cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 140/QĐ-NH4 ngày 18/05/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về Quy chế giám sát tiêu huỷ các loại tiền giấy rách nát, hư hỏng và tiền đình chỉ lưu hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 140/QĐ-NH4
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 18-05-1995
  • Ngày có hiệu lực: 18-05-1995
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1638 ngày (4 năm 5 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1999, Quyết định số 140/QĐ-NH4 ngày 18/05/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về Quy chế giám sát tiêu huỷ các loại tiền giấy rách nát, hư hỏng và tiền đình chỉ lưu hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 389/1999/QĐ-NHNN10 ngày 27/10/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bãi bỏ một số văn bản trong ngành Ngân hàng”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140/QĐ-NH4

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT TIÊU HUỶ CÁC LOẠI TIỀN GIẤY RÁCH NÁT, HƯ HỎNG VÀ TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Căn cứ quyết định số 66/TTg ngày 22-2-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi, tiêu huỷ và giám sát tiêu huỷ tiền rách nát, hư hỏng.
Theo đề nghị của Tổng kiểm soát Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế giám sát thiêu huỷ các loại tiền giấy rách nát, hư hỏng và tiền đình chỉ lưu hành".

Bản quy chế này cũng được áp dụng cho việc giám sát tiêu huỷ các loại Ngân phiếu thanh toán hết hạn lưu hành và ngân phiếu thanh toán mẫu.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế quy chế giám sát tiêu huỷ tiền giấy rách nát, hư hỏng ban hành kèm theo quyết định số 29/QĐ-NH6 ngày 26-2-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3: Tổng kiểm soát Ngân hàng Nhà nước, Trưởng Ban giám sát tiêu huỷ, Chủ tịch Hội đồng tiêu huỷ tiền NHNN, Vụ trưởng Vụ phát hành - Kho quỹ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nguyễn Ngọc Oánh

(Đã Ký)

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT TIÊU HUỶ TIỀN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 140/QĐ-NH4 ngày 18 tháng 5 năm 1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Điều 1: Việc tiêu huỷ tiền giấy rách nát, hư hỏng và đình chỉ lưu hành (dưới đây gọi tắt là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) ở Ngân hàng Nhà nước, được thực hiện dưới sự giám sát của Ban giám sát tiêu huỷ.

Điều 2: Ban giám sát tiêu huỷ do Tổng kiểm soát hoặc Phó tổng kiểm soát làm Trưởng Ban và có một số thành viên. Các thành viên trong Ban Giám sát do Tổng kiểm soát đề nghị, Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo trình Thống đốc quyết định.

Điều 3: Ban giám sát tiêu huỷ có nhiệm vụ:

3.1. Giám sát và kiểm soát toàn bộ việc tổ chức và thực hiện tiêu huỷ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông ở tất cả các khâu từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc đợt tiêu huỷ.

3.2. Đề xuất và kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước những vấn đề cần thiết về chủ trương, về quy trình nghiệp vụ và biện pháp tổ chức, thực hiện trong công tác tiêu huỷ và giám sát tiêu huỷ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

3.3. Tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tiêu huỷ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 4: Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban giám sát tiêu huỷ.

4.1. Quản lý, điều hành toàn bộ công việc của Ban giám sát tiêu huỷ.

4.2. Phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Ban giám sát tiêu huỷ.

4.3. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về sự an toàn tài sản trong từng đợt tiêu huỷ.

4.4. Yêu cầu Hội đồng tiêu huỷ tiền ngừng những việc làm nếu xét thấy không đúng quy trình hoặc không đảm bảo an toàn tài sản.

4.5. Đình chỉ công tác đối với những cá nhân qua giám sát phát hiện thấy có hành vi tham ô, lấy cắp tiền trong tiêu huỷ.

4.6. Kiến nghị với Hội đồng tiêu huỷ tiền hoặc đơn vị quản lý trực tiếp kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với những người có sai phạm.

4.7 Tuỳ theo công việc của từng đợt tiêu huỷ, được quyền trưng tập một số giám sát viên giúp việc.

Điều 5: Nhiệm vụ của các thành viên Ban giám sát và giám sát viên tiêu huỷ:

5.1. Nắm vững chế độ, nội quy, quy trình tiêu huỷ tiền; nhiệm vụ và trách nhiệm giám sát được giao.

5.2. Tuyệt đối không làm hoặc giải quyết những công việc ngoài trách nhiệm được phân công.

5.3. Nếu phát hiện thấy việc làm không đúng quy trình dễ dẫn đến không an toàn tài sản, những hiện tượng tham ô, lấy cắp tiền trong tiêu huỷ phải lập biên bản ngay tại chỗ, đồng thời báo cáo cho Trưởng Ban giám sát tiêu huỷ biết.

5.4. Thành viên trong Ban Giám sát và giám sát viên tiêu huỷ phải chịu trách nhiệm về mọi công việc được giao và chịu trách nhiệm cá nhân về những sai sót mất mát tài sản trong phạm vi kể cả việc mất tài sản giám sát của mình mà sau một thời gian mới phát hiện được.

Điều 6: Nhiệm vụ giám sát ở các tổ:

6.1. Nhiệm vụ giám sát tại tổ 1 (tổ giao nhận)

Việc giám sát tại tổ 1 được bố trí tối thiểu 1 giám sát viên để:

6.1.1. Giám sát và kiểm soát tính hợp pháp của các lệnh xuất tiền không đủ tiêu chuẩn, lưu thông từ quỹ dự trữ phát hành thuộc kho tiền Ngân hàng Trung ương để nhập kho tiền của Hội đồng tiêu huỷ và giám sát việc xuất tiền của kho tiêu huỷ cho tổ 2 (tổ đếm kiểm) và tổ 3 (tổ tiêu huỷ).

6.1.2. Giám sát bảo đảm sự đầy đủ, đúng thành phần của hai bên trong khi giao nhận tiền.

6.1.3. Giám sát việc thực hiện các nguyên tắc về giao nhận tiền.

6.1.4. Giám sát việc đảm bảo an toàn tài sản từ khâu giao nhận tiền, đưa tiền vào kho Hội đồng tiêu huỷ để bảo quản và xuất tiền từ kho tiêu huỷ giao cho tổ đếm kiểm, tổ tiêu huỷ.

6.1.5. Kiểm tra sự cân đối giữa số tiền nhập vào và số tiền xuất ra để tiêu huỷ.

6.1.6. Kiểm tra việc đảm bảo an toàn về kho của Hội đồng tiêu huỷ tiền (về cấu trúc, cửa và khoá kho, việc theo dõi ra vào kho và việc bố trí canh gác bảo vệ kho).

6.2. Nhiệm vụ giám sát tại tổ 2 (tổ kiểm đếm)

Việc giám sát tại tổ 2 được bố trí tối thiểu 1 giám sát viên để:

6.2.1. Giám sát việc nhận tiền từ kho của Hội đồng tiêu huỷ ra để đếm kiểm theo kế hoạch hàng ngày của Hội đồng tiêu huỷ.

6.2.2. Giám sát việc chấp hành chế độ, nội quy, quy trình đếm kiểm, tỷ lệ đếm kiểm và việc phân loại các loại tiền không đủ tiêu chuẩn tiền lưu thông (tiền giả, tiền bị phá hoại, tiền lẫn loại, tiền lành lẫn trong tiền rách nát...); kiểm tra đột xuất bằng cách đếm, phúc tra một số bó tiền để đánh giá chất lượng việc đếm kiểm.

6.2.3. Chứng kiến việc lập biên bản các khoản tiền thừa thiếu, lẫn loại, tiền không đủ tiêu chuẩn tiêu huỷ, tiền giả... được phát hiện trong quá trình đếm kiểm.

6.2.4. Giám sát việc bảo đảm an toàn tài sản trong khâu đếm kiểm, phát hiện và ngăn ngừa các biểu hiện tham ô, lấy cắp tiền trong đếm kiểm.

6.2.5. Giám sát việc ghi chép sổ sách của tổ đếm kiểm, việc cân đối xuất, nhập tiền để đếm kiểm trong ngày, việc giao tiền giữa tổ đếm kiểm cho tổ tiêu huỷ hoặc giao gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

6.3. Việc giám sát tại tổ 3 được bố trí tối thiểu 2 giám sát viên, trong đó có người giám sát chung và có người giám sát riêng từng máy xén tiền để:

6.3.1. Giám sát việc nhận tiền từ tổ 2 (tổ đếm kiểm) hoặc từ tổ 1 (tổ giao nhận) sang tổ 3 (tổ tiêu huỷ).

6.3.2. Giám sát việc đưa tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông vào máy để xén nhỏ, xén rời tờ bạc thành nhiều mảnh. Đảm bảo mỗi mảnh chỉ có bề rộng không quá 10mm, không thể chắp nối, can dán lại thành tờ bạc để lợi dụng đem lưu thông được.

6.3.3. Giám sát việc đảm bảo an toàn tài sản, ngăn ngừa và phát hiện các hiện tượng tham ô lấy cắp tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trong quá trình đưa vào máy để tiêu huỷ.

6.3.4. Giám sát vào việc ghi chép sổ sách và cân đối giữa số tiền nhận trong ngày với số tiền thực tế đã đưa vào máy để tiêu huỷ.

6.4. Nhiệm vụ giám sát tại tổ 4 (tổ tổng hợp)

Giám sát và kiểm soát tính chính xác, đầy đủ việc ghi chép sổ sách của tổ thư ký Hội đồng tiêu huỷ. Đảm bảo sự khớp đúng giữa số liệu ghi trên số sách với số tiền thực tế đã được tiêu huỷ hoàn toàn.

Điều 7: Cuối mỗi tuần Ban giám sát họp 1 lần để kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ công tác cho tuần sau.

Cuối đợt tiêu huỷ, Ban giám sát họp tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhận xét các thành viên, giám sát viên có thành tích, đồng thời phê bình, kiến nghị hình thức kỷ luật đối với các thành viên, giám sát viên vi phạm quy chế giám sát tiêu huỷ.

Điều 8: Các thành viên và giám sát viên trong Ban giám sát tiêu huỷ được hưởng các khoản phụ cấp theo chế độ chung của Nhà nước và của Ngành như các thành viên của Hội đồng tiêu huỷ.

Điều 9: Việc bổ sung, sửa đổi các điều khoản của quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

 

 

Nguyễn Ngọc Oánh

(Đã Ký)