Quyết định số 150/QĐ.UB ngày 22/04/1995 Về Quy định tạm thời cơ chế huy động nguồn lực trong dân quản lý, sử dụng nguồn vốn để xây dựng và phát triển giao thông vận tải nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 150/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 22-04-1995
- Ngày có hiệu lực: 22-04-1995
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-07-1997
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 817 ngày (2 năm 2 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 17-07-1997
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 150/QĐ.UB | Lào Cai, ngày 22 tháng 4 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TRONG DÂN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐỂ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và VBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo nghị định số 177/CP ngày 20.10.1994 của Chính phủ;
Căn cứ vào Thông tư liên bộ số 03/TTLB ngày 25.1.1995 của ủy ban kế hoạch Nhà nước - Bộ tài chính - Bộ xây dựng;
Xét đề nghị của sở Giao thông vận tải tỉnh Lào cai,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "quy định tạm thời về cơ chế huy động nguồn lực trong dân quản lý, sử dụng nguồn vốn để xây dựng và phát triển giao thông vận tải nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào cai".
Điều 2. Bản quy định tạm thời này áp dụng cho tất cả các đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào cai.
- Các văn bản đã ban hành trước đây trái với quy định tạm thời này đêu không có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Các ông Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC TRONG NHÂN DÂN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐỂ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
( Ban hành kèm theo Quyết định số 150/QĐ-UB ngày 22/4/1995 của UBND tỉnh Lào Cai)
Phần I: Đường giao thông nông thôn là đường từ huyện xuống các xã đường liên xã, liên bản. Mạng lưới giao thông nông thôn nối liền với đường tỉnh lộ, đường quốc lộ, hoà nhập thành mạng lưới đường bộ trong cẩ nước có vị trí quyết định đến sự nghiệp phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường an ninh quốc phòng.
Trong điều kiện của tỉnh Lào Cai nền kinh tế còn chậm phát triển, địa hình hiểm trở dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, hệ thống giao thông nông thôn chưa được đầu tư xây dựng đáng kể (hiện còn khoảng 50 xã chưa có đường ô tô tới, trong số 180 xã phường chiếm 25% số xã chưa có đường ô tô tới).
Ngoài ra số km đường giao thông nông thôn ở tỉnh từ huyện xuống các xã, các cụm dân cư tập trung có rất ít đường ô tô đi được, phần lớn mới chỉ là nền đường đất, đi lại trong mùa khô, còn lại là những đường mòn dùng cho người, ngựa thồ, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa và vùng cao.
Đầu tư để khắc phục tình trạng trên là rất tốn kém, Nhà nước không có khả năng bao cấp để trong 5 năm 10 năm tới 100% số xã có đường ô tô tới được.
Để khắc phục tình trạng hiện nay muốn đẩy mạnh và phát triển giao thông nông thôn cần phải thực hiện phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Sự nghiệp giao thông nông thôn dân làm là chính nhưng cần có sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước, cần huy động mọi nguồn lực có thể đóng góp trên địa bàn để đẩy mạnh và phát triển công tác GTNT ở Lào Cai.
Phần II: Trách nhiệm xây dựng đường GTNT.
1. Trong nghị quyết và phương hướng kế hoạch công tác hàng năm, các cấp chính quyền tuỳ theo nguồn lực phải đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng và phát triển công tác GTNT cho từng niên độ, từng nhiệm kỳ.
2. Ngân sách tỉnh có trách nhiệm đầu tư vốn để làm các công trình cầu, cống, kè, đường, tràn, ngầm… nhưng công trình có kỹ thuật, phức tạp mà nhân dân địa phương không tự làm được, đồng thời hỗ trợ tiền vốn để mua thuốc nổ phá đá mở đường, hoặc mua những vật tư kỹ thuật như xi măng, sắt thép, nhựa đường, dây cáp…
3. Đường giao thông nông thông trong phạm vi một xã thì địa phương xã đó tổ chức thực hiện huy động nhân dân địa phương tự làm, nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn (ngân sách tỉnh, ngân sách TW hỗ trợ) thì chủ yếu để xây dựng cầu cống trên tuyến đường.
4. Đường GTNT liên xã từ xã nọ sang xã kia thì UBND huyện quyết định thành lập ban chỉ đạo và tổ chức thi công tuỳ theo quy mô xây dựng của cấp đường, có khối lượng nhiều hay ít mà huy động lực lượng các xã tham gia.
5. Đặc biệt đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa là vùng cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thiếu đói, khi làm đường giao thông hoặc xây dựng các công trình cầu cống Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn bằng ngân sách tỉnh hoặc ngân sách trung ương, để giảm bớt sự đóng góp của nhân dân.
6. Mỗi lao động nông nghiệp, ngoài phân dân công nghĩa vụ, lao động công ích, hàng năm phải đóng góp 5 ngày công lao động để tham gia làm GTNT tại địa phương mình.
7. Các cá nhân, tổ chức nào xin được nguồn vốn tài trợ cho GTNT ngoài sự phân bổ điều tiết của nhà nước, hoặc gọi được vốn nước ngoài tài trợ cho GTNT được trích thưởng theo tinh thần Quyết định số 162/QĐ.UB ngày 15/6/1992 của UBND tỉnh Lào Cai.
8. Sở Giao thông vận tải cùng kết hợp với các huyện để xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn và dần dần thực hiện từng bước theo quy hoạch được duyệt.
9. Căn cứ vào kế hoạch phát triển GTNT của các huyện hàng năm Sở Giao thông vận tải cùng kết hợp với Sở Tài chính vật giá tỉnh, tổng hợp xem xét và bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho GTNT trình UBND tỉnh phê duyệt.
10. Ngành giao thông vận tải cần kết hợp chặt chẽ với Ban định canh định cư tỉnh để thống nhất làm một số đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình cầu, cống gắn với việc vận động ĐCĐC bằng nguồn vốn dự án 327.
Ngoài ra cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương như Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban dân tộc và miền núi các tổ chức chính phủ và phí chính phủ để đầu tư hỗ trợ cho công tác phát triển GTNT và miền núi.
Phần III: Huy động quản lý và sử dụng vốn GTNT
Hàng năm ngân sách tỉnh có dành ra để đầu tư hỗ trợ cho công tác GTNT như nguồn vốn XDCB tập trung, vốn sự nghiệp giao thông, vốn ĐCĐC do Trung ương hỗ trợ, vốn của Bộ Giao thông vận tải…
Thực tế các nguồn vốn này quá ít ỏi so với nhu cầu phát triển của từng huyện, từng xã, từng địa phương, để quản lý sử dụng nguồn vốn hỗ trợ tuy ít nhưng mang lại hiệu quả thiết thực.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định như sau:
1. Xây dựng và phát triển, mạng lưới giao thông nông thôn ở huyện hay ở xã nhất thiết phải làm theo quy hoạch tổng thể mạng lưới GTNT đã được UBND tỉnh phê duyệt không làm tuỳ tiện tràn lan, chắp vá gây tốn kém và lãng phí tiền của công sức nhân dân.
2. Phát triển GTNT phải đưa vào phương châm: dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ một phần. Đồng thời thực hiện phương châm 3 chính:
- Dân làm là chính;
- Vật liệu tại chỗ là chính;
- Kỹ thuật phổ cập là chính.
3. Sở Giao thông vận tải là cơ quan quản lý chuyên ngành, có trách nhiệm kiểm tra chất lượng các công trình giao thông ở huyện, xã trong phạm vi toàn tỉnh. Việt xét duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các công trình GTNT quy định như sau:
- Những công trình GTNT có giá trị vốn từ 200 triệu đồng trở xuống do Sở Giao thông vận tải lập thiết kế dự toán, Sở Tài chính tỉnh thẩm kế dự toán.
- Những công trình GTNT có giá trị lớn hơn 200 triệu đồng do UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán.
4. Công trình GTNT được Nhà nước ghi vốn hỗ trợ thì phần đào đắp đất mở nền đường nhất thiết phải huy động dân công địa phương tự làm, năng suất lao động một dân công tương đương với 1 công lao động bậc II, giá trị thanh toán = 1kg gạo tẻ thường theo thời gian.
Nghiêm cấm không được thuê các bên ngoài dù là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân làm những việc đào đắp đất đơn giản đối với các công trình GTNT.
5. Xã có cán bộ giao thông được đào tạo hoặc thuê cán bộ kỹ thuật giao thông có bằng cấp, được nhận thầu làm những công trình GTNT đơn giản như:
- Đường giao thông từ cấp 6 trở xuống.
- Đường GTNT cấp A, cấp B.
- Các loại cầu cống đơn giản (cống khẩu độ từ 1m trở xuống, cầu dầm giản đơn khẩu độ từ 4m trở xuống, cầu treo dân sinh người, ngựa thồ, khẩu độ dưới 50m)
6. Các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn một năm góp 2 ngày công, các doanh nghiệp góp 2% lợi nhuận thực tế làm ra đóng góp để xây dựng làm giao thông nông thôn, các khoản thu này địa phương phải quyết toán vào ngân sách dành cho việc làm đường GTNT.
7. Đơn giá KSTK các công trình GTNT chỉ tính bằng 50% đơn giá KSTK đường cấp 6.
8. Dự toán xây lắp các công trình GTNT nếu là các doanh nghiệp nhận thầu phải giảm 50% chi phí chung, giảm 50% lợi nhuận định mức theo chế độ hiện hành, trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.
9. Thủ tục nghiệm thu thanh toán quy định như sau:
Nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn chuyển bước thi công thì do A-B và các phòng chức năng ở huyện như phòng giao thông, phòng tài chính, kho bạc…Kiểm tra xem xét và xác nhận khối lượng thực hiện để cấp phát tạm ứng (do phòng giao thông chủ trì).
Khi công trình hoàn thành tổng nghiệm thu thanh toán để đưa vào sử dụng thì ngoài các thành phần chức năng ở huyện phải có đại diện các ngành ở tỉnh như Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Ban ĐCĐC tỉnh tuỳ theo nguồn vốn do cơ quan nào chủ quản đầu tư đối với những công trình giao thông có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Hội đồng nghiệm thu phải chịu trách nhiệm liên đới đối với khối lượng; chất lượng sản phẩm công trình đã nghiệm thu.
Phần IV. Công tác quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa đường GTNT
1. Đường liên xã, liên thôn thuộc địa phận xã nào, xã có phải trông coi, sửa chữa thường xuyên, chi phí cho việc trông coi sửa chữa nhỏ thường xuyên do ngân sách xã đảm nhiệm.
2. Trường hợp sửa chữa lớn như hót đất sụt trên 1000m3 hay do thiên tai mưa lũ phá huỷ nặng nề huyện Báo cáo tỉnh xin kinh phí hỗ trợ và huy động các xã cùng tham gia sửa chữa.
3. Hàng năm vào những dip ngày lễ, tết các xã, các thôn bản cần huy động tu sửa, phát quang làm cho đường xá phong quang bản làng sạch đẹp.
4. Mọi người dân có trách nhiệm bảo vệ đường xá, không đào rãnh qua đường, không lấp rãnh thoát nước, không làm hư hỏng cầu cống, đường xá, tích cực phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến đường xá.
5. Các phương tiện qua cầu hoặc đi vào đường của xã để hoạt động kinh doanh phải nộp lệ phí từng chuyến, nhưng không quá 5kg thóc 1 lượt, phần thu này chủ yếu để chi phí cho việc trong coi bảo vệ và sửa chữa cầu đường./.