cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 92-TTg ngày 07/03/1994 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường quản lý, chống lãng phí, thất thoát và tiêu cực trong đầu tư và xây dựng (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 92-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 07-03-1994
  • Ngày có hiệu lực: 22-03-1994
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, CHỐNG LÃNG PHÍ, THẤT THOÁT VÀ TIÊU CỰC TRONG ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ tư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu;
Căn cứ Nghị quyết phiên họp ngày 5 tháng 1 năm 1994 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.  Tất cả các công trình, dự án đầu tư đều phải tuân thủ chặt chẽ trình tự xây dựng cơ bản đã được quy định trong Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản kèm theo nghị định số 385/HĐBT ngày 7-11-1990. Chỉ được ghi kế hoạch và cấp vốn đầu tư xây dựng cho các công trình có đủ hồ sơ luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt đúng thể thức quy định. Trường hợp đặc biệt cấp bách chưa kịp hoàn thành đủ thủ tục theo quy định trên đây phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Đối với các công trình chuyển tiếp, các Bộ và địa phương cần kiểm tra lại thiết kế, tổng dự toán, khối lượng xây lắp đã hoàn thành đến hết năm 1993 và các hợp đồng giao thầu đã ký. Nếu công trình đã vượt vốn được duyệt, cần tạm ngừng thi công để điều chỉnh, bổ sung luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán trình cấp có thẩm quyền xét duyệt lại để ghi tiếp kế hoạch và cung cấp vốn. Các ban quản lý công trình, các doanh nghiệp xây lắp chỉ thực hiện khối lượng công việc trong phạm vi kế hoạch vốn đầu tư đã ghi. Không thanh toán lãi vay ngân hàng do khối lượng chậm thanh toán.

Điều 2.  Khi xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật (báo cáo kinh tế kỹ thuật) và tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; tổng mức đầu tư và tổng dự toán phải được tính theo giá cả ở thời điểm xét duyệt. Khi tổng dự toán vượt quá tổng mức đầu tư 10%, phải được sự đồng ý của cơ quan xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật.

Giá hợp đồng giao thầu là giá thanh toán công trình. Các chủ đầu tư không được ký hợp đồng với giá cao hơn tổng dự toán được duyệt, trừ trường hợp tổng dự toán được duyệt lại theo thể thức quy định. Hợp đồng phải được cấp có thẩm quyền xét duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán kiểm tra và duyệt mới có giá trị thực hiện. Giá hợp đồng giao thầu lại cho thầu phụ, cũng phải đến cơ quan có thẩm quyền trên để theo dõi và kiểm tra.

Điều 3. Việc đầu tư xây dựng các công trình phi sản xuất thuộc khu vực Nhà nước phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định số 75-CT ngày 27-3-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), đặc biệt là các công trình nhà làm việc, nhà khách, hội trường, nhà nghỉ của các cấp, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Giao Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Xây dựng kiểm tra lại tình hình thực hiện quyết định số 75-CT trong năm 1993 kể cả đối với các doanh nghiệp Nhà nước, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án mới đề nghị đưa vào kế hoạch năm 1994.

Điều 4.  Các công trình đầu tư mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn dùng vốn sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (như kết cấu hạ tầng của chương trình 327, chương trình xoá ca 3, y tế cơ sở, khôi phục cầu đường, kế hoạch hoá gia đình .v.v...) đều phải đăng ký trong kế hoạch đầu tư và thực hiện theo điều lệ quản lý xây dựng cơ bản. Các Bộ và các địa phương có các dự án dùng vốn sự nghiệp cần chấn chỉnh việc quản lý và giám sát việc sử dụng vốn này như đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Giao Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể và chặt chẽ việc kế hoạch hoá và cấp vốn cho những dự án này khi giao chính thức kế hoạch Nhà nước năm 1994.

Điều 5.  Đối với các công trình đầu tư bằng vốn hỗ trợ phát triển ODA của nước ngoài, Giao Uỷ ban kế hoạch Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể hoá trình tự quy định trong Điều lệ quản lý và xây dựng cơ bản và quy chế cấp vốn và thanh toán dự án trước ngày 31-3-1994.

Điều 6.  Các công trình khởi công mới trong năm 1994 đều phải thực hiện đấu thầu hoặc chọn thầu cho đơn vị xây lắp có đủ tư cách pháp nhân hành nghề xây dựng.

Đối với công trình chuyển tiếp mà có các hạng mục công trình khởi công mới thì cũng phải thực hiện đấu thầu hoặc chọn thầu.

Nghiêm cấm việc giao thầu tuỳ tiện ngoài quy định, người giao kế hoạch cấp vốn, cấp đất, cấp giấy phép xây dựng v.v... ép chỉ định đơn vị nhận thầu, bên giao thầu và bên nhận thầu thông đồng để tính sai khối lượng xây dựng.

Đối với công trình đấu thầu, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo và cung cấp vốn đầy đủ. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra tình hình đấu thầu, chọn thầu xây dựng ở các ngành và địa phương.

Điều 7.  Bộ Tài chính thực hiện chuyển vốn ngân sách đầu tư xây dựng sang ngân hàng Đầu tư và phát triển để thực hiện cấp phát theo điều lệ quản lý xây dựng cơ bản quy định, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Điều 8.  Các cơ quan và các doanh nghiệp Nhà nước không được tự ý sử dụng các nguồn vốn không hợp pháp để đầu tư xây dựng. Nghiêm cấm việc bán đất, chuyển quyền sử dụng đất do Nhà nước cấp, núp dưới hình thức liên doanh, liên kết mà thực tế là buôn bán đất đai của Nhà nước để hưởng chênh lệch giá.

Giao cho Tổng Thanh tra Nhà nước cùng Chính quyền các cấp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ điển hình, thu hồi đất đai và tiền thu bất chính nộp ngân sách Nhà nước.

Điều 9.  Trong quý 3 năm 1994 Chính quyền các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vũng Tầu) phải công bố công khai quy hoạch xây dựng cụ thể đến từng đường phố và toàn thành phố để dân biết và dân thực hiện và dân kiểm tra.

Điều 10. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xem xét lại cơ chế tính giá xây dựng, rà soát lại các định mức kinh tế kỹ thuật trong xây dựng, điều chỉnh ngay những định mức và chi phí không hợp lý; Chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra các ngành, các địa phương trong việc xây dựng đơn giá công trình, đơn giá địa phương và lập dự toán các công trình xây dựng. Những đơn giá quan trọng cần được thống nhất liên ngành Xây dựng - Vật giá - Tài chính - Kế hoạch.

Các Bộ địa phương cần có bộ phận chuyên trách về xây dựng cơ bản để thường xuyên giám sát, kiểm tra nắm tình hình thực hiện, tham gia vào quá trình nghiệm thu và quyết toán công trình, đảm bảo cho công trình thoả mãn các yêu cầu về công năng, chất lượng, tiến độ và giá thành của luận chứng kinh tế đã duyệt.

Điều 11.  Lập các hội đồng quyết toán các công trình xây dựng do Bộ Tài chính chủ trì và bao gồm các ngành vật giá, xây dựng, kế hoạch tham gia đối với công trình thuộc nguồn vốn Trung ương do Sở Tài chính và các Sở liên quan tham gia đối với công trình thuộc nguồn vốn địa phương. Chỉ thông qua xong quyết toán thì mới thanh toán hết vốn công trình.

Điều 12.  Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng để xử lý các tình hình thực hiện vốn đầu tư, kiểm tra việc sử dụng vốn đầu tư và báo cáo cấp trên tình hình cùng những kiến nghị cần giải quyết.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ có liên quan tổ chức giao ban xây dựng cơ bản định kỳ nhằm xử lý các vấn đề có tính chất tổng hợp, đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm Nhà nước, báo cáo và kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cần sử lý ngoài thẩm quyền của liên bộ. Các Bộ và địa phương cần kiểm tra, xem xét lại các ban quản lý công trình, nhanh chóng thay thế các cán bộ quản lý bên A không đủ trình độ nghiệp vụ về quản lý đầu tư và xây dựng để kiện toàn bộ máy của ban quản lý công trình có đủ năng lực quản lý và điều hành. Bộ xây dựng trực tiếp chỉ đạo việc lập các tổ chức tư vấn xây dựng có đủ năng lực giúp chủ đầu tư quản lý việc xây dựng công trình thông qua hợp đồng kinh tế.

Điều 13.  Các Bộ và địa phương cần kiểm tra lại tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản năm 1993, khẩn trương xử lý những vụ việc sai phạm đã được phát hiện (kể cả phát hiện và kháng nghị của Viện Kiểm soát tối cao và cơ quan thanh tra các cấp) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí I năm 1994.

Điều 14.  Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ tư về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu, các Bộ và địa phương ngoài việc tổ chức giám sát chặt chẽ công tác đầu tư xây dựng cơ bản như đã nêu ở điều 8, cần thi hành mọi biện pháp cụ thể để tiết kiệm vốn đầu tư, bảo đảm tiết kiệm được ít nhất là 7% vốn, tạo điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ kế hoạch đầu tư của cả năm 1994.

Điều 15. Giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu soạn thảo "điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng" thay thế điều lệ hiện hành và các văn bản đồng bộ kèm theo phù hợp với cơ chế mới trình Chính phủ trong quí II năm 1994.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)