Quyết định số 2761/QĐ-UB ngày 23/08/1996 Về Quy chế quản lý đánh số và gắn biển số nhà tại Hà Nội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2761/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 23-08-1996
- Ngày có hiệu lực: 23-08-1996
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 17-06-1999
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-02-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6374 ngày (17 năm 5 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-02-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2761/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
- Căn cứ Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XI kỳ họp thứ 6;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội tại Tờ trình số 1457/TT-NĐ ngày 12/7/1996;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy chế quản lý đánh số và gắn biển số nhà tại Hà Nội.
Điều 2. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nhà đất, Xây dựng, Giao thông công chính, Địa chính, Văn hóa thông tin, Tài chính Vật giá, Tư pháp, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Công an thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và mọi chủ sở hữu nhà đất trên địa bàn Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY CHẾ
ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2761/QĐ-UB ngày 23 tháng 8 năm 1996 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế đánh số và gắn biển số nhà được áp dụng cho nhà ở, nhà sản xuất, kinh doanh, nhà làm việc, nhà chuyên dùng tại nội thành, nội thị, các khu nhà tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Việc gắn biển số nhà, sửa đổi bổ sung biển số nhà phải tuân thủ các nguyên tắc, quy cách cấu tạo và vị trí gắn biển nêu trong Quy chế này.
Điều 3.
Những nhà được công nhận hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật được đánh số và gắn biển số nhà, chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà phải tuân theo hướng dẫn của Sở Nhà đất.
Sở Nhà đất có nhiệm vụ tổ chức quản lý đánh số và gắn biển số nhà thống nhất trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 4. Các nhà tại phố cổ, phố cũ (có danh sách đường phố kèm theo) được giữ nguyên cách đánh số như cũ, nhưng có điều chỉnh, bổ sung và phải đổi biển mới theo quy định của Quy chế này.
Chương II
NGUYÊN TẮC ĐÁNH SỐ NHÀ TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Điều 5. Đánh số nhà mặt phố, đại lộ (gọi tắt là nhà mặt phố).
1- Nhà mặt phố là nhà có mặt tiền nằm hai bên, hoặc một bên đường phố chính, đường khu vực, trục đường giao thông thuộc thành phố Hà Nội.
2- Mỗi nhà mặt phố được gắn 1 biển số nhà phía mặt tiền. Trường hợp một nhà nằm trên nhiều mặt phố (mở cửa chính ra các đường phố khác nhau), thì cửa chính mở ra phố nào được gắn biển số nhà của phố đó, nếu cửa chính mở tại góc hai đường phố, biển số nhà được gắn theo số nhà mặt tiền của đường phố lớn hơn.
3- Các số nhà phải đánh liên tục theo chiều từ trung tâm thành phố, thị trấn ra phía ngoại ô (với các đường dạng hướng tâm) và theo chiều quay của kim đồng hồ (với dạng đường bao, hoặc đường vành đai). Số nhà mặt phố được đánh từ thấp đến cao, dãy nhà bên trái được đánh số lẻ; dãy nhà bên phải được đánh số chẵn. Đối với các phố cổ, phố cũ, chiều đánh số nhà thực hiện theo quy định nêu tại điều 4, chương I của Quy chế này.
4- Vị trí biển số nhà mặt phố, ngõ, ngách, hẻm được gắn tại mặt tiền nhà:
- Nhà liền với vỉa hè: Biển số nhà gắn ở vị trí giữa trán cửa đi chính, tầng I.
- Nhà có hàng rào phía mặt tiền, biển số nhà gắn tại chính giữa mặt cột trụ cổng chính nhà phía bên trái.
Điều 6. Đánh số nhà mặt ngõ:
1- Đường ngõ là nhánh của đường phố.
2- Chiều đánh số nhà mặt ngõ:
a) Đường ngõ cụt (ngõ chỉ thông ra 1 đường phố): chiều đánh số nhà từ đường phố vào trong ngõ bắt đầu từ nhà liền kề mặt phố tiến dần đến cuối ngõ. Dãy nhà bên trái được đánh số lẻ, dãy nhà bên phải được đánh số chẵn.
b) Đường ngõ thông ra 2 đường phố:
- Trường hợp tên ngõ đặt theo tên đường phố:
Chiều đánh số nhà mặt ngõ theo hướng từ phía đường phố vào trong ngõ bắt đầu từ nhà liền kề mặt phố mà ngõ mang tên, tiến dần đến cuối ngõ. Dãy nhà bên trái được đánh số lẻ, dãy nhà bên phải được đánh số chẵn.
- Trường hợp tên ngõ không đặt theo tên đường phố: chiều đánh số nhà mặt ngõ theo hướng Bắc - Nam; Đông - Tây hoặc theo chiều quay kim đồng hồ (nếu đường ngõ nằm cùng chiều đường vành đai) do Sở Nhà đất hướng dẫn. Dãy nhà bên trái được đánh số lẻ, dãy nhà bên phải được đánh số chẵn.
Điều 7. Đánh số nhà mặt ngách:
1- Đường ngách là nhánh của đường ngõ.
2- Chiều đánh số nhà mặt ngách được thực hiện theo quy định đánh số nhà mặt ngõ.
3- Số nhà mặt ngách được viết dạng phân số. Tử số là tên đường ngách; mẫu số là thứ tự số nhà trong dãy nhà mặt ngách.
Điều 8. Đánh số nhà mặt hẻm:
1- Đường hẻm là nhánh của đường ngách.
2- Chiều đánh số nhà mặt hẻm thực hiện theo quy định đánh số nhà mặt ngõ.
3- Tên số nhà mặt hẻm được viết dạng phân số. Tử số là tên đường ngách và tên đường hẻm; mẫu số là thứ tự số nhà trong dãy nhà mặt hẻm.
Điều 9. Trong trường hợp đường ngõ, đường ngách, đường hẻm không có tên riêng thì tên ngõ, tên ngách, tên hẻm được đặt theo số nhà mặt phố, mặt ngõ, mặt ngách nằm kề ngay trước đường ngõ, đường ngách, đường hẻm và theo chiều đánh số như quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
Điều 10. Đánh số nhà tại các khu tập trung:
Đối với khu nhà xây dựng tập trung (từ 2 nhóm trở lên) phải đánh tên nhóm nhà. Tên nhóm nhà được viết bằng chữ cái Latinh: A, B, C...
1- Chiều đánh tên nhóm nhà:
a) Khu nhà tập trung có 1 lối thông ra đường phố, chiều đánh tên nhóm nhà được bắt đầu từ đường phố vào khu nhà tập trung.
- Trường hợp các nhóm nhà nằm 1 bên trục đường giao thông nội bộ, tên nhóm nhà đánh theo vần chữ cái A, B, C... đi cùng chiều trục đường giao thông nội bộ.
- Trường hợp các nhóm nhà nằm 2 bên trục đường giao thông nội bộ, tên nhóm nhà vẫn đánh theo vần chữ cái A, B, C... theo dạng sơ đồ hình sin. Trục sơ đồ hình sin là trục đường giao thông nội bộ.
b) Khu nhà tập trung có lối thông ra nhiều đường phố, chiều đánh tên nhóm nhà được thực hiện như sau:
- Đường giao thông nội bộ cùng chiều với trục đường phố hướng tâm, tên nhóm nhà đánh cùng chiều nhà mặt phố đường hướng tâm.
- Đường giao thông nội bộ cùng chiều với trục đường bao hoặc đường vành đai, tên nhóm nhà đánh cùng chiều nhà mặt phố trục đường bao, hoặc đường vành đai.
2- Đặt tên ngôi nhà:
Tên ngôi nhà trong nhóm nhà, hoặc dãy nhà được viết bằng tên ghép của tên nhóm nhà và số thứ tự ngôi nhà trong nhóm nhà, hoặc dãy nhà như: A10, B15, C4...
3- Đánh số tên ngôi nhà trong nhóm nhà:
a) Khu nhà tập trung có nhiều nhóm nhà (hoặc dãy nhà): chiều đánh số các ngôi nhà cùng chiều đánh số các nhóm nhà, hoặc dãy nhà trong khu nhà tập trung.
b) Khu nhà tập trung chỉ có một nhóm nhà: chiều đánh số các ngôi nhà cùng chiều với lối vào của trục đường giao thông nội bộ.
- Trường hợp đường giao thông nội bộ đi giữa khu nhà tập trung dãy nhà bên trái được đánh số lẻ, dãy nhà bên phải được đánh số chẵn theo hướng lối đi vào của trục đường giao thông nội bộ.
- Trường hợp đường giao thông nội bộ đi vòng quanh các ngôi nhà chiều đánh số các ngôi nhà cùng chiều với lối vào của trục đường giao thông nội bộ đến các ngôi nhà, bắt đầu từ ngôi nhà đầu tiên nằm ở đầu trục đường giao thông nội bộ.
- Trường hợp đường giao thông nội bộ đi 1 bên nhóm nhà có nhiều lớp nhà, chiều đánh số các ngôi nhà được thực hiện theo thứ tự lớp nhà ngoài trước, lớp nhà trong sau, theo dạng sơ đồ hình sin.
c) Khu nhà tập trung nếu không có tường rào phía mặt đường thì từng ngôi nhà được đánh số theo quy định như đánh số nhà mặt phố. Biển số nhà gắn tại phía mặt tiền ngôi nhà.
4- Vị trí gắn biển tên ngôi nhà đặt tại 2 bức tường đầu hồi và tại mặt tiền ngôi nhà.
5- Độ cao đặt biển tên ngôi nhà:
- Tại vị trí mặt tiền ngôi nhà: biển tên nhà được đặt tại tầng I (nhà 1 tầng), hoặc tại tầng II (nhà từ 2 tầng trở lên).
- Tại vị trí 2 bức tường đầu hồi nhà:
+ Trường hợp nhà cao đến 17m, vị trí đặt biển cao bằng 2/3 chiều cao nhà.
+ Trường hợp nhà cao trên 17m, thì vị trí đặt biển cao 9m.
Điều 11. Đánh số nhà cao tầng:
1- Đánh số tầng:
- Số tầng của nhà cao tầng được đánh từ thấp lên cao, theo thứ tự: tầng 1, tầng 2, tầng 3, tầng 4, tầng 5... (không tính tầng hầm).
- Biển số tầng được đặt giữa mảng tường chân cầu thang hoặc giữa mảng tường gian lồng cầu thang (hành lang giữa) ở độ cao bằng 1/2 chiều cao tầng nhà.
2- Đánh số cầu thang nhà cao tầng:
- Tên cầu thang được viết bằng chữ số: 1, 2, 3...
- Chiều đánh số các cầu thang ngôi nhà được thực hiện theo chiều lối đi chính vào nhà, cầu thang đầu tiên đánh số 1, những cầu thang nối tiếp theo đánh số 2, số 3...
- Biển số cầu thang được gắn tại giữa mảng tường cầu thang tầng 1 và tại trán cổng đơn nguyên (đối với nhà có từ 2 đơn nguyên trở lên).
3- Đánh số phòng (nhà làm việc) hoặc số căn hộ (nhà ở).
a) Nhà cao tầng có 1 cầu thang:
- Chiều đánh số phòng (hoặc số căn hộ) được thực hiện như sau:
+ Nhà hành lang giữa, cầu thang giữa: chiều đánh số phòng (hoặc số căn hộ), cùng chiều quay kim đồng hồ. Phòng (hoặc căn hộ) đầu tiên của tầng 2 là phòng số 201 (hoặc căn hộ số 201) nằm liền sát gian cầu thang, bên trái người bước lên cầu thang. Phòng (hoặc căn hộ) đầu tiên của tầng 1 là số 101; tầng ba là số 301...
+ Nhà hành lang bên, cầu thang giữa: chiều đánh số phòng (hoặc số căn hộ) theo chiều từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy phòng (hoặc dãy căn hộ). Phòng (hoặc căn hộ) đầu tiên của tầng 2 là phòng (hoặc căn hộ ) số 201 nằm đầu dãy hành lang, phía bên trái. Phòng (hoặc căn hộ) đầu tiên của tầng 1, tầng 3, tầng 4... cũng được đánh số theo quy tắc trên.
- Tên phòng (hoặc tên căn hộ): được viết bằng tên ghép của số tầng với số thứ tự phòng (hoặc số thứ tự căn hộ) thuộc dãy hành lang. Cụ thể:
Tầng 1: 101, 102, 103...
Tầng 2: 201, 202, 203...
Tầng 3: 301, 302, 303...
Tầng 4: 401, 402, 403...
- Biển số phòng (hoặc biển số căn hộ) được gắn giữa trán cửa đi chính của phòng (hoặc của căn hộ).
b. Nhà cao tầng có nhiều cầu thang, đánh số phòng (hoặc số căn hộ) được thực hiện theo quy định đánh số phòng (hoặc số căn hộ) nhà có 1 cầu thang, nhưng gốc xuất phát tại vị trí cầu thang số 1 (nhà hành lang giữa) hoặc đầu dãy phòng hoặc dãy căn hộ (nhà hành lang bên).
c. Nhà cao tầng không có hành lang, đánh số phòng (hoặc số căn hộ) được thực hiện theo quy định đánh số phòng (hoặc số căn hộ) nhà cao tầng hành lang giữa, 1 cầu thang.
Điều 12. Đánh số nhà trong khu vực làng, xóm ở nội thành, nội thị:
1/ Nhà trong khu vực làng, xóm ở nội thành, nội thị được đánh số theo khu vực đường làng và đường ngõ xóm.
Đường làng là đường đi lại chính trong làng xóm.
Đường ngõ xóm là đường nhánh của trục đường làng.
2/ Chiều đánh số nhà đường làng được đánh bắt đầu từ nhà liền kề nhà mặt ngõ, mặt ngách tiến dần vào cuối đường làng. Nhà các hộ bên trái được đánh số lẻ, nhà các hộ bên phía phải được đánh số chẵn.
- Số nhà trên đường ngõ xóm, được đánh bắt đầu từ nhà liền kề nhà đường làng tiến dần vào cuối đường ngõ xóm. Nhà các hộ bên phía trái được đánh số lẻ, nhà các hộ bên phía phải được đánh số chẵn.
3/ Đặt tên số nhà:
- Số nhà trên đường làng: được viết dưới dạng số nguyên.
- Số nhà trên đường ngõ xóm được viết dạng phân số, tử số là tên đường xóm, mẫu số là thứ tự ngôi nhà trong dãy nhà đường ngõ xóm.
4/ Vị trí gắn biển số nhà đặt tại giữa trán cổng chính hoặc tại giữa cột trụ cổng chính phía bên trái của nhà, ở độ cao cách mặt đất khoảng 2,5m - 3,0m.
Chương III
XỬ LÝ TỒN TẠI VỀ ĐÁNH SỐ NHÀ
Điều 13. Đánh số nhà mới xây xen trên đất của khuôn viên nhà cũ.
1/ Trường hợp khu vực đất khuôn viên nhà cũ có xây thêm nhà mới quay mặt ra đường phố, hoặc tại dãy nhà mặt phố cũ phát sinh thêm chủ sở hữu mới, số nhà mới đánh bổ sung theo số nhà cũ, được viết tên ghép của số nhà cũ và số phụ chữ cái Latinh.
Nếu nhà mới được xây phía sau, hoặc chủ mới ở phía sau, hoặc ở trên gác thì vẫn phải sử dụng số nhà cũ.
2/ Trường hợp nhà mới xây trên đất khuôn viên nhiều nhà cũ.
- Nếu nhà mới xây quay mặt ra phía một đường phố, thì được mang tên số nhà cuối cùng của dãy số nhà bị xóa bỏ của đường phố.
- Nếu nhà mới xây quay mặt ra nhiều đường phố, thì được mang tên số nhà cuối cùng của dãy số nhà bị xóa bỏ của mỗi đường phố.
3/ Trường hợp nhà mới xây là nhà cao tầng được cải tạo từ nhà cũ thấp tầng (tại điều 11 của Quy chế này).
- Số nhà mặt phố cũ vẫn được giữ nguyên, nhưng phải đổi biển mới.
Điều 14. Xử lý số nhà cũ trên đường phố có thay đổi tên:
Trường hợp đường phố cũ chia thành nhiều đường phố mới hoặc nhiều đường phố cũ nhập thành đường phố mới:
Số nhà mặt phố phải được đánh lại theo đường phố mới. Tên số nhà cũ vẫn được giữ lại trong thời hạn hai năm, gắn phía dưới biển số nhà mới với kích thước bằng 1/3 biển số mới.
Điều 15. Sửa đổi số nhà đánh sai nguyên tắc tại đường phố, hoặc khu nhà tập trung:
1- Trường hợp đường phố, khu nhà tập trung có ít số nhà sai nguyên tắc, phải sửa đổi các số nhà đánh sai nguyên tắc thành đúng nguyên tắc.
2- Trường hợp đường phố, khu nhà tập trung có nhiều nhà đánh số sai nguyên tắc thì phải đánh lại đúng nguyên tắc (do Sở Nhà đất hướng dẫn).
Điều 16. Đánh số nhà bổ sung tại đường phố đang xây dựng dở dang:
- Nếu đường phố có ít nhà mới xây sau, thì nhà mới xây được đánh số theo số nhà chính kèm chữ số phụ bằng chữ cái Latinh.
- Nếu đường phố có nhiều nhà mới xây sau và có nhiều nhà đánh số sai chiều, sai dãy quy định thì phải đánh lại số nhà của cả đường phố
Chương IV
CẤU TẠO BIỂN SỐ NHÀ
Điều 17. Biển số nhà áp dụng tại thành phố Hà Nội gồm 7 loại:
1- Biển số nhà mặt phố, đại lộ.
2- Biển số nhà mặt ngõ, mặt ngách, mặt hẻm; biển số nhà trục đường làng, ngõ xóm nội thành, nội thị.
3- Biển tên khu nhà tập trung; khu vực nhà ở, khu vực nhà làm việc.
4- Biển tên ngôi nhà
5- Biển số cầu thang (nhà cao tầng)
6- Biển số tầng (nhà cao tầng)
7- Biển số căn hộ (nhà ở) và biển số phòng (nhà làm việc) tại khu nhà tập trung.
Điều 18. Quy cách cấu tạo các loại biển số nhà:
Màu sắc biển: Nền màu xanh lam sẫm, chữ số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng.
Chất liệu biển:
+ Sắt tráng men.
+ Nhôm lá dập.
1- Biển số nhà mặt phố:
- Tên số nhà viết bằng chữ số: 1, 2, 3...
- Kích thước biển:
+ Loại biển 2 chữ số: 150mm x 200mm
+ Loại biển 3 chữ số: 150mm x 230mm
2- Biển số nhà mặt ngõ, hẻm, ngách, khu vực làng xóm:
- Tên số nhà viết bằng chữ số: 1, 2, 3...
- Kích thước biển:
+ Loại biển 2 chữ số: 140mm x 190mm
+ Loại biển 3 chữ số: 140mm x 210mm
3- Biển số khu vực nhà tập trung: thể hiện tên riêng và sơ đồ quy hoạch khu vực.
4- Biển tên ngôi nhà:
- Tên ngôi nhà đồng thời thể hiện tên nhóm nhà (nếu có).
+ Tên nhóm nhà: được viết bằng chữ Latinh.
+ Tên ngôi nhà: được viết bằng tên ghép (tên nhóm nhà với số thứ tự nhà trong dãy nhà).
- Kích thước biển: 600mm x 900mm
5- Biển số cầu thang nhà cao tầng:
- Tên số cầu thang được viết bằng chữ số: 1, 2, 3...
- Kích thước biển: 300mm x 300mm
6- Biển số tầng nhà cao tầng:
- Tên số cầu thang được viết bằng chữ số: 1, 2, 3...
- Kích thước biển: 300mm x 300mm
7- Biển số căn hộ và biển số phòng:
- Tên số cầu thang được viết bằng chữ số: 1, 2, 3...
- Kích thước biển: 100mm x 170mm
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Nhà được gắn biển số mới được thay thế biển số mới, chủ nhà phải trả tiền làm biển và tiền công gắn biển cho đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ gắn biển số nhà, theo giá Uỷ ban nhân dân thành phố quy định.
Điều 20.
Chủ nhà có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ biển số nhà đã được gắn. Khi biển số nhà bị hư hỏng, bị mất, chủ nhà phải đến Sở Nhà đất xin gắn lại biển số mới, không được dùng biển số nhà sai quy định, không được để nhà thiếu biển số.
Điều 21.
Nhà có gắn biển số tự tạo, hoặc chưa được gắn biển số chính thức. Chủ nhà gửi đơn yêu cầu xin gắn biển số nhà đến Sở Nhà đất (trừ nhà xây trên đất lấn chiếm bất hợp pháp). Chủ nhà không được tiếp tục sử dụng biển số nhà tự tạo, hoặc không chịu gắn biển số nhà theo quy định của thành phố.
Điều 22. Nếu chủ nhà không chấp hành quy chế đánh số nhà của Uỷ ban nhân dân thành phố thì cơ quan quản lý đánh số nhà kiến nghị Uỷ ban nhân dân quận, phường xử phạt hành chính, nếu gây tác hại nghiêm trọng thì xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 23. Uỷ ban nhân dân thành phố giao Sở Nhà đất chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ:
1- Nghiên cứu các văn bản chỉ đạo về đánh số nhà thí điểm ở một số khu vực và áp dụng đại trà trên toàn thành phố trình UBND thành phố quyết định.
2- Hướng dẫn chính quyền cấp quận, huyện, cơ quan quản lý cấp dưới và các chủ nhà thẩm quyền tốt quy chế đánh số nhà của thành phố.
3- Lập kế hoạch gắn biển số nhà của thành phố. Bước đầu quy định các bước thực hiện gắn biển số nhà của thành phố đến năm 200 theo hướng:
- Giai đoạn I (1996 - 1997): Tiến hành đánh số nhà mới, sửa đổi số nhà cũ sai quy tắc trên các đường phố, đại lộ; đường ngõ, đường ngách, đường hẻm của những khu vực đã có quy hoạch ổn định và quy hoạch đã được Nhà nước duyệt.
- Giai đoạn II (1998 - 2000): tiếp tục sửa đổi hoàn thiện việc đánh số nhà theo quy chế mới tại các khu vực: nhà tập trung, nhà cao tầng, nhà trong làng xóm nội thành, nội thị.
4- Phân công rõ trách nhiệm quản lý đánh số nhà giữa Sở Nhà đất và UBND các quận, huyện.
5- Tổ chức thiết kế, lựa chọn và sản xuất các loại biển số nhà đáp ứng đủ nhu cầu gắn biển số nhà trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội (thành phố, thị trấn).
6- Được huy động vốn thực hiện dịch vụ sản xuất biển số nhà và sử dụng tiền gắn biển số nhà bù đắp kinh phí huy động.
7- Kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc vi phạm quy chế quản lý đánh số nhà của thành phố.
Điều 24. Uỷ ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm:
1- Phối hợp với Sở Nhà đất tổ chức quản lý tốt việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
2- Hướng dẫn cơ quan quản lý cấp dưới và các chủ nhà trên địa bàn lãnh thổ thực hiện nghiêm chỉnh quy chế quản lý của Uỷ ban nhân dân thành phố và sự hướng dẫn của Sở Nhà đất.
3- Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo sự hướng dẫn của Sở Nhà đất.
4- Tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đánh số và gắn biển số nhà mới của Uỷ ban nhân dân thành phố.
5- Kiểm tra, xử lý các vi phạm quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Điều 25. Công an thành phố có trách nhiệm tổ chức sửa đổi, hiệu chỉnh đại chỉ số nhà trong các hồ sơ liên quan do ngành Công an quản lý phù hợp với biển số nhà mới.
Điều 26.
Kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở Địa chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Nhà đất lập sơ đồ xác định thửa đất xây dựng tại mặt tiền các đường phố quy hoạch mới, chưa xây dựng hoặc đang xây dựng dở dang phù hợp kích thước mặt tiền của thửa đất theo quy hoạch để quản lý thống nhất đánh số nhà mặt phố.
Điều 27.
Bưu điện thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nhà đất điều chỉnh địa chỉ liên lạc phù hợp với số nhà mới được xác lập của chủ sở hữu, chủ sử dụng./.