cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 69-QĐ/NH6 ngày 16/03/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về việc thu hồi và đổi tiền giấy, ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 69-QĐ/NH6
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 16-03-1995
  • Ngày có hiệu lực: 16-03-1995
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 27-10-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1686 ngày (4 năm 7 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 27-10-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 27-10-1999, Quyết định số 69-QĐ/NH6 ngày 16/03/1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về việc thu hồi và đổi tiền giấy, ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông báo số 1034/1999/TB-NHNN10 ngày 27/10/1999 Về Danh mục các văn bản đã bị huỷ bỏ, thay thế trong ngành Ngân hàng”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69-QĐ/NH6

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THU HỒI VÀ ĐỔI TIỀN GIẤY, NGÂN PHIẾU THANH TOÁN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23-5-1990;

- Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát hành và Kho quỹ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc thu hồi và đổi tiền giấy, ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông".

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các văn bản sau:

- Quyết định số 202-QĐ/NH6 ngày 28-9-1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về thu hồi và đổi tiền giấy không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

- Công văn số 559-CV/NH6 ngày 6-11-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc bổ sung quy định thu hồi và đổi tiền rách nát.

- Quyết định số 252-QĐ/NH6 ngày 15-10-1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc uỷ nhiệm cho các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển thực hiện nhiệm vụ thu hồi và đổi các loại tiền giấy không đủ tiêu chuẩn lưu thông do người có tiền gây nên.

Điều 3

Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Phát hành và Kho Quỹ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại, Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Ngọc Oánh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THU HỒI VÀ ĐỔI CÁC LOẠI TIỀN GIẤY, NGÂN PHIẾU THANH TOÁN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69-QĐ/NH6 ngày 16 tháng 3 năm 1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. Tiền giấy và ngân phiếu thanh toán không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Điều 1

Tiền giấy và Ngân phiếu thanh toán (NPTT) không đủ tiêu chuẩn lưu thông là các loại tiền giấy và NPTT do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, còn giá trị lưu hành, nhưng đã bị nhàu bẩn, rách nát hoặc biến dạng do các nguyên nhân:

a. Do quá trình lưu thông: tờ bạc thay đổi màu sắc, mờ nhạt, nhèo, bẩn, nhàu, cũ, rách làm 2 hay nhiều mảnh được can dán lại.

b. Do người có tiền gây nên: Bảo quản thiếu cẩn thận đã để mối xông, chuột cắn, gián nhấm, cháy, ướt ... hoặc tác động của hoá chất (xà phòng, muối. Axít, dầu, mỡ, xăng ...) làm biến màu sắc của tờ bạc hoặc NPTT.

c. Do hành vi phá hoại động tiền: Các hành vi viết, vẽ, tẩy xoá, bôi bẩn, đục lỗ, cắt, xé rời tờ bạc hoặc NPTT thành 2 hay nhiều mảnh hoặc chưa rời mảnh, do các hành vi phá hoại khác làm cho tờ bạc NPTT bị nhạt màu, bị mủn, hoặc mất một số đặc tính chống giả như tính phát quang, mất độ nét in, mất gờ mực nổi của các chi tiết in nổi ...

Điều 2

Trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hướng dẫn mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông làm cơ sở cho việc thu đổi (phụ lục 01 kèm theo Quyết định này).

II. Tổ chức thu hồi và đổi các loại tiền giấy, NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông

Điều 3

Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại quốc doanh, các Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi chung là các Ngân hàng) có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi và đổi các loại tiền giấy, NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông (quy định tại điểm a, Điều 1) cho khách hàng (khi khách hàng cần đổi hoặc nộp các loại tiền, NPTT nói trên vào Ngân hàng) một các dễ dàng, nhanh chóng, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục và không phải nộp lệ phí.

Điều 4

Tiền giấy, NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông do nguyên nhân người có tiền gây nên (quy định tại điểm b, Điều 1) do các Chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại quốc doanh, trực tiếp xem xét, đổi theo các quy định sau:

4.1. Người có tiền, NPTT cần đổi phải làm giấy đề nghị (theo mẫu đính kèm), có chứng nhận của Chính quyền địa phương (Xã, Phường) nơi cư trú hoặc đơn vị công tác, nộp đơn và hiện vật cho Ngân hàng trên xem xét.

4.2. Căn cứ nguyên nhân cụ thể và hiện trạng từng tờ bạc NPTT, Ngân hàng nhận và xét đổi theo các điều kiện sau đây:

- Phải là tiền hoặc NPTT thật do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, còn giá trị lưu hành (trong phạm vi thời gian công bố lưu hành).

- Trong trường hợp tờ bạc bị rách làm hai hay nhiều mảnh hoặc hai nửa tờ bạc khác xê ri được dán lại có diện tích tương đương hoặc lớn hơn 3 phần 4 diện tích của tờ bạc nguyên cùng loại.

4.3. Các Ngân hàng thực hiện việc thu hồi và đổi được thu một khoản lệ phí như sau:

- Đối với tiền giấy:5% tổng giá trị tiền được duyệt đổi.

- Đối với NPTT: 2% tổng giá trị NPTT được duyệt đổi.

4.4. Các Ngân hàng tổ chức việc thu đổi phải xem xét và xử lý trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đơn và hiện vật của khách hàng. Được giữ lại 30% mức lệ phí đã thu để bù đắp chi phí đổi tiền, 70% lệ phí còn lại được nộp về các Chi nhánh hoặc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản chính. Không hạn chế mức được duyệt đổi.

4.5. Tiền, NPTT không đủ điều kiện được đổi, các Ngân hàng phải trả lại ngay cho người xin đổi.

Điều 5

Đối với số tiền, NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông do hành vi phá hoại (quy định tại điểm c Điều 1), các Ngân hàng không được đổi, mà phải thu giữ toàn bộ hiện vật, hồ sơ (nếu có), lập biên bản ghi rõ nguyên nhân, nguồn gốc tiền bị phá hoại làm 3 liên: một liên giao cho người có tiền, một liên Ngân hàng giữ, giao 1 liên (kèm hiện vật) cho cơ quan công an đồng cấp điều tra, kết luận và xử lý theo nghiệp vụ của mình.

III. Kiểm đếm, đóng bó, giao nộp tiền, NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông trong ngành ngân hàng

Điều 6

Sau khi thu hồi tiền, NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông (quy định tại điểm a, Điều 1), các Ngân hàng phải kiểm đếm, đóng bó, hạch toán, bảo quản theo chế độ hiện hành và giao nộp cho các Chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (nơi mở tài khoản giao dịch chính) theo định kỳ do Ngân hàng giao nộp và Ngân hàng nhận thoả thuận. Các Chi nhánh và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thu nhận hoặc đổi tiền và NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các Ngân hàng một cách kịp thời, dễ dàng và thuận tiện.

Điều 7

Đối với loại tiền và NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông (quy định tại điểm b, Điều 1), các Ngân hàng thương mại bảo quản theo món (kèm hồ sơ duyệt đổi) và nộp cho Chi nhánh hoặc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (nơi mở tài khoản giao dịch chính).

Điều 8

Sau khi thu hồi tiền và NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông, các Chi nhánh hoặc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra lại các món tiền do các Ngân hàng thương mại nộp, rồi hỗn loạn, đóng bó, hạch toán, bảo quản theo quy định hiện hành về các loại tiền rách nát cho tiêu huỷ.

Điều 9

Việc báo cáo, giao nộp tiền và NPTT không đủ tiêu chuẩn lưu thông về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Phát hành và Kho quỹ), thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý, bảo quản, điều chuyển và giao nhận các loại quỹ tiền trong ngành Ngân hàng.

IV. Điều khoản thi hành

Điều 10

Vụ trưởng Vụ Phát hành và Kho quỹ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định này ở các cấp Ngân hàng. Thủ trưởng các đơn vị Ngân hàng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.

Điều 11

Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Quyết định.

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------

GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐỔI TIỀN GIẤY, NGÂN PHIẾU THANH TOÁN
KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG

Kính gửi: Giám đốc Ngân hàng

 

Họ và tên:                                                           Tuổi:

Nghề nghiệp:

Địa chỉ (nơi đăng ký hộ khẩu):

Chứng minh nhân dân số:                                     Cấp ngày:

Tổng số tiền cần đổi:                   đ

Bằng chữ:

Nguyên nhân làm tiền, NPTT bị hư hỏng:

Chi tiết các loại tiền

Loại tiền hoặc NPTT

Số tờ

Số sê ri

Hiện trạng tờ bạc và NPTT

Thành tiền

 

Đề nghị Ngân hàng xem xét, cho đổi số tiền trên.

 

 

Ngày... tháng ... năm 199

Người làm đơn ký tên

 

Xác nhận của chính quyền địa phương

(Hoặc đơn vị đang công tác)

(Ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

Giám đốc Ngân hàng duyệt đổi.

 

 

PHỤ LỤC SỐ 01

MẪU TIỀN KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN LƯU THÔNG

Cụ thể các hình ảnh như sau:

A. Mờ nhạt: Do quá trình lưu thông lâu ngày, tờ bạc bị cọ xát và ảnh hưởng tự nhiên của môi trường bảo quản, làm cho màu mực in bị phai, toàn bộ nền tờ bạc bị dây bẩn tương đối đều, tờ bạc ngả màu (nâu hoặc vàng), làm mờ nhạt hoặc mất các nét in ... (hình 1).

B. Cháy thủng: Tờ bạc bị thủng hoặc cháy (do vô tình) tạo thành lỗ thủng ở cạnh, góc hoặc trên nền tờ bạc ... (hình 2).

C. Nhàu: Do lưu thông lâu ngày, tờ bạc bị gấy đi, gấp lại nhiều lần ở các vị trí khác nhau, hoặc có thể do bị giặt, vò làm tờ bạc nhăn, nhàu, nhiều nếp lồi lõm, biến dạng hình ảnh của tờ bạc ... (hình 3 & hình 4).

D. Viết vẽ: Hành vi viết, vẽ vô tình, vô ý thức, nhưng chưa đến mức độ coi là bị phá hoại ... (hình 5).

E. Rách, mất góc: Quá trình lưu thông, tờ bạc thường bị gấp đôi, quăn mép nên có thể giấy và mực in còn tốt nhưng bị rách theo nếp gấp hoặc rách mất góc (hình 6).

F. Bẩn: Tờ bạc bị dây bẩn dần dần hoặc bẩn cục bộ, tạo thành các vết thâm, loang, xỉn màu bởi dầu, mỡ hoặc các tạp chất khác ... (hình 7 & hình 8).