Quyết định số 96-HĐBT ngày 05/04/1991 Ban hành bản Quy định về khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu và quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu của Hội đồng Bộ trưởng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 96-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 05-04-1991
- Ngày có hiệu lực: 20-04-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-04-1992
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 353 ngày (0 năm 11 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-04-1992
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 96-HĐBT | Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU
VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT, NHẬP KHẨU
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ kết luận của Hội đồng bộ trưởng về quản lý xuất, nhập khẩu trong phiên họp ngày 13-14 tháng 1 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy định về khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu và quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu để áp dụng từ năm 1991.
Điều 2. Bộ Thương nghiệp chủ trì cùng các Bộ, ngành có liên quan tổng kết công tác quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu trong các năm 1986-1991, chuẩn bị văn bản trình Hội đồng bộ trưởng xem xét quyết định việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, cơ chế quản lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu trong điều kiện mới.
Điều 3. Chậm nhất sau 15 ngày quyết định này được ban hành, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thi hành Quyết định này.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT HÀNG XUẤT KHẨU VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 96-HĐBT ngày 5-4-1991của Hội đồng Bộ trưởng)
Để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu và kinh doanh xuất nhập khẩu theo đúng pháp luật, bảo đảm phát triển sản xuất hàng hoá theo định hướng kế hoạch Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng quy định như sau:
I. ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT.
1. Các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu hoặc hàng cần khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu chiếm từ 70% trở lên trong tổng doanh thu thì được miễn thuế doanh thu theo điều 2 Luật thuế doanh thu. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng các Bộ Thương nghiệp và Tài chính bàn thống nhất quy định danh mục mặt hàng cần khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu này trong từng thời kỳ. Nếu các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu dùng lợi nhuận thu được để đầu tư thì được giảm thuế lợi tức như điều 22 Luật thuế lợi tức.
2. Ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay vốn hoặc bảo lãnh việc vay vốn đối với các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất hàng cần khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu để đầu tư chiều sâu, nhập vật tư, nguyên liệu... theo yêu cầu của sản xuất.
3. Những cơ sở có sản xuất sản phẩm mới thuộc nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của nền kinh tế, nếu gặp khó khăn do đổi mới công nghệ và mới bắt đầu sản xuất thì được xét trợ giá bảo đảm sản xuất không bị lỗ.
Nguồn để thực hiện việc trợ giá xuất khẩu gồm quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước và quỹ hỗ trợ kinh doanh của các ngành hàng sản xuất - xuất, nhập khẩu.
Bộ Thương nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng cơ chế hình thành, sử dụng và nguyên tắc trợ giá từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt trong quý 2 năm 1991.
Các hiệp hội xuất khẩu tự tổ chức, xây dựng quy chế lập và điều hành quỹ hỗ trợ kinh doanh các ngành hàng.
4. Những chủ đầu tư phục hồi những khoảnh đất hoang, rừng hoang, đồi trọc để xây dựng các vùng chuyên canh các loại cây, con, các loại đặc sản để xuất khẩu thì được ưu tiên hưởng quyền sử dụng ruộng đất và miễn giảm thuế theo Luật định.
5. Các tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu có đủ điều kiện về kinh doanh xuất, nhập khẩu thì Bộ Thương nghiệp phải ưu tiên cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu với mức lệ phí thấp nhất.
6. Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ tài chính và các ngành liên quan xây dựng sớm chính sách ưu đãi đối với ngành gia công hàng xuất khẩu trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng chậm nhất vào giữa quý 2 năm 1991.
7. Đối với các xí nghiệp có nước ngoài đầu tư, hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là các vùng chuyên canh xuất khẩu thì thực hiện theo Luật đầu tư và các văn bản khác có liên quan.
II. ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU.
1. NGân hàng sẽ ưu tiên xem xét cho vay vốn để các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu mua hàng hoá xuất khẩu, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, hàng nông sản trong những thời vụ thu hoạch .
2. Được giảm hoặc miễn thuế xuất khẩu đối với từng loại hàng xuất khẩu phù hợp với Luật thuế; những mặt hàng sản xuất ở nước ta xuất sang Lào và Campuchia được miễn thuế xuất khẩu, những mặt hàng sản xuất tại hai nước bạn nhập vào nước ta thì được miễn thuế nhập khẩu.
3. Được ưu tiên cấp giấy phép nhập khẩu theo hợp đồng các loại thiết bị công nghệ mới để đầu tư cho sản xuất, kể cả trường hợp chưa có giấy phép kinh doanh nhập khẩu thường xuyên những ngành hàng đó.
4. Đối với các loại sản phẩm khó xuất khẩu như hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, hàng công nghiệp tiêu dùng, thì được xuất khẩu theo phương thức hàng đổi hàng (nêu khách hàng yêu cầu) và được hưởng mức thuế suất nhập khẩu tối thiểu đối với những lô hàng được phép nhập khẩu.
5. Được ưu tiên xuất khẩu những mặt hàng do các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu tự đầu tư vốn hoặc liên doanh, hợp tác với các cơ sở sản xuất sản xuất ra hoặc gia công.
6. Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu (gạo, cao su, cà phê, gỗ, hải sản) và các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu (xăng dầu, phân bón, sắt thép, bông xơ), ngoài các tổ chức kinh doanh do trung ương quản lý được phép kinh doanh, Bộ Thương nghiệp bàn với các địa phương có sản xuất các mặt hàng này để tập trung đầu mối xuất nhập khẩu ở tỉnh.
Đối với các tổ chức kinh doanh khác đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu có thể xuất, nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu nói trên với điều kiện:
+ Về xuất khẩu:
- Phải có đầu tư, ứng vốn trước cho các cơ sở sản xuất chính ở địa phương có hợp đồng kinh tế dài hạn với sự xác nhận của Uỷ ban Nhân dân tỉnh; hạn ngạch xuất khẩu nằm trong hạn ngạch đã phân bổ cho địa phương có cơ sở liên doanh, hợp tác.
- Giá xuất khẩu những mặt hàng này phải theo sự hướng dẫn của Bộ Thương nghiệp.
+ Về nhập khẩu:
- Hàng nhập về phục vụ sản xuất của địa phương, ngành thì phải bán cho các đơn vị được phép kinh doanh nội địa các mặt hàng đó, không bán cho tư nhân.
- Phải có khả năng thanh toán hàng nhập khẩu và phải theo sự hướng dẫn của Bộ Thương nghiệp về giá nhập khẩu.
7. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu liên doanh hợp tác với các đơn vị sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và với khách hàng lớn ở nước ngoài. Nếu các tổ chức tín dụng hùn vốn hoặc mua cổ phần của các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu thì thực hiện theo điều 28 Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính.
8. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu liên kết với các đơn vị sản xuất, tổ chức các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của ta ở nước ngoài, tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước, làm đại lý bán hàng cho nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Thương nghiệp.
III. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT, NHẬP KHẨU
1. Sau khi cân đối khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng (kể cả nhu cầu dự trữ lưu thông từng loại sản phẩm), các Bộ, các ngành, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch xuất, nhập khẩu hàng năm, xác định rõ số lượng hoặc trị giá những mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu.
Trên cơ sở đó, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Thương nghiệp cân đối và tổng hợp, trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kế hoạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ nhiệm Bộ trưởng Bộ thương nghiệp công bố danh mục hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu; mặt hàng tạm ngừng xuất khẩu, mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch. Khuyến khích xuất khẩu tối đa những mặt hàng ngoài danh mục hàng cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu và hàng xuất khẩu quản lý bằng hạn ngạch.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính kịp thời trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng những điểm bổ sung điều chỉnh trong biểu thuế xuất, nhập khẩu theo tinh thần Chỉ thị này.
- Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ giao chỉ tiêu các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm các cân đối cơ bản của nền kinh tế quốc dân và mặt hàng thuộc Hiệp định Chính phủ về giao hàng và trả nợ nước ngoài trên cơ sở Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng các ngành và địa phương đã tính toán chặt chẽ, chính xác. Những chỉ tiêu mà đầu năm 1991, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Thương nghiệp thông báo chỉ là tạm giao nay cần phải điều chỉnh lại theo đúng chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng là gom đầu mối xuất, nhập khẩu, hàng thuộc Hiệp định Chính phủ về giao, nhận hoặc trả nợ nước ngoài thì phải giao cho những tổ chức kinh tế của trung ương có kinh doanh mặt hàng đó. Nếu giao phân tán, xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán làm thiệt hại lợi ích của đất nước thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải chịu trách nhiệm.
- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần bàn thống nhất với Bộ Thương nghiệp và các Bộ quản lý sản xuất trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phê duyệt tổng hạn ngạch những mặt hàng quản lý xuất, nhập khẩu bằng hạn ngạch.
- Sau khi Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phê duyệt, Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phân bổ hạn ngạch xuất, nhập khẩu, kể cả những hàng lâm sản cho các Bộ, các ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, bảo đảm đúng đối tượng, phục vụ việc mở rộng sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Nếu để xảy ra tình trạng mua bán hạn ngạch (quota) dưới bất kỳ hình thức nào thì Bộ Thương nghiệp và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải chịu trách nhiệm.
- Đối với những mặt hàng xuất, nhập khẩu khác, Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ liên quan, căn cứ quan hệ cung cầu của thị trường từng thời kỳ và yêu cầu bảo vệ sản xuất trong nước để xem xét, kịp thời chấp thuận kế hoạch đăng ký xuất, nhập khẩu của các ngành và địa phương.
2. Việc tiêu thụ sản phẩm của các xí nghiệp có nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh hợp tác thì phải theo đúng giấy phép đầu tư đã cấp. Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cùng Bộ Thương nghiệp hướng dẫn việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu đối với các xí nghiệp liên doanh đầu tư; nghiêm cấm việc mang danh nghĩa góp vốn đầu tư, liên doanh để đưa các mặt hàng cấm nhập, hạn chế nhập và hàng nhập có hạn ngạch vào tiêu thụ trái phép.
3. Việc thanh toán tiền hàng xuất, nhập khẩu và các loại dịch vụ thu ngoại tệ đều phải thông qua các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ và chấp hành đúng chế độ quản lý ngoại tệ của Nhà nước.
4. Tất cả các đơn vị kinh tế chỉ được kinh doanh xuất, nhập khẩu sau khi Bộ Thương nghiệp cấp giấy phép. Giấy phép này có giá trị kinh doanh thường xuyên. Các đơn vị kinh tế phải đóng lệ phí khi được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu. Mức lệ phí do Bộ Thương nghiệp và Bộ Tài chính xây dựng trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quyết định.
Các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, tự chủ về tài chính. Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm thường xuyên thông báo giá mua, giá bán trên thị trường quốc tế và hướng dẫn giá xuất khẩu tối thiểu, giá nhập khẩu tối đa một số mặt hàng chủ yếu.
Giao Bộ Thương nghiệp xây dựng Quy chế quản lý hợp đồng xuất, nhập khẩu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt trước khi ban hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Bộ Thương nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo Nghị định số 387-HĐBT ngày 9 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng bộ trưởng, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các tổ chức kinh doanh thuộc Bộ, chấn chỉnh tổ chức quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan khác hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc bản Quy định này.