cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 337-HĐBT ngày 25/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Về biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 337-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 25-10-1991
  • Ngày có hiệu lực: 25-10-1991
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-10-1994
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 337-HĐBT

Hà Nội , ngày 25 tháng 10 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGOẠI TỆ TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu những vật tư, hàng hoá thiết yếu và chi trả dịch vụ của những tháng cuối năm 1991, đồng thời từng bước thiết lập trật tự trong quản lý ngoại hối theo hướng thực hiện Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Mọi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hoá và làm dịch vụ với nước ngoài, bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ ở trong nước, và các khoản thu khác của các tổ chức và đơn vị kể cả các nguồn thu của Bộ Tài chính, đều phải gửi vào tài khoản của mình tại Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ. Ngoại tệ gửi vào ngân hàng được hưởng lãi bằng ngoại tệ. Ngoại tệ của các tổ chức và đơn vị gửi tại Ngân hàng được sử dụng để:

- Chi trả tiền hàng nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại và Du lịch, trả dịch vụ cho nước ngoài, trả nợ vay ngân hàng và vay của nước ngoài, góp vốn vào xí nghiệp liên doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và chi trả các khoản khác ra nước ngoài theo quy định.

- Bán cho các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ hoặc bán tại trung tâm giao dịch ngoại tệ.

- Những tổ chức và đơn vị đã bán ngoại tệ cho ngân hàng, khi có nhu cầu ngoại tệ theo quy định trên, ngân hàng có trách nhiệm bán ngoại tệ cho tổ chức và đơn vị. Trường hợp đơn vị có yêu cầu chi lớn hơn số đã bán cho ngân hàng sẽ được ngân hàng xem xét đáp ứng trong khả năng ngoại tệ ngân hàng điều hoà được, hoặc ngân hàng mua hộ cho đơn vị tại các trung tâm giao dịch ngoại tệ.

Các đơn vị (trừ các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ) không được cho vay, thanh toán, mua bán, chuyển nhượng với nhau bằng ngoại tệ.

Điều 2. Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý việc mua bán ngoại tệ trong cả nước, qua các Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ và các trung tâm giao dịch ngoại tệ.

Điều 3. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ là tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố, trên cơ sở tỷ giá mua bán tại các trung tâm giao dịch ngoại tệ.

Điều 4. Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Du lịch lập cân đối thu chi ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu và chi trả nợ Nhà nước 3 tháng cuối năm 1991 (kể cả phần gối đầu kế hoạch 1992), và đề xuất các phương án xử lý trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định.

Bộ Thương mại và Du lịch kiểm tra chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu để làm cơ sở cho việc mua bán ngoại tệ.

Điều 5. Ngân hàng Nhà nước phải kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng ngoại tệ của các đơn vị, đồng thời tổ chức tốt các trung tâm giao dịch ngoại tệ và các quầy thu đổi ngoại tệ để phục vụ việc mua bán ngoại tệ một cách thuận lợi.

Điều 6. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Tài chính, xây dựng ngay các cơ chế: kế hoạch hoá xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý tài chính đối ngoại, ban hành đồng bộ với quy chế quản lý ngoại hối để thực hiện vào đầu năm 1992.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 8. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)