cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 170/QĐ.UB ngày 21/09/1990 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Ban hành quy chế tạm thời về chức năng, nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế Thương nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 170/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 21-09-1990
  • Ngày có hiệu lực: 21-09-1990
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2932 ngày (8 năm 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-10-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-10-1998, Quyết định số 170/QĐ.UB ngày 21/09/1990 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Ban hành quy chế tạm thời về chức năng, nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế Thương nghiệp (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1992/1998/QĐ.UB ngày 01/10/1998 Về chấm dứt hiệu lực pháp lý 152 văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ năm 1990 đến năm 1996 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 21 tháng 9 năm 1990

 

QUYẾT - ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUẢN LÝ VỀ MẶT NHÀ NƯỚC TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ THƯƠNG NGHIỆP.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 11/7/1989;

- Căn cứ chức năng hoạt động kinh tế nội thương và ngoại thương theo Nghị định 35-CP ngày 09/02/1981 quy định cho Bộ Nội thương và Nghị định 97-HĐBT ngày 01/6/1988 quy định cho Bộ kinh tế - đối ngoại.

- Để đẩy mạnh hoạt động kinh tế thương nghiệp trong tỉnh, góp phần phục vụ tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh.

QUYẾT - ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy chế tạm thời về chức năng, nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế thương nghiệp”.

Điều 2.- Giao nhiệm vụ cho Sở Thương nghiệp (trên cơ sở hợp nhất 2 Sở Thương nghiệp và Sở Kinh tế Đối ngoại) hướng dẫn các ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện.

Điều 3.- Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc các Công ty, xí nghiệp trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Khánh

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUẢN LÝ VỀ MẶT NHÀ NƯỚC TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ THƯƠNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo quyết định số: 170/QĐ.UB ngày 21 tháng 09 năm 1990 của UBND Tỉnh)

Theo quyết định số 227/QĐ.UB.TC ngày 06/8/90 của UBND Tỉnh về việc thành lập Sở Thương nghiệp (trên cơ sở hợp nhất 2 Sở Thương nghiệp và Sở Kinh tế Đối ngoại. Trong khi chờ đợi hướng dẫn của HĐBT, nay UBND Tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thương nghiệp như sau:

A- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA SỞ THƯƠNG NGHIỆP:

I- Chức năng:

- Sở Thương nghiệp là cơ quan chuyên môn của UBND Tỉnh, có chức năng giúp UBND Tỉnh quản lý hành chánh Nhà nước đối với mọi hoạt động Thương nghiệp bao gồm các lĩnh vực:

Kinh doanh vật tư, hàng tiêu dùng, dịch vụ dân dụng, ăn uống công cộng, xuất nhập khẩu, về hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước, quản lý thị trường đối với các thành phần kinh tế trên địa bàn lãnh thổ tỉnh.

- Sở Thương nghiệp chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra về các hoạt động thương nghiệp, hợp tác và đầu tư theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương của Bộ Thương nghiệp và Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

II- Nhiệm vụ:

1- Sở Thương nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo lưu chuyển hàng hóa, kinh doanh thương nghiệp, quản lý thị trường, quản lý các mặt hoạt động kinh tế nội thương và ngoại thương của tỉnh, cùng với các ngành có chức năng nghiên cứu, giao dịch trong nước và với nước ngoài, mở rộng các mặt công tác đối ngoại như: Xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư của nước ngoài và các dịch vụ thu ngoại tệ khác v.v... nhằm phục vụ cho yêu cầu kinh tế chiến lược của tỉnh.

2- Sở Thương nghiệp phối hợp chặt chẽ với các ngành, các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, xây dựng các chương trình mục tiêu chiến lược, các kế hoạch lưu chuyển hàng hóa, kế hoạch xuất nhập khẩu trên cơ sở quan hệ cung cầu, chuẩn bị các phương án đầu tư thích hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh. Đồng thời đề xuất các chủ trương chính sách, các biện pháp quản lý kế hoạch phát triển cân đối với nền kinh tế chung của tỉnh, đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.

3- Tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế thực hiện các chủ trương, chính sách về hoạt động Thương nghiệp, dịch vụ và quản lý thị trường tại địa phương. Hướng dẫn và quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu về hợp tác và đầu tư đối với các ngành, các huyện, thị xã, các đơn vị kinh tế nhằm tập trung nguồn hàng, không ngừng mở rộng thị trường xuất nhâậ khẩu cả hai khu vự. Đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế trong tỉnh quan hệ tiếp xúc với nước ngoài và tiếp cận thị trường thế giới.

4- Hướng dẫn xây dựng và xem xét các hợp đồng kinh tế, các đề án, các luận chứng kinh tế - kỹ thuật để trình UBND Tỉnh quyết định và báo cáo với Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Thương nghiệp, Hội đồng Bộ trưởng cho phép thực hiện.

Giúp UBND Tỉnh quyết định việc cử cán bộ đi tham quan, nghiên cứu, học tập và hợp tác kinh tế với các Công ty nước ngoài, cũng như việc mời các công ty nước ngoài vào có liên quan đến mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế của tỉnh.

5- Phối hợp với các ngành, các địa phương tham gia đề xuất các chủ trương, chính sách, chế độ đối với các hoạt động về Thương nghiệp và thị trường của các thành phần kinh tế, về hợp tác và đầu tư theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tế tình hình của tỉnh đế báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Đồng thời có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

6- Thực hiện thanh tra, kiểm tra mọi hoạt động của các tổ chức kinh doanh thương nghiệp tại địa phương và chất lượng hàng hóa và đo lường theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước đối với các đối tượng kinh doanh.

Giúp UBND Tỉnh tổ chức việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và kiểm tra việc thực hiện. Phân bổ và kiểm tra việc sử dụng quota và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cho các đơn vị được Bộ Thương nghiệp cho phép, kiểm tra việc thực hiện các ký kết hợp tác và đầu tư theo quy định của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.

Đồng thời, kiểm tra về việc phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động xuất nhập khẩu, bến cảng, giúp các đơn vị này thực hiện quyền tự chủ kinh doanh đúng pháp luật của Nhà nước.

7- Nghiên cứu các chế độ quản lý tài sản vật tư tiền vốn, lao động, các định mức kinh tế - kỹ thuật được Trung ương và UBND Tỉnh ban hành để hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện tốt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

Tham gia quản lý các nguồn ngoại tệ, hoạt động ngoại hối và sử dụng nguồn ngoại tệ của tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao.

8- Phối hợp Sở Tài chính - Vật giá và các ngành liên quan để giúp UBND Tỉnh tiếp nhận, quản lý phân phối, và sử dụng đúng yêu cầu và có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế (kể cả việc trợ nhân đạo).

9- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới thương nghiệp XHCN. Tham gia ý kiến và hướng dẫn, đề xuất về kế hoạch đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ đối với lĩnh vực kinh tế đối ngoại, hợp tác và đầu tư, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh. Quản lý trực tiếp những cán bộ theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

10- Tổng hợp định kỳ các báo cáo kết quả hoạt động kinh tế thương nghiệp và hợp tác đầu tư trong toàn tỉnh, trên cơ sở mở rộng thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật trong nước và ngoài nước.

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc ngành định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh thương nghiệp trong tỉnh, động viên khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích tốt, chống mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành, kịp thời khắc phục những yếu kém, phát huy kết quả các mặt hoạt động kinh tế thương nghiệp và hợp tác đầu tư, nhằm thúc đẩy phát triển thuận lợi và có hiệu quả cao.

B- HỆ THỐNG TỔ CHỨC NGÀNH VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA SỞ THƯƠNG NGHIỆP:

I- Tổ chức bộ máy Sở Thương nghiệp:

Sở Thương nghiệp do một Giám đốc điều hành, giúp việc có 2 – 3 phó Giám đốc chỉ đạo từng phần việc do Giám đốc phân công.

Giám đốc chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh và Bộ Thương nghiệp Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn ghi ở mục II phần A.

Trong phạm vi quyền hạn được giao và căn cứ vào các chính sách, chế độ, quy định của Nhà nước, của Bộ Thương nghiệp, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư và của UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Thương nghiệp được ra các quyết định, văn bản cho các tổ chức kinh doanh Thương nghiệp, các đơn vị hợp tác đầu tư liên doanh liên kết trong quốc doanh và ngoài quốc doanh trong tỉnh thực hiện.

Bộ máy Văn phòng Sở Thương nghiệp tùy theo yêu cầu mà tổ chức thành 1 số bộ phận giúp việc cho Ban Giám đốc Sở điều hành các mặt công việc.

II- Mối quan hệ giữa Sở Thương nghiệp với các đơn vị kinh doanh thương nghiệp và các phòng thương nghiệp huyện, thị xã:

1- Giám đốc các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm bằng văn bản kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị cho Giám đốc Sở Thương nghiệp theo chế độ báo cáo thống kê - kế toán hiện hành. Đảm bảo đạt hiệu quả kinh doanh hàng năm, làm tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

2- Các phòng thương nghiệp huyện, thị xã là cơ quan cấp dưới thuộc hệ thống ngành của Sở Thương nghiệp, chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Sở Thương nghiệp và sự quản lý Nhà nước của UBND huyện, thị xã.

Trưởng phòng thương nghiệp chịu trách nhiệm thi hành các quyết định, văn bản chỉ đạo đạo của Giám đốc Sở Thương nghiệp về quản lý ngành, về kỹ thuật - nghiệp vụ, và chấp hành chế độ hội họp, báo cáo định kỳ kết quả hoạt động kinh doanh thương nghiệp, về tình hình thị trường và các vấn đề phát sinh trong kinh doanh của Thương nghiệp trong quốc doanh và ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện, thị xã, để Sở Thương nghiệp có những hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời.

III- Quan hệ với các cơ quan ngang Sở:

Sở Thương nghiệp quan hệ với các Sở, Ban, ngành khác cấp tỉnh trên cơ sở bình đẳng, đồng cấp, với tinh thần phối hợp hỗ trợ cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được Ủy ban nhân tỉnh giao.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH