Chỉ thị số 53/CT-UB-NCVX ngày 14/10/1995 Về tổ chức chiến dịch tiêm chủng Sabin toàn thành năm 1995 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 53/CT-UB-NCVX
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 14-10-1995
- Ngày có hiệu lực: 14-10-1995
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1157 ngày (3 năm 2 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/CT-UB-NCVX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 10 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG SABIN TOÀN THÀNH NĂM 1995.
Chấp hành Chỉ thị số 568/TTg ngày 11 tháng 10 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện “Những ngày tiêm chủng toàn quốc” năm 1994-1995 vào tháng 11 và 12 hàng năm.
Nhằm thực hiện các cam kết với Quốc tế về thực hiện Chương trình thanh toán bệnh bại liệt vào năm 1995, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị :
1- Triển khai chiến dịch uống vắc-xin SABIN cho tất cả trẻ em từ 5 tuổi trở xuống có mặt tại thành phố, không kể tình trạng tiêm chủng trước đó, mỗi trẻ được uống vắc-xin SABIN 2 lần, mỗi lần cách nhau một tháng vào các ngày :
Đợt 1 : ngày 11-12-13 tháng 11 năm 1995.
Đợt 2 : ngày 16-17-18 tháng 12 năm 1995.
2- Để đảm bảo thực hiện cho uống được 100% số trẻ tại thành phố, các ngành, các cấp phải thực hiện những việc sau :
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã phối hợp cùng với y tế trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trên địa bàn mình.
- Củng cố lại Ban chỉ đạo tiêm chủng mở rộng - thanh toán bại liệt để trực tiếp triển khai, tổ chức, theo dõi chiến dịch của địa phương.
- Triển khai việc thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ mà ngành y tế đã đề ra, bằng mọi cách phải đạt chỉ tiêu 100% số trẻ trong độ tuổi có mặt được uống 2 lần vắc-xin SABIN. Kiểm tra, động viên, nhắc nhở thực hiện tốt kế hoạch tại địa phương.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chiến dịch từ phương tiện vận chuyển, phương tiện truyền thông, thông báo đến từng hộ gia đình, đến kinh phí hỗ trợ theo khả năng để bồi dưỡng cho người tham gia. Chỉ đạo đánh giá sơ tổng kết chiến dịch báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố.
3- Các ban ngành có liên quan :
3.1- Sở Tài chánh : Đảm bảo kinh phí đã được duyệt về tiêm chủng cho ngành y tế và chỉ đạo các Phòng Tài chánh quận, huyện tùy khả năng của mình cấp thêm một phần kinh phí cho nhân viên tham gia chiến dịch.
3.2- Sở Văn hóa thông tin và các báo, đài phối hợp cùng ngành y tế tăng cường thông tin, tuyên truyền nhiều lần, nhiều hình thức và chỉ đạo mạng lưới thông tin quận, huyện, phường, xã tăng cường hoạt động để cho từng gia đình đều được biết và đưa trẻ đi uống SABIN.
3.3- Các ban ngành, đoàn thể : Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,… triển khai theo hệ thống của mình vận động mỗi hội viên, mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên cho chiến dịch, tuyên truyền, vận động từng gia đình đưa trẻ đi uống SABIN.
3.4- Sở Giáo dục : thông tin cho tất cả các hệ của trường, từ nhà trẻ, mẫu giáo đến phổ thông trung học biết và phổ biến cho các bậc phụ huynh, các em học sinh tuyên truyền, nhắc nhở gia đình đưa con em đi uống SABIN.
4- Sở Y tế chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc :
Có kế hoạch cụ thể đảm bảo phương tiện và công tác chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo vật tư, vắc-xin đầy đủ cho chiến dịch. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, sơ kết tổng kết về chuyên môn gởi về Thường trực Ủy ban và Bộ Y tế.
Chương trình thanh toán bại liệt không chỉ bảo vệ sức khỏe cho con em chúng ta mà còn có tác động rất lớn đến tình hình kinh tế, xã hội và đến các cam kết quốc tế. Do đó, các ban ngành và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện tốt chỉ thị này và từng thời gian báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |