Quyết định số 306/QĐ.UBT ngày 04/06/1993 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 306/QĐ.UBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Ngày ban hành: 04-06-1993
- Ngày có hiệu lực: 04-06-1993
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-03-2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4656 ngày (12 năm 9 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-03-2006
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 306/QĐ.UBT | TX. Vĩnh Long, ngày 04 tháng 6 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ TƯ PHÁP TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 30/6/1989;
- Xét đề nghị của ông Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Vĩnh Long.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Nay ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long.
Điều II: Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở - Ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có giá trị thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ TƯ PHÁP TỈNH VĨNH LONG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 306/QĐ.UBT ngày 04/6/1993 của UBND tỉnh Vĩnh Long).
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ngày 30/6/1989;
Nay Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tại các điều sau đây:
Điều I: Chức năng
Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong phạm vi tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.
Điều II: Nhiệm vụ và quyền hạn:
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất việc ban hành văn bản pháp quy của UBND tỉnh, lập chương trình xây dựng văn bản pháp quy hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh, hướng dẫn đôn đốc việc thực hiện chương trình đó sau khi được UBND tỉnh thông qua.
- Tham gia dự thảo các văn bản pháp quy, hệ thống hóa và rà soát văn bản pháp quy do UBND tỉnh ban hành. Đồng thời hướng dẫn các cơ quan cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện - thị xã về mặt nghiệp vụ trong công tác xây dựng văn bản.
- Thẩm tra tính hợp pháp các văn bản do UBND huyện - thị xã và các cơ quan Ban - ngành tỉnh ban hành. Kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản không phù hợp với luật của Nhà nước.
- Tổng kết tình hình ban hành và thực hiện văn bản pháp quy ở địa phương.
- Thực hiện việc ủy quyền của Bộ trưởng- Bộ Tư pháp về mặt tổ chức đối với Tòa án nhân dân cấp huyện - thị xã.
- Hướng dẫn áp dụng các quy chế về công tác quản lý Tòa án nhân dân địa phương do Bộ Tư pháp ban hành, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đó.
- Xây dựng kế hoạch biên chế lao động tiền lương hàng năm, phân bổ và quản lý việc thực hiện của Tòa án nhân dân huyện - thị xã theo quy định của Bộ Tư pháp.
- Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ Tòa án; về nhân sự thẩm phán Tòa án nhân dân, Hội thẩm nhân dân tổ chức thực hiện đúng theo luật định.
- Quản lý về mặt tổ chức Tòa án nhân dân huyện - thị xã hướng dẫn kiểm tra hoặc phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiểm tra về tổ chức và hoạt động thi hành án của chấp hành viên Tòa án nhân dân huyện - thị xã.
- Hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, quản lý công tác giám định tư pháp, quản lý công tác công chứng Nhà nước, tổ chức thực hiện công tác hộ tịch, chỉ đạo hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện - thị xã và xã phường - thị trấn thực hiện công tác hộ tịch. Thực hiện công tác lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
- Xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện.
- Đào tạo cán bộ pháp lý theo phân cấp của Bộ Tư pháp, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ - công nhân viên thuộc ngành và cán bộ trong cơ quan Nhà nước, Đoàn thể trong tỉnh.
- Làm tư vấn cho UBND tỉnh về các vấn đề pháp lý.
- Được UBND tỉnh ủy quyền về ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ tư pháp.
Điều III: Cơ cấu, tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp:
- Sở Tư pháp làm việc theo chế độ Thủ trưởng, giúp việc cho Giám đốc Sở có từ 01 đến 02 Phó Giám đốc.
+ Giám đốc Sở: Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của đơn vị, vừa chỉ đạo công việc trọng tâm của ngành.
+ Phó Giám đốc Sở: Giúp việc cho Giám đốc chịu trách nhiệm một số mặt công việc do Giám đốc phân công. Được Giám đốc ủy quyền, thay mặt Giám đốc khi Giám đốc đi vắng để giải quyết công việc.
Giám đốc Sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành đã được quy định, tiến hành bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy và quy định chức năng, nhiệm vụ từng Phòng- Ban thuộc Sở, xây dựng chức danh cán bộ Phòng- Ban đó, bàn bạc thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tổ chức thực hiện.
Điều IV: Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở - Ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện-thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.