cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 329/QĐ.UBT ngày 21/09/1992 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Vĩnh Long (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 329/QĐ.UBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Ngày ban hành: 21-09-1992
  • Ngày có hiệu lực: 21-09-1992
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-07-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5776 ngày (15 năm 10 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-07-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-07-2008, Quyết định số 329/QĐ.UBT ngày 21/09/1992 Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Vĩnh Long (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1155/QĐ-UBND ngày 15/07/2008 Về quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 329/QĐ.UBT

TX. Vĩnh Long, ngày 21 tháng 9 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 30/6/1989;

- Xét đề nghị của Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Nay ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Vĩnh Long (đính kèm bản quy định).

Điều II: Các ông: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các Sở- Ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện- thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có giá trị thi hành kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều II
- CT, PCT.UBT
- BLĐVP.UBT
- Các khối NC
- Lưu: 2.05.07

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cương

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 329/QĐ.UBT ngày 21 tháng 9 năm 1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long).

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Điều 1: Chức năng:

- Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh là cơ quan chuyên môn chịu sự chỉ đạo trực tiếp toàn diện của UBND tỉnh. Đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ.

- Ban Tổ chức Chính quyền có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chỉ đạo thực hiện thống nhất; về công tác tổ chức cán bộ và tổ chức bộ máy Hành chính - Sự nghiệp: Về xây dựng chính quyền các cấp và quản lý địa giới Hành chính trong phạm vi tỉnh.

Điều 2: Nhiệm vụ, quyền hạn:

1/ Xây dựng kế hoạch quy hoạch về công tác tổ chức cán bộ và bộ máy của các ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp huyện - thị xã và cơ cấu đúng theo quy định hiện hành của Hội đồng Bộ trưởng và hướng dẫn của Ban Tổ chức- Cán bộ của Chính phủ.

- Tham gia cùng với Thủ trưởng các Sở - Ban ngành tỉnh xác định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ tổ chức, chức danh viên chức, quy chế hoạt động và định biên lao động để các Sở - Ban ngành căn cứ vào đó trình Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt (qua Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh).

- Quản lý biên chế, theo dõi giám sát việc chi trả lương của các Sở- Ban ngành tỉnh, các huyện - thị xã bảo đảm đúng chính sách hiện hành của Nhà nước.

- Xét và đề nghị UBND tỉnh quyết định việc thành lập sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc những đơn vị thuộc Sở- Ban ngành cấp tỉnh thấy không còn phù hợp.

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi kiểm tra việc tổ chức thành lập và hoạt động của các Hội quần chúng đúng luật định.

- Hướng dẫn áp dụng thực hiện từng bước chức danh tiêu chuẩn Viên chức Nhà nước theo Trung ương quy định.

2/ Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định kế hoạch và quy chế về công tác cán bộ thuộc các cơ quan quản lý Hành chính Nhà nước và sản xuất kinh doanh trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng các Sở - Ban ngành tỉnh.

Những vấn đề thuộc về công tác cán bộ: Điều động, đề bạt, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, kỷ luật.v.v... của các Ngành và huyện thị xã. Ngành chủ quản phải trao đổi với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh trước khi quyết định theo phân cấp quản lý.

3/ Trợ lý trong công tác tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đúng luật.

4/ Quản lý địa giới hành chính; nghiên cứu về công tác phân vạch địa giới hành chính, hướng dẫn UBND các địa phương trong tỉnh lập các thủ tục phân vạch hoặc điều chỉnh địa giới hành chính theo yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa ở địa phương. Ban Tổ chức chính quyền chuẩn bị các văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét và đề nghị lên cấp trên chuẩn y theo thẩm quyền đã quy định về phân vạch địa giới hành chính.

Phối hợp các Ngành chức năng, các địa phương sưu tập địa danh, địa chỉ hành chính của tỉnh qua các thời kỳ hình thành và phát triển đơn vị hành chính.

5/ Giúp UBND tỉnh kiểm tra các Sở- Ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện - thị xã thực hiện các văn bản pháp quy của Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tổ chức cán bộ và bộ máy.

Điều 3: Tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của Ban:

- Ban Tổ chức Chính quyền làm việc theo chế độ Thủ trưởng. Giúp việc cho Trưởng ban có từ 01- 02 Phó trưởng Ban.

+ Trưởng Ban vừa chịu trách nhiệm chung vừa chỉ đạo công việc trọng tâm của Ban Tổ chức Chính quyền.

+ Các Phó trưởng Ban được Trưởng ban phân công một số công việc và là người thay mặt Trưởng Ban khi Trưởng Ban đi vắng để giải quyết công việc của Ban tổ chức.

- Về cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế dự kiến bố trí 18 lao động.

a/ Phòng Tổng hợp Hành chính (có các nhiệm vụ Hành chính Quản trị)

- Theo dõi tổng hợp tình hình công tác tổ chức, cán bộ và tổ chức bộ máy các Sở - Ban ngành tỉnh, các huyện- thị xã về cơ sở (hệ quản lý Nhà nước) xây dựng đề án dài hạn và ngắn hạn, kế hoạch công tác tháng, quý, 6 tháng, năm; làm báo cáo định kỳ và đột xuất tháng, quý, năm của Ban.

- Dự thảo các văn bản pháp quy của UBND tỉnh (Quyết định, điều động, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, chỉ thị, Nghị quyết về công tác củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy) văn bản hướng dẫn về chuyên môn của Ban.

- Làm công tác văn thư- lưu trữ, bảo vệ, bảo mật tài liệu của cơ quan.

- Quản lý tài sản và phương tiện hoạt động của cơ quan, ngăn ngừa lãng phí, tham ô tài sản, bảo quản sử dụng đúng mục đích có hiệu quả.

- Tiếp tân, phục vụ cho hoạt động bình thường của cơ quan, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng - Nhà nước đối với viên chức Nhà nước (trước hết là lương, chế độ công tác)...

Dự kiến bố trí: 07 lao động gồm các chức danh như sau:

- Trưởng Phòng phụ trách chung đi sâu làm công tác nghiên cứu tổng hợp, văn thư, lưu trữ...

- Phó trưởng phòng phụ trách công tác quản trị.

- 01 nhân viên đánh máy kiêm thủ quỹ.

- 01 Văn thư, in ấn tài liệu, tổng hợp.

- 01 Kế toán cơ quan kiêm đánh máy.

- 01 Tài xế, bảo vệ cơ quan.

- 01 Tạp vụ, cấp dưỡng.

b/ Khối xây dựng chính quyền: Dự kiến bố trí 04 lao động như sau:

- Trưởng khối phụ trách chung đi sâu công tác xây dựng chính quyền cơ sở và địa giới hành chính, thông tin nội bộ (viết tin ngắn để đăng trên báo điển hình tốt và công tác tổ chức của các đơn vị).

- 03 cán bộ chuyên viên làm công tác xây dựng chính quyền phải có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và qua Trường quản lý Nhà nước tỉnh hoặc học viện hành chính Quốc gia.

c/ Khối tổ chức bộ máy và cán bộ: (kể cả các tổ chức quần chúng " nếu

có") Dự kiến bố trí 05 lao động:

Trưởng khối quản lý theo dõi tổ chức bộ máy và thực hiện quỹ tiền lương: tháng, quý, năm.

Có thể từ 03 đến 04 cán bộ chuyên viên.

Tiêu chuẩn cán bộ phải thật sự có năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống và có năng lực tổng hợp làm được văn bản trong phạm vi công việc mình phụ trách giúp Trưởng ban...

Điều 4: Chế độ làm việc, Trưởng ban lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của cơ quan, (khi Trưởng ban đi vắng Phó Trưởng ban thay mặt Trưởng ban điều hành công việc cơ quan) giữ mối quan hệ với Giám đốc Sở - Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã.

Trưởng Phòng Tổ chức hoặc chuyên viên làm công tác tổ chức các Sở - Ban ngành tỉnh, huyện- thị xã phải báo cáo công tác tổ chức tháng, quý, năm cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh theo định kỳ kể cả báo cáo đột xuất những vấn đề liên quan tổ chức cán bộ.

Điều 5: Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các Sở - Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã chịu trách nhiệm thi hành quy định nầy.