cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 48-CNNG/KH ngày 08/02/1992 Ban hành Quy chế tạm thời về đấu thầu khai thác tài nguyên đá quý của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 48-CNNG/KH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp nặng
  • Ngày ban hành: 08-02-1992
  • Ngày có hiệu lực: 08-02-1992
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-CNNG/KH

Hà Nội, ngày 08 tháng 2 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 48-CNNG/KH NGÀY 8-2-1992 CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ ĐẤU THẦU KHAI THÁC TÀI NGUYÊN ĐÁ QUÝ"

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Căn cứ Nghị định số 130-HĐBT ngày 30 tháng 4 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng;
Căn cứ quyết định số 333-CT ngày 23 tháng 10 năm 1991của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tổ chức, quản lý các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò-khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quí;
Căn cứ ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Thông báo số 160-CN ngày 15 tháng 1 năm 1992 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và thoả thuận giữa tỉnh Nghệ An và Bộ Công nghiệp nặng ngày 27 tháng 1 năm 1992;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành "Quy chế tạm thời về đấu thầu khai thác tài nguyên đá quý" để áp dụng thí điểm trong việc tổ chức đấu thầu khai thác lô đất chứa đá quý thuộc xí nghiệp đá quý II của tỉnh Nghệ An do Bộ Công nghiệp nặng và UBND tỉnh Nghệ an phối hợp doanh định.

Điều 2: Các ông Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ Công nghiệp nặng, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước, Vụ trưởng các Vụ chức năng của Bộ Công nghiệp nặng và Thủ trưởng các đơn vị liên quan của tỉnh Nghệ An có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, tổ chức tốt việc đấu thầu để rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện quy chế này.

Điều 3: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi quy định khác với nội dung quy chế này đều không có hiệu quả pháp lý.

 

Trần Lum

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TẠM THỜI VỀ ĐẤU THẦU KHAI THÁC TÀI NGUYÊN ĐÁ QUÝ
(Ban hành kèm theo QĐ số 48-CNNG/KH ngày 08-2-1993)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1- Quy chế đấu thầu này quy định tạm thời về tổ chức và điều hành đấu thầu để thực hiện Quyết định số 333-CT ngày 23-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.

Nội dung đấu thầu trong quy định này là Nhà nước giao quyền khai thác các lô đất trong các vùng (mỏ) có triển vọng và tài nguyên đá quý và các khoáng sản đi cùng (nếu có) cho doanh nghiệp nào đóng góp tài chính nhiều hơn cho Nhà nước, có đề án khai và bảo vệ tài nguyên - môi trường tốt hơn so với doanh nghiệp khác.

Điều 2- Các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Công ty, theo Luật doanh nghiệp tư nhân, đều có quyền tham gia đấu thầu.

Điều 3- Căn cứ kết quả đánh giá tiềm năng đá quý ở các vùng (mỏ) cụ thể, Bộ Công nghiệp nặng khoanh các lô để đấu thầu. Ban đấu thầu khai thác đá quý do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ra quyết định thành lập, tổ chức việc đấu thầu.

Điều 4- Đặt giá "đấu thầu"

Đặt mức giá để đấu thầu trên cơ sở tính từ các khoản thu về thuế tài nguyên khoáng sản, tiền thuê sử dụng đất đai, thuế hoặc các khoản thu về bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự trị an ở ngoại vi vùng khai thác.

Chương 2

TỔ CHỨC, ĐIỀU KIỆN ĐẤU THẦU, THAM DỰ THẦU

Điều 5- Tổ chức đấu thầu theo từng đợt. Đơn vị diện tích lô đất cơ sở đấu thầu là 1 hecta (ha). Tuỳ theo điều kiện cụ thể, có thể chia nhỏ hơn hoặc gộp chung các lô.

Điều 6- Lô đất đưa ra đấu thầu phải xác định các thông số chủ yếu sau:

- Mức độ đánh giá kết quả điều tra địa chất, xếp hạng về độ chứa, chất lượng đá quý và các khoáng sản đi kèm (nếu có), trong lô.

- Các điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng.

- Mức giá để đấu thầu lô.

- Tỷ lệ nộp ngân sách lần đầu ngay sau khi trúng thầu, (không dưới 30% mức phải nộp đối với lô), thời hạn nộp xong toàn bộ.

- Thời hạn khai thác, hoàn trả đất đai.

- Bảo vệ môi trường.

Điều 7- các doanh nghiệp xin đăng ký dự thầu phải có các hồ sơ sau đây gửi ban đấu thầu:

- Đơn vị đấu thầu

- Đề án khai thác

- Các chứng từ xác nhận tính pháp lý của doanh nghiệp

Điều 8- Sau khi đơn dự thầu được chấp nhận và doanh nghiệp dự thầu phải nộp lệ phí dự thầu theo quy định, nộp lệ phí nghiên cứu tài liệu về địa chất, địa hình, địa mạo ở lô đất xin dự thầu để soạn thảo đề án khai thác.

Nếu doanh nghiệp cần đi khảo sát thực địa thì theo hướng dẫn của UBND địa phương nơi có mỏ và của Ban đấu thầu, nhưng phải tự chi phí.

Thời hạn nghiên cứu tài liệu, khảo sát lập đề án khai thác và bỏ phiếu dự thầu không quá 15 ngày kể từ ngày được chấp nhận đăng ký.

Chương 3

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA DOANH NGHIỆP TRÚNG THẦU

Điều 9- Doanh nghiệp trúng thầu trong thời hạn 10 ngày sau khi được thông báo trúng thầu có trách nhiệm nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền phải nộp lần đầu theo phiếu bỏ thầu. Số còn lại phải nộp đầy đủ và đúng thời hạn ghi trong quyết định trúng thầu.

Điều 10- Sau khi nộp xong khoản tiền phải nộp vào ngân sách, doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác theo văn bản"Quy định về thủ tục và cho phép khai thác tài nguyên đá quý" do Bộ Công nghiệp nặng ban hành cùng với quy chế này, được cấp quyền sử dụng đất đai.

Điều 11- Doanh nghiệp phải làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước về thuế theo luật định đối với sản phẩm đá quý thô khai thác, và các sản phẩm khác thu hồi được. (trừ thuế tài nguyên khoáng sản và tiền thuê đất).

Điều 12- Doanh nghiệp có quyền chủ động tổ chức sản xuất khai thác và chịu sự kiểm tra của Nhà nước theo các quy định ở điều 3, điều 4 của Quyết định 333-CT ngày 23-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các quy định hiện hành

Điều 13- Trường hợp có lý do chính đáng, doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất, doanh nghiệp có thể đề nghị với Nhà nước xem xét để xử lý theo các hướng dẫn riêng.

Chương 4

BAN ĐẤU THẦU KHAI THÁC ĐÁ QUÝ

Điều 14- Ban đấu thầu khai thác đá quý gồm đại diện có thẩm quyền của Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Tài chính, Trọng tài kinh tế Nhà nước, Bộ Nội vụ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh nơi có mỏ đá quý. Bộ Công nghiệp nặng là cơ quan chủ trì, Ban có thể mời một số chuyên gia kinh tế, kỹ thuật làm tư vấn.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Ban được quy định trong quyết định thành lập Ban đấu thầu khai thác đá quý ban hành cùng với quy chế này.

Chương 5

TIÊU CHUẨN XÉT CHỌN VÀ TỔ CHỨC XÉT CHỌN DOANH NGHIỆP TRÚNG THẦU

Điều 15- Tiêu chuẩn xét chọn doanh nghiệp trúng thầu.

- Mức cam kết đóng góp tài chính cho Nhà nước cao nhất so với mức giá đặt thầu ban đầu.

- Tỷ lệ nộp lần đầu vào ngân sách Nhà nước lớn.

- Thời gian khai thác và hoàn trả đất đai

Điều 16- Tổ chức xét chọn doanh nghiệp trúng thầu:

- Mở và xem xét công khai từng hồ sơ dự thầu trước các đại diện của các doanh nghiệp dự thầu.

- Trường hợp có nhiều hồ sơ bỏ thầu đạt tiêu chuẩn ngang nhau, Ban đấu thầu tổ chức gắp thăm để chọn doanh nghiệp trúng thầu.

Điều 17- Khi xét chọn xong doanh nghiệp trúng thầu, trong thời hạn 3 ngày, Ban đấu thầu phải ra quyết định trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để doanh nghiệp trúng thầu làm tiếp các thủ tục pháp lý cho việc chuẩn bị khai thác.

Chương 6

CÁC ĐIỀU KHOẢN KHÁC

Điều 18- Giấy phép khai thác cấp cho doanh nghiệp trúng thầu sẽ bị thu hồi nếu doanh nghiệp vi phạm một trong các điểm quy định trong điều 24 "Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản".

Điều 19- Mọi hành vi thông đồng, mua chuộc, hối lộ, làm lộ bí mật trong tổ chức đấu thầu bị xử lý theo pháp luật.

Điều 20- Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký và được áp dụng để đấu thầu khai thác đá quý trong các lô đất chọn thí điểm ở Nghệ An.