Quyết định số 228/QĐ-NH5 ngày 02/12/1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về quy định việc các tổ chức tín dụng Việt Nam gọi vốn cổ phần từ cổ đông nước ngoài (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 228/QĐ-NH5
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 02-12-1993
- Ngày có hiệu lực: 02-12-1993
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-12-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5135 ngày (14 năm 0 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 24-12-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 228-NH5/QĐ | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM GỌI VỐN CỔ PHẦN TỪ CỔ ĐÔNG NƯỚC NGOÀI
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệnh Ngân hàng hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính công bố theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 37/LCT-HĐNN8 và số 38/LCT-HĐNN8 ngày 23-5-1990;
Được phép của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4300/KT ngày 28-8-1993;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Định chế tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định việc các tổ chức tín dụng Việt Nam gọi vốn cổ phần từ cổ đông nước ngoài".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ các Định chế tài chính, các Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng Việt Nam thi hành Quyết định này.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VIỆC CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM GỌI VỐN CỔ PHẦN TỪ CỔ ĐÔNG NƯỚC NGOÀI
(Ban hành theo Quyết định số 228/QĐ-NH5 ngày 02-12-1993 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Đối tượng được Ngân hàng Nhà nước cho phép gọi vốn cổ phần từ cổ đông nước ngoài theo bản Quy định này, bao gồm các tổ chức tín dụng Việt Nam sau đây:
1. Ngân hàng thương mại cổ phần;
2. Công ty tài chính cổ phần.
Điều 2. Cổ đông nước ngoài bao gồm các thể nhân, pháp nhân được hiểu theo các điều 9,11 của bản quy định này.
Điều 3. Vốn góp cổ phần của cổ đông nước ngoài bằng đôla Mỹ (USD) hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi khác, được đưa từ nước ngoài vào và phải quy đổi ra đồng Việt Nam (VND) theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm góp vốn.
Điều 4. Cổ phiếu của cổ đông nước ngoài là loại có ghi tên; mệnh giá ghi bằng "đồng" Việt Nam.
Điều 5. Tỷ lệ vốn góp của cổ đông nước ngoài so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam:
- Một pháp nhân hoặc một thể nhân nước ngoài tối đa là 10;
- Tổng số vốn cổ phần của tất cả các cổ đông nước ngoài tối đa là 30%.
Điều 6. Cổ đông thể nhân nước ngoài không được cùng đồng thời làm đại diện pháp nhân nước ngoài tại một tổ chức tín dụng Việt Nam.
Điều 7. Việc cổ đông nước ngoài chuyển ra nước ngoài lợi tức cổ phần hàng năm hoặc số tài sản còn lại sau khi tổ chức tín dụng Việt Nam đã thanh lý, thực hiện theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và quy định của Nhà nước Việt Nam về quản lý ngoại hối.
Chương 2:
CÁC TRƯỜNG HỢP GỌI VỐN
Mục I: TỪ CỔ ĐÔNG NƯỚC NGOÀI
Điều 8. Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây có thể được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cho gọi vốn cổ phần từ cổ đông nước ngoài:
1. Đã có thời gian hoạt động trên 01 năm theo giấy phép hoạt động do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp;
2. Thực trạng tài chính lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả, có uy tín, có khả năng phát triển;
3. Đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ Ngân hàng đối ngoại;
4. Vốn điều lệ hiện có từ 50 tỷ VND trở lên.
Điều 9. Các đối tượng nước ngoài sau đây được góp vốn cổ phần:
1. Các Công ty đầu tư, các xí nghiệp, Công ty, tập đoàn kinh tế nước ngoài;
2. Người nước ngoài.
Mục II: TỪ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI, GỐC VIỆT
Điều 10. Ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty tài chính cổ phần của Việt Nam nếu có đủ các điều kiện sau đây có thể được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cho gọi vốn cổ phần từ người Việt Nam ở nước ngoài.
1. Đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động;
2. Thực trạng tài chính rõ ràng;
3. Có khả năng phát triển.
Điều 11. Đối tượng góp vốn cổ phần là thể nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, gốc Việt có quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài.
Điều 12. Người Việt Nam ở nước ngoài góp vốn cổ phần vào tổ chức tín dụng Việt Nam ngoài việc hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam còn được:
1. Góp vốn cổ phần bằng "đồng" Việt Nam có nguồn gốc ngoại tệ;
2. Uỷ quyền cho thân nhân tại Việt Nam làm đại diện số vốn góp;
3. Chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông Việt Nam, khi có nhu cầu;
4. Thừa kế vốn cổ phần theo Luật pháp của Việt Nam.
Chương 3:
THỦ TỤC, HỒ SƠ, TRÁCH NHIỆM CỦA CỔ ĐÔNG NƯỚC NGOÀI VÀ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CÁC CẤP
Mục I: THỦ TỤC, HỒ SƠ
Điều 13. Bước 1: Hồ sơ xin cấp giấy chấp thuận nguyên tắc cho gọi vốn cổ phần từ cổ đông nước ngoài, gồm:
1. Phương án tăng vốn điều lệ và biên bản Đại hội cổ đông về tăng vốn điều lệ, trong đó có việc gọi vốn cổ phần từ cổ đông nước ngoài;
2. Tờ trình của Hội đồng quản trị về việc xin gọi vốn cổ phần của cổ đông nước ngoài.
Điều 14. Bước 2: Hồ sơ xin cấp giấy chấp thuận tăng vốn điều lệ có vốn cổ phần của cổ đông nước ngoài, gồm:
1. Danh sách và số vốn sẽ góp của các cổ đông nước ngoài;
2. Các bản đăng ký và cam kết góp vốn của từng cổ đông nước ngoài;
3. Các bản lý lịch tóm tắt tự khai của:
- Thể nhân hoặc người có chức vụ cao nhất của cổ đông pháp nhân và của người đại diện pháp nhân (nếu có);
- Thể nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người được uỷ quyền của thể nhân đó (nếu có);
Nội dung lý lịch tóm tắt tự khai gồm: họ tên, nam nữ, năm sinh, nơi sinh, nguyên quán, quốc tịch, văn bằng, chức vụ tại pháp nhân và tại các tổ chức khác, địa chỉ cư trú hiện tại.
Bản lý lịch tóm tắt tự khai phải có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền nước mà người đó cư trú và kèm theo bản chụp hộ chiếu hoặc giấy căn cước;
4. Nếu là cổ đông pháp nhân, phải gửi kèm các bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan công chứng tại nước mà cổ đông pháp nhân đó đặt trụ sở chính, gồm:
- Các văn bản pháp lý về thành lập;
- Báo cáo tài chính 03 năm gần nhất;
- Điều lệ;
- Văn bản minh chứng về tính hợp pháp của nguồn vốn góp;
- Danh sách, chức vụ và địa chỉ của các thành viên quản trị và điều hành;
- Giấy uỷ quyền người đại diện pháp nhân (nếu người đại diện pháp nhân tại tổ chức tín dụng Việt Nam không phải là người có thẩm quyền cao nhất) do người có thẩm quyền cao nhất của pháp nhân ký tên và đóng dấu;
5. Trường hợp có các thể nhân, pháp nhân của Việt Nam cùng góp vốn phải bổ túc các văn bản, hồ sơ của các đối tượng này theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước;
6. Tờ trình của Hội đồng quản trị về kế hoạch tiến độ góp vốn và cam kết chịu trách nhiệm về việc lựa chọn cổ đông;
7. Các tài liệu khác nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Điêu 15. Bước 3: Thực hiện góp vốn và lập hồ sơ xin chuẩn y vốn điều lệ mới.
15.1. Sau khi được cấp giấy chấp thuận tăng vốn điều lệ có vốn cổ phần của cổ đông nước ngoài, tổ chức tín dụng mới được thu nhận vốn góp cổ phần.
15.2. Kết thúc việc tăng vốn, Hội đồng quản trị lập hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chuẩn y vốn điều lệ mới, gồm:
1. Tờ trình của Hội đồng quản trị, trong đó khẳng định tính hợp pháp, hợp lệ của các nguồn vốn góp;
2. Danh sách cổ đông và số vốn thực góp của từng cổ đông.
15.3. Trường hợp cổ đông nước ngoài không thực hiện đúng đăng ký và cam kết tại bước 2, Hôi đồng quản trị không được quyền chấp thuận và phải có văn bản giải trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kèm theo hồ sơ nói tại khoản 15.2 Điều này.
Điều 16. Các văn bản của cổ đông nước ngoài nếu bằng tiếng nước ngoài, phải là một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nga kèm bản dịch bằng tiếng Việt Nam. Bản tiếng nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nơi cổ đông cư trú xác nhận; bản dịch bằng tiếng Việt nam phải được cơ quan công chứng của Việt Nam xác nhận. Bản bằng tiếng nước ngoài và bản bằng tiếng Việt Nam có giá trị như nhau.
Mục II: TRÁCH NHIỆM CỦA CỔ ĐÔNG NƯỚC NGOÀI TẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG VIỆT NAM
Điều 17. Cổ đông nước ngoài có trách nhiệm: thực hiện đúng đắn bản đăng ký và cam kết góp vốn; cam kết tôn trọng pháp luật Việt Nam và thừa nhận điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Điều 18. Trường hợp thừa kế hoặc sau thời gian 5 năm kể từ ngày góp vốn, cổ đông nước ngoài mới được chuyển nhượng cổ phần.
Điêu 19. Cổ đông nước ngoài chỉ được tham gia Hội đồng quản trị với số người nhiều nhất tương ứng với tỷ lệ vốn góp của tất cả các cổ đông nước ngoài so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, song không được giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Điêu 20. Cổ dông thể nhân hoặc người đại diện của pháp nhân nước ngoài, không được tham gia thành viên Hội đồng quản trị quá hai tổ chức tín dụng Việt Nam.
Điều 21. Trường hợp cổ đông nước ngoài giữ chức vụ tổng giám đốc (Giám đốc) thì Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) thứ nhất phải là người Việt Nam, Quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam.
Mục III: TRÁCH NHỆM CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CÁC CẤP
Điều 22. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính là đơn vị tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ các bước theo các Điều 13, 14, 15, 16 của bản Quy định này.
Điều 23. Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận đây đủ, đúng thủ tục các văn bản thuộc hồ sơ của mỗi bước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kèm hồ sơ theo quy định.
Điều 24. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại mục I chương này, Vụ trưởng Vụ các Định chế tài chính có trách nhiệm trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp giấy chấp thuận nguyên tắc, giấy chấp thuận tăng vốn điều lệ, chuẩn y vốn điều lệ mới cho tổ chức tín dụng.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 25. Giấy chấp thuận nguyên tắc, giấy chấp thuận tăng vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng chỉ có giá trị trong năm tài chính.
Điều 26. Trường hợp phát hiện tài liệu thuộc hồ sơ có sự man trá, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định tại Điều 47 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính.
Điều 27. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của bản quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.