Quyết định số 526-BYT/QĐ ngày 10/06/1993 của Bộ trưởng Bộ Y tế Về chế độ trách nhiệm của y tá trong việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 526-BYT/QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 10-06-1993
- Ngày có hiệu lực: 10-06-1993
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-03-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6473 ngày (17 năm 8 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-03-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 526-BYT/QĐ | Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 526-BYT/QĐ NGÀY 10 THÁNG 6 NĂM 1993 BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA Y TÁ TRONG VIỆC CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TẠI BỆNH VIỆN
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Thực hiện thông báo số 56/TB ngày 6/3/1993 của Văn Phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc về công tác y tế.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh.
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ quản lý sức khoẻ - Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về chế độ trách nhiệm của Y tá trong việc chăm sóc bệnh nhân tại các Viện có giường bệnh, bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh (gọi chung là các bệnh viện).
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3: Ông Vụ trưởng Vụ quản lý sức khoẻ - Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định này trong các bệnh viện.
Điều 4: Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ quản lý sức khoẻ và các vụ có liên quan trong cơ quan Bộ Y tế, Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện tỉnh, thành phố, quận, huyện, bệnh viện các ngành chịu trách nhiệm tổ chức việc thực hiện quyết định này.
| Nguyễn Trọng Nhân (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA Y TÁ TRONG VIỆC CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TẠI BỆNH VIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 526/BYT-QĐ ngày 10/6/1993)
Chương 1
BỆNH NHÂN ĐẾN KHÁM VÀ NHẬP VIỆN
Điều 1: Khi bệnh nhân đến khám bệnh, y tá có trách nhiệm phải tiếp đón và ghi vào sổ đăng ký, lấy mạch nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, cân nặng, phân loại bệnh và hướng dẫn bệnh nhân vào phòng đợi để chờ bác sĩ khám, ưu tiên bệnh nhân nặng khám trước, bệnh nhân cấp cứu phải được sơ cứu và đưa thẳng đến khoa cấp cứu để điều trị kịp thời.
Điều 2: Sau khi được bác sĩ khám xác định cần phải vào điều trị, y tá hướng dẫn bệnh nhân làm các thủ tục nhập viện, trực tiếp đưa, hộ tống bệnh nhân đến khoa, phòng điều trị, không để bệnh nhân và người nhà phải tự tìm đến khoa phòng điều trị.
Điều 3: Bệnh nhân khi đến khoa, phòng điều trị, y tá trưởng phải nhận bàn giao bệnh nhân với y tá phòng khám và tiếp nhận bệnh nhân vào khoa.
Điều 4: Y tá trưởng phải phổ biến nội quy bệnh viện, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các trang bị buồng bệnh, bao gồm:
a. Giường bệnh, tủ đầu giường.
b. Khu tắm, vệ sinh.
c. Giờ khám bệnh, điều trị.
d. Giờ người nhà vào thăm.
e. Quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh.
Điều 5: Bệnh nhân khi nhập viện được tắm hoặc lau, rửa và mặc quần áo bệnh viện. Nếu bệnh nhân nặng không tự làm được thì y tá phải trực tiếp giúp đỡ bệnh nhân.
Điều 6: Khi bệnh nhân nhập viện, y tá phải lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp, và mời bác sĩ đến khám và điều trị kịp thời. Trường hợp bệnh nặng, cấp cứu y tá phải xử trí khẩn trương và mời bác sĩ đến khám, điều trị ngay cho bệnh nhân, mọi thủ tục hành chính sẽ làm sau khi bệnh nhân ổn định nhập viện.
Chương 2
BỆNH NHÂN NẰM VIỆN
Điều 7: Trong những giờ đầu bệnh nhân nhập viện, y tá phải theo dõi, xác định những khó khăn, nhận định những nhu cầu và lập kế hoạch chăm sóc thích hợp.
Điều 8: Hàng ngày y tá phải theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh tật của bệnh nhân, ghi nhận những thông số chung như: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở trước khi bác sĩ đến khám bệnh, thường ghi 2 lần/ngày. Trường hợp bệnh nặng, cấp cứu cần phải theo dõi thường kỳ, định kỳ các thông số trên theo yêu cầu của bác sĩ kèm theo các dấu hiệu, triệu chứng toàn thân như: Tình trạng tinh thần, tri thức, lượng dịch ra vào và các chất thải (chất nôn, nước tiểu, mồ hôi...) cơn đau...
Điều 9: Y tá dùng thuốc cho bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ những quy định:
a. Thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.
b. Dùng thuốc đúng theo chỉ định của thầy thuốc.
c. Giải thích cho bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân: Tên thuốc, liều lượng, tác dụng và cách sử dụng ..
d. Thực hiện đúng qui chế chuyên môn, qui trình kỹ thuật về dùng thuốc.
f. Đảm bảo vệ sinh vô khuẩn.
h. Bàn giao thuốc tỷ mỷ giữa các ca, kíp, có sổ sách biên nhận.
Điều 10: Đối với bệnh nhân được chỉ định truyền dịch, truyền máu, y tá phải:
a. Có y tá theo dõi sát sao trong khi truyền dịch bên giường bệnh nhân.
b. Ghi các thông số theo dõi và treo phiếu truyền trên chai dịch.
c. Tốc độ truyền dùng theo chỉ định của thầy thuốc.
d. Xử lý kịp thời khi bị tắc kim, chệch ven hoặckhi bệnh nhân bị shock, ngừng truyền và mời ngay thầy thuốc đến xử lý.
Điều 11: Y tá phải chăm sóc và đảm bảo vệ sinh cho bệnh nhân theo phân cấp hộ lý của người bệnh. Nếu bệnh nhân không tự làm được thì y tá phải trực tiếp giúp bệnh nhân thực hiện vệ sinh cá nhân bao gồm:
a. Tắm hoặc lau người 2 lần 1 tuần (mùa rét) hàng ngày (mùa nóng).
b. Vệ sinh răng miệng 2-3 lần trong ngày.
c. Chăm sóc da vùng bị tỳ, đè, thay đổi tư thế 2 giờ 1 lần, đối với bệnh nhân phải nằm lâu.
d. Xoa bóp, luyện tập theo chỉ định của thầy thuốc.
e. Thay đổi quần áo, đồ vải định kỳ và khi cần.
f. Vệ sinh giường chiếu, ga đệm hàng ngày.
g. Buồng bệnh sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng khí.
Điều 12: Bệnh nhân được y tá hướng dẫn ăn uống theo chế độ bệnh lý. Nếu bệnh nhân không tự ăn, uống được thì y tá trực tiếp cho bệnh nhân ăn, uống đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và hợp vệ sinh.
Điều 13: Y tá trưởng khoa đi buồng tiếp xúc bệnh nhân từ 1 đến 2 lần trong ngày để nắm tình hình bệnh tật và giải đáp thắc mắc, nguyện vọng của bệnh nhân nếu có. Y tá phụ trách thường xuyên có mặt trong buồng bệnh để tiếp xúc, nói chuyện và hỗ trợ bệnh nhân khi cần.
Điều 14: Trường hợp tình trạng bệnh nhân nặng lên, hoặc có dấu hiệu bất thường, y tá phải theo dõi, phát hiện kịp thời để báo ngay cho bác sỹ và khẩn trương thực hiện mọi y lệnh, cùng bác sĩ tích cực cấp cứu bệnh nhân với tinh thần cứu chữa đến cùng.
Điều 15: Y tá ghi chép chính xác, đầy đủ các thông số, dấu hiệu, triệu chứng đặc biệt cũng như nhận xét và các công việc đã thực hiện vào phiếu y tá để làm căn cứ bàn giao giữa các ca, kíp. Phiếu này được kèm vào hồ sơ khi bệnh nhân ra viện.
Điều 16: Khi bệnh nhân trong tình trạng hấp hối, y tá phải liên tục chăm sóc, theo dõi tìm mọi cách để giảm bớt đau đớn về thể chất, động viên tinh thần cho bệnh nhân và thân chủ, để cái chết được nhẹ nhàng thanh thản, khi bệnh nhân tử vong y tá phải thực hiện nghiêm túc các quy định về hành chính và chuyên môn.
Chương 3
BỆNH NHÂN RA VIỆN
Điều 17: Trước lúc ra viện bệnh nhân được y tá hướng dẫn kiến thức về bảo vệ sức khoẻ, biết cách tự theo dõi, tự chăm sóc và đề phòng bệnh tật. Nếu bệnh nhân tiếp tục phải điều trị ngoại trú và theo dõi sau khi ra viện thì y tá hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc và hẹn thời gian bệnh nhân phải đến khám lại.
Điều 18: Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và đến khi chuẩn bị ra viện nếu bệnh nhân có thắc mắc, khiếu nại, y tá phải giải thích và giải quyết thỏa đáng để bệnh nhân thoải mái và yên tâm trước khi ra viện.