cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 252/PCVT ngày 03/03/1994 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Về Quy định về Tổ chức Hoa tiêu Hàng hải, tiêu chuẩn thi và cấp các chứng chỉ chuyên môn Hoa tiêu Hàng hải Việt Nam (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 252/PCVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Ngày ban hành: 03-03-1994
  • Ngày có hiệu lực: 01-07-1994
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 252/PCVT

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC HOA TIÊU HÀNG HẢI, TIÊU CHUẨN THI VÀ CẤP CÁC CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI VIỆT NAM 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Điều 158 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP, ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ và cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế - vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam
.

QUYẾT ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản quy định này, quy định các nguyên tắc về tổ chức hoa tiêu hàng hải, tiêu chuẩn được thi và cấp các chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam;

Điều 2: Chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải Việt Nam bao gồm:

- Bằng hoa tiêu hàng hải.

- Giấy phép hành nghề hoa tiêu hàng hải.

Điều 3: Chỉ những công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có chứng chỉ chuyên môn hoa tiêu hàng hải mới được phép làm hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam.

Chỉ có doanh nghiệp Nhà nước mới được tổ chức dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam.

Điều 4: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thẩm duyệt các dự án thành lập tổ chức hoa tiêu hàng hải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển tổ chức hoa tiêu hàng hải đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Việc cho phép thành lập tổ chức hoa tiêu hàng hải phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành, sau khi có ý kiến thẩm duyệt của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận bằng văn bản.

Điều 5: Mọi hoạt động về hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam phải được tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và chịu sự quản lý Nhà nước về chuyên ngành hàng hải của Cục hàng hải Việt Nam.

Chương 2:

TỔ CHỨC HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 6: Tổ chức hoa tiêu hàng hải là tổ chức hoa tiêu hàng hải quốc gia được thành lập tại cảng biển hoặc khu vực hàng hải khác để dẫn dắt tàu biển hoạt động an toàn trong vùng nước của cảng hoặc khu vực hàng hải.

Điều 7: Các điều kiện thành lập tổ chức hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam :

1. Phải là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo nghị định số 3388/HĐBT, ngày 20 tháng 11 năm 1991.

2. Giám đốc doanh nghiệp phải có bằng Đại học và phải có thời gian làm việc trong ngành hàng hải ít nhất 10 năm trở lên hoặc có bằng thuyền trưởng tàu biển từ hạng hai hay bằng hoa tiêu hàng hải hạng hai trở lên, am hiểu về luật Hàng hải, công ước quốc tế và pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.

3. Doanh nghiệp phải có ít nhất 3 hoa tiêu có bằng hoa tiêu hàng hải.

Điều 8: Tại Việt Nam, hoa tiêu hàng hải có các hạng sau:

- Hoa tiêu hàng hải hạng ba;

- Hoa tiêu hàng hải hạng hai;

- Hoa tiêu hàng hải hạng nhất;

- Hoa tiêu hàng hải hạng ngoại hạng.

1. Hoa tiêu hàng hải hạng ba chỉ được dẫn dắt tàu biển có trọng tải đăng ký toàn phần từ 1600 GRT trở xuống hoặc có chiều dài tối đa đến 100m.

2. Hoa tiêu hàng hải hạng hai chỉ được dẫn dắt tàu biển có trọng tải đăng ký toàn phần từ 10.000 GRT trở xuống hoặc có chiều dài tối đa đến 145 mét.

3. Hoa tiêu hàng hải hạng nhất chỉ được dẫn dắt tàu biển có trọng tải đăng ký toàn phần từ 20.000 GRT trở xuống hoặc có chiều dài tối đa đến 175 mét.

4. Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng được dẫn dắt mọi loại tàu biển không giới hạn trọng tải đăng ký toàn phần hoặc chiều dài tối đa của tàu.

Điều 9: Hoa tiêu hàng hải được cấp bằng hạng nào thì được phép hành nghề hoa tiêu trên các tàu biển trong giới hạn tối đa của hạng đó.

Điều 10: Hoa tiêu hàng hải được cấp "Giấy phép hành nghề hoa tiêu hàng hải" ở khu vực hoa tiêu nào thì chỉ được hành nghề ở khu vực hoa tiêu đó. Khi chuyển đến khu vực hoa tiêu khác phải trải qua một thời gian thực tập ít nhất 3 tháng và có xác nhận của tổ chức hoa tiêu khu vực mới trên cơ sở nhận xét kết quả thực tập của hoa tiêu trưởng thì mới được tiếp tục hành nghề hoa tiêu.

Quy định này cũng áp dụng đối với hoa tiêu hàng hải đã được cấp bằng và giấy phép hành nghề hoa tiêu hàng hải nhưng không hành nghề hoa tiêu hàng hải trong thời gian liên tục từ 24 tháng trở lên.

Điều 11: Hoa tiêu hàng hải quá 60 tuổi không được hành nghề hoa tiêu.

Trong trường hợp thật đặc biệt do yêu cầu của tổ chức hoa tiêu, sau khi đã được Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận thì có thể bố trí hoa tiêu hàng hải trên 60 tuổi làm hoa tiêu nhưng không quá 12 tháng.

Chương 3:

TIÊU CHUẨN DỰ THI HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 12: Điều kiện chung để được dự thi hoa tiêu hàng hải:

1. Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đầy đủ năng lực hành vi và không bị pháp luật Việt Nam cấm hành nghề hoa tiêu hàng hải.

2. Sức khoẻ tốt theo tiêu chuẩn sức khoẻ của người đi biển và được tổ chức y tế chuyên ngành hàng hải xác nhận.

3. Tuổi đời không quá 55 tuổi.

Điều 13: Ngoài điều kiện chung quy định tại Điều 12 trên, người dự thi hoa tiêu hàng hải phải có các điều kiện cụ thể sau:

1. Người dự thi lấy bằng hoa tiêu hàng hải hạng ba phải tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng thuộc chuyên ngành điều khiển tàu biển, đã có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng ba ít nhất 36 tháng hoặc có bằng thuyền trưởng tàu biển hạng ba trở lên và có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng ba ít nhất 12 tháng. Trình độ Anh ngữ tương đương chương trình B.

2. Người dự thi lấy bằng hoa tiêu hàng hải hạng hai phải có bằng hoa tiêu hàng hải hạng ba và đã hành nghề hoa tiêu hàng hải hạng ba được ít nhất 24 tháng hoặc có bằng thuyền trưởng tàu biển hạng hai trở lên và có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng hai ít nhất 12 tháng. Trình độ Anh ngữ tương đương chương trình C.

3. Người dự thi lấy bằng hoa tiêu hàng hải hạng nhất phải có bằng hoa tiêu hàng hải hạng hai và đã hành nghề hoa tiêu hàng hải hạng hai ít nhất là 24 tháng hoặc có bằng thuyền trưởng tàu biển hạng nhất và có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng nhất ít nhất 12 tháng. Trình độ Anh ngữ tương đương chương trình trên C.

4. Người dự thi lấy bằng hoa tiêu hàng hải ngoại hạng phải có bằng hoa tiêu hàng hải hạng nhất và đã hành nghề hoa tiêu hàng hải hạng nhất ít nhất 36 tháng trở lên.

Điều 14: Những người có đủ các điều kiện quy định tại Điều 12 và Điều 13 trên, sau khi đã dự thi và đạt các điểm thi từ điểm 5 trở lên sẽ được công nhận trúng tuyển thì được cấp bằng hoa tiêu hàng hải và giấy phép hành nghề hoa tiêu hàng hải.

Đối với những người chỉ đạt 2/3 số môn thi từ điểm 5 trở lên sẽ được bảo lưu một lần các môn thi đó trong vòng 2 năm và phải thi lại các môn thi chưa đạt điểm 5.

Chương 4:

TỔ CHỨC THI VÀ CẤP CÁC CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 15: Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải Việt Nam là Hội đồng thi quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ tịch.

Chủ tịch Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải Việt Nam thành lập Hội đồng giám khảo bao gồm các thành viên là những hoa tiêu hàng hải hoặc thuyền trưởng tàu biển có uy tín nghề nghiệp, có bằng hoa tiêu hàng hải trên một hạng của hạng được tổ chức thi, trừ hoa tiêu hàng hải ngoại hạng thì thành viên là hoa tiêu hàng hải cùng hạng nhưng đã hành nghề hoa tiêu ít nhất ba năm trở lên.

Điều 16: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng thi, Hội đồng giám khảo và nội dung chương trình kỳ thi hoa tiêu hàng hải Việt Nam để trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Điều 17: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm cấp bằng hoa tiêu hàng hải và giấy phép hành nghề hoa tiêu hàng hải theo đúng các quy định của quyết định này. Trường hợp xét thấy cần thiết Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có quyền tạm đình chỉ hoặc thu hồi vĩnh viễn bằng và giấy phép hành nghề hoa tiêu hàng hải của hoa tiêu do có hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 18: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1994. Các quy định trước đây có liên quan đến tổ chức hoa tiêu hàng hải, tiêu chuẩn và chứng chỉ chuyên môn của hoa tiêu hàng hải đều bãi bỏ.

Điều 19: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thi hành quyết định này và hướng dẫn cách thức chuyển đổi các bằng hoa tiêu hàng hải cũ sang bằng hoa tiêu hàng hải mới.

Điều 20: Các ông thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế và vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị có lên quan đến tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Bùi Danh Lưu

(Đã ký)