cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 40/CT-UB-NCVX ngày 03/10/1994 Về công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 40/CT-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 03-10-1994
  • Ngày có hiệu lực: 03-10-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1533 ngày (4 năm 2 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-12-1998, Chỉ thị số 40/CT-UB-NCVX ngày 03/10/1994 Về công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 6699/QĐ-UB-NC ngày 14/12/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội đã hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 40/CT-UB-NCVX

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 10 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC TIỂU HỌC VÀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ.

Mấy năm nay, thành phố nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục- đào tạo”, thực hiện Luật phổ cập giáo dục Tiểu học và công tác chống mù chữ. Nhìn chung sự nghiệp giáo dục đào tạo thành phố phát triển ổn định và có một số mặt đạt thành tích khá. Công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học có chuyển biến đạt kết quả, đã có 7/18 quận, huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học. Tuy nhiên, sự phát triển giáo dục đào tạo còn chậm, mặt bằng dân trí của thành phố còn thấp và tốc độ tăng chậm (trong thời kỳ 10 năm 1979- 1989 tăng 0,1 lớp - từ 5,1 lớp lên 5,2 lớp). Tình hình đó không tương xứng với nhịp độ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Thời gian tới, thành phố cần rất nhiều cán bộ quản lý giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao.

Để tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 16 của Đảng bộ thành phố, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đẩy mạnh tốc độ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố từ nay đến năm 2000. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị thực hiện công tác phổ cập giáo dục Tiểu học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (cấp 2) như sau :

1- Mục tiêu và chỉ tiêu :

Toàn thành phố tập trung sức phấn đấu hoàn thành công tác phổ cập giáo dục Tiểu học vào cuối năm 1995 ; đồng thời tiến hành công tác phổ cập giáo dục Trung học cơ sở nhằm hình thành một nguồn nhân lực trẻ có khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới. Hướng phấn đấu trước tiên là cần đảm bảo cho tuyệt đại đa số thanh thiếu niên từ 11 đến 16 tuổi được học hết bậc Trung học cơ sở để có thể học nghề hoặc tiếp tục học cao hơn.

Cụ thể :

- Các phường xã, quận huyện đã đạt tiêu chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục Tiểu học cần có kế hoạch ngay thực hiện phổ cập giáo dục Trung học cơ sở trên địa bàn địa phương.

- Quận huyện, phường xã chưa đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học phải có kế hoạch thật cụ thể tập trung nhiều biện pháp đồng bộ để quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 1995, đồng thời triển khai công tác phổ cập Trung học cơ sở. Trong từng quận, huyện nếu phường xã nào đã đạt xóa mù chữ- phổ cập Tiểu học thì chuyển sang thực hiện ngay kế hoạch phổ cập Trung học cơ sở, không chờ đợi nhau.

2- Nhiệm vụ của các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể :

- Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ trì phối hợp với ngành giáo dục đào tạo tổ chức việc điều tra nắm chắc danh sách, địa chỉ, trình độ học vấn của toàn bộ dân cư độ tuổi 6 đến 16 tuổi, đưa vào sổ sách, cập nhật ở Ủy ban nhân dân phường, xã.

- Đề nghị các đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân vận động hộ gia đình, cha mẹ tích cực đưa học sinh trong độ tuổi vào lớp học.

- Báo, đài, các cơ quan thông tin tuyên truyền có chương trình tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích việc học tập, đề cao quyền lợi và trách nhiệm học tập của mọi công dân.

- Sở Giáo dục đào tạo và Phòng Giáo dục có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp đề ra kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch công tác phổ cập Tiểu học, Trung học cơ sở đạt kết quả theo chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Ngoài những công tác chính và thường xuyên của ngành, cần thực hiện một số biện pháp sau đây :

+ Kết hợp kiểm điểm tổng kết công tác năm 1994 và xây dựng kế hoạch năm 1995, phối hợp với Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố, kiểm tra toàn bộ mạng lưới trường lớp để lập kế hoạch xây dựng, sửa chữa đảm bảo đủ trường, lớp thu nhận học sinh, hoàn thành chương trình tách cấp 1, không để trở lại lớp học ca 3.

+ Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, hoàn thành công tác sắp xếp, củng cố đội ngũ giáo viên đủ số lượng và nâng cao chất lượng, giải quyết dứt điểm tình hình thiếu giáo viên nhứt là thiếu giáo viên dạy cấp 1 và cấp 2.

+ Phát động các trường và thầy, cô giáo thi đua giữ sĩ số học sinh lớp mình, trường mình, hạn chế tối đa học sinh bỏ học, nghỉ học (tỷ lệ tối đa khoảng 3%).

3- Biện pháp đảm bảo :

- Các ngành, các cấp chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết định kỳ.

- Trên các mặt công tác và hoạt động giáo dục đào tạo đều quán triệt giải pháp xã hội hóa giáo dục nhằm huy động trí, lực của toàn xã hội ; quán triệt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo cho giáo dục.

- Về kinh phí, Sở Giáo dục đào tạo bàn với Sở Tài chánh đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chi kinh phí phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ và phát triển giáo dục để tăng nguồn kinh phí.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH
 



Trương Tấn Sang