cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 196-NH14/QĐ ngày 16/09/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về Quy chế và nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 196-NH14/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 16-09-1994
  • Ngày có hiệu lực: 16-09-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-09-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2185 ngày (5 năm 12 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 09-09-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-09-2000, Quyết định số 196-NH14/QĐ ngày 16/09/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về Quy chế và nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 283/2000/QĐ-NHNN14 ngày 25/08/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về Quy chế bảo lãnh ngân hàng (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 196-NH14/QĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ VỀ NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH CỦA CÁC NGÂN HÀNG"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 24 tháng 5 năm 1990;
 Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về nghiệp vụ bảo lãnh của các ngân hàng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối, Vụ trưởng Vụ kế toán - tài chính, Chánh thanh tra, Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan ở Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại, thành phố, Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

 

QUY CHẾ

VỀ NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH CỦA CÁC NGÂN HÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 196/QĐ-NH14 ngày 16 tháng 9 năm 1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bảo lãnh là một trong các nghiệp vụ của ngân hàng, là cam kết của ngân hàng bảo lãnh chịu trách nhiệm trả tiền thay cho bên được bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ đã thoả thuận với bên yêu cầu bảo lãnh, được quy định cụ thể tại thư bảo lãnh của ngân hàng.

Bên được bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những cam kết của mình với bên yêu cầu bảo lãnh và với ngân hàng bảo lãnh.

Điều 2. Ngân hàng bảo lãnh là ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng đầu tư và phát triển. Trong những trường hợp đặc biệt Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia bảo lãnh khi được Chính phủ chỉ định.

Điều 3. Bên được bảo lãnh là các doanh nghiệp (bao gồm cả tổ chức tín dụng) được thành lập và hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Điều 4. Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh trong các trường hợp doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh để tham gia dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo đảm hoàn trả tiền ứng trước, bảo đảm thanh toán, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo hợp đồng, bảo đảm hoàn trả vốn vay... (theo phụ lục đính kèm). Những yêu cầu bảo lãnh có liên quan đến việc vay vốn nước ngoài được thực hiện quy chế bảo lãnh và tái bảo lãnh vay vốn nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-NH14 ngày 21 tháng 2 năm 1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 5. Các ngân hàng có thể cùng tham gia bảo lãnh cho một bên được bảo lãnh.

Việc chấp nhận bảo lãnh là quyền của ngân hàng bảo lãnh trên cơ sở các điều kiện của bên yêu cầu bảo lãnh.

Chương 2:

CÁC QUY CHẾ CỤ THỂ

Điều 6. Điều kiện được bảo lãnh.

Doanh nghiệp muốn được bảo lãnh phải có các điều kiện sau đây:

- Có tư cách pháp nhân, hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam;

- Có hợp đồng liên quan đến việc bảo lãnh;

- Hoạt động kinh doanh có lãi;

- Có tín nhiệm trong quan hệ tín dụng, thanh toán;

- Có giấy phép xuất nhập khẩu, nếu hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến bảo lãnh;

- Không có nợ quá hạn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ;

- Có đủ tài sản thế chấp hợp pháp cho bảo lãnh;

Điều 7. Doanh nghiệp xin bảo lãnh gửi đến ngân hàng bảo lãnh các tài liệu sau đây:

- Đơn xin bảo lãnh (mẫu đính kèm);

- Hợp đồng và tài liệu có liên quan đến bảo lãnh;

- Giấy phép xuất nhập khẩu (đối với trường hợp bảo lãnh có liên quan đến);

- Danh mục tài sản thế chấp.

Điều 8. Thời hạn bảo lãnh được xác định căn cứ vào thời hạn thực hiện từng nghĩa vụ đã được các bên tham gia thoả thuận. Trong trường hợp thay đổi thời hạn bảo lãnh đã được thoả thuận phải được ngân hàng bảo lãnh chấp nhận bằng văn bản.

Điều 9. Việc bảo lãnh được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng bảo lãnh phát hành. Thời gian bảo lãnh bắt đầu có hiệu lực theo đề nghị của doanh nghiệp và được xác nhận trong thư bảo lãnh.

Điều 10. Tài sản thế chấp bảo lãnh là bất động sản: Nhà đất...; động sản: Vàng, đá quý...; các chứng từ có giá (trái phiếu, tín phiếu...) và phải đủ các tiêu chuẩn sau:

- Đối với tài sản và bất động sản: Phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu (bản gốc), có chứng nhận của cơ quan công chứng Nhà nước, có thể chuyển nhượng được dễ dàng;

- Đối với trái phiếu, tín phiếu...; Còn thời hạn thanh toán, người phát hành là các tổ chức có tín nhiệm, có thể chuyển nhượng được dễ dàng, thuộc quyền thụ hưởng của doanh nghiệp xin bảo lãnh;

- Đối với vàng, đá quý: Phải được kiểm định của ngân hàng bảo lãnh hoặc cơ quan chuyên môn do ngân hàng bảo lãnh chỉ định; doanh nghiệp xin bảo lãnh tự đóng gói, niêm phong, có sự chứng kiến của ngân hàng bảo lãnh trước khi giao cho ngân hàng bảo lãnh.

Riêng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, việc sử dụng tài sản hình thành bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thế chấp phải được cơ quan tài chính cùng cấp (chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu tài sản) đồng ý bằng văn bản.

Điều 11. Ngân hàng bảo lãnh quy định mức phí bảo lãnh và định kỳ trả mà doanh nghiệp được bảo lãnh trả cho ngân hàng, trong phạm vi tối đa là 1,00%, năm tính trên số tiền đang còn được bảo lãnh.

Điều 12. Đồng tiền sử dụng trong bảo lãnh là đồng tiền được quy định trong hợp đồng hoặc văn bản thoả thuận giữa bên được bảo lãnh và bên yêu cầu bảo lãnh.

Điều 13. Quỹ bảo lãnh và mức bảo lãnh:

Các ngân hàng căn cứ vào số vốn được phép sử dụng vào kinh doanh để dự kiến số tiền có thể đưa vào lập quỹ bảo lãnh (nội tệ, ngoại tệ) của mình. Tổng mức bảo lãnh được xác định trên cơ sở quỹ bảo lãnh dự kiến và khả năng an toàn vốn trong bảo lãnh của từng ngân hàng, nhưng tối đa không quá 20 lần số tiền của quỹ bảo lãnh (tức khả năng mất an toàn vốn trong bảo lãnh tối đa là 5%).

Số tiền để lập quỹ bảo lãnh được hạch toán vào một tiểu khoản riêng tại ngân hàng bảo lãnh theo từng lần bảo lãnh với tỷ lệ tối thiểu là 5% so với doanh số bảo lãnh và được sử dụng để trả cho bên yêu cầu bảo lãnh khi doanh nghiệp được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.

Tổng số tiền bảo lãnh cho một doanh nghiệp không quá 10% và cho mười doanh nghiệp nhiều nhất không quá 30% tổng mức bảo lãnh của ngân hàng bảo lãnh.

Điều 14. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ xin bảo lãnh, ngân hàng bảo lãnh phải thông báo cho doanh nghiệp biết ý kiến chấp nhận hay từ chối bảo lãnh.

Điều 15. Thẩm quyền ký bảo lãnh:

Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng bảo lãnh là người ký bảo lãnh và có thể uỷ quyền bằng văn bản cho Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc Giám đốc chi nhánh trực thuộc ký bảo lãnh trong phạm vi nhất định và chịu trách nhiệm về việc làm của người được uỷ quyền.

Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác.

Điều 16. Khi được ngân hàng bảo lãnh chấp thuận bảo lãnh, doanh nghiệp làm thủ tục giao nộp tài sản (hồ sơ) thế chấp cho ngân hàng bảo lãnh. Sau khi nhận tài sản hoặc hồ sơ tài sản thế chấp, ngân hàng bảo lãnh làm các thủ tục về bảo lãnh.

Điều 17. Ngân hàng bảo lãnh lưu giữ tài sản thế chấp phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản. Nếu để xẩy ra tình trạng mất mát, hư hỏng tài sản thế chấp, ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất.

Điều 18. Trong thời gian bảo lãnh, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giữ gìn, bảo quản những tài sản thế chấp được tiếp tục quản lý hay sử dụng; nếu bị mất mát hư hỏng thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trường hợp tài sản thế chấp là các chứng từ có giá hết hạn trước thời hạn bảo lãnh, thì doanh nghiệp phải đổi tài sản đủ tiêu chuẩn để thế chấp, nếu không đủ tài sản thế chấp để thay thế thì doanh nghiệp được bảo lãnh phải chịu phạt với mức bằng 1%/tháng tính trên giá trị tài sản thế chấp còn thiếu.

Điều 19. Trong thời gian hiệu lực của bảo lãnh, doanh nghiệp phải chịu sự kiểm tra, giám sát mọi hoạt động có liên quan đến nghĩa vụ được bảo lãnh, đồng thời có trách nhiệm cung cấp theo yêu cầu của ngân hàng bảo lãnh những tài liệu, thông tin cần thiết cho công tác kiểm tra, giám sát đó.

Điều 20. Doanh nghiệp được bảo lãnh phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết đối với bên yêu cầu bảo lãnh. Khi doanh nghiệp được bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với bên yêu cầu bảo lãnh, ngân hàng bảo lãnh phải trao trả đầy đủ tài sản (hoặc hồ sơ tài sản) thế chấp cho doanh nghiệp được bảo lãnh.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy chế này trong hệ thống của mình.

Điều 22. Mọi thay đổi Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.