Chỉ thị số 47/CT-UB-NCVX ngày 28/08/1995 Về việc chỉ đạo triển khai thành lập quỹ bảo trợ giáo dục-đào tạo thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 47/CT-UB-NCVX
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 28-08-1995
- Ngày có hiệu lực: 28-08-1995
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1204 ngày (3 năm 3 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/CT-UB-NCVX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THÀNH LẬP QUỸ BẢO TRỢ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ.
Thành phố trong những năm qua đã thực hiện phương châm xã hội hóa giáo dục, huy động nhiều nguồn hỗ trợ phát triển sự nghiệp Giáo dục và đào tạo của thành phố. Sự huy động này do nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội và nhà trường thực hiện tự phát từng lúc, từng nơi theo yêu cầu của từng tổ chức. Do đó tạo ra tình hình vừa không thống nhất trong thu chi, vừa tạo dư luận về việc huy động đóng góp nhiều loại trong nhân dân thành phố.
Quán triệt Nghị quyết 04 của BCH TW Đảng khóa 7 và Nghị quyết 05 của Thành ủy “về công tác giáo dục - đào tạo”, và Nghị quyết 04/NQ-HĐ ngày 17/7/1995 của HĐND Thành phố khóa 5 kỳ họp lần thứ 4 về công tác giáo dục-đào tạo: “đảm bảo thực hiện Quỹ Bảo trợ Giáo dục-đào tạo một cách hợp lý, thống nhất nhằm khuyến khích học sinh nghèo hiếu học và cải thiện một phần đời sống giáo viên” UBND Thành phố chỉ thị :
1/- Thành lập Quỹ Bảo trợ Giáo dục-đào tạo Thành phố, có hệ thống từ thành phố đến quận, huyện, trường học.
Quỹ Bảo trợ Giáo dục - đào tạo Thành phố là tổ chức xã hội, nhằm mục đích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo thành phố, quán triệt 2 nguyên tắc : xã hội Giáo dục - Đào tạo và vận động trên cơ sở tự nguyện.
Nguồn thu của Quỹ chủ yếu bao gồm :
- Nguồn do tiếp nhận sự đóng góp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân, của các bậc phụ huynh học sinh để hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng và phát triển sự nghiệp Giáo dục và đào tạo.
- Nguồn do sự tài trợ tự nguyện của các đơn vị, tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước, không hạn chế mức đóng góp (tiền và hiện vật).
2/- Quỹ Bảo trợ Giáo dục và đào tạo Thành phố cần được quản lý chặt chẽ, thống nhất, thiết thực hỗ trợ cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo của Thành phố.
- Trợ cấp cho giáo viên giỏi, giáo viên đi dạy ở vùng xa, vùng sâu, ngoại thành, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn gay gắt về đời sống, và trợ cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên.
- Cấp học bổng cho những học sinh nghèo, hiếu học, có năng khiếu, đạo đức tốt. Thưởng cho những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và giáo viên có công đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải.
- Hỗ trợ một phần trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường trọng điểm.
Hoạt động của quỹ phải theo đúng chính sách, chế độ và các quy định của pháp luật hiện hành và theo đúng điều lệ tổ chức hoạt động của Quỹ được UBND Thành phố phê duyệt.
3/- Hệ thống tổ chức Quỹ Bảo trợ Giáo dục và đào tạo Thành phố gồm có 3 cấp : Thành phố, quận huyện, cơ sở (trường học).
Quỹ Bảo trợ Giáo dục và đào tạo Thành phố được đặt dưới sự quản lý và kiểm tra của Ban điều hành Quỹ, gồm có : 1 chủ tịch điều hành, 1 phó chủ tịch, các ủy viên kiêm nhiệm (là đại diện của Hội đồng nhân dân, ngành Giáo dục-Đào tạo, các Sở ngành có liên quan, các đoàn thể quần chúng của Thành phố (Mặt trận Tổ quốc, liên đoàn lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,…), các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu…).
4/- Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, Quận, Huyện, các đoàn thể có liên quan để xây dựng đề án tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo trợ Giáo dục và đào tạo Thành phố, và các mặt công tác có liên quan để tổ chức triển khai hoạt động của Quỹ Bảo trợ Giáo dục và đào tạo Thành phố từ đầu năm học 1995-1996.
Với trách nhiệm tập trung chăm lo sự nghiệp giáo dục-đào tạo, phát triển đáp ứng kịp thời yêu cầu kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, Ủy ban nhân dân thành phố kêu gọi các cấp chính quyền, các đoàn thể thể quần chúng, các tổ chức kinh tế - xã hội, các bậc phụ huynh và nhân dân thành phố tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Bảo trợ Giáo dục và đào tạo Thành phố hoạt động có hiệu quả.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |