Quyết định số 986/QĐ.UB ngày 29/08/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Về Bản quy định quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 986/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 29-08-1996
- Ngày có hiệu lực: 29-08-1996
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8798 ngày (24 năm 1 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-09-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 986/QĐ.UB | Long Xuyên, ngày 29 tháng 08 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua ngày 21 tháng 06 năm 1994;
- Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
- Căn cứ Nghị định số 48/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các văn bản đã ban hành trước đây có nội dung trái với bản quy định ban hành kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn thi hành quyết định này.
Điều 4: Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành; Chủ tịch UBND các cấp căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn được giao, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này..
Nơi nhận: | ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo quyết định số 986/QĐ.UB ngày 29.08.1996 của UBND tỉnh An Giang)
Nhằm tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản; bảo đảm các điều kiện nhằm duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sinh thái/ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. UBND tỉnh quy định việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Nguồn lợi thủy sản nói trong bản quy định này bao gồm mọi sinh vật có giá trị kinh tế, khoa học, sống ở các vùng nước (sông, ngòi, kênh, rạch, ao, hồ...) trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2: Việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân.
Nghiêm cấm mọi hành vi gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loại thủy sản, đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Điều 3: Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Ủy ban nhân huyện - thị xã, xã phường - thị trấn chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thuộc quyền quản lý theo bản quy định này và các văn bản pháp luật hiện hành.
Điều 4: Chi Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (CCBVNLTS) là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều 5: Mọi hành vi vi phạm các quy định trong bản quy định này và các văn bản pháp luật về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương II
QUẢN LÝ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 6: Nhiệm vụ và quyền hạn của CCBVNLTS:
1. Xây dựng các dự thảo văn bản trình UBND tỉnh ban hành, nhằm quy định và hướng dẫn các hoạt động khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và bản quy định này.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động sản xuất kinh doanh và vận chuyển thủy sản; kiểm dịch sản phẩm, động vật thủy sản.
4. Xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 48/CP ngày 12.08.1996 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong Iĩnh vực BVNLTS.
5. Tổ chức kiểm tra, xét duyệt và cấp giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo sự phân cấp của Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
6. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Điều 7: Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
1. Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở địa phương mình.
2. Tổ chức, hướng dẫn, tổng hợp và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xét duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong phạm vi quản lý.
3. Ban hành các văn bản pháp quy nhằm cụ thể hóa việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương.
4. Chịu trách nhiệm tổ chức việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
5. Xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 48/CP ngày 12.08.1996 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVNLTS
6. Giải quyết các khiếu nại và tranh chấp của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Điều 8: Các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến/ tiêu thụ, làm dịch vụ liên quan đến hoạt động nghề cá phải có giấy phép hoạt động nghề cá, giấy đăng ký phương tiện nghề cá, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
1. Giấy đăng ký phương tiện nghề cá được cấp cho các loại phương tiện sử dụng vào mục đích khai thác, vận chuyển, nuôi trồng thủy sản bao gồm: tàu, ca nô, xà lan, các loại thuyền, các loại phương tiện cơ giới đường bộ.
2. Giấy phép hoạt động nghề cá được cấp cho tổ chức hoặc cá nhân có các hoạt động: nghiên cứu, điều tra thăm dò, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thu mua vận chuyển thủy sản, chế biến thủy sản và các hoạt động phục vụ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở các vùng nước do Nhà nước quản lý.
Điều 9: Các hoạt động nghề cá sau đây phải có giấy phép hoạt động hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do CCBVNLTS cấp:
1. Các hoạt động khai thác thủy sản phải có giấy phép:
a. Nghề đáy (kể cả đáy cá tra bột);
b. Nghề lưới giựt;
c. Nghề lưới thả cá hô và cá bông lau;
d. Vó gạt;
đ. Lưới sỉ, lưới kéo có chiều dài trên 10m;
e. Chà đống;
f. Đại đường ven.
2. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản phải có giấy phép:
a. Nuôi cá lồng, cá bè;
b. Trại sản xuất kinh doanh cá giống (gồm các điểm ươm cá giống, bán cá giống)
3. Các hoạt động chế biến thủy sản phải có giấy phép và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh:
a. Chế biến nước mắm;
b. Chế biến cá khô các loại;
c. Chế biến các loại mắm sử dụng nguyên liệu từ thủy sản;
d. Chế biến thủy sản nhằm mục đích xuất khẩu.
4. Các hoạt động dịch vụ, kinh doanh phải có giấy phép:
a. Kinh doanh ngư cụ;
b. Sản xuất ngư cụ, công cụ đánh bắt thủy sản;
c. Đóng sửa tàu thuyền sử dụng vào mục đích đánh bắt vận chuyển thủy sản.
Điều 10: Tổ chức, cá nhân sau khi được cấp giấy phép hoạt động nghề cá hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (trừ các nghề không phải đăng ký theo quy định tại bảng 2 Thông tư số 04/TS.TT ngày 30.08.1990 của Bộ Thủy sản).
Chương III
BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 11: Thời gian cấm các hoạt động nghề cá như sau:
1. Đáy cá linh, cấm hoạt động từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9 hàng năm.
2. Đại đường ven trên đồng, cấm hoạt động từ ngày 1 tháng 8 đến ngày 15 tháng 10 hàng năm.
3. Lưới kéo cá Cơm, cấm hoạt động từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 hàng năm.
4. Đối với đáy cá Tra bột, chi Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chịu trách nhiệm thông báo cụ thể hàng năm về thời gian, địa điểm cho phép khai thác.
Điều 12: Thời gian cấm đánh bắt các loài thủy sản như sau:
1. Cá Linh, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9 hàng năm.
2. Cá Cơm, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 hàng năm.
3. Cá Mè vinh, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm.
4. Cá Cóc, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm
5. Cá Kết, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm.
6. Cá Leo, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm.
7. Cá He, cấm đánh bắt trong thời gian từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 hàng năm.
8. Cá Lóc con, cám đánh bắt trong thời gian từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 hàng năm.
Điều 13: Cấm khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển:
1. Cá Lóc con có chiều dài dưới 10 cm.
2. Cá Linh non có chiều dài dưới 3 cm.
3. Cá Cơm có chiều dài dưới 2 cm,
Điều 14: Về khai thác thủy sản, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Sử dụng các loại chất nổ, chất độc nhằm làm tê liệt hoặc làm chết hàng loạt thủy sản để khai thác như: Mìn, bộc phá, lựu đạn, bom, kíp nổ, súng đạn.... Các loại thực vật có độc tố, hóa chất và các chất độc hại khác.
2. Dùng kích điện để khai thác thủy sản: dùng ắc quy xách tay, kích điện hoặc máy phát điện đặt trên ghe, xuồng, kết hợp lưới giả, lưới te, các công cụ tự chế có sử dụng điện để khai thác thủy sản.
3. Đặt chà rạo, đăng, đáy, lồng, bè để khai thác thủy sản không đúng quy định làm ảnh hưởng đến các nghề khai thác thủy sản hoặc cản trở đường di cư của các loài thủy sản trong mùa sinh sản
4. Sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn 2a=1,5cm để khai thác thủy sản.
5. Sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng các loại công cụ khai thác thủy sản trong danh mục cấm sử dụng.
6. Khai thác thủy sản không có giấp phép hoạt động nghề cá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
7. Hoạt động nghề cào.
8. Hoạt động nghề xiệp.
Điều 15: Về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Các hành vi phá, làm thay đổi nơi cư trú, sinh sống của các loài thủy sản.
2. Các hành vi phá dỡ hoặc xây dựng trái phép các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước (trừ các trường hợp có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép).
3 Các hành vi xả, thải hoặc để rò rỉ các chất độc hại, các loại thực vật có độc tố hoặc các chất thải khác gây ô nhiễm vùng nước sinh sống của các loài thủy sản.
Điều 16: Về quản lý nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch/ kế hoạch, gây hậu quả xấu đến môi trường sinh thái hoặc ảnh hưởng xấu đến các đơn vị sản xuất kinh doanh hợp pháp đã có trên địa bàn.
2. Kinh doanh giống thủy sản, thức ăn dùng cho nuôi trồng thủy sản không đúng tiêu chuẩn hoặc không đăng ký theo quy định.
3. Sản xuất và nhân các loại giống mới chưa được Bộ Thủy sản công nhận.
4. Di giống mới từ ngoài tỉnh về địa phương không có giấy phép.
5. Xuất khẩu hoặc nhập khẩu giống thủy sản không có giấy phép.
Điều 17: Về phòng dịch bệnh cho thủy sản, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Vi phạm các quy định về phòng dịch bệnh cho thủy sản.
2. Không chấp hành các quy định về vệ sinh thú y thủy sản
3. Không khai báo với cơ quan Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khi phát hiện các loài thủy sản nuôi ở các trạm, trại, bè, lồng, ao, hồ, hầm... của mình bị bệnh.
(Từ khoản 1 đến khoản 3 của điều này không áp dụng đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để tự túc).
4. Đổ xác các loài thủy sản đã nhiễm bệnh vào các vùng nước
5. Dùng các loài thủy sản đã nhiễm bệnh để nuôi/ sản xuất giống, hoặc làm thức ăn tươi cho thủy sản.
6. Không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải khi chế biến thủy sản để loại trừ mầm bệnh.
7. Xả nước hoặc các chất thải chưa được xử lý từ nơi có dịch bệnh về thủy sản sang các vùng nước khác.
8. Không thực hiện các biện pháp chống dịch về thủy sản, khi đã có quyết định công bố dịch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 18: Về kiểm dịch thủy sản và quản lý thuốc thú y thủy sản, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Vận chuyển giống thủy sản (kể cả giống bố mẹ) từ tỉnh này sang tỉnh khác không có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp.
2. Không chấp hành việc kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản, kiểm dịch thủy sản.
3. Trốn tránh việc kiểm dịch các loài thủy sản khi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, mượn đường hoặc quá cảnh qua lãnh thổ quản lý của địa phương.
Điều 19: Về quản lý thuốc thú y thủy sản, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản mà không có giấy phép.
2. Sản xuất kinh doanh các loại thuốc thú y thủy sản chưa được Bộ Thủy sản công nhận.
3. Sản xuất kinh doanh thuốc thú y thủy sản giả.
4. Xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y thủy sản, các loại bán thành phẩm hoặc nguyên liệu làm thuốc thú y thủy sản mà không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20: Sở Tư pháp và Chi Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền rộng rãi bản quy định này và Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Nghị định số 48/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Điều 21: Chủ tịch UBND huyện - thị xã, xã - phường - thị trấn chịu trách nhiệm phối hợp với Chi Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.