Quyết định số 26/QĐ.UB ngày 28/01/1991 Về tổ chức quản lý thống nhất ngân sách địa phương tập trung ở cấp Tỉnh An Giang (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 26/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 28-01-1991
- Ngày có hiệu lực: 28-01-1991
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2803 ngày (7 năm 8 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-10-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/QĐ.UB | Long Xuyên, ngày 28 tháng 01 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỐNG NHẤT NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẬP TRUNG Ở CẤP TỈNH.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 11 tháng 7 năm 1989;
- Căn cứ NQ Hội nghị BCH Tỉnh Đảng bộ số 14-NQ.TU ngày 16/10/90 về tình hình nhiệm vụ năm 1991;
- Căn cứ QĐ số 05-QĐ.UB ngày 15/1/1991 của UBND Tỉnh An Giang về tổ chức bộ máy cấp Huyện;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về “tổ chức quản lý thống nhất ngân sách địa phương tập trung ở cấp Tỉnh”.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với nội dung bản quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3.- Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan triển khai tốt việc tổ chức quản lý thống nhất ngân sách địa phương tập trung ở cấp Tỉnh.
Điều 4.- Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở, thủ trưởng các cơ quan ban ngành, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỐNG NHẤT NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TẬP TRUNG Ở CẤP TỈNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26-QĐ.UB ngày 28/1/1991 của UBND Tỉnh An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Nay tổ chức quản lý thống nhất ngân sách địa phương tập trung ở cấp Tỉnh, UBND Tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm điều hành và quản lý thống nhất toàn bộ ngân sách địa phương.
Cấp Huyện, Thị xã nay chuyển thành cấp dự toán ngân sách, không thực hiện chức năng quản lý ngân sách địa phương.
Điều 2.- Sở Tài chính - Vật giá là cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm và thực hiện chức năng giúp UBND Tỉnh chị đạo, điều hành việc lập kế hoạch, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý thống nhất chi ngân sách địa phương trên địa bàn toàn Tỉnh.
Điều 3.- Cục thuế Nhà nước quản lý thống nhất thu các loại thuế và thu khác của ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn Tỉnh. Trừ thuế xuất nhập khẩu mậu dịch và phi mậu dịch do cơ quan Hải quan Tỉnh quản lý thu.
Riêng các khoản thu sự nghiệp, lệ phí, hóa giá tài sản... thuộc thu khác của ngân sách Nhà nước tạm thời giao cho ngành Tài chính quản lý thu theo sự thỏa thuận giữa Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và Cục trưởng Cục thuế.
Điều 4.- Việc lập kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm được tiến hành từ cơ sở theo ngành và theo địa bàn từng Huyện, thị xã. Sở Tài chính -Vật giá tổng hợp kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm báo cáo và thông qua HĐND Tỉnh và Bộ Tài chính.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5.- Việc lập kế hoạch và giao kế hoạch ngân sách địa phương:
1- Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm: hướng dẫn các ngành, các Huyện, Thị xã lập kế hoạch ngân sách hàng năm, tổng hợp và thông qua hội nghị HĐND Tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính về kế hoạch ngân sách năm của Tỉnh.
2- Căn cứ quyết định của HĐBT hoặc Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội nghị HĐND Tỉnh về kế hoạch ngân sách Nhà nước, UBND Tỉnh ra quyết định thu chi ngân sách địa phương cả năm.
3- UBND Tỉnh ủy nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá giao kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước hàng quý cho từng ngành, từng địa bàn Huyện, Thị xã.
4- Kế hoạch vốn XDCB hàng quý do Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Tỉnh thông báo trên cơ sở cân đối và thống nhất với kế hoạch ngân sách Nhà nước.
Điều 6.- Về cấp phát ngân sách địa phương:
Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá trực tiếp chịu trách nhiệm về tổ chức quản lý cấp pháp ngân sách địa phương như sau:
1- Vốn đầu tư XDCB: tập trung cấp pháp cho các chủ công trình là các cơ quan đơn vị cấp Tỉnh đã được UBND Tỉnh xét duyệt và thông báo hàng quý của UB Kế hoạch Tỉnh.
2- Cấp phát chi thường xuyên: tập trung qua đầu mối các Sở, ban ngành cấp Tỉnh kể cả trợ cấp kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang, hệ Đảng và kinh phí sự nghiệp để Sở chủ quản thực hiện các chương trình mục tiêu theo kế hoạch đã được duyệt.
Các trường hợp sau đây do Sở Tài chính - Vật giá cấp phát qua Phòng Tài chính Huyện, Thị xã:
a) Lương, phụ cấp lương, kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan đơn vị thuộc các ngành Giáo dục, Y tế, Văn hóa thông tin cấp Huyện, Thị xã.
b) Kinh phí chi thường xuyên cho công tác quản lý Nhà nước của HĐND, Văn phòng UBND và các cơ quan trực thuộc UBND cấp Huyện, Thị xã.
Điều 7.- Cá bộ kỹ thuật nghiệp vụ các ngành, cán bộ hệ Đảng, Mặt trận, đoàn thể, công an, du kích xã, phường, thị trấn do cơ quan chủ quản cấp Tỉnh hoặc cấp Huyện, Thị xã quản lý cấp phát trợ cấp theo chế độ định suất hoặc trả lương theo hợp đồng. Không đưa vào biên chế, trừ công an Phường và cán bộ trong biên chế do cấp trên biệt phái.
Điều 8.- Các Sở, ban ngành cấp Tỉnh và Phòng Tài chính cấp Huyện, Thị xã là đơn vị dự toán cấp I của Sở Tài chính - Vật giá.
Các đơn vị dự toán cấp II sẽ do Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá và Trưởng ban Tổ chức chính quyền Tỉnh bàn bạc và thỏa thuận cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tất cả các đơn vị dự toán bắt buộc phải đăng ký mở tài khoản để giao dịch về kinh phí với cơ quan tài chính tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 9.- Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp có thu (lệ phí, học phí, viện phí, thu sự nghiệp, thu hóa giá tài sản...) thực hiện chế độ thu đủ, chi đủ xóa bỏ chế độ gán thu bù chi.
Điều 10.- Các đơn vị dự toán có trách nhiệm lập dự toán và báo cáo quyết toán hàng quý, hàng năm với Sở Tài chính - Vật giá theo quy định của Pháp luật.
Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn, có sự đối chiếu xác nhận của Kho bạc để báo cáo thông qua Hội nghị HĐND Tỉnh và Bộ Tài chính xét phê chuẩn.
Điều 11.- Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành về quản lý ngân sách Nhà nước, kiểm soát việc chấp hành ngân sách Nhà nước và quản lý tiền mặt, đồng thời đáp ứng kịp thời và thuận tiện việc chi trả lương, kinh phí cho hoạt động của các cơ quan đơn vị trên địa bàn Tỉnh.
Điều 12.- Sở Tài chính – Vật giá, hệ thống Kho bạc và các cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành phải chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý sử dụng tiền mặt, pháp lệnh kế toán thống kê và các văn bản pháp luật khác trong tất cả các khâu lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.- Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế và hệ thống Kho bạc Nhà nước phải soạn thảo các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cấp, các ngành thuộc phạm vi quản lý của Tỉnh An Giang thống nhất chấp hành đầy đủ các quy định của bản Quy định này.
Điều 14.- Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm báo cáo thường kỳ về toàn bộ hoạt động, tổ chức và quản lý thống nhất ngân sách địa phương tập trung ở cấp Tỉnh trước UBND Tỉnh.