cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 53/CT-UB-NCVX ngày 13/12/1994 Về thực hiện chương trình hành động 16/CTHĐ-TU về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 53/CT-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 13-12-1994
  • Ngày có hiệu lực: 13-12-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1462 ngày (4 năm 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 53/CT-UB-NCVX ngày 13/12/1994 Về thực hiện chương trình hành động 16/CTHĐ-TU về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 53/CT-UB-NCVX

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 12 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 16/CTHĐ-TU.

Từ năm 1992 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện chương trình hành động Vì trẻ em với sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp, được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, đưa vào kế hoạch kinh tế xã hội của Ủy ban nhân dân các cấp và đã được Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các ngành, các đoàn thể phối hợp thực hiện ngày càng đồng bộ hơn. Sự quan tâm của gia đình, việc xã hội hóa và vận động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng phát triển. Kết quả chăm sóc bảo vệ và giáo dục trẻ em, các mô hình mới, có hiệu quả trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đã được mở rộng. Đáng kể là: Tỷ lệ tử vong, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi và 5 tuổi và tỷ lệ tử vong bà mẹ mang thai và sinh con giảm rõ rệt, vệ sinh môi trường và nguồn nước sạch được cải thiện tốt hơn. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ chuyển biến tích cực hơn (đã có 8 quận, huyện hoàn thành phổ cập GDTH và chống mù chữ). Số lượng và tỷ lệ học sinh các cấp tăng, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho trẻ em đặc biệt là trẻ em vùng sâu, ngoại thành được quan tâm hơn, cơ sở vật chất, văn hóa phẩm, loại hình nghệ thuật cho trẻ em được tăng cường. Chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sự hưởng ứng tích cực ở các ngành các cấp và các đoàn thể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở thành phố ta vẫn còn những mặt tồn tại, yếu kém, đáng kể là:

Số lượng trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thất bỏ học còn cao. Việc bảo vệ nhân phẩm trẻ em, việc ngăn chận tình trạng trẻ em gái bị lợi dụng tình dục chưa được quan tâm đúng mức, số hiện tượng người lớn ngược đãi lợi dụng trẻ em chưa được xử lý nghiêm minh. Các điều kiện vật chất phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, học hành cho trẻ em còn thiếu thốn, nhất là ở các vùng sâu, ngoại thành. Sự quan tâm đầu tư cho việc triển khai chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác truyền thông thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học và chương trình hành động Vì trẻ em chưa sâu rộng trong nhân dân. Ngoài ra, việc phối hợp, thông tin của các ngành với cơ quan chuyên trách của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thành phố và nhiều quận, huyện chưa thật chặt chẽ, đầy đủ và kịp thời. Tổ chức bộ máy chuyên trách ở Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em quận, huyện và phường, xã chưa thật sự ổn định, cán bộ chuyên trách một số nơi còn thiếu và yếu. Quy định về chế độ, chính sách cho đội ngũ này chưa cụ thể.

Để thực hiện chương trình hành động số 16/CTHĐ-TU của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TƯ của Ban Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị các ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã và đề nghị các đoàn thể, Mặt trận các cấp phối hợp thực hiện tốt những nội dung công việc sau đây:

1- Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố chủ động phối hợp các cơ quan liên quan:

- Chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện chương trình hành động Vì trẻ em năm 1994. Phong trào Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan ; bé khỏe, bé ngoan.

- Tiến hành ngay việc xây dựng chương trình hành động Vì trẻ em năm 1995 với các chỉ tiêu hết sức cụ thể, có công trình vì trẻ em kỷ niệm 20 năm giải phóng thành phố, giải phóng đất nước.

Các mục tiêu chính của chương trình hành động Vì trẻ em thành phố Hồ Chí Minh năm 1995.

Mục tiêu 1: Giảm tỷ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi, còn dưới 20 phần 1000.

- Giảm tỷ lệ chết của trẻ dưới 5 tuổi còn dưới 40 phần 1000.

Mục tiêu 2: Giảm tỷ lệ chết có liên quan đến việc mang thai và sinh con của phụ nữ còn dưới 0,3 phần 1000.

Mục tiêu 3: Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 20%.

Mục tiêu 4: Hết năm 1995 đạt định mức 120 dân/giếng trên tổng số 83 xã của 5 huyện ở ngoại thành, và 90% dân cư ở nội thành có đủ nước sạch để dùng.

Mục tiêu 5: Hoàn thành phổ cập GDTH cho trẻ từ 6- 14 tuổi và chống mũ chữ cho thanh thiếu niên từ 15-35 tuổi.

- 50% số quận, huyện triển khai chương trình phổ cập cấp 2.

Mục tiêu 6: 90% trẻ được chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có 50% trẻ được tham gia các hoạt động văn hóa TDTT.

- 100% quận, huyện có Nhà thiếu nhi hoặc điểm vui chơi giành cho trẻ em (trong Trung tâm TTN).

Mục tiêu 7: 100% trẻ diện chính sách, mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, khó khăn và 70% trẻ mồ côi cha hoặc mẹ có khó khăn được chăm sóc đỡ đầu.

- 70% trẻ khuyết tật được chăm sóc, phục hồi chức năng.

- 70% trẻ lang thang ở đường phố được chăm sóc, giáo dục.

2- Sở Văn hóa thông tin, các báo, đài TP, truyền hình, Sở Thể dục thể thao có kế hoạch:

- Mở nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác trẻ em, về Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ; công ước quốc tế về quyền trẻ em ; Luật phổ cập giáo dục tiểu học ; chương trình hành động Vì trẻ em ; các mô hình, cá nhân điển hình trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tổ chức các hoạt động sáng tác, các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em trên địa bàn thành phố nhất là các vùng nông thôn.

3- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 07 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cấp thành phố, quận, huyện và các phường, xã (theo tinh thần Nghị định số 118/CP của Chính phủ). Củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để có đủ cán bộ có năng lực, nghiệp vụ bổ sung cho cơ quan chuyên trách Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp, thực hiện chế độ chính sách đãi ngộ, khuyến khích thỏa đáng, tạo điều kiện về vật chất, biên chế bộ máy cho Báo Yêu trẻ hoạt động.

4- Các ngành, đoàn thể cần phát huy tốt hơn trách nhiệm của mình theo đúng quy định số 1939/VB-VX ngày 9/4/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ hơn thông tin đầy đủ, kịp thời với cơ quan chuyên trách Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp trong việc thực hiện CTHĐ Vì trẻ em năm 1995, nhất là trong việc thực hiện các chương trình quốc gia: Phòng chống suy dinh dưỡng và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chương trình giáo dục sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình… Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nếp sống lành mạnh cho trẻ em trong và ngoài nhà trường. Ngăn chặn các hành vi phạm pháp của trẻ em, đồng thời nghiêm trị các vi phạm quyền trẻ em hoặc lợi dụng, xúi dục trẻ em làm trái pháp luật.

6- Mở rộng việc vận động quỹ bảo trợ trẻ em, vận động các cá nhân hảo tâm, các tổ chức xã hội, kinh tế trong và ngoài nước đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất cho quỹ, góp phần tăng kinh phí tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các chương trình chăm sóc trẻ em thành phố.

7- Tăng kinh phí cho các chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt đối với chương trình phòng chống suy dinh dưỡng phổ cập giáo dục tiểu học và chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Vì tương lai và hạnh phúc của trẻ thơ, vì hạnh phúc của mỗi gia đình và phát triển của xã hội, đề nghị lãnh đạo các ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, các đoàn thể quan tâm và tích cực thực hiện có hiệu quả cao các nội dung chỉ đạo trên, có sơ, tổng kết và khen thưởng định kỳ và báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trang Văn Quý