Quyết định số 2252/QĐ-UB ngày 04/09/1992 Về việc kiện toàn tổ chức cơ quan Trọng tài kinh tế thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2252/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 04-09-1992
- Ngày có hiệu lực: 04-09-1992
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2177 ngày (5 năm 11 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2252/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 9 năm 1992 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC CƠ QUAN TRỌNG TÀI KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh Trọng Tài kinh tế ngày 1/10/1990;
Căn cứ yêu cầu kiện toàn tổ chức và sắp xếp bộ máy, biên chế HCSN các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo Chỉ thị 24/CT-UB ngày 12/7/1991 của Ủy ban nhân dân thành phố;
Xét đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố và Trưởng ban Tổ chức Chánh quyền thành phố;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay kiện toàn tổ chức cơ quan Trọng tài kinh tế thành phố. Trọng tài kinh tế thành phố là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có chức năng giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế, quản lý Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế và chỉ đạo nghiệp vụ đối với Trọng tài kinh tế cấp dưới.
Trọng tài kinh tế thành phố thực hiện giám sát, xét kháng cáo, thi hành quyết định trọng tài và quản lý đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, Công ty theo quy định của pháp luật.
Trọng tài kinh tế thành phố chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác, tổ chức, biên chế đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ của Trọng tài kinh tế Nhà nước. Trọng tài kinh tế thành phố có tư cách pháp nhân, dự toán kinh phí độc lập, có con dấu riêng và tài khoản ngân hàng theo quy định của Nhà nước.
Điều 2. Tổ chức cơ quan Trọng tài Kinh tế thành phố do một Chủ tịch phụ trách, có các Phó Chủ tịch và Trọng tài viên giúp việc.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch được kiêm nhiệm Trọng tài viên khi cần thiết.
Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm với sự thoả thuận của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước; Phó Chủ tịch và trọng tài viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố.
Các chức danh khác của cơ quan do Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố bổ nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.
Điều 3. Bộ máy cơ quan Trọng tài kinh tế thành phố gồm có:
- Phòng nghiệp vụ
- Phòng pháp chế, giám sát, xét kháng cáo
- Phòng thi hành quyết định trọng tài
- Phòng đăng ký kinh doanh
- Phòng hành chánh – quản trị - tổ chức (bao gồm công tác tổng hợp)
Các phòng cần bố trí cán bộ có năng lực, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực.
Việc thành lập sát nhập, giải thể các phòng phải được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 4. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế thành phố.
Bãi bỏ quyết định số 15/QĐ-UB ngày 3/2/1982 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế thành phố và các văn bản của thành phố trước đây trái với quyết định này.
Điều 5. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Tổ chức Chánh quyền thành phố, Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 2252/QĐ-UB, ngày 4 tháng 9 năm 1992 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương I:
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Trọng tài kinh tế thành phố là cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có chức năng giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế, quản lý Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế, và chỉ đạo nghiệp vụ đối với Trọng tài kinh tế cấp dưới.
Trọng tài kinh tế thành phố thực hiện giám sát, xét kháng cáo, thi hành quyết định trọng tài và quản lý đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, Công ty theo quy định của pháp luật.
Trọng tài kinh tế thành phố chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác, tổ chức, biên chế đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ của Trọng tài kinh tế Nhà nước.
Trọng tài kinh tế thành phố có tư cách pháp nhân, dự toán kinh phí độc lập, có con dấu riêng và có tài khoản ngân hàng theo quy định của Nhà nước.
Điều 2. Trọng tài kinh tế thành phố có nhiệm vụ, quyền hạn:
1- Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế theo quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế, các văn bản pháp quy của Hội đồng Bộ trưởng, Trọng tài kinh tế Nhà nước và các quy định có liên quan.
2- Kết luận và xử lý các hợp đồng kinh tế trái pháp luật qua kiểm tra hay do yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, đối tượng có liên quan đến hợp đồng kinh tế.
3- Xét kháng cáo các quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, quyết định xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế cấp dưới.
4- Giám sát các quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, quyết định xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của các Trọng tài viên thuộc Trọng tài kinh tế thành phố và Trọng tài kinh tế cấp dưới.
5- Thi hành các biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định Trọng tài đã có hiệu lực nhưng không được các bên có liên quan thi hành.
6- Tổ chức đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều chỉnh, bổ sung đăng ký kinh doanh theo luật định cho các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và các Công ty.
7- Tuyên bố và xử lý phá sản các doanh nghiệp tư nhân, Công ty theo luật định.
8- Là thành viên các Ban, Hội đồng có liên quan đến chức năng Trọng tài kinh tế do Ủy ban nhân dân thành phố chỉ định.
9- Đào tạo, bồi dưỡng pháp luật về hợp đồng kinh tế trong ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc các thành phần kinh tế.
10- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
11- Thực hiện các nhiệm vụ do Trọng tài kinh tế Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao khi cần thiết.
Chương II:
TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ TP
Điều 3. Trọng tài kinh tế thành phố do một Chủ tịch phụ trách, có các Phó Chủ tịch và các Trọng tài viên. Chủ tịch và Phó Chủ tịch được làm nhiệm vụ Trọng tài viên khi cần thiết.
Phó Chủ tịch do Chủ tịch phân công theo từng khối công việc cụ thể, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và cấp trên về những phần việc phụ trách.
Trọng tài viên có nhiệm vụ giải quyết đúng pháp luật tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật về chế độ hợp đồng kinh tế.
Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm với sự thoả thuận của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước. Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố và Trọng tài viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố.
Nếu Trọng tài viên của Trọng tài kinh tế thành phố có sai phạm nghiêm trọng thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố có quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định xử lý kỷ luật.
Các chức danh khác của cơ quan do Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố bổ nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.
Điều 4. Bộ máy cơ quan Trọng tài kinh tế thành phố gồm có các phòng nghiệp vụ chuyên môn:
- Phòng nghiệp vụ
- Phòng pháp chế, giám sát, xét kháng cáo
- Phòng thi hành quyết định trọng tài
- Phòng đăng ký kinh doanh
- Phòng Hành chánh – quản trị - tổ chức (bao gồm công tác tổng hợp)
Các phòng cần bố trí cán bộ có năng lực, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực.
Việc sát nhập, bổ sung các phòng chuyên môn phải được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Chương III:
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ THÀNH PHỐ:
Điều 5. Trọng tài kinh tế thành phố chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác, tổ chức, biên chế, kinh phí ngân sách và sự chỉ đạo của Trọng tài kinh tế Nhà nước về nghiệp vụ; có trách nhiệm báo cáo định kỳ các mặt hoạt động cho Ủy ban nhân dân thành phố và Trọng tài khinh tế Nhà nước.
Trọng tài kinh tế thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố trong công tác thu thập, thông tin có liên quan đến hoạt động kinh tế của các đơn vị cơ sở thuộc các ngành trong việc giải quyết tranh chấp hoặc xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế; quan hệ với các cơ quan nội chính (Công an, Toà án, Viện Kiểm sát, Thanh tra Nhà nước) để phối hợp thực hiện điều tra, phát hiện các vấn đề có liên quan hình sự, phối hợp tổ chức các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định trọng tài kinh tế đã có hiệu lực nhưng không được các bên thi hành theo quy định của Nhà nước.
Trọng tài kinh tế thành phố phối hợp với chính quyền địa phương quận, huyện để thực hiện tốt việc kiểm tra các đơn vị kinh tế trực thuộc quận, huyện trong việc ký kết, giao dịch hợp đồng kinh tế có dấu hiệu trái pháp luật và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, vốn trong khi đang thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế.
Chương IV:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Điều 6. Căn cứ vào quy chế này, Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố có trách nhiệm cụ thể hóa thành chương trình hoạt động, tổ chức các phòng và bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát huy tốt nhiệm vụ theo luật định.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành lãnh vực mình, có biện pháp phối hợp thực hiện đúng theo quy chế này.
Điều 7. Bản quy chế này được Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh khi cần thiết theo đề nghị của Trọng tài kinh tế thành phố và các sở ngành có liên quan.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ