Quyết định số 269/QĐ-NH9 ngày 23/09/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về việc thành lập Ban quản lý dự án Ngân hàng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 269/QĐ-NH9
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 23-09-1995
- Ngày có hiệu lực: 23-09-1995
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-03-1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1272 ngày (3 năm 5 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-03-1999
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 269/QĐ-NH9 | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN NGÂN HÀNG
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Xét nhu cầu công tác;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo Ngân hàng Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1: Nay thành lập Ban quản lý các Dự án đầu tư có sử dụng vốn vay của các tổ chức đầu tư phát triển quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thực hiện dự án (gọi tắt là Ban quản lý Dự án Ngân hàng). Ban quản lý Dự án Ngân hàng là đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, có nhiệm vụ giúp Thống đốc quản lý và thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng vốn vay của các tổ chức đầu tư phát triển quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là cơ quan thực hiện dự án.
Điều 2: Nhiệm vụ của Ban quản lý Dự án Ngân hàng
1. Quản lý việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng vốn vay của các tổ chức đầu tư phát triển quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò là cơ quan thực hiện dự án.
2. Trước tiên, quản lý việc thực hiện dự án hiện đại hoá hệ thống thanh toán Ngân hàng có sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) theo đúng Nghị định 177/CP ngày 20-10-1994 về Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, các quy định pháp lý quốc tế có liên quan, bao gồm các khâu:
- Làm đầu mối liên hệ với Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc vay và sử dụng vốn vay của WB.
- Làm đầu mối để làm việc với tất cả các cơ quan có liên quan trong nước trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến dự án.
- Xây dựng các dự án tiền khả thi và khả thi của dự án Hiện đại hoá hệ thống thanh toán trình Chính phủ phê duyệt.
- Xây dựng hồ sơ và tổ chức đấu thầu, thuê chuyên gia tư vấn; tổ chức đàm phán ký kết hợp đồng trao thầu; mua sắm trang thiết bị cho dự án theo đúng nội dung quy định của Hiệp định tín dụng phát triển, các thủ tục của WB và các chế độ hiện hành trong nước.
- Tổ chức việc thực hiện Dự án, theo dõi và đánh giá công tác của các nhà thầu và các chuyên gia tư vấn; tổ chức nghiệm thu từng phần và tổng nghiệm thu theo lịch trình thực hiện dự án.
- Tổ chức đào tạo, chuẩn bị mọi nguồn nhân, vật lực, các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu của dự án.
- Tổ chức việc lập kế hoạch và báo cáo định kỳ cũng như phát sinh cho các bên có liên quan theo đúng quy định.
- Tổ chức và quản lý việc sử dụng vốn vay và các nguồn vốn khác phục vụ cho dự án theo đúng trách nhiệm của chủ dự án.
- Điều phối hoạt động của các Ban tiểu dự án Ngân hàng Thương mại.
- Làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại, trong việc đề xuất các quy chế, văn bản pháp lý phục vụ cho các hệ thống thanh toán sẽ được xây dựng theo Dự án để các vụ cục chức năng của Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, soạn thảo và trình Thống đốc cũng như các cơ quan cấp trên cho ban hành.
Điều 3: Tổ chức bộ máy và điều hành
1. Ban quản lý dự án Ngân hàng có các phòng sau đây:
1. Phòng Dự án Đầu tư và phát triển.
2. Phòng máy tính Viễn thông.
3. Phòng Quản lý Nhà thầu và dịch vụ kỹ thuật.
4. Phòng Kế toán - Kế hoạch - Tổng hợp.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng do Trưởng ban quyết định.
2. Điều hành hoạt động của Ban.
Điều hành hoạt động của Ban có Trưởng ban, giúp việc cho Trưởng ban có một số Phó trưởng Ban.
Điều 4: Quan hệ giữa Ban quản lý Dự án với các ban Quản lý Tiểu dự án Ngân hàng thương mại trong khuôn khổ dự án hiện đại hoá hệ thống thanh toán.
Để giúp Ban quản lý Dự án trong quá trình triển khai Dự án Hiện đại hoá Hệ thống Thanh toán, mỗi Ngân hàng thương mại tham gia dự án sẽ thành lập một Ban quản lý tiểu dự án Ngân hàng thương mại của mình. Các Ban Quản lý tiểu dự án Ngân hàng Thương mại là đơn vị trực thuộc Ngân hàng thương mại, song trong khuôn khổ dự án, chịu sự điều phối chung của Ban Quản lý dự án.
Điều 5: Ban Quản lý Dự án Ngân hàng là một tổ chức có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu riêng, được mở các tài khoản tiền đồng và ngoại tệ của Dự án tại các Ngân hàng phục vụ theo đúng chức năng chủ đầu tư.
1. Nguồn thu: Nguồn thu chủ yếu là vốn vay của các tổ chức đầu tư phát triển, vốn đối ứng trong nước, vốn đóng góp cho công tác quản lý Dự án của các Bên tham gia Dự án và các khoản thu khác theo đúng chế độ của Nhà nước.
2. Khoản chi: Các nội dung chi chủ yếu bao gồm: Chi theo các hạng mục của Dự án, chi cho công tác quản lý Dự án và các khoản chi khác theo đúng chế độ.
Điều 6: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 7: Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ và Đào tạo, Trưởng ban Quản lý Dự án Ngân hàng và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng Thương mại có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |