cuộc thanh tra bao gồm:
a) Quyết định thanh tra;
b) Đơn khiếu nại, tố cáo (nếu có);
c) Kế hoạch tiến hành thanh tra; đề cương thanh tra;
d) Báo cáo của đối tượng thanh tra;
e) Biên bản kiểm tra, xác minh và các chứng cứ liên quan đến nội dung thanh tra; f) Văn bản kết luận thanh tra;
g) Các văn bản khác liên quan đến cuộc thanh tra.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 22.
Đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quyết định thanh tra được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước.
Việc khen thưởng do Trưởng đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 23.
Những thành viên Đoàn thanh tra vi phạm kỷ luật thanh tra thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24.
1. Quy chế này được áp dụng cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc tổ chức thanh tra có thẩm quyền quyết định thành lập đoàn thanh tra.
2. Các văn bản và quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ. Quá trình thực hiện những vấn đề cần sửa đổi bổ sung thì báo cáo để Tổng Thanh tra Nhà nước quyết định.
Điều 25.
Quy chế này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.