cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 40/CT-UB-NCVX ngày 08/08/1995 Về việc triển khai cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 40/CT-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 08-08-1995
  • Ngày có hiệu lực: 08-08-1995
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1224 ngày (3 năm 4 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 40/CT-UB-NCVX ngày 08/08/1995 Về việc triển khai cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 40/CT-UB-NCVX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 8 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGÀY TOÀN DÂN ĐƯA TRẺ TỚI TRƯỜNG”

Để đẩy mạnh việc thực hiện Luật phổ cập giáo dục Tiểu học, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, phấn đấu đến năm 2000 cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học trong cả nước, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Giáo dục-đào tạo đã ra quyết định số 730/GD-ĐT về cuộc vận động toàn dân đưa trẻ đến trường và đã có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành liên quan để triển khai cuộc vận động này.

Thành phố Hồ Chí Minh đến nay có 13/18 quận, huyện được công nhận hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố đã Nghị quyết trong 1995 phấn đấu toàn thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, và tiến tới phổ cập giáo dục cấp 2. Tuy nhiên việc thực hiện Luật phổ cập giáo dục Tiểu học là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài.

Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục - đào tạo về việc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” nhằm thực hiện Luật phổ cập giáo dục Tiểu học theo các nội dung sau :

I.- Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường - Ngày khai giảng năm học mới thực chất phải trở thành một cuộc vận động quần chúng mang tính chất sâu rộng thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm làm cho toàn xã hội, các ban ngành, đoàn thể, các bậc cha mẹ có trách nhiệm thực hiện.

- Huy động hết số trẻ 6 tuổi trong mỗi gia đình, khu phố, xóm ấp ra lớp một, số trẻ 5 tuổi vào lớp mẫu giáo vào cuối tháng 8 hàng năm đạt tối thiểu 90%.

- Mỗi quận, huyện, phường, xã phải đề ra chỉ tiêu phấn đấu hàng năm theo độ tuổi.

Từ năm học 1995-1996, yêu cầu huy động :

- Trẻ 5 tuổi (sinh 1990) vào trường Mầm non, mẫu giáo :

Các quận 1, 3, 5, 10, 11 đạt tối thiểu 97%.

Các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức, Hóc Môn đạt tối thiểu 92%.

Các quận 6, Phú Nhuận, Gò Vấp, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh đạt tối thiểu 85%.

Các quận 4, 8 đạt tối thiểu 70%.

Cần Giờ : 50%.

- Trẻ 6 tuổi (sinh năm 1989) vào lớp 1 :

Các quận 1, 3, 5, 10, Gò Vấp đạt 100%.

Các quận 4, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức đạt tối thiểu 90%.

Các quận 6, 8, 11, Hóc Môn đạt tối thiểu 97%.

Các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ đạt tối thiểu 95%.

- Đảm bảo duy trì số lượng và chất lượng suốt cả năm học, cấp học, đảm bảo cho mỗi trẻ em đến 14 tuổi tối thiểu phải tốt nghiệp tiểu học.

II.- Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng các ban, ngành đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng tích cực triển khai thực hiện các biện pháp sau đây :

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức thích hợp để toàn xã hội và mỗi gia đình thực hiện tốt trách nhiệm nói trên. Từng hộ gia đình làm bản cam kết với chính quyền phường, xã về việc đưa con đến trường học.

2- Tiến hành điều tra, lên danh sách, nắm chắc địa chỉ và trình độ số trẻ em trong độ tuổi 5 đến 14 tuổi, đưa giấy gọi trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đến từng hộ.

Đối với trẻ em từ 5 đến 14 tuổi mà chưa ra lớp, cần huy động vào các lớp gia đình, lớp học tình thương, lớp dân lập, động viên nhân dân trong địa phương đóng góp cùng chính quyền mở lớp và duy trì các lớp học nói trên.

3- Lên kế hoạch và dành ngân sách phù hợp để sửa chữa, cải tạo, xây mới trường lớp, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị để có đủ điều kiện đón nhận trẻ em đến trường và học tập được thuận lợi.

4- Lên kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Mầm non và Tiểu học, phục vụ tốt yêu cầu dạy và học cho bậc tiểu học.

III.- Ủy ban nhân dân thành phố chọn Thủ Đức làm nơi chỉ đạo điểm của thành phố ; mỗi quận, huyện chọn một phường, xã làm nơi chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo đại trà. Từ nay, hàng năm được chọn ngày 1/8 – 5/9 ngày mở đầu cuộc vận động toàn dân đưa trẻ tới trường, Ủy ban nhân dân các cấp nắm tình hình để đưa ra các biện pháp chỉ đạo tiếp trong năm học.

IV.- Ngành Giáo dục - đào tạo (Sở Giáo dục - đào tạo, Phòng Giáo dục quận, huyện, Ban Giám hiệu các trường) chịu trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện, phường, xã kế hoạch thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này.

Ủy ban nhân dân thành phố kêu gọi các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và nhân dân thành phố thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, chuẩn bị tốt các điều kiện đón mừng Ngày khai giảng năm học mới 1995-1996 đạt kết quả thắng lợi, tạo đà vững chắc cho các năm học tiếp theo.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Lê Thị Vân