cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 102/BXD-GĐ ngày 15/06/1992 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Về Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 102/BXD-GĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Ngày ban hành: 15-06-1992
  • Ngày có hiệu lực: 15-06-1992
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-1995
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1111 ngày (3 năm 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-1995
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-1995, Quyết định số 102/BXD-GĐ ngày 15/06/1992 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Về Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 20/BXD-GĐ ngày 10/06/1995 Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/BXD-GĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

 ĐIỀU LỆ

(Ban hành kèm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ xây dựng số 102/BXD-GD ngày 15-6-1992)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Yêu cầu cơ bản của công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng:

Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng là một khâu quan trọng trong quản lý xây dựng cơ bản, nhằm làm cho công trình xây dựng thoả mãn các tính năng cụ thể phải có về bảo đảm hiệu quả đầu tư, tính ổn định, an toàn, tiện nghi, thẩm mỹ, môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc cơ bản của công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng:

1. Phòng ngừa không để các vi phạm chất lượng phát sinh.

2. Thể hiện trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị xây dựng đến xây lắp, đưa công trình vào sản xuất, sử dụng.

3. Phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng, không để gây sự cố làm thiệt hại về người và của.

4. Nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, gắn lợi ích kinh tế với trách nhiệm của mọi thành viên có liên quan đến xây dựng công trình trong khâu đảm bảo chất lượng công trình.

Điều 3. Nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

A. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

1. Tổ chức cơ quan thích hợp để quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2. Ban hành hoặc trình nhà nước ban hành các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, quy định việc áp dụng TCVN và các tiêu chuẩn nước ngoài liên quan đến chất lượng công trình xây dựng.

3. Thanh tra, kiểm tra, giám định Nhà nước và là trọng tài giải quyết các tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng.

4. Quản lý Nhà nước các hoạt động về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

5. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và thông tin nghiệp vụ về chất lượng công trình xây dựng.

B. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT

1. Có tổ chức thích hợp để kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, công trình xây dựng một cách có hệ thống.

2. Các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, hàng hoá, thiết bị dùng trong các công trình xây dựng chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và quản lý chất lượng theo quy định của Nhà nước.

3. Các đơn vị khảo sát, thiết kế, xây lắp phải có quy trình quản lý chất lượng sản phẩm phù hợp, chịu trách nhiệm trước pháp luật về phần việc của mình trong công trình xây dựng, phải quy định thời gian bảo hành. Quá trình đưa công trình vào sử dụng, sản xuất, nếu có sự cố lớn trong lúc tuổi thọ công trình vẫn còn, các đơn vị khảo sát, thiết kế, xây lắp vẫn bị truy cứu trách nhiệm nếu nguyên nhân sự cố đó là do vi phạm chất lượng khảo sát, thiết kế, xây lắp gây ra.

4. Các đơn vị là chủ đầu tư công trình xây dựng:

a) Công trình thuộc sở hữu Nhà nước - Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng một cách toàn diện. Nếu không đủ trình độ về kỹ thuật xây dựng phải thuê tổ chức (hoặc cá nhân) có đủ điều kiện chuyên môn để quản lý chất lượng công trình.

b) Công trình thuộc các sở hữu khác. Chủ đầu tư nếu không đủ trình độ về kỹ thuật xây dựng phải thuê tổ chức (hoặc cá nhân) có đủ điều kiện chuyên môn thực hiện xây dựng và quản lý chất lượng công trình. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về thủ tục xây dựng bảo vệ môi trường, an toàn cho người và phòng chống cháy.

Điều 4. Công trình đạt tiêu chuẩn chất lượng xây dựng để được nghiệm thu, cấp giấy sử dụng, phải có đủ các yêu cầu tối thiểu sau:

1. Hồ sơ nghiệm thu chất lượng từng phần việc và toàn bộ công trình, hồ sơ hoàn công; hồ sơ hướng dẫn sử dụng, giấy bảo hành, giấy phép đưa công trình vào sử dụng.

2. Công trình được xây dựng theo quy hoạch và các quy định trong giấy phép xây dựng.

3. Thiết kế kỹ thuật đúng quy trình quy phạm và đáp ứng yêu cầu của luận chứng kinh tế kỹ thuật, báo cáo kinh tế kỹ thuật được duyệt hoặc yêu cầu xây dựng đặt ra.

4. Vật liệu xây dựng, trang thiết bị đưa vào công trình phải đảm bảo chất lượng, đúng theo thiết kế quy hoạch.

5. Thi công xây lắp đúng tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật, đúng giấy phép xây dựng, đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt.

Điều 5. Phạm vi và đối tượng áp dụng bản điều lệ.

1. Phạm vi ở tất cả các công trình xây dựng, không phân biệt quy mô, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, không phân biệt nguồn vốn, hình thức đầu tư, hình thức sở hữu đều phải tuân thủ các quy dịnh của bản điều lệ này.

2. Đối tượng: áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, kể cả các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến hành nghề xây dựng ở Việt Nam.

Điều 6. Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, nghiêm cấm.

1. Mọi hành vi gian dối về chất lượng công trình xây dựng;

2. Sử dụng các têu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành đã hết hiệu lực, các tiêu chuẩn của nước ngoài khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Sử dụng những người không có chuyên môn, không đúng chuyên ngành để quản lý chất lượng công trình xây dựng.

4. Bàn giao đưa vào sử dụng từng bộ phận hoặc toàn bộ công trình khi chưa được nghiệm thu.

5. Mọi tổ chức, cá nhân không có giấy phép hành nghề thực hiện kinh doanh xây dựng (bao gồm khảo sát, thiết kế, xây lắp, kiểm tra kỹ thuật).

Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xây dựng công trình.

1. Tổ chức, cá nhân nào thực hiện phần việc nào thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình phần việc đó.

2. Tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc giám sát, kiểm tra đánh giá chất lượng công trình phần việc nào thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng công trình phần việc đó.

Chương 2:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

MỤC 1: BAN HÀNH VÀ ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN

Điều 8. Tiêu chuẩn xây dựng là văn bản pháp chế kỹ thuật, quy định quy cách, chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, kiểm định chất lượng sản phẩm xây dựng công trình xây dựng trong các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, xây lắp, nghiệm thu bàn giao và sử dụng công trình.

Điều 9. Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong xây dựng gồm tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn Việt Nam khuyến khích áp dụng.

1. Các tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng là tiêu chuẩn liên quan đến ổn định độ bền, tuổi thọ, an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy công trình.

Các tổ chức, cá nhân hành nghề xây dựng bắt buộc phải cam kết áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành (TCN) khi ký kết hợp đồng xây dựng với các chủ đầu tư công trình.

2. Các tiêu chuẩn khuyết khích sử dụng là tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, có các chỉ tiêu chất lượng cao hơn quy định của tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành.

3. Hai năm một lần Bộ Xây dựng công bố bằng văn bản danh mục các tiêu chuẩn Việt Nam , tiêu chuẩn ngành bắt buộc áp dụng trong xây dựng.

Trường hợp cần sử dụng tiêu chuẩn của nước ngoài phải được Bộ Xây dựng thoả thuận.

MỤC 2: QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC KHẢO SÁT, ĐO ĐẠC XÂY DỰNG

Điều 10. Mọi công tác khảo sát, đo đạc xây dựng phải thực hiện đúng phương án kỹ thuật đã được duyệt, đúng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn hiện hành. Báo cáo kỹ thuật khảo sát, đo đạc xây dựng phải được xét duyệt, nghiệm thu theo đúng quy trình kỹ thuật. Các mốc đo đạc, các hồ sơ tài liệu khảo sát đo đạc phải bảo vệ và lưu trữ đầy đủ, không được làm giảm độ chính xác ban đầu.

Điều 12. Nghiêm cấm những việc làm sau:

1. Khảo sát, đo đạc xây dựng không có giấy phép hành nghề hoặc đi mượn giấy phép hành nghề.

2. Sử dụng lại các kết quả khảo sát, đo đạc các số liệu đã có sẵn từ trước mà không dược kiểm tra, đánh giá lại.

3. Cung cấp các số liệu không trung thực, sửa chữa, tẩy xoá các số liệu, ghi chép tại hiện trường.

4. Trốn tránh kiểm tra, thẩm tra, xét duyệt tài liệu khảo sát xây dựng do Nhà nước quy định.

MỤC 3: QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THIẾT KẾ XÂY DỰNG

Điều 13. Đối với đơn vị thiết kế:

1. Thiết kế phải đáp ứng các yêu cầu đề ra trong luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) được duyệt và tuân theo quy trình, quy phạm định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn Nhà nước. Tất cả các điều đó phải được thể hiện cụ thể trong các hợp đồng thiết kế giữa các bên.

2. Công việc thiết kế, lập tổng dự toán phải được tiến hành theo đúng các quy định Điều 16, 17 của Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản theo Nghị định 385-HĐBT ngày 7-11-1990.

3. Phải tổ chức kiểm tra kỹ thuật, có dấu kiểm tra chất lượng thiết kế trước lúc giao hồ sơ, thực hiện đầy đủ quyền tác giả và chế độ giám sát tác giả. Đối với các công trình kỹ thuật phức tạp Bộ chủ quản đơn vị thiết kế phải tổ chức xét duyệt thiết kế theo các quy định hiện hành.

4. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải đảm bảo đủ các nội dung quy định phải kèm theo.

Điêu 14. Việc thẩm tra và xét duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình xây dựng phải được tiến hành theo phân cấp đã được quy định ở Điều 18 của Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản theo Nghị định 385-HĐBT và theo văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Điều 15. Chỉ tổ chức thiết kế mới có quyền sửa đổi thiết kế khi cần thiết nhưng các sửa đổi đó không được khác cơ bản với thiết kế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các thay đổi cũng phải qua thủ tục kiểm tra, xét duyệt theo quy định.

Điều 16. Nghiêm cấm những việc làm sau:

1. Thiết kế kỹ thuật mà không có tài liệu khảo sát, đo đạc hoặc dùng tài liệu khảo sát đo đạc không được xác thực; thiết kế các công trình chưa có luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật được duyệt.

2. Giao bản vẽ mà không qua kiểm tra chất lượng, không đủ dấu tự kiểm tra.

3. Gian dối trong việc tính tổng dự toán, Cố tình tính sai khối lượng, nâng đơn giá.

4. Trốn tránh kiểm tra, xét duyệt chất lượng thiết kế.

MỤC 4: QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TRONG CÔNG TÁC XÂY LẮP

Điều 17. Tổ chức xây lắp khi tiến hành công tác xây lắp phải được đảm bảo theo đúng thiết kế, quy trình, quy phạm tiêu chuẩn Nhà nước, theo đúng hợp đồng. Phải tổ chức kiểm tra chất lượng nội bộ, tạo điều kiện cho việc giám sát tác giả của phía thiết kế, giám sát kỹ thuật của chủ đầu tư.

Điều 18. Trong quá trính thực hiện hợp đồng tổ chức xây lắp phải:

1. Làm đầy đủ hồ sơ, sổ sách ghi chép, thí nghiệm, hồ sơ hoàn công theo đúng quy định.

2. Báo cáo với chủ đầu tư và cơ quan quản lý chất lượng xây dựng khi phát hiện các sai sót.

3. Có trách nhiệm, tổ chức kiểm tra tại chỗ lúc thi công bộ phận công trình ấn dấu, bộ phận có kết cấu phức tạp đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao.

4. Giữ gìn, bảo quản tốt bản vẽ thi công các hồ sơ kỹ thuật làm tài liệu hoàn công và lưu trữ.

Điều 19. Nghiêm cấm những việc làm sau:

1. Sử dụng các nguyên vật liệu, bán thành phẩm, máy móc, trang thiết bị kém phẩm chất, không phù hợp chủng loại hoặc không đủ số lượng theo quy định của thiết kế đưa vào công trình.

2. Không làm đủ thí nghiệm theo yêu cầu đối với các khâu công việc và sản phẩm, gian dối kết quả thí nghiệm.

3. Gian dối khối lượng, chất lượng trong thanh quyết toán.

4. Trốn tránh việc kiểm tra, thanh tra, nghiệm thu chất lượng xây lắp.

5. Thi công xây lắp các công trình chưa có thiết kế và dự toán được duyệt.

MỤC 5: NGHIỆM THU - BÀN GIAO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 20. Việc nghiệm thu và bàn giao công trình xây dựng giữa chủ đầu tư và tổ chức xây lắp phải làm ngay sau khi làm xong từng khâu công việc chủ yếu, từng bộ phận công trình từng hạng mục công trình hay toàn bộ công trình như Điều 32 Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản theo Nghị định 385-HĐBT và tiêu chuẩn Việt Nam đã quy định. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy phép sử dụng công trình khi công trình đã dược nghiệm thu, bàn giao hợp thức.

Điều 21.

1. Cho phép sử dụng tạm thời công trình hoặc một số hạng mục công trình trong các trường hợp sau:

a) Công trình tuy còn có số bộ phận chưa hoàn thành còn một số thiếu sót nhưng các bên thống nhất có thể cho tạm thời sử dụng nếu xét thấy không ảnh hưởng đến độ ổn định công trình, đến đây chuyền chung.

b) Hạng mục công trình đã được xây lắp xong đã được nêu trước trong hợp đồng xây lắp.

Trong mọi trường hợp, cần có sự nhất trí giữa chủ đầu tư, tổ chức xây lắp, tổ chức thiết kế cơ quan quản lý trực tiếp sử dụng công trình đó.

2. Việc sử dụng tạm thời cần có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền trong đó ghi rõ:

a. Thời hạn sử dụng tạm thời;

b. Các điều kiện cần đảm bảo và các việc sửa chữa cần tiến hành;

c. Thời hạn hoàn thành các điều kiện cần đảm bảo và các việc sửa chữa nêu trên.

3. Nếu công trình không đảm bảo các điều kiện hoặc sửa chữa như yêu cầu trong giấy phép thì cơ quan cho phép sử dụng có quyền thu giấy phép sử dụng tạm thời.

MỤC 6: QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH

Điều 22. Việc sử dụng công trình đã bàn giao phải theo đúng công năng và các yêu cầu đặt ra trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được tự ý thay đổi công năng hoặc cải tạo, mở rộng làm thay đổi cơ bản kiến trúc, kết cấu công trình.

Điều 23. Chủ công trình có trách nhiệm tổ chức quan trắc biến dạng công trình, thực hiện chế độ theo dõi, duy trì bảo quản sửa chữa công trình thường xuyên theo quy định đối với những công trình quan trọng và có kỹ thuật phức tạp.

Khi công trình xây dựng có sự cố, biến dạng hư hỏng cục bộ, sụp đổ, chủ công trình phải có văn bản ngay với cơ quan quản lý xây dựng sở tại theo quy định của Nhà nước để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân.

MỤC 7: ĐIỀU TRA, GIÁM ĐỊNH SỰ CỐ CÔNG TRÌNH

Điều 24. Tất cả các công trình xây dựng đang thi công, đã xây dựng xong hoặc đang sử dụng, khi xảy ra sụp đổ một bộ phận hoặc toàn bộ công trình không được tuỳ tiện thu dọn xoá bỏ hiện trường khi chưa làm xong các yêu cầu về thu thập, ghi chép, đo, chụp, làm tài liệu phục vụ việc điều tra, phân tích nguyên nhân sự cố và quy kết trách nhiệm theo quy định.

Việc điều tra, giám định sự cố công trình phải được tiến hành theo đúng quy định do Bộ Xây dựng ban hành.

MỤC 8: BẢO HÀNH VÀ BẢO HIỂM CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 25. Bảo hành công trình xây dựng:

- Tất cả công trình xây dựng không kể sở hữu, nguồn vốn quy mô đều phải được bảo hành ở tất cả các khâu (khảo sát, thiết kế, xây lắp) theo quy định của Nhà nước.

- Bảo hiểm công trình xây dựng:

Nhà nước khuyến khích áp dụng hình thức bảo hiểm công trình xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm xử lý kịp thời về mặt thủ tục pháp lý và tài chính cho các tổn thất sự cố xảy ra trong quá trình xây dựng và sử dụng công trình; gắn trách nhiệm lâu dài của các bên tham gia xây dựng với chất lượng công trình phòng ngừa tổn thất mất mát có thể xảy ra.

Chương I3:

HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 26. Hệ thống quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được quy định như sau:

1. Cục giám định thiết kế và xây dựng Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ cho các ngành và các đơn vị về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2. Sở xây dựng tỉnh, thành phố của Trung ương (gọi chung là tỉnh) có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh theo luật pháp quy định; hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và chỉ đạo nghiệp vụ cho các đơn vị tham gia quản lý, chất lượng công trình trên địa bàn địa phương.

Phòng Giám định thiết kế và xây dựng thuộc Sở xây dựng có trách nhiệm giúp Sở xây dựng thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn địa phương.

3. Các Bộ có nhiều công trình xây dựng quan trọng chuyên ngành phải tổ chức bộ phận chuyên trách để giúp Bộ trưởng theo dõi, quản lý chất lượng công trình xây dựng, các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành của các tỉnh (như giao thông, thuỷ lợi) phải có tổ chức quản lý chất lượng xây dựng chuyên ngành ở địa phương.

4. Bộ Xây dựng phối hợp với Uỷ ban Khoa học Nhà nước, các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh lập quy hoạch và tổ chức xây dựng mạng lưới phòng hoặc trung tâm thí nghiệm có đủ khả năng tham gia kiểm nghiệm trong hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 27. Phòng thử nghiệm kiểm định chất lượng được công nhận là phòng thử nghiệm có năng lực xác định một số chỉ tiêu về đặc trưng chất lượng của công trình xây dựng. Cục Giám định thiết kế và xây dựng Nhà nước phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Uỷ ban Khoa học Nhà nước để tổ chức việc công nhận các phòng thử nghiệm kiểm định chất lượng.

Điều 28. Bộ Xây dựng hàng năm công bố danh mục công trình quan trọng của Nhà nước bắt buộc phải đăng ký bảo đảm chất lượng công trình trước khi khởi công xây dựng. Nhà nước khuyến khích các tổ chức xây dựng đăng ký thường xuyên bảo đảm chất lượng công trình để nâng cao chất lượng sản phẩm ngành xây dựng.

Điều 29. Các cơ sở khoa học kỹ thuật thuộc các Bộ, ngành, địa phương, nếu có năng lực chuyên môn và thiết bị kỹ thuật được tham gia kiểm tra chất lượng công trình xây dựng theo luật pháp Nhà nước.

Điều 30. Tất cả các hợp đồng kinh tế trong xây dựng phải có điều khoản cam kết về chất lượng và ghi rõ đơn vị hoặc cá nhân người kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Điều 31. Hoạt động của hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng phải theo đúng luật pháp và đúng các quy định trong điều lệ này. Đơn vị hoặc cá nhân đảm bảo nhận phần việc quản lý nào theo phải chịu trách nhiệm phần việc đó. Các kết luận, xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng phải được thực hiện nghiêm túc; nếu xử lý sai, gây thiệt hại về kinh tế đơn vị (hoặc cá nhân) đó phải bồi thường và bị xử lý trước pháp luật.

Chương 4:

KIỂM TRA VÀ THANH TRA VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 32. Kiểm tra chất lượng công trình xây dựng có hai phần:

1. Kiểm tra của cơ sở do các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, khảo sát, thiết kế, xây lắp, chủ đầu tư tiến hành theo quy định.

2. Kiểm tra Nhà nước do các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng tiến hành.

Điều 33. Những công trình sau đây bắt buộc phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng ngay từ khi công trình bắt đầu xây dựng.

1. Công trình khi có sự cố sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người.

2. Công trình làm cho nước ngoài có tính chất quan trọng.

3. Công trình nước ngoài làm hoặc cùng làm với phía Việt Nam ở trong nước ở tính chất quan trọng.

Điều 34. Thanh tra Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước để thanh tra về việc chấp hành luật pháp về chất lượng công trình xây dựng; đề ra các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, chấm dứt các hành vi, vi phạm pháp luật về chất lượng công trình xây dựng.

Điều 35. Chế độ thanh tra Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng bao gồm:

1. Thanh tra định kỳ; được tiến hành theo quy định hoặc kế hoạch thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và thông báo trước cho cơ sở.

2. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình cần thiết hoặc để giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về chất lượng công trình xây dựng và không thông báo trước cho cơ sở.

Điều 36. Nội dung thanh tra Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là các nội dung kỹ thuật trong bản Điều lệ này và các quy định trong Pháp lệnh chất lượng hàng hoá.

Điều 37. Mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền khiếu nại với các cơ quan quản lý chất lượng công trình xây dựng và chính quyền các cấp về kết luận và biện pháp xử lý khi thanh tra chất lượng công trình xây dựng tại cơ sở mình nếu thấy không phù hợp. Quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cấp trên trực tiếp và các vấn đề kỹ thuật khi có hiệu lực phải được thi hành ngay.

Chương 5:

XỬ PHẠT CÁC VI PHẠM VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 38. Ngoài việc xử phạt về vi phạm chất lượng công trình xây dựng như đã nêu trong chương IV của Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản theo Nghị định 385-HĐBT còn bị xử phạt hành chính các vi phạm sau:

40.1. Phạm vào các điều bị nghiêm cấm đã nêu trong các Điều 6, 12, 16, 19, 22 sẽ bị phạt tiền.

Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

40.2. Không làm đúng các yêu cầu như đã nêu trong các Điều 18, 24, 33, 34 (về xây lắp, nghiệm thu và kiểm tra kỹ thuật chất lượng công trình) sẽ bị phạt tiền.

Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

40.3. Làm sai bất cứ điểm nào trong bản thiết kế đã được duyệt sẽ bị phạt tiền.

Từ 1.500.000 đến 2.000.000

40.4. làm sai bất cứ quy trình nào trong việc xét phê duyệt thiết kế sẽ bị phạt tiền.

Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Tiền nộp phạt khi vi phạm các quy định về chất lượng công trình xây dựng là tiền cá nhân hoặc tập thể liên quan, không được dùng vốn đầu tư hay công quỹ để nộp phạt.

Điều 39. Tổ chức hoặc cá nhân nhiều lần vi phạm các quy định về chất lượng công trình xây dựng ngoài xử lý phạt bằng tiền còn có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề kinh doanh xây dựng.

Bộ Xây dựng sẽ quy định rõ thẩm quyền, thủ tục xử phạt điều chỉnh mức phạt các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Điều lệ này có hiệu lực từ ngày ký.