Quyết định số 118/QĐ-UB ngày 01/04/1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Về Bản quy định quản lý và bảo vệ đường thủy (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 118/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 01-04-1993
- Ngày có hiệu lực: 01-04-1993
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2009 ngày (5 năm 6 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-10-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/QĐ-UB | Long Xuyên, ngày 01 tháng 4 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG THỦY
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1989;
- Căn cứ quyết định số 1286/QĐ-GTTB ngày 17/7/89 của Bộ GTVT ban hành “Điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa”;
- Nhằm quản lý, bảo vệ hệ thống đường thủy tại địa phương về hướng dẫn thực hiện Điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định về quản lý, bảo vệ đường thủy tại địa bàn Tỉnh An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những văn bản ban hành trước đây về quản lý, bảo vệ đường thủy trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Giám đốc các Sở GTVT, Sở Tư pháp, Công an Tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, ra các văn bản hướng dẫn chuyên ngành cho các lực lượng quản lý, bảo vệ đường thủy, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 4. Các ông, Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp Tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình thi hành nghiêm chỉnh Quyết định này.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG THỦY TẠI ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo QĐ số: 118/QĐ-UB ngày 1/4/1993 của UBND Tỉnh AG)
Nhằm cụ thể hóa “Điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa” được ban hành kèm theo quyết định số 1286/QĐ-GTTB ngày 17/7/1989 của Bộ GTVT và đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ bảo vệ đường thủy nội địa trong điều kiện thực tế hệ thống đường thủy tại An Giang. Nay UBND Tỉnh quy định việc quản lý bảo vệ đường thủy tại địa bàn Tỉnh An Giang như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hệ thống đường thủy tại địa bàn Tỉnh An Giang được quy định trong bản quy định này bao gồm: các sông, cửa sông, kênh rạch, hồ chứa nước được sử dụng, khai thác vào mục đích vận tải, các công trình xây dựng nhằm duy trì và bảo vệ đường thủy; các phương tiện, thiết bị nhằm bảo đảm an toàn cho sự đi lại của các phương tiện vận tải đường thủy.
Điều 2. Hệ thống đường thủy phải được quản lý và bảo vệ tốt, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng con người, các phương tiện vận tải của Nhà nước, của các tổ chức và công dân.
Người sử dụng và khai thác hệ thống đường thủy bao gồm: cơ quan Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ hệ thống đường thủy.
Điều 3. Các cơ quan, đơn vị quản lý đường thủy theo chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hệ thống đường thủy tại các địa bàn Tỉnh. Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất do hành vi sai phạm của mình trong công tác quản lý đường thủy.
Điều 4. Mọi hành vi vi phạm các quy định trong bản quy định này và các văn bản pháp luật hiện hành, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương II
QUẢN LÝ ĐƯỜNG THỦY
Điều 5. Sở GTVT là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm quản lý hệ thống đường thủy tại địa bàn Tỉnh, có mối quan hệ thường xuyên với Đoạn quản lý đường sông số 5 (cơ quan Trung ương đóng tại địa phương) theo phân cấp quản lý.
Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý đường thủy:
1. Trách nhiệm:
a) Tổ chức khảo sát lập quy hoạch đầu tư khai thác và báo cáo hệ thống đường thủy bao gồm:
- Đường thủy nội địa thuộc trung ương quản lý (trong phạm vi Tỉnh).
- Đường thủy địa phương (do Tỉnh quản lý).
- Đường thủy chuyên dùng.
b) Có kế hoạch xây dựng phương án phao tiêu báo hiệu (mùa cạn và mùa lũ). Thiết lập hệ thống mốc cao độ, đoạn thủy chí phục vụ cho công tác đo đạc, theo dõi diễn biến luồng lạch và phục vụ cho xây dựng công trình liên quan đến đường sông.
c) Lập hồ sơ theo dõi sự ảnh hưởng đến giao thông đường thủy của tất cả các công trình, thiết bị, vật chướng ngại nằm trong phạm vi lòng sông, bãi sông.
d) Thực hiện việc xử lý các vật chướng ngại thiên nhiên hoặc vô chủ, thông báo đến các chủ có phương tiện chìm đắm, người quản lý các công trình thiết bị không còn tác dụng hoặc không sử dụng được nữa, về việc thu hẹp, di chuyển, thanh thải hoặc phá hủy theo thời hạn quy định.
e) Thường xuyên thông báo và chịu trách nhiệm về những thông báo luồng lạch trên hệ thống đường thủy.
f) Thực hiện mọi biện pháp nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thuận lợi, giữ gìn và nâng cấp hệ thống đường thủy.
g) Thường xuyên kiểm tra, xây dựng, điều chỉnh, sửa chữa và thay hệ thống báo hiệu đường thủy.
h) Tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành luật lệ giao thông đường thủy. Kết hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm luật lệ giao thông đường thủy.
2. Quyền hạn:
a) Nêu các yêu cầu có liên quan đến giao thông đường thủy, cấp và gia hạn giấy sử dụng, khai thác lòng sông, bãi sông theo sự phân cấp tại Điều 7 bản quy định này.
b) Cấm hoặc hạn chế giao thông trên các tuyến đường thủy trong các trường hợp cần thiết.
c) Đình chỉ việc thi công các công trình chưa có giấy phép hoặc xây dựng công trình, thiết bị không đúng nội dung cho phép, những việc đang làm xét thấy có thể ảnh hưởng đến luồng tàu chạy, đến công trình đường thủy hoặc đe dọa đến sự an toàn của con người và phương tiện.
d) Kiểm tra, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu công trình, thiết bị, công tác rà quét, dọn sạch lòng sông, bãi sông.
e) Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường thủy của các tổ chức và cá nhân.
Điều 7. Các công trình, thiết bị, vật cản dòng chảy xây dựng trong lòng sông, bãi sông, khoảng không vượt sông phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo sự phân cấp sau đây:
1. Các công trình cấp Nhà nước phải được Bộ GTVT cho phép bằng văn bản.
2. Các công trình, thiết bị loại vừa và nhỏ có tính chất sử dụng lâu dài như: cầu, cống, kè thủy lợi đường ống ngầm, dây điện qua sông, dây cáp ngầm, cầu phao, trạm thủy văn… phải được UBND Tỉnh cho phép bằng văn bản.
3. Các công trình, thiết bị có tính chất tạm thời như: cầu nổi, đăng đáy cá, chà cá, bè cá, các thiết bị nuôi, đánh bắt thủy sản khác, nhà cửa xây dựng tạm thời hoặc ít ảnh hưởng, các loại xáng khai thác cát, máy cắt xẻ gỗ, u xăng dầu, cần cẩu nổi… phải được Sở GTVT hướng dẫn nghiệp vụ và cho phép bằng văn bản.
Chương III
BẢO VỆ ĐƯỜNG THỦY
Điều 8. Bảo vệ phạm vi luồng tàu:
1. Trong phạm vi luồng tàu chạy, nghiêm cấm các tổ chức, đơn vị, lực lượng vũ trang và công dân:
a) Thiết lập hoặc thay đổi kết cấu, quy mô, kích thước các công trình, thiết bị, đăng đáy cá, bè cá, vật cản dòng chảy có tính chất lâu dài hoặc tạm thời khi chưa được phép của cơ quan quản lý đường thủy.
b) Neo đậu phương tiện trên đường đi, trừ những trường hợp cấp cứu, tai nạn hoặc xảy ra sự cố mất khả năng điều khiển phương tiện.
c) Khi nạo vét bùn, cát đã nạo vét không được để trong phạm vi luồng tàu.
d) Các hoạt động khác gây trở ngại an toàn giao thông.
2. Tất cả các phương tiện hoạt động trong phạm vi luồng tàu chạy phải chấp hành nghiêm chỉnh quy tắc an toàn giao thông đường thủy.
Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố gây trở ngại việc lưu thông và an toàn đường thủy, chủ phương tiện phải báo ngay cho:
- Cảnh sát giao thông đường thủy.
- Đội thanh tra - kiểm tra GTVT (Sở GTVT) để kịp thời giải quyết.
3. Tất cả các công trình, thiết bị được phép sử dụng khai thác trong phạm vi luồng tàu phải bảo đảm có đầy đủ hệ thống báo hiệu và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Điều 9. Khi sử dụng, khai thác lòng sông, bãi sông phải thực hiện đúng các quy định sau đây:
1. Phải được cơ quan quản lý đường thủy cho phép theo sự phân cấp được quy định tại Điều 7 bản quy định này.
2. Không được gây trở ngại hoặc làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.
3. Ở những khu vực lòng sông, kênh rạch luôn có thay đổi dòng chảy chỉ được xây dựng các công trình, thiết bị tạm thời. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Bộ GTVT.
4. Khi cần cải tạo, mở rộng đường thủy, tổ chức hoặc cá nhân đang sử dụng, khai thác vùng nước đó phải có biện pháp tránh gây thiệt hại cho việc cải tạo, mở rộng đường thủy hoặc có thể ngừng sử dụng, khai thác khi có yêu cầu của các cơ quan quản lý đường thủy.
5. Việc xử lý đối với những công trình, thiết bị xây dựng trước khi ban hành bản quy định này được thực hiện như sau:
a) Các công trình, thiết bị, nhà cửa, đăng đáy cá, bè cá… xây dựng trên sông, kênh rạch, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến sự lưu thông và an toàn giao thông thì được để lại; nếu xét thấy ảnh hưởng đến sự lưu thông và an toàn giao thông phải thu hẹp hoặc bắt buộc tháo gỡ, di dời.
b) Chủ công trình, thiết bị, đăng đáy cá, bè cá… thì lập hồ sơ xin phép gởi cho cơ quan có thẩm quyền theo sự phân cấp được quy định tại Điều 7 bản quy định này.
Điều 10. Việc bảo vệ công trình đường thủy:
1. Nghiêm cấm phá hoại, làm giảm tác dụng, lấy cắp vật liệu, kể cả vật liệu xây dựng dự phòng của các công trình đường thủy.
2. Nghiêm cấm các phương tiện vận tải neo đậu ở mái hoặc kết cấu của các công trình đường thủy, các cọc mốc thủy chí, móc đo đạc.
3. Không để vật liệu, các loại xe máy, thiết bị trên bờ kè để tránh gây sụt lở.
4. Nghiêm cấm dùng chất nổ để đánh bắt cá và các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến công trình.
Điều 11. Bảo vệ hệ thống báo hiệu đường thủy.
1. Nghiêm cấm các phương tiện vận tải neo đậu tại khu vực đặt hệ thống báo hiệu đường thủy.
2. Nghiêm cấm di chuyển, làm hư hại hoặc làm giảm tác dụng các báo hiệu đường thủy.
3. Nghiêm cấm việc lấy cắp báo hiệu và các thiết bị đèn báo hiệu.
4. Mọi công dân, chủ phương tiện vận tải khi phát hiện các công trình, vật chướng ngại, thiết bị không có báo hiệu hoặc đặt báo hiệu sai, bị hư hỏng phải báo ngay cho cơ quan quản lý đường thủy biết để xử lý kịp thời.
5. Trường hợp vô ý làm xê dịch, làm mất báo hiệu, người gây ra phải kịp thời điều chỉnh, sửa chữa hoặc đặt ngay báo hiệu đột xuất, tạm thời và báo ngay cho cơ quan quản lý đường thủy biết để kịp thời sửa chữa bổ sung.
6. Người vô ý làm mất mát, hư hỏng phải chịu mọi chi phí sửa chữa, bổ sung.
Người cố tình gây ra hư hỏng, thiệt hại hoặc lấy cắp báo hiệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 12. Bảo vệ công trình vượt sông trên không được quy định:
1. Các công trình vượt sông, kênh rạch trên không như: công trình xây dựng cầu, cáp điện, cáp thủy văn… phải có đủ chiều cao, chiều rộng, khoảng tỉnh không, đảm bảo cho phương tiện vận tải thủy đi lại an toàn, thuận lợi.
2. Trong khoảng thông thuyền của công trình, nghiêm cấm:
a) Các phương tiện neo đậu, khi có yêu cầu cần thiết neo đậu để làm việc phải được đơn vị chủ quản công trình và cơ quan quản lý đường thủy cho phép.
b) Để các vật cản nhô ra ngoài chân cầu, trụ cầu, dưới vàm cầu có thể gây nguy hiểm cho phương tiện đi lại.
c) Các hoạt động khác gây trở ngại, mất an toàn giao thông đường thủy.
3. Trong phạm vi 600m về phía thượng lưu và 300m về phía hạ lưu kể từ tim dọc của công trình vượt sông trên không, nghiêm cấm:
a) Neo đậu phương tiện.
b) Lập cơ sở neo buộc ở hai bên bờ.
c) Đậu, đỗ phương tiện như cầu tàu, bến cảng, lập xưởng đóng hoặc sửa chữa phương tiện thủy… Trường hợp đặc biệt phải được phép của cơ quan quản lý đường thủy, đơn vị chủ quản công trình và phải có biện pháp chống bứt neo, tuột cáp, hỏng máy… để trôi va vào công trình.
Điều 13. Công trình thủy lợi:
1. Khi xây dựng công trình thủy lợi phải bảo đảm các yêu cầu về giao thông đường thủy và an toàn của đường thủy. Việc xây dựng công trình thủy lợi và các công trình khác ngành chủ quản cần trao đổi, bàn bạc trước với ngành GTVT để kết hợp mục đích sử dụng của 2 ngành một cách hợp lý.
2. Đơn vị chủ quản hoặc chủ các công trình thủy lợi xây dựng trong lòng sông, bãi sông có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về bảo vệ đường thủy được quy định tại Điều 11 và Điều 16 bản quy định này.
Điều 14. Việc lập đăng, đáy cá, chà cá, bè cá và các thiết bị đánh bắt thủy sản khi được GTVT cho phép phải chấp hành các quy định sau đây:
1. Chấp hành sự hướng dẫn của cơ quan quản lý đường thủy về vị trí đặt đăng đáy cá, chà cá, bè cá, các thiết bị đánh bắt thủy sản… sau khi lập xong, chủ đăng đáy cá, bè cá… phải báo cho Sở GTVT kiểm tra.
2. Nghiêm cấm việc đăng đáy cá trong các trường hợp sau:
a) Cắm đáy cá trong phạm vi luồng tàu.
b) Cắm đáy theo kiểu chữ chi, cày răng lược.
c) Cắm đáy bịt luồng đi.
d) Cắm đáy sai vị trí cho phép.
Điều 15. Bảo vệ môi trường nước:
1. Nghiêm cấm các đơn vị, tổ chức và cá nhân quản lý, thi công công trình, thiết bị đổ chất thải xuống dòng sông, bãi sông gây ô nhiễm môi trường nước, làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đường thủy.
2. Trường hợp để xảy ra sự cố, các phương tiện bị chìm đắm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, chủ phương tiện phải có biện pháp giải quyết ngay và báo cho cơ quan quản lý đường thủy phối hợp giải quyết.
Điều 16. Tổ chức và cá nhân quản lý thi công công trình, thiết bị, sử dụng và khai thác lòng sông, bãi sông có trách nhiệm:
1. Thực hiện đúng nội dung cho phép của cơ quan quản lý đường thủy.
2. Bố trí đặt và quản lý hệ thống báo hiệu đường thủy theo hướng dẫn của cơ quan quản lý đường thủy cho đến khi các công trình, thiết bị không còn thi công, khai thác, sử dụng nữa.
3. Đề ra và thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong suốt thời gian thi công công trình, thiết bị và sử dụng lòng sông, bãi sông.
4. Trục vớt, rà vét các vật chướng ngại, các cấu kiện vật tư rơi vãi, tháo gỡ lán trại của công trình cũ trong phạm vi hoạt động giao thông, sử dụng, khai thác và kéo dài thêm về mỗi phía 300m.
5. Khi xảy ra tai nạn, sự cố gây thiệt hại cho công trình, phương tiện, thiết bị… trách nhiệm thuộc về bên nào thì bên đó chịu trách nhiệm bồi thường và chịu mọi chi phí giải quyết hậu quả.
6. Tổ chức, cá nhân quản lý, thi công công trình, thiết bị, vật chướng ngại và chủ các phương tiện vận tải thủy có thể tự thực hiện trách nhiệm của mình, nếu không có đủ điều kiện để thực hiện có thể thuê và chịu mọi chi phí thuế cơ quan quản lý hoặc các đơn vị khác có khả năng thực hiện giải quyết.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Các tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang và cá nhân sử dụng, khai thác đường thủy phải chấp hành nghiêm chỉnh bản quy định này và có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan quản lý đường thủy trong việc quản lý và bảo vệ đường thủy.
Điều 18. Các vi phạm về quản lý và bảo vệ đường thủy sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và quyết định số 83/QĐ-UB ngày 17/4/1990 của UBND Tỉnh về việc ban hành bản quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy.
Điều 19. Tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang và cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ đường thủy, có công phát hiện hoặc ngăn chặn những vi phạm về quản lý và bảo vệ đường thủy sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng của Nhà nước và của ngành GTVT.
Điều 20. Sở GTVT chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện bản quy định này, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra và xử lý các vi phạm về quản lý và bảo vệ đường thủy.